(HBĐT) - Tỉnh Hoà Bình có trên 63% dân số là người dân tộc Mường. Với việc gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo, cộng đồng người Mường cùng chung sức bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể tiếng nói và chữ viết của dân tộc. Trạng thái song ngữ được duy trì tốt trong cộng đồng. Nếu trong giao tiếp ngoài xã hội, bà con sử dụng tiếng dân tộc Kinh thì trong sinh hoạt gia đình thường dùng tiếng nói dân tộc Mường.


Học viên lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường khóa I - năm 2023 trao đổi và làm bài tập thực hành.

Năm 2016, tỉnh xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng bộ chữ viết dân tộc Mường. Đây là dấu mốc quan trọng của dân tộc Mường gắn với lịch sử xây dựng và phát triển của tỉnh. Bộ chữ ra đời đáp ứng sự mong mỏi của nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, trở thành niềm tự hào của cộng đồng. Xây dựng trên cơ sở chữ quốc ngữ, bộ chữ vẫn giữ được bản sắc ngôn ngữ văn hóa của tiếng Mường. Ngay khi được đưa vào sử dụng rộng rãi, bộ chữ đã giúp con em dân tộc Mường học và sử dụng tiếng Mường để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn), sự ra đời của bộ chữ viết dân tộc Mường có vai trò quan trọng lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể mo Mường, bởi chỉ có chữ viết mới có thể ghi lại mo Mường một cách chính xác, đầy đủ và khoa học. Từ bản ghi chính thức này, mo Mường được dịch sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác phục vụ cho việc lập hồ sơ khoa học về mo Mường. Bên cạnh đó, tiếng Mường khẳng định tính trường tồn cùng vốn văn hóa dân tộc Mường, trong những làn điệu dân ca, hát đối, thường rang, bộ mẹng...

Có thực tế là hiện nay còn một bộ phận con em người Mường sống ở trung tâm thành phố, huyện lỵ không nghe, không nói được tiếng Mường. Không ít cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân vận, phong trào của tỉnh không biết tiếng dân tộc Mường nên khó khăn khi tiếp xúc với bà con. Triển khai thực hiện Quyết định số 1349/QĐ-UBND, ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án "Dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035”; Kế hoạch số 118/KH-UBND, ngày 27/10/2016 của UBND tỉnh về việc triển khai ứng dụng Bộ chữ dân tộc Mường tạitỉnh Hòa Bình, nhiều địa phương trong tỉnh như: Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi... đã mở lớp học chữ viết và tiếng dân tộc Mường.

Năm 2023, Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình đã mở lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức. Việc dạy tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành công việc, đồng thời góp phần tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào được hiệu quả hơn. Anh Đỗ An, học viên lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường khóa I chia sẻ: Thông qua việc học nói, học chữ trên lớp trang bị cho tôi khả năng sử dụng tiếng nói, chữ viết, có thể giao tiếp bằng tiếng Mường. Không chỉ giúp ích cho công việc hiện tại, sau này mà khóa học còn giúp tôi hiểu thêm phong tục tập quán, văn hóa dân tộc Mường.

Theo kế hoạch năm 2024 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường giai đoạn I cho 2.500 cán bộ, công chức, viên chức; 2.500 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên; tổ chức hội thảo đánh giá tài liệu tiếng Mường cho sinh viên cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình. Việc đẩy mạnh truyền dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường nhằm phục vụ tích cực công tác tuyên truyền, vận động đồng bào phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mường. Cùng với đó, tỉnh chú trọng tuyên truyền, vận động cộng đồng gìn giữ tiếng Mường, duy trì tiếng Mường qua những bài hát dân ca...


Bùi Minh

Các tin khác


Gìn giữ nghệ thuật tạo hoa văn cạp váy dân tộc Mường Hòa Bình

(HBĐT) - Trong sinh hoạt và lao động sản xuất, người Mường ở Hòa Bình đã sáng tạo, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa riêng biệt. Một trong những yếu tố tạo nên sự độc đáo của văn hóa Mường là trang phục truyền thống và nghệ thuật trang trí hoa văn trên cạp váy.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám lung linh, kỳ ảo trong tour du lịch đêm

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở nên lung linh, kỳ ảo khi được ứng dụng công nghệ ánh sáng, công nghệ 3D Mapping để giới thiệu về vẻ đẹp di tích, về đạo học của dân tộc qua tour du lịch đêm với chủ đề "Tinh hoa đạo học”.

Xã Nhân Mỹ xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư

(HBĐT) - Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng uỷ, chính quyền xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) luôn chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đời sống văn hoá của người dân. Thông qua phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, tạo bước chuyển tích cực trong xây dựng nếp sống văn minh, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bảo tồn và phát huy giá trị nền Văn hóa Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là vùng đất cổ, nơi có cư dân cư trú từ rất sớm. Văn hoá Hoà Bình - văn hoá thời đại đá có niên đại từ 18000 - 7000 năm cách ngày nay, do bà Madeleine Colani - nữ khảo cổ học người Pháp phát hiện năm 1926. Năm 1932, tại Hội nghị Tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội, thuật ngữ "Văn hoá Hoà Bình” được cả thế giới công nhận. Hội nghị đã thông qua và thống nhất lấy thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình” do bà Madeleine Colani đưa ra để đặt tên cho nền văn hoá này.

Liên hoan nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số huyện Lạc Sơn năm 2023

(HBĐT) - Ngày 26/10, huyện Lạc Sơn tổ chức Liên hoan nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số năm 2023.

Tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống 

(HBĐT) - Sáng 22/10, tại Cung văn hóa tỉnh diễn ra cuộc thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh các trường dân tộc nội trú (DTNT) trên địa bàn tỉnh, cụm 2.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục