Đã thành thông lệ, thời điểm này không khí đón Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông huyện Mai Châu đã rộn ràng. Trong những căn nhà nép mình bên lưng núi, trên các bản làng đầy ắp tiếng cười và lời chúc nhau năm mới nhiều may mắn. Năm nay đời sống ấm no nên bà con đón Tết thêm phần rộn rã.


Người dân xã Hang Kia (Mai Châu) chuẩn bị giấy dán quanh nhà, coi như lá bùa phù hộ cho gia đình năm mới sức khỏe, may mắn, phát đạt.

Theo phong tục truyền thống, đồng bào Mông đón Tết cổ truyền trước Tết Nguyên đán 1 tháng. Đó là lúc bà con nghỉ ngơi sau khi lúa, ngô đã thu hoạch. Cùng Bí thư Đảng ủy xã Hang Kia chúng tôi tới xóm Thung Ẳng đón Tết cùng bà con. Xóm cách trung tâm xã chừng 15 km, toàn xóm có 124 hộ, 100% là dân tộc Mông. Đồng bào Mông nơi đây đón Tết theo dòng họ, mỗi dòng họ tổ chức phần lễ theo từng ngày khác nhau, nên thời gian ăn Tết của mỗi dòng họ có sự chênh lệch. 

Trong căn nhà vững chãi nằm lưng chừng núi, gia đình anh Vàng A Tếnh, xóm Thung Ẳng tất bật chuẩn bị rượu, thịt để tiếp đãi anh em, họ hàng. Năm nay gia đình có của ăn, của để nên quyết định mổ lợn ăn Tết, mấy người anh em ở tận xóm xa cũng đến từ sớm để giúp gia đình. Chỉ một lúc con lợn 80 kg được xẻ thịt xong. Gia đình chuẩn bị 6 mâm cơm tươm tất đãi khách, số thịt lợn còn lại được ướp muối treo gác bếp sử dụng dần. Nếu như năm trước chỉ có vài đĩa thịt mua ở chợ cùng ít bánh ngô, mèn mén và rượu thì năm nay, đời sống được nâng cao nên bữa ăn cũng có nhiều thay đổi. Mâm cơm nhà anh Tếnh có đến cả chục món ăn, thịt lợn được chế biến thành nhiều món, bánh giày thay bằng xôi nếp, chén rượu ngô uống vơi rồi lại đầy. Năm nay đón nhiều khách nên gia đình anh vui hơn hẳn, bởi theo quan niệm, ngày Tết   nhà nào có nhiều khách đến chơi nhà ấy sẽ gặp nhiều may mắn. Bữa ăn ngày Tết của người Mông không phân biệt đàn ông hay phụ nữ, già, trẻ, gái, trai đều ngồi ăn chung. Sau một năm làm lụng vất vả, đây là thời gian để anh em gặp gỡ, kể cho nhau nghe về tình hình đời sống gia đình và chúc nhau năm mới nhiều may mắn.

Sau khi uống cạn chén rượu mời khách, anh Vàng A Tếnh chia sẻ: "Mấy năm trước còn khó khăn nên nuôi được con lợn, con bò không dám mổ. Mặc dù đã thoát nghèo nhưng đến năm nay mới có điều kiện mổ lợn đón Tết. Trong xóm cũng có nhiều nhà mổ lợn nên vui lắm”.

Trong những ngày Tết cổ truyền, trẻ em theo bố mẹ đến các gia đình chúc Tết; thanh niên xúng xính trong bộ quần áo mới trẩy hội trên những con đường quanh bản làng, chơi những trò chơi truyền thống. Đây cũng là dịp để các đôi trai gái tỏ tình, có nhiều cặp đã nên duyên vợ chồng. Ngay trước cổng vào UBND xã Hang Kia chúng tôi gặp một nhóm thiếu nữ đang chơi tung còn - trò chơi truyền thống của đồng bào Mông. Những nụ cười giòn tan như xua đi giá lạnh miền sơn cước. Ngại ngùng khi thấy khách lạ nhưng sau một lúc làm quen, em Hàng Thị Múa, xóm Hang Kia cho biết: Nhóm bạn chơi đều học cùng trường của xã. Có nhà đã ăn Tết có nhà chưa nhưng hẹn nhau từ trước để đi chơi Tết cùng nhau. Các trường học trên địa bàn xã đã tạo điều kiện cho học sinh nghỉ học đón Tết cùng gia đình và sẽ học bù sau khi ăn Tết xong.

Một ngày vui đón Tết cùng bà con người Mông làm chúng tôi ấm lòng khi thấy đời sống của người dân ngày một ấm no. Trên đường trở về, trong màn sương dày và cái rét ngọt ngày giữa đông cũng không cảm thấy lạnh, bởi đồng bào Mông nơi đây không còn nhiều gia đình phải sợ đói khi Tết về.

Hoàng Anh 
(Thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu)


Các tin khác


Đầu tư trọng tâm, đưa giá trị văn hóa Việt ra thế giới

Các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam như thời trang, trò chơi điện tử, phim hoạt hình, truyện tranh ngày càng được bạn bè quốc tế biết đến và yêu thích. Điều đó cho thấy tài năng sáng tạo của người Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra "biển lớn”.

Phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam để phát triển bền vững đất nước

Văn hóa các dân tộc Việt Nam là nguồn lực phát triển đất nước và nguồn lực ấy hiện còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, cần phải thay đổi nhận thức, thiết lập chiến lược, chính sách để khai thác hiệu quả nguồn lực này.

Bình xét danh hiệu văn hóa cần đi sâu vào thực chất

Trong những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được xác định là phong trào quần chúng rộng lớn, giúp xây dựng con người văn hóa, cộng đồng văn hóa, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong đó, việc xây dựng "gia đình văn hóa”, "làng văn hóa"... được lan tỏa sâu rộng đến từng xóm, tổ dân phố và từng gia đình. Qua phong trào, nhiều gia đình trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Giới thiệu một số ca khúc mới viết về Hà Nam

Nhân kỷ niệm 27 năm Ngày tái lập tỉnh (1/1/1997 - 1/1/2024), tối 3/1, Tỉnh ủy Hà Nam phối hợp với Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức Chương trình "Giới thiệu một số ca khúc mới viết về Hà Nam”.

Huyện Lương Sơn: Sôi nổi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) được các cấp ủy, chính quyền huyện Lương Sơn triển khai tích cực, có hiệu quả. Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Chương trình nghệ thuật "Chào năm mới 2024”

Tối 31/12/2023, tại sân khấu ngoài trời Trung tâm Văn hoá thành phố, UBND thành phố Hoà Bình tổ chức chương trình nghệ thuật "Chào năm mới 2024”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục