Nghệ thuật múa keng loóng dân tộc Thái, huyện Mai Châu đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023.
Nghệ thuật múa hát dân gian là một phần không thể thiếu trong văn hóa đặc trưng của các dân tộc. Đến nay, các điệu múa, nhạc cụ dân tộc vẫn còn giữ nguyên giá trị trong đời sống tinh thần của đồng bào. Các điệu múa được cải biên, phục dựng tại lễ hội truyền thống, chương trình biểu diễn văn nghệ quần chúng, hội diễn nghệ thuật không chuyên.
Để duy trì và phát triển làn điệu hát khắp của người Thái, xóm Xăm Pà, xã Nà Phòn đã thành lập câu lạc bộ hát khắp để các thành viên thỏa niềm đam mê, có sân chơi lành mạnh. Bà Hà Thị Bích, nghệ nhân khắp Thái, xóm Xăm Pà chia sẻ: "Câu lạc bộ hát khắp không chỉ mang lại ý nghĩa về mặt tinh thần, kết nối cộng đồng mà còn góp phần vào sự nghiệp văn hóa, gìn giữ, phát triển nghệ thuật hát khắp của người Thái, từ đó tìm kiếm những hạt nhân để lưu truyền điệu hát cho thế hệ trẻ”.
Hiện nay, huyện Mai Châu có 183 đội văn nghệ, trong đó, 138 đội có quyết định thành lập của UBND huyện, được hỗ trợ 2 triệu đồng/năm theo quy định, tạo điều kiện cho các đội có kinh phí duy trì hoạt động. Thành viên đội văn nghệ quần chúng tại các bản, xã quy tụ đa dạng thành phần tham gia, từ thanh niên, phụ nữ đến người cao tuổi, đây là nhân tố tích cực góp phần gìn giữ, phát triển nghệ thuật múa dân gian trở thành sản phẩm làm phong phú đời sống tinh thần làng bản. Ở một số xóm, bản phát triển du lịch cộng đồng như bản Lác - xã Chiềng Châu; bản Văn, bản Pom Coọng - thị trấn Mai Châu; bản Bước - xã Xăm Khòe có từ 2 - 5 đội văn nghệ với 15 - 25 thành viên thường xuyên luyện tập, biểu diễn phục vụ khách du lịch. Các đội văn nghệ thường xuyên tổ chức giao lưu, biểu diễn tại các xã, xóm trong huyện, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Bà Hà Kim Chi, xóm Mỏ, xã Chiềng Châu chia sẻ: "Múa hát dân gian các dân tộc vốn được coi là nền tảng của nghệ thuật múa hát nước nhà. Ngày nay, các điệu múa cổ đã được cải biên để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Chất cổ điển được các nghệ nhân khéo léo đan xen vào yếu tố hiện đại để tạo tính hợp thời, vừa gìn giữ vừa phát triển, giúp điệu múa dân gian các dân tộc luôn có sức sống bền vững trong dòng chảy nghệ thuật thời hiện đại”.
Ngoài ra, để nghệ thuật trình diễn dân gian được bảo tồn, phát triển rộng rãi trong cộng đồng, hàng năm, Trung tâm Văn hóa - thể thao và truyền thông huyện phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, hội diễn nghệ thuật quần chúng, tổ chức và phục dựng các lễ hội truyền thống như: lễ hội Gầu Tào của người Mông, Xên Mường của người Thái để đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện được giao lưu văn hóa văn nghệ, thắt chặt thêm tình đoàn kết.
Trong thời gian tới, để bảo tồn nghệ thuật dân gian các dân tộc, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp thì rất cần sự chung tay của mỗi người dân trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc để truyền lại cho thế hệ mai sau. Điều này không chỉ giúp gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Mai Châu đến với du khách trong, ngoài nước.
Khà Hiếu
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)