Những ngày này, mỗi khi ra đường rất dễ bắt gặp những nhóm bạn trẻ, hội chị em hào hứng tạo dáng chụp ảnh Tết trong những tà áo dài thướt tha, bộ váy áo rực rỡ. Để có không gian đẹp, thu hút, phục vụ nhu cầu "check-in” của khách hàng, các điểm du lịch, nhà hàng, trung tâm thương mại, nhất là các quán cafe... trên địa bàn tỉnh đã trang trí những tiểu cảnh bắt mắt với nhiều màu sắc, phong cách khác nhau.
"Concept” chụp ảnh Tết với những mẫu áo dài xưa đang được nhiều chị em hào hứng thực hiện.
Hầu như năm nào gần đến Tết, chị Bùi Thanh Ngọc (phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình) cũng chụp vài tấm ảnh với gia đình, bạn bè làm kỷ niệm, lưu lại tuổi thanh xuân. Khác với mọi năm, chị chọn trang phục và tiểu cảnh đậm nét truyền thống cổ xưa để chụp ảnh Tết năm 2024. Chị Ngọc chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trong thời bình nên tôi và nhiều người không được trải nghiệm Tết cổ truyền đậm nét xưa. Tuy vậy, giờ đây tôi vẫn có thể lưu giữ nét đẹp truyền thống đó qua những bức ảnh.
Trước trào lưu và nhu cầu chụp ảnh Tết của người dân ngày càng nhiều, không ít nhà hàng, khách sạn, quán cafe, studio trên địa bàn thành phố đã trang trí, tái hiện không gian đón Tết với nhiều phong cách khác nhau. Chỉ một buổi chiều tại quán cafe, chị Ngọc đã có được bộ ảnh ưng ý. Với chị, được thả hồn trong không gian hoài niệm bên bộ bàn ghế cổ thơm mùi gỗ, những chiếc quạt giấy, bức tranh, thư pháp mang hơi thở thời gian, đôi guốc mộc, mặc trên mình bộ áo dài gấm nhẹ nhàng... dù ngắn ngủi nhưng cũng đem lại cảm giác như đang được đón không khí Tết xưa.
Tết đến gần, không chỉ bạn trẻ, các mẹ bỉm sữa mà nhiều phụ nữ trung niên cũng tranh thủ ghi lại kỷ niệm qua những bức ảnh, làm không khí thêm nhộn nhịp. Các dịch vụ phục vụ trào lưu chụp ảnh Tết trọn gói cũng nở rộ khách từ thuê quần áo, trang điểm, chụp ảnh và sửa ảnh... Anh Đinh Công Trúc, thành viên của Alibaba Media cho biết: Những năm gần đây, xu hướng, phong cách chụp ảnh Tết của người dân ngày càng hướng đến giá trị truyền thống. Bối cảnh chụp ảnh không chỉ có chợ hoa, vườn đào ở Quảng trường Hòa Bình mà còn cả những địa điểm tâm linh như chùa Phật Quang Hòa Bình, hay những nơi gắn với kỷ niệm, ký ức của người Hòa Bình nhiều năm về trước như khu Chuyên gia cũ (phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình), công trình đập Thủy điện Hòa Bình... Khách hàng chủ yếu là các bạn trẻ và phụ nữ trung niên. Năm nay, áo dài là trang phục được nhiều người lựa chọn nhất khi chụp ảnh Tết.
Trào lưu chụp ảnh Tết, nhất là với tiểu cảnh tái hiện Tết xưa đang là một trong những xu hướng được nhiều người ưa chuộng. Nắm bắt được tâm lý này, các nhà hàng, quán cafe đã chú trọng vào trang trí tiểu cảnh Tết sớm từ sau lễ Noel để thu hút khách hàng. Phong cách trang trí Tết cũng trở nên đa dạng, có nơi lựa chọn phong cách hiện đại, có nơi tái hiện lại không khí Tết của thời bao cấp, có nơi thì tái hiện không gian mang đậm nét văn hóa, Tết cổ truyền xưa với hình ảnh cặp bánh chưng xanh, nón lá, câu đối đỏ, cành đào hồng, bộ bàn ghế tre... Mỗi tiểu cảnh đều có nét đặc sắc riêng, hấp dẫn thu hút nhiều người dân, đặc biệt là với giới trẻ. Dạo qua một vòng thành phố, một số địa điểm được nhiều người, nhất là các bạn trẻ ưa thích lựa chọn đến chụp ảnh như: Toco Toco Hòa Bình, số 271A, đường đê Đà Giang; Giai Nhân Quán, 319 đường đê Đà Giang (phường Phương Lâm); Sam - tiệm trà bánh, khu dân cư Bắc Trần Hưng Đạo (phường Quỳnh Lâm); nhà hàng 1983, số 103, đường Lê Thánh Tông (phường Tân Thịnh); Vincom Plaza Hòa Bình, Cafe De Paris - An Bình Coffee, Vincom Shophouse (phường Đồng Tiến)...
Giữa lòng phố thị, đan xen với những công trình hiện đại chào đón Xuân mới là những góc tái hiện không gian Tết xưa. Có thể thấy, chụp ảnh ngày Tết để lưu giữ kỷ niệm cũng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống và trở thành nét đẹp văn hóa trong cuộc sống hiện đại. Trào lưu này cũng đưa mọi người đến gần hơn với thiên nhiên, thêm yêu những giá trị đẹp Tết cổ truyền của dân tộc.
Thu Hằng
Là cửa ngõ vùng Tây Bắc, dân số tỉnh Hoà Bình trên 90 vạn người, với 6 dân tộc chính cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 64%. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, nhất là dân tộc Mường với 4 vùng: "nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Những năm qua, các cấp, ngành đã có nhiều giải pháp bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trong tỉnh gắn với phát triển du lịch.
Trong không khí đón Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) đã diễn ra lễ hội Gầu Tào. Đây cũng là lễ hội lớn nhất, được đồng bào Mông mong đợi nhất trong năm.
Ngày 20/1, tại sân vận động xóm Xà Lính, xã Pà Cò (Mai Châu), Đảng ủy, HĐND, UBND 2 xã Pà Cò, Hang Kia tổ chức khai mạc lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông năm 2024.
Ngày 19/1, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tối 18/1, Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 29 năm 2023 do Báo Người Lao động tổ chức diễn ra tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1).