Một năm mới bình an, hạnh phúc và thành công lại về qua các bức thư pháp độc đáo, ấn tượng hình rồng của nhà thư pháp Lê Thiên Lý, viết theo thể "vật điều thư” và "nhân diện thư”.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý viết thư pháp chữ Giáp Thìn hình rồng.
Những ngày giáp Tết, nhiều người tìm đến nhà thư pháp Lê Thiên Lý ở số 8, ngõ Hàng Gà, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng xin chữ về treo Tết và làm quà tặng.
Không chỉ nổi tiếng là kỷ lục gia thực hiện bộ 12 tranh hình bình từ tên Can Chi của các năm 2010 đến năm 2021 bằng nghệ thuật thư họa đầu tiên tại Việt Nam, từng viết 1.000 chữ "Long” trên chiếc đĩa gốm Chu Đậu lớn nhất Việt Nam được trao kỷ lục Guinness thế giới, nhà thư pháp tài hoa còn được biết đến với những bức thư pháp hình linh vật mang đậm dấu ấn sáng tạo của riêng ông là 2 thể thư pháp "nhân diện thư” và "vật điểu thư”.
Thư pháp chữ Giáp Thìn hình rồng.
Rồng đứng đầu trong tứ linh "long, ly, quy, phượng”, biểu tượng cho quyền lực, sức mạnh phi thường, vẻ đẹp hoàn mỹ và hạnh phúc, thịnh vượng. Từ lâu, hình tượng rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý chọn viết thư pháp hình linh vật của năm bằng chữ quốc ngữ theo lối vật điểu thư để mọi người đọc và luận ngay được. Đặc trưng của rồng có thân uốn lượn mềm mại nên dễ tạo hình khi viết thư pháp so với các hình trâu, gà, dê, ngựa…
Chỉ vào bức thư pháp hình rồng, ông Lý lý giải cách sắp xếp các chữ cái trong chữ Giáp Thìn sao cho khéo léo, không khiên cưỡng: chữ Giáp thành đám mây, chữ Thìn thành con rồng, dấu chấm trong chữ i là ông mặt trời, dấu huyền là tia lửa.
Thư pháp chữ Giáp Thìn hình đàn guitar, bác sĩ, máy bay.
Nét độc đáo là làm sao "thổi hồn” để người thưởng ngoạn thấy được nét chữ phóng khoáng mà vẫn giàu thẩm mỹ, mang dấu ấn hội họa. Các họa sĩ vẽ đầu rồng thường kỹ lưỡng từng chi tiết với nhiều mầu sắc, viết thư pháp chỉ dùng mực đen, tốc độ nhanh đòi hỏi bàn tay điêu luyện.
Nét bút uyển chuyển, mềm mại trên những bức thư pháp sinh động, tràn đầy sức sống và sắc xuân, tựa bức tranh hài hòa, bắt mắt, hấp dẫn. Thần thái linh vật rồng vừa kiêu hãnh, uy nghiêm vừa bay bổng, gửi gắm ước vọng xuân mới bình an, nhiều điều tốt đẹp, thăng tiến như thế rồng vươn mình bay lên với sức sống mãnh liệt lôi cuốn người xem.
Ước nguyện năm mới thành công, khoa cử đỗ đạt, mọi việc hanh thông, gặp nhiều may mắn còn thể hiện qua lời chúc đi kèm: "Đón xuân Giáp Thìn, Rồng vút mây xanh, Rồng phun lửa đỏ, Bách sự công thành”. Rồng phun lửa đỏ chầu mặt trời tượng trưng cho ý chí dũng mãnh, khát vọng vươn lên, mang lại sự ấm áp, nhiều niềm vui trong năm mới.
Thư pháp chữ Giáp Thìn hình con chim, ô-tô, con gà, thuyền.
Trí tưởng tượng, sức sáng tạo còn in dấu qua những bức thư pháp viết chữ Giáp Thìn được cách điệu tài tình, biến hóa từ các chữ cái, hiện lên chân thực qua hình những đồ vật gần gũi thân quen trong đời sống, truyền tải nhiều thông điệp.
Chữ lúc là hình con cá, con tôm…mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, sung túc; khi là hình con thuyền, xe máy, ô-tô kỳ vọng năm mới tăng tốc nhiều bứt phá; hình máy bay, con chim cất cánh bay cao, bay xa hay lọ hoa, cây đàn tràn đầy không khí tươi vui, hạnh phúc năm mới…
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý chia sẻ, năm Giáp Thìn 2024, Giáp đứng đầu hàng can, Thìn là rồng - linh vật linh thiêng nhất trong hàng chi của 12 con giáp, hai cái nhất kết hợp kỳ vọng năm mới an khang, thịnh vượng, hạnh phúc ngập tràn, vạn sự như ý…
Bằng lối viết "nhân diện thư”, tức là viết chữ thành hình người, chữ "Giáp Thìn" còn được thể hiện thành hình vận động viên, cầu thủ khát khao chiến thắng, bác sĩ trị bệnh cứu người, các chiến sĩ hải quân, không quân bảo vệ Tổ quốc…
Ông Lý cho biết, Tết Ất Tỵ năm tới sáng tác tiếp thư pháp hình rắn là hoàn thành xong bộ sưu tập thư pháp đặc sắc theo thể "vật điểu thư” và "nhân diện thư” mô tả đủ linh vật trong 12 con giáp biểu trưng cho từng năm.
Theo Báo Nhân Dân
Theo giới thiệu của người bạn đồng niên, anh Bùi Văn Cường (thị trấn Bo, huyện Kim Bôi) lần đầu tiên đặt chân đến Làng Chài thuộc xã Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội) - nơi cách đây 81 năm, tức tháng 2/1943, Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam. Vốn là người yêu thích tìm hiểu về văn hóa Việt Nam nên đối với anh Cường, "Di tích truyền thống an toàn khu Trung ương (T.Ư) Đảng thời kỳ 1941 - 1945" là địa chỉ đỏ không thể không đến.
Xã Tân Pheo (Đà Bắc) là nơi sinh sống lâu đời của người dân các dân tộc: Tày, Dao, Mường… Mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, phong tục độc đáo trong ngày Tết. Đối với người dân tộc Tày, giờ đây tuy cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng bản sắc văn hóa và phong tục đón Tết Nguyên đán của người Tày nơi đây vẫn được gìn giữ và lưu truyền.
Không chỉ có một tình yêu đặc biệt với chiêng Mường, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Tiến Xô ở xóm 168, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) còn là người dành nhiều tâm huyết khơi ngọn lửa đam mê đối với nghệ thuật chiêng Mường trong đời sống cộng đồng.
Ngày 1/2, Tổ chức Good Neighbors International (GNI) Hàn Quốc và Qũy 1% của Tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai tổ chức khánh thành, bàn giao Thư viện cộng đồng Thịnh Lang (TP Hòa Bình).