Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2024 được tổ chức quy mô cấp tỉnh tại xã Phong Phú (Tân Lạc) trong 3 ngày, từ ngày 15 - 17/2/2024 (tức từ ngày 6 - 8 tháng Giêng, năm Giáp Thìn) với sự tham gia của 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động (huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Kim Bôi).
Lễ hội nhằm phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung, văn hoá dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình nói riêng. Phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN trên địa bàn tỉnh. Tổ chức lễ hội cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), mừng Xuân Giáp Thìn. Lễ hội còn nhằm triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường và nền "Văn hoá Hoà Bình” giai đoạn 2023 - 2030. Đồng thời, góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, cổ vũ các tầng lớp Nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất; quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Mường nói riêng và cộng đồng các dân tộc trong tỉnh nói chung đến du khách trong, ngoài nước. Là hoạt động văn hóa, du lịch tạo điểm nhấn để giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo kế hoạch, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2024 có nhiều hoạt động nổi bật. Phần lễ tổ chức nghi lễ cúng thổ công, thổ địa, nghi lễ thờ cúng Thành Hoàng và rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà cùng chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng lễ khai mạc với màn trình tấu chiêng Mường của 500 nghệ nhân. Phần hội đặc sắc với các nội dung: thi trình diễn trang phục dân tộc Mường; trưng bày trại văn hóa, ẩm thực; thi đấu các môn thể thao dân tộc (bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy) và tranh cúp bóng chuyền Khai hạ năm 2024; thi đan lát truyền thống (đan lồng gà, đan rọ đựng trứng), hát đối. Bên cạnh đó là 11 hoạt động trình diễn gồm: trình diễn bản âm, xéc bùa, nghề dệt thổ cẩm dân tộc, làm bánh, cơm lam và các trò chơi dân gian đánh mảng, cướp cờ, bịt mắt đánh trống, đi cà kheo, đánh đu, cầu bập bênh, ném còn... Tại lễ hội còn có các gian trưng bày nông sản, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, văn hoá, du lịch… của các địa phương trong tỉnh và hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm...
Đồng chí Lê Chí Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, Phó Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2024 cho biết: UBND huyện Tân Lạc đã tham mưu và ban hành quyết định thành lập, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ hội; thành lập các tiểu ban giúp việc; ban hành Kế hoạch tổ chức lễ hội. Đồng thời, xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trước, trong và sau lễ hội tại khu vực tổ chức. Chỉnh trang cảnh quan xung quanh khu vực miếu thờ ở xóm Lũy Ải. Tăng cường công tác tuyên truyền, khánh tiết, quảng bá về lễ hội, du lịch, thương mại và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sáng 5/2, Ban Tổ chức Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh năm 2024 đã tổ chức tổng duyệt Chương trình nghệ thuật tại khai mạc Lễ hội. Chương trình nghệ thuật có kết cấu gồm 3 phần. Trong đó, lễ nghi khai mạc có thời lượng 10 phút; màn trình tấu chiêng thời lượng 10 phút và màn nghệ thuật với chủ đề "Âm sắc Bốn Mường” thời lượng 30 phút. Tại buổi tổng duyệt, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Lễ hội đã ghi nhận và đánh giá cao quá trình dàn dựng, công tác chuẩn bị tổ chức chương trình nghệ thuật. Nội dung chương trình đã nêu được những giá trị nổi bật của văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Lễ hội với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc sẽ góp phần tạo không khí phấn khởi, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, kỳ vọng tạo được dấu ấn tốt đẹp với người dân và du khách.
Hương Lan