Nghi lễ rước kiệu tại lễ hội Mường Động năm 2024.
Huyện Kim Bôi có nhiều lễ hội dân gian truyền thống và thường diễn ra vào dịp đầu năm. Nổi bật là Lễ hội Mường Động tại xã Vĩnh Đồng. Lễ hội này được tổ chức vào mồng 8 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ công đức của Vua Cha, Vua Bà, Vua Con, tức hai vợ chồng Vua Hùng, con trai Vua Hùng và tưởng nhớ ông Đinh Công Chinh - Thành hoàng làng. Cầu mong các vị thần phù hộ một năm thuận hòa, no đủ, mùa màng tốt tươi, nhà nhà hạnh phúc. Ngoài phần lễ với các nghi thức truyền thống biểu đạt sự trang nghiêm, thành kính, phần hội diễn ra các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao tạo không gian sinh hoạt văn hóa sôi nổi nhân dịp đầu năm. Do đó, lễ hội được đông đảo nhân dân trong và ngoài địa phương tham gia, chờ đón.
Đồng chí Bùi Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Đồng cho biết: "Để làm tốt công tác chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ trước Tết, xã phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trưởng tiểu ban. Các tiểu ban có trách nhiệm xây dựng kế hoạch riêng để đảm bảo cho lễ hội được diễn ra an toàn, tiết kiệm mang lại niềm phấn khởi cho nhân dân. Về công tác an ninh trật tự, chúng tôi giao Công an xã phối hợp với Công an huyện, lực lượng dân quân không để các đối tượng lợi dụng lễ hội chơi cờ bạc và các hình thức trá hình khác”.
Lễ hội Đình Lập, xã Kim Lập cũng được tổ chức vào mồng 8 tháng Giêng hàng năm, nhằm tưởng nhớ công ơn Thành hoàng làng và những bậc tiền bối đã có công khai khẩn vùng đồi núi hoang sơ trở thành mảnh đất hiền hòa, trù phú cho bà con sinh sống và sản xuất. Bên cạnh lễ rước kiệu truyền thống, lễ hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh đu, đánh mảng… tạo sân chơi bổ ích cho bà con trong xã trước khi bước vào một mùa sản xuất mới. Đồng chí Bùi Văn Lục, Chủ tịch UBND xã Kim Lập chia sẻ: "Để đảm bảo an toàn lễ hội, Đảng ủy, chính quyền xã tăng cường công tác quản lý các hoạt động để người dân vui Xuân, đi hội được an toàn, phấn khởi”.
Theo thống kê, huyện Kim Bôi hiện có 28 di tích và 6 lễ hội truyền thống gắn với các di tích. Để hoạt động dâng hương và tổ chức lễ hội tại các di tích đảm bảo an toàn, văn minh, tiết kiệm, huyện đã tăng cường công tác quản lý và thực hiện nghiêm các quy định hiện hành liên quan đến tổ chức lễ hội. Theo đó, các lễ hội được tổ chức phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán và có sự quản lý chặt chẽ từ chính quyền và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, quan tâm và đầu tư, xây dựng phương án, phương tiện, lực lượng phòng cháy chữa cháy, lực lượng giữ gìn an ninh trật tự tại di tích để đảm bảo an toàn cho người dân, di tích và cảnh quan môi trường.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Để tăng cường công tác quản lý lễ hội, ngay từ đầu quý IV/2023, Phòng Văn hoá - Thông tin huyện đã đề nghị các địa phương báo cáo việc tổ chức lễ hội xuân Giáp Thìn 2024 về quy mô, thời gian, địa điểm tổ chức. Việc tổ chức lễ hội phải tạo không khí đón Xuân phấn khởi, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, tuyên truyền và quảng bá giá trị văn hoá truyền thống của địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của các tầng lớp nhân dân.
Các hoạt động lễ hội, dâng hương nhân dịp đầu Xuân năm mới là nét đẹp trong đời sống sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân. Do đó, việc đảm bảo các hoạt động lễ hội, dâng hương tại di tích luôn được địa phương quan tâm với mục tiêu hướng đến các yếu tố văn minh, an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý nhà nước nên việc tổ chức và quản lý các hoạt động lễ hội, dâng hương trên địa bàn huyện Kim Bôi đạt hiệu quả tốt. Các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, tiết kiệm. Qua đó góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp về đất và người Kim Bôi trong lòng du khách thập phương.
Bùi Thoa
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi)