Tiết học trải nghiệm tại nhà sàn trưng bày không gian văn hóa Mường của trẻ Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn (Kim Bôi).
Một ngày cuối tháng 3/2024, chúng tôi đến trường đúng lúc các cháu lớp 5 tuổi tham gia hoạt động trải nghiệm tại nhà sàn trưng bày không gian văn hóa Mường trong khuôn viên sân trường. Không gian mô hình nhà sàn của người Mường thu nhỏ với diện tích khoảng 21m2, được trưng bày đầy đủ các vật dụng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất, nhạc cụ truyền thống... đã thu hút, kích thích sự tò mò của trẻ mỗi khi được cô giáo giới thiệu. Được biết, mỗi tuần trẻ có 2 tiết học luân phiên trong không gian mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Mường. Ngoài hướng dẫn trẻ khám phá không gian văn hóa, nét đặc trưng cuộc sống thường ngày của người Mường, vui chơi nhiều trò chơi dân gian, giáo viên còn lồng ghép dạy các kỹ năng cho trẻ.
Cô giáo Bùi Thị Lĩnh, giáo viên Trường mầm non Bắc Sơn chia sẻ: Mỗi tiết học trải nghiệm tại nhà sàn trưng bày không gian văn hóa Mường giúp trẻ phát triển đồng thời nhiều kỹ năng như nhận biết, giao tiếp, khám phá, tìm hiểu… Hầu hết trẻ là dân tộc Mường nên khi được giới thiệu về các phong tục tập quán hay tổ chức chơi trò chơi dân gian các cháu đều rất hào hứng tham gia. Các bé gái thích mặc những bộ váy Mường đến trường, thích được tập đánh chiêng”.
Trường mầm non Bắc Sơn có 2 điểm trường, mô hình nhà sàn trưng bày không gian văn hóa Mường được xây dựng với kinh phí gần 20 triệu đồng đặt tại điểm trường chính thuộc xóm Hồi Trám, xã Hùng Sơn. Để xây dựng mô hình, nhà trường đã vận động phụ huynh đóng góp nguyên vật liệu sẵn có như: tre, nứa và ngày công lao động. Ban giám hiệu tuyên truyền, vận động phụ huynh các nhóm, lớp đóng góp đồ chơi, vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động trang trí nhà trưng bày phục vụ việc học tập của con em. Bà Bùi Hồng Nhung, phụ huynh học sinh Trường mầm non Bắc Sơn cho biết: "Cuộc sống hiện đại con trẻ ít biết về trò chơi dân gian như ném còn, đánh đáo, múa sạp hay đánh chiêng. Trang phục dân tộc cũng có nhiều thay đổi, nên việc xây dựng nhà sàn trưng bày không gian văn hóa Mường trong trường học giúp con em chúng tôi thêm yêu quý, tiếp tục gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của cha ông”.
Không chỉ được biết thêm về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình mà trẻ còn được bồi đắp vốn ngôn ngữ. Cô giáo Bùi Thị Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong mỗi tiết học, giáo viên hướng dẫn trẻ tìm hiểu, khám phá tên gọi, công dụng của các đồ dùng, vật dụng sinh hoạt, lao động... bằng hai thứ tiếng là tiếng Việt và tiếng Mường. Nhờ vậy, bên cạnh vốn ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ ngày càng phong phú thì các em cũng học tiếng Việt nhanh hơn. Nhà trường thường xuyên phối hợp ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức cho trẻ tham quan tại các xóm, gặp gỡ người cao tuổi để truyền dạy cho giáo viên và trẻ các làn điệu dân ca Mường như hát ru, hát đối, bộ mẹng, nghe kể câu chuyện Đẻ đất, đẻ nước. Ngoài ra, trẻ còn được tham quan trải nghiệm tại ngôi nhà sàn cổ, từ đó giáo dục trẻ biết yêu quý, gìn giữ những bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
Ngô Hường
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi)