Trong chuyến thực tế sáng tác về đề tài văn hóa, du lịch, chúng tôi có dịp được khám phá những trầm tích văn hóa, truyền thuyết lịch sử, nét văn hóa tâm linh trên lưng chừng núi Tản - Ba Vì.


Du khách dâng hương, chiêm bái tại đền Trung, xã Minh Quang,  huyện Ba Vì (Hà Nội).

Giữa bốn bề mây núi, câu chuyện cuốn hút đến lạ kỳ, từ đó chúng tôi hiểu vì sao cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội) được biết đến là điểm du lịch tâm linh thu hút khách đến vậy. Và Tản Viên sơn (núi Tản Viên, hay núi Ba Vì) tuy không phải là ngọn núi cao nhất, lớn nhất, nhưng lại được cụ Nguyễn Trãi, một trong những vị anh hùng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới lưu trong trang "Ức Trai di tập Nam Việt dư địa chí” rằng: "Núi ấy là núi Tổ của nước Việt ta đó”. 

Thật vậy, khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nét văn hóa đặc trưng, điểm du lịch tiêu biểu nơi núi Tản, sông Đà, đồng chí Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì giới thiệu điểm đến là      quần thể di tích lịch sử quốc gia đền Hạ, đền Trung, đền Thượng tại xã Minh Quang và xã   Ba Vì, huyện Ba Vì. 

Đền Thượng tọa lạc trên đỉnh Tản Viên, nằm ở độ cao 1.227m so với mực nước biển. Cổng đền được xây dựng uy nghi, nằm giữa những rặng cây xanh mát. Đền được xây dựng theo hình chữ Nhật, khá nhỏ, mang cảm giác huyền bí, trang nghiêm. Điểm cao nhất của đền Thượng, cách vài chục bậc đá là một lầu tám góc nhỏ, bên trong đặt tượng Địa mẫu đứng trên quả địa cầu. Cạnh đó là bệ thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên, Quỳnh Hoa và Quế Hoa công chúa. Từ nơi đây du khách có thể chiêm ngưỡng bạt ngàn xanh của núi Ba Vì và tận hưởng không khí trong lành, thư thái. 

Đền Hạ còn được gọi là Tây Cung, đền Năm dân, tọa lạc tại một bãi đất bằng phẳng ngay dưới chân núi Tản, nằm ven bờ sông Đà. Nơi đây thờ Tam vị Đức Thánh Tản, ngôi đền này xuất hiện muộn hơn so với đền Trung và đền Thượng. Tương truyền rằng, thuở nhỏ 3 anh em Sơn Tinh đi từ động Lăng Xương sang  núi Ngọc Tản kiếm củi. Nhiều hôm trời tối không về kịp nên 3 anh em phải đốn cây rừng dựng lều ngủ lại. Người dân đời sau đã xây dựng một ngôi đền để tưởng nhớ các Ngài và gọi là đền Hạ vì nằm ở ngay chân núi. Lễ hội đền Hạ được tổ chức vào Rằm tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ ngày sinh của Đức Thánh Tản và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là một lễ hội lớn, thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, hành lễ.

Đền Trung được dựng ở sườn Tây của dãy núi Tản Viên. Hướng dẫn chúng tôi hành lễ, ông Võ Tùng Lâm, Phó trưởng Ban quản lý di tích - thủ nhang đền Hạ, đền Trung cho hay: Đền Trung với lối kiến trúc kiểu chữ Tam, phỏng theo quẻ "Càn” trong kinh dịch gồm Tiền Tế, Đại Bái và Hậu Cung. Hậu cung của đền đặt 3 pho tượng cổ thờ Tam vị Đức Thánh Thượng Thượng Đẳng Thần, chính giữa là tượng thờ Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh), hai bên thờ tượng Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương (hai người em họ của Sơn Tinh). 

Nhắc đến Đức Thánh Tản, có lẽ chúng ta đều đã quen thuộc với hình ảnh vị thần dùng phép màu bốc từng quả đồi, di từng quả núi để chặn dòng nước lũ trong tích "Sơn Tinh - Thủy Tinh”. Nhưng ít ai biết rằng, vị thần Sơn Tinh ấy là một nhân vật có thật trong lịch sử với tên thường gọi là Nguyễn Tuấn. Nguyễn Tuấn sinh ra trong một gia đình sống bên bờ sông Đà ở động Lăng Xương  (nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), thân phụ là Nguyễn Cao Hành, thân mẫu là Đinh Thị Đen. Sinh ra không bao lâu thì ông mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sau khi cha mẹ mất, Nguyễn Tuấn cùng với hai người em họ là Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiển hàng ngày lên núi mưu sinh. Một ngày nọ, 3 anh em được bà Ma Thị Cao Sơn nhận làm con nuôi rồi dạy cho pháp thuật. Tương truyền rằng bà Ma Thị là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, hay còn gọi là Bà Chúa Mường, Bà Chúa Thượng Ngàn… 

Văn võ song toàn, Nguyễn Tuấn (Sơn Tinh) được Hùng Vương thứ 18 gả con gái là Mỵ Nương, tức Ngọc Hoa công chúa. Nhờ tài binh lược của chàng rể Sơn Tinh mà cuộc chiến tranh giữa vua Hùng và Thục Phán (vốn là một người cháu của Hùng Vương thứ 18) được chấm dứt. Vua Hùng có ý nhường ngôi cho chàng rể Sơn Tinh nhưng ngài không nhận mà để cử Thục Phán, sau này lấy hiệu là An Dương Vương, người lập ra nước Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam sau nhà nước Văn Lang. Để để tri ân công đức sâu dày của thần Sơn Tinh, Thục Phán An Dương Vương đã cho xây dựng đền Trung vào khoảng năm 208 - 179 trước Công nguyên. Đền đã được nhiều lần trùng tu, năm 2008 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Với lối kiến trúc, thờ phụng độc đáo, đền Trung được coi là ngôi đền có quy mô lớn nhất, uy nghiêm nhất trong quần thể di tích liên quan đến sự tích Đức Thánh Tản Viên, là ngôi đền có vị thế đẹp nhất trong các ngôi đền thờ Tản Viên Sơn Thánh ở núi Ba Vì. 

Đến với Ba Vì không vào dịp lễ hội, chúng tôi có dịp được khám phá những trầm tích văn hóa sâu dày trên núi Tản Viên. Hấp dẫn, ấn tượng, cuốn hút… là cảm nhận về những di tích lịch sử văn hóa - nơi chứa đựng cả kho truyền thuyết mà mỗi người dân đất Việt luôn muốn lưu tâm. 


Thúy Hằng (CTV)

Các tin khác


Nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Không chỉ là minh chứng của các cuộc kháng chiến, những di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh được lưu giữ đến ngày nay là những "địa chỉ đỏ” về lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva và Chuyến tàu tập kết

Tối 1/9, chương trình cầu truyền hình Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024) đã diễn ra tại ba điểm cầu Khu lưu niệm Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải Quân (phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh (Phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Độc đáo phong tục ăn Tết Độc lập ở huyện Lạc Sơn

Khắp các vùng Mường trên địa bàn huyện Lạc Sơn có tục ăn Tết mừng độc lập, nhưng tổ chức đậm nét nhất là vùng Cộng Hoà (Mường Vang) và vùng Đại Đồng (Mường Khói). Hàng năm, người dân ở 2 vùng Mường này "ăn to” vào dịp 19/8 và Quốc khánh 2/9.

Sôi nổi phong trào văn hóa, văn nghệ từ cơ sở

Những ngày này, hòa chung không khí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 (1945-2024) và các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh, nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ (VHVN) từ tỉnh đến cơ sở diễn ra sôi nổi. VHVN ngày càng được đầu tư bài bản, công phu đã nâng cao đời sống tinh thần, động viên cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Huyện Cao Phong: Trên 8,5 tỷ đồng bảo tồn văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -  xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2022 đến nay, huyện Cao Phong được giao 8,55 tỷ đồng để thực hiện Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Trong đó, 6,8 tỷ đồng vốn đầu tư và 1,75 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp. Đến nay, huyện đã giải ngân trên 6,2 tỷ đồng, đạt trên 72%.  

Liên hoan tiếng hát công nhân viên chức lao động huyện Yên Thủy 

Trong 2 ngày 29 - 30/8 đã diễn ra Liên hoan tiếng hát công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Yên Thủy năm 2024. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục