Cùng với đồng bào Khmer Nam Bộ, khoảng 400 ngàn đồng bào Khmer Sóc Trăng đang chuẩn bị bước vào lễ Sene Dolta trong những niềm vui mới.


Ngày 14/10/2023, tại Chùa Sro Lôn, xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức đón lễ Sene Dolta năm 2023. Ảnh tư liệu: Tuấn Phi/TTXVN

Năm nay, lễ Sene Dolta diễn ra từ ngày 1-3/10 (dương lịch). Từ nhiều ngày qua, người Khmer Sóc Trăng đã và đang háo hức chuẩn bị sửa sang, trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ gia tiên để đón nghi lễ truyền thống thêm đầy đủ, đầm ấm nhất.

Đảng và Nhà nước quan tâm

Theo bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, địa phương trong tỉnh đã rất quan tâm đến đồng bào dân tộc, có nhiều chính sách ưu đãi, chăm ho, hỗ trợ đồng bào. Qua đó đời sống người dân nói chung, đồng bào dân tộc Khmer tại Sóc Trăng đã không ngừng vươn lên, phát triển mạnh mẽ, hướng đến cuộc sống ngày càng khá giả, no ấm hơn.

Những năm gần đây, tại Sóc Trăng, kinh tế tăng trưởng mạnh; kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện; diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, "sáng - xanh - sạch - đẹp”. Toàn tỉnh đã có 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 34 xã vùng dân tộc thiểu số); 4 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác giảm nghèo được các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện. Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn 8.521 hộ nghèo, 21.515 hộ cận nghèo; trong đó có 4.073 hộ nghèo và 8.230 hộ cận nghèo người dân tộc Khmer. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2%/năm; tỷ lệ này trong hộ Khmer giảm 3%/năm.

Các lễ hội được tổ chức đúng theo nghi thức truyền thống và phù hợp với các quy định. Các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer như Nghệ thuật sân khấu Dù Kê, Rô Băm và Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Ngũ Âm, Múa Rom Vong được giữ gìn và phát huy, thường xuyên được biểu diễn phục vụ tại các buổi giao lưu văn hóa giữa tỉnh Sóc Trăng với các đơn vị, địa phương trong và ngoài nước. Công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer được quan tâm thực hiện; tạo điều kiện cho đồng bào, sư sãi Khmer nắm bắt kịp thời các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Người dân hân hoan đón lễ 

Lễ Sene Dolta hay còn gọi là lễ cúng ông bà, lễ truyền thống của đồng bào Khmer, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tri ân những bậc tổ tiên đã đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy cuộc sống ngày nay đã có nhiều đổi thay, nhưng lễ Sene Dolta của đồng bào dân tộc Khmer vẫn được gìn giữ, phát huy, mang đậm tính nhân văn và ý nghĩa giáo dục đạo đức sâu sắc.

Mừng lễ Sene Dolta năm nay ở vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng, nhiều ngôi nhà ở thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng giúp bà con tổ chức đón nghi lễ truyền thống của dân tộc mình thêm vui tươi, tươm tất.

Ông Trần Diệu (ở ấp Trà Quýt A, thị Trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) không giấu được niềm vui, vì đây là năm đầu tiên gia đình ông được đón lễ Sene Dolta ấm cúng và tươm tất nhất trong ngôi nhà mới do chính quyền trao tặng.

Theo ông Diệu, gia đình ông nghèo, không có đất sản xuất nên phải rời xa quê đi mưu sinh ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sau hơn 6 năm, dù đã cố gắng tích cóp nhưng cũng không đủ tiền xây ngôi nhà kiên cố để ở. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng với số tiền dành dụm được sau bao năm, ông đã xây được ngôi nhà mới. "Đón lễ Sene Dolta này, con cái qua nhà chơi cũng ấm cúng hơn, rất cảm ơn Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ cho căn nhà, gia đình vui lắm…", ông Diệu hào hứng.

Chung niềm vui có ngôi nhà mới như ông Diệu, năm nay gia đình bà Kim Thị Lương cùng ở thị trấn Châu Thành đón nghi lễ truyền thống của dân tộc mình ý nghĩa nhất.

Bà Lương chia sẻ "Nhà cửa trước đây gần sập rồi, do xây bằng cây tre. Mỗi lần mưa gió rất lo sợ sập, không dám ngủ. Được Nhà nước hỗ trợ căn nhà, 2 vợ chồng bà rất phấn khởi. Gia đình còn được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, nên chồng của bà quyết định mua chiếc xe gắn máy chạy xe ôm và làm thêm để có đồng ra đồng vào".

Với các gia đình nghèo được hỗ trợ nhà ở, những mái ấm vững chắc này không chỉ là sự giúp đỡ về mặt vật chất mà còn là nguồn động viên về mặt tinh thần, tạo thêm động lực để bà con yên tâm, nỗ lực lao động sản xuất, tự lực vươn lên cải thiện cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: Châu Thành có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm gần 52% dân số của huyện, chủ yếu là người Khmer. Huyện luôn xác định, chăm lo nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho đồng bào là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Qua đó, địa phương đã huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, thực hiện an sinh xã hội đồng bộ.

Từ năm 2022-2024, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Châu Thành đã hỗ trợ nhà ở cho 239 hộ, đất ở cho 4 hộ, chuyển đổi nghề cho 355 hộ, nước sinh hoạt 142 hộ. Bên cạnh đó, 61 hộ nghèo, hộ cận nghèo được tham gia mô hình Chăn nuôi bò sinh sản thuộc dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cộng đồng. Địa phương cũng tổ chức đào tạo nghề nhằm nâng cao thu nhập người dân, cải thiện đời sống người dân.

Sóc Trăng đã đạt nhiều kết quả tích cực từ việc triển khai các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã để lại dấu ấn sâu đậm trong cộng đồng, đã giúp trên 4.500 hộ gia đình Khmer trong tỉnh được chuyển đổi nghề. Những lớp dạy nghề mở tại vùng nông thôn, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề đã giúp trang bị kỹ năng và nguồn lực lao động để thắp sáng niềm tin vào tương lai cho nhiều hộ dân tộc Khmer. Các dự án phát triển hạ tầng không chỉ xây dựng những con đường mới, mà còn hiện thực hóa ước mơ của người dân.

Cùng chung niềm vui đón mừng lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer, những ngày trước lễ, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập nhiều đoàn đến thăm hỏi, tặng quà cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp ngành, địa phương đã động viên, chúc mừng các gia đình chính sách, cán bộ lão thành; ghi nhận, đề cao những đóng góp thiết thực của các tập thể, cá nhân; đồng thời mong muốn đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, giữ vững niểm tin, phấn đấu cùng với các cấp ủy, chính quyền xây dựng quê hương Sóc Trăng phát triển.

Sự quan tâm thiết thực từ chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước với đồng bào Khmer cũng là động lực để đồng bào nỗ lực lao động sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống, chung sức xây dựng quê hương Sóc Trăng và để những lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, trong đó có lễ Sene Dolta luôn được tổ chức đầm ấm, với những niềm vui mới.


Theo TTXVN

Các tin khác


Lam Kinh - hành trình về nguồn

"Đến Lam Sơn mùa nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là mùa thu được tận hưởng sự trong lành, thơ mộng của vùng đất non xanh nước biếc. Hơn cả là sẽ được sống dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc với hào khí Lam Sơn vang danh trang sử Việt được khắc họa qua Lễ hội Lam Kinh tổ chức hàng năm vào tháng 8 âm lịch”. Sau nhiều lần lỗi hẹn với lời mời về thăm quê hương của cô bạn thời sinh viên, mùa thu này chúng tôi đã có hành trình về nguồn thật ý nghĩa.

Trưng bày chuyên đề "Kỷ vật - Ký ức của chiến tranh"

Sáng 27/9, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (Quận 3) khai mạc trưng bày chuyên đề "Kỷ vật - Ký ức của chiến tranh” phần 2.

Triển lãm ảnh "Hà Nội trong tôi" 2024: Điểm hẹn của người yêu Hà Nội

Sáng 23/9, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Câu lạc bộ Nhiếp ảnh người cao tuổi Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Triển lãm ảnh "Hà Nội trong tôi” năm 2024 với chủ đề "Hà Nội vươn mình bứt phá”.

Gốm Mường về Thủ đô - hành trình một thập kỷ

Mong muốn bảo tồn và giới thiệu văn hóa dân tộc Mường đến gần hơn với công chúng cả nước, tháng 8 vừa qua, họa sĩ Vũ Đức Hiếu chính thức đưa gốm Mường về với Thủ đô trong không gian đậm đà bản sắc văn hóa tại địa chỉ số 85 Nhật Chiêu, quận Tây Hồ (Hà Nội).

Huyện Lạc Sơn: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá phát triển sâu rộng

Nhiều năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá (TDĐKXDĐSVH) nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Phong trào trở nên thiết thực, ý nghĩa hơn nhờ gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Chăm lo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình

Tối 19/9, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Lễ trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục