Sen Đôn-ta (Sene Dolta) là lễ lớn nhất của cộng đồng người Khmer Nam Bộ, tiêu biểu cho lòng hiếu kính đối với ông bà tổ tiên, gắn kết con người với gia đình và nguồn cội; thể hiện nét đẹp văn hóa, đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào.
Chùa Phật giáo Nam Tông Khmer ở Sóc Trăng được trang hoàng đón lễ Sen Đôn-ta.
Lễ hội truyền thống mang ý nghĩa cao đẹp
Theo phong tục của đồng bào Khmer Nam Bộ, trước đây mùa lễ Sen Đôn-ta diễn ra trong thời gian nửa tháng, với bốn nghi thức chính: lễ đặt cơm vắt (Banh canh banh); lễ cúng ông bà (Banh Sen Đôn-ta); lễ hội linh (Banh phchum banh) và lễ tiễn đưa ông bà (Banh chuônh Đôn-ta).
Ngày nay, để phù hợp với cuộc sống hiện đại, lễ Sen Đôn-ta chỉ diễn ra trong ba ngày nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có. Lễ Sen Đôn-ta năm 2024 của đồng bào Khmer Nam Bộ diễn ra từ ngày 1 đến 3/10 (tức ngày 29, 30/8 và 1/9 âm lịch).
Ngày thứ nhất (ngày cúng tiếp đón): Gia đình dọn dẹp nhà cửa khang trang, sắm sửa mâm cơm, bánh trái, rượu trà rồi mời các thành viên trong gia đình cùng thắp hương, đèn, khấn mời linh hồn ông bà và người quá cố về dự ăn uống cùng con cháu. Sau đó, họ mời linh hồn ông bà cùng đến chùa nghe các sư tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp.
Vào buổi trưa ngày thứ hai, đồng bào Khmer chuẩn bị thức ăn mang vào chùa để tổ chức cúng chính. Sau khi được các vị sư tụng kinh cầu siêu cho tất cả linh hồn ông bà của tất cả mọi nhà trong phum, sóc, bà con phật tử cùng ăn uống, trao đổi kinh nghiệm việc đồng áng và vui chơi tại chùa.
Ngày thứ ba là lễ cúng tiễn. Mỗi nhà chuẩn bị một mâm cơm, mời vài vị sư sãi cùng họ hàng thân tộc trong phum, sóc đến nhà tụng kinh cầu siêu để tiễn đưa linh hồn người quá cố.
Trong các ngày lễ, đồng bào kể lại cho con cháu những câu chuyện tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, những người quá cố. Ngoài ra, lễ này thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa, tinh thần gắn với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trong ngôi chùa Khmer Nam Bộ.
Tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang… trong những ngày lễ Sen Đôn-ta, các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer được trang hoàng lộng lẫy, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao trong khuôn viên chùa thật ấm cúng, ý nghĩa.
Hòa trong niềm vui đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tổ chức chương trình mừng lễ Sen Đôn-ta năm 2024, với chủ đề "Đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển" tại chùa Phđau Pên, ấp Lao Vên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề. Viên Bình là xã nông thôn mới nâng cao, có đông đồng bào Khmer sinh sống.
Thời gian qua, đồng bào đã phát huy rất tốt tinh thần đoàn kết, sẻ chia, giúp nhau cùng tiến bộ, luôn nâng cao ý chí tự lực, tự cường, năng động áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhiều nhà nông nơi đây giỏi làm kinh tế, sở hữu những mô hình nông nghiệp kiểu mẫu, cánh đồng lúa chất lượng cao, được doanh nghiệp hợp tác bao tiêu sản phẩm.
Đại đức Sơn Phi Rum-Trụ trì chùa Phđau Pên chia sẻ, nhiều năm qua, vùng đồng bào Khmer luôn được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là quan tâm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có lễ Sen Đôn-ta. Chương trình lễ năm nay ngoài biểu diễn văn nghệ còn có các hoạt động trao nhà đại đoàn kết tặng hộ khó khăn, trao học bổng tặng học sinh vượt khó học tốt…
Những ngày này, tại tỉnh Trà Vinh, từ sáng sớm đã thấy đồng bào Khmer chuẩn bị lễ vật gồm thức ăn, bánh trái dâng các tăng tại chùa hoặc thỉnh các tăng về nhà để làm lễ theo nghi thức như: Đặt bát các tăng, cầu siêu hồi hướng đến linh hồn ông bà tổ tiên đã khuất.
Nhiều năm nay, Đại đức Thạch Nhứt-Trụ trì chùa Xoài Xiêm Thmey, ngoài việc quản lý phật sự còn quan tâm đến công tác hoạt động xã hội; tích cực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, cùng các chùa trong địa bàn tỉnh khôi phục và phát huy các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương, trong đó có lễ hội truyền thống của đồng bào phật tử.
"Cùng với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lễ Sen Đôn-ta của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh vẫn luôn được gìn giữ và phát huy, để nhắc nhớ mọi người về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tri ân những bậc tổ tiên đã đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước"-Đại đức Thạch Nhứt cho biết.
Chăm lo, phát triển đời sống đồng bào
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, giai đoạn 2019-2024, kinh tế của tỉnh Sóc Trăng liên tục có bước tăng trưởng, GRDP bình quân đầu người tính đến cuối năm 2023 đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm; riêng các tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,54%, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước.
Hiện, tất cả xã có đường ô-tô đến trung tâm; hơn 99% số hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số được sử dụng lưới điện quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,65%.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 70 trong số 80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, gần một nửa số xã thuộc vùng dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm, trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3%/năm.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, Lâm Hoàng Mẫu cho biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để trùng tu, đầu tư nâng cấp, cải tạo các di tích, công trình kiến trúc đặc trưng, nhất là các chùa Phật giáo Nam tông Khmer; qua đó góp phần gìn giữ các giá trị lịch sử văn hóa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh.
Công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường, những dịp lễ, Tết của đồng bào, lãnh đạo tỉnh và địa phương tổ chức nhiều đoàn đến thăm, chúc mừng tại các điểm chùa và gia đình chính sách tiêu biểu, gia đình có công với cách mạng; đồng thời vận động đồng bào tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tỉnh Trà Vinh thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 1,19% trong đồng bào Khmer còn 2,03%; hộ cận nghèo còn 2,35%, trong đồng bào Khmer còn 3,25%. Công tác dân tộc, tôn giáo luôn được quan tâm, thực hiện nhiều chính sách phát triển toàn diện như công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, trong đó đời sống vật chất của người Khmer không ngừng được nâng lên.
Ông Thạch Nên (Sowan Nên), giảng viên-nhà nghiên cứu văn hóa, đồng thời là soạn giả nổi tiếng về Lakhon Bassac - một loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Khmer Nam Bộ cho biết: "Thật phấn khởi vì thời gian qua, Đảng và Nhà nước chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo và văn hóa, văn nghệ của đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng, tỉnh Trà Vinh nói chung, đã giúp con em người Khmer được học hành và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc".
Để tạo điều kiện thuận lợi trong những ngày diễn ra lễ hội Sen Đôn-ta năm nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học tại các địa phương có đông đồng bào Khmer đã cho phép cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, người lao động, học sinh, sinh viên là dân tộc Khmer nghỉ ba ngày để đón lễ đầm ấm cùng gia đình.
Theo Báo Nhân dân
Tối 28/9, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Thành ủy Hà Nội tổ chức Lễ trao Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII - năm 2024.
Xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) có 1.635 hộ dân, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 82%, chủ yếu là dân tộc Mường. Những năm gần đây, việc phát triển, nhân rộng các câu lạc bộ (CLB) văn hoá, văn nghệ truyền thống luôn được xã quan tâm. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
"Đến Lam Sơn mùa nào cũng đẹp, nhưng đẹp nhất là mùa thu được tận hưởng sự trong lành, thơ mộng của vùng đất non xanh nước biếc. Hơn cả là sẽ được sống dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc với hào khí Lam Sơn vang danh trang sử Việt được khắc họa qua Lễ hội Lam Kinh tổ chức hàng năm vào tháng 8 âm lịch”. Sau nhiều lần lỗi hẹn với lời mời về thăm quê hương của cô bạn thời sinh viên, mùa thu này chúng tôi đã có hành trình về nguồn thật ý nghĩa.
Sáng 27/9, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (Quận 3) khai mạc trưng bày chuyên đề "Kỷ vật - Ký ức của chiến tranh” phần 2.
Sáng 23/9, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Câu lạc bộ Nhiếp ảnh người cao tuổi Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Triển lãm ảnh "Hà Nội trong tôi” năm 2024 với chủ đề "Hà Nội vươn mình bứt phá”.
Mong muốn bảo tồn và giới thiệu văn hóa dân tộc Mường đến gần hơn với công chúng cả nước, tháng 8 vừa qua, họa sĩ Vũ Đức Hiếu chính thức đưa gốm Mường về với Thủ đô trong không gian đậm đà bản sắc văn hóa tại địa chỉ số 85 Nhật Chiêu, quận Tây Hồ (Hà Nội).