Chiều 29/10, Ban Tổ chức Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 công bố chương trình lễ hội này.


Tiểu cảnh "thác hoa” Đà Lạt chiêu đãi thị giác của du khách và người dân địa phương trong dịp Festival hoa Đà Lạt 2022. Ảnh tư liệu: Nguyễn Dũng/TTXVN

Theo đó, Lễ khai mạc Festival sẽ diễn ra ngày 5/12 và 45 chương trình của Festival sẽ kéo dài trong 1 tháng. Đáng chú ý, các chương trình chính như lễ khai mạc, bế mạc... sẽ tổ chức rất ngắn trong khoảng từ 25 - 30 phút để tập trung cho phần hội.

Theo Ban Tổ chức, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 là sự kiện văn hóa, du lịch có quy mô cấp tỉnh, hướng tới quy mô quốc gia và quốc tế, sẽ diễn ra xuyên suốt trong năm 2024, tập trung cao điểm trong tháng 12/2024.

Với chủ đề "Hoa Đà Lạt - Bản giao hưởng sắc màu”, Festival lần thứ X tiếp tục khẳng định thành phố Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam, thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO và thành phố thuộc nhóm "Nhóm 5 thành phố Festival ấn tượng của châu Á”.

Festival có 10 chương trình chính gồm: Khai mạc; Chương trình nghệ thuật chào năm mới 2025 kết hợp Bế mạc; Không gian hoa; Hội thảo quốc tế "Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”; Chương trình nghệ thuật "Bảo Lộc, thành phố Hương trà - Sắc tơ” chào mừng Festival Hoa Đà Lạt; Trưng bày giới thiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Festival Hoa Đà Lạt năm 2024; Phố Rượu vang - Trà - Cà phê và đặc sản Đà Lạt - Lâm Đồng; Phiên chợ Rau - Hoa Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành; Giao lưu văn hóa nghệ thuật quốc tế Đà Lạt - Chuncheon (Hàn Quốc); Carnaval đường phố Hoa và Di sản với chương trình Diễu hành xe hoa, thời trang hoa, nghệ thuật đường phố.

Nhiều chương trình của Festival năm nay được các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể, cá nhân đăng ký thực hiện. Không gian hoa muôn sắc tạo bởi các tiểu cảnh hoa trên mặt hồ và xung quanh hồ Xuân Hương với mô hình độc đáo, mang nét đặc trưng riêng của thành phố Đà Lạt. Không gian hoa còn được mở rộng đến các công viên, tiểu cảnh, tuyến phố, khu dân cư, khu điểm du lịch tại thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận với sự tham gia, đồng hành tích cực từ các doanh nghiệp, tổ chức và từng hộ gia đình. Ngoài các chương trình chính còn có 12 chương trình hưởng ứng và rất nhiều chương trình mới lạ, hấp dẫn khác do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia thực hiện.

Chương trình Khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Truyền hình Việt Nam vào lúc 20 giờ ngày 5/12/2024 từ Quảng trường Lâm Viên (thành phố Đà Lạt) với chương trình nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong tổng thể các chương trình của Festival Hoa lần này, hứa hẹn mang đến những cảm nhận khác biệt, ấn tượng đối với khán giả theo dõi trực tiếp và gián tiếp. Chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2025 kết hợp Bế mạc tại Quảng trường Lâm Viên được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng vào lúc 20 giờ ngày 31/12/2024 sẽ khép lại Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X cho biết, điểm khác biệt của Festival so với 9 kỳ trước là các nội dung, chương trình lễ hội lần này kéo dài tới 1 tháng. Trong đó, nội dung các chương trình chính sẽ tập trung vào phần hội mà rút ngắn phần lễ. Một số nội dung của các chương trình trong Festival mang tầm quốc tế, có sự phối hợp với các đơn vị, địa phương nước ngoài nhiều năm qua vẫn có quan hệ hợp tác với tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt. Bởi vậy, quy mô của Festival lần này lớn hơn và hướng tới quy mô quốc gia và quốc tế. Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, du lịch, nghỉ dưỡng trong thời gian diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X...


Theo TTXVN

Các tin khác


Khi múa đương đại tìm đến yếu tố dân tộc

Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, cũng như nhiều lĩnh vực khác, nghệ thuật múa Việt Nam cần tiếp thu hơi thở, nhịp điệu mới để phù hợp cuộc sống đương đại. Nhưng, hòa nhập đòi hỏi không được hòa tan là vấn đề cấp thiết và "chìa khóa” để giải mã vấn đề này không gì khác chính là tìm về yếu tố văn hóa, bản sắc truyền thống của cha ông. Đó là lý do nhiều tác phẩm múa đương đại Việt Nam đang lựa chọn hướng đi tích hợp giữa tính dân tộc và hiện đại.

Thơ ca trong thời đại công nghệ số và phương thức đưa sáng tác đến công chúng

Ngày 25/10, tọa đàm "Thơ ca trong thời đại công nghệ số và phương thức đưa sáng tác đến công chúng” đã diễn ra tại Hà Nội.

Huyện Lạc Sơn có 11/23 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá

Trong những năm qua, thực hiện tiêu chí số 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn huyện Lạc Sơn từng bước được đầu tư khang trang, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sáng tạo, vui chơi giải trí, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Cô gái Hoà Bình lọt vào vòng Chung kết Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024

Sau vòng sơ khảo đợt 2, Ban tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 đã tìm ra 60 cô gái từ các tỉnh, thành phố trong cả nước lọt vào vòng chung kết. Thí sinh Bùi Thị Anh Đào (số 028), sinh năm 2000, đến từ Hoà Bình đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết.

Huyện Mai Châu bảo tồn và phát triển các làng bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Là huyện vùng cao của tỉnh, Mai Châu có 7 dân tộc sinh sống lâu đời, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn huyện đã được gìn giữ, khai thác hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục