Ông Huỳnh Văn Hồng - người có công tìm thấy bộ đàn đá Tuy An.
Trong hệ thống nhạc cụ bằng đàn ở Việt Nam, hơn 60 năm qua, các nhà khảo cổ học, sưu tầm văn hóa đã tìm thấy hơn hai chục bộ đàn đá. Thế nhưng đến thời điểm này, bộ đàn đá có hệ thống thang âm hoàn chỉnh nhất là bộ đàn đá tìm thấy ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An (Phú Yên). Với những thang âm, cung bậc độc đáo hiếm có đã đưa bộ đàn đá Tuy An vào loại báu vật có giá trị đặc biệt và được các cơ quan chức trách ở Phú Yên đăng ký vào danh mục bảo vật quốc gia.
Cội nguồn bộ đàn đá tám thanh Theo hướng dẫn của chị Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Phú Yên - người đã có nhiều công trình nghiên cứu lịch sử văn hóa ở vùng đất xứ "nẫu", đúng vào ngày đầu năm mới, tôi cùng một đồng nghiệp ngược lên vùng quê Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tìm gặp người đã có công phát hiện ra báu vật đàn đá. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ bên triền đồi là ông Huỳnh Văn Hồng, nay đã ngoài 60 tuổi. Rót chén trà mời khách, ông Hồng nhớ lại: "Lúc đó vào độ giữa tháng 6/1990. Trong buổi sáng sương mù còn giăng trên những dãy núi mờ xa, tui vác rựa, cuốc và nắm cơm muối vừng rời nhà đi về hướng núi Một, nằm giữa thung lũng rộng lớn. Ở đó, gia đình tui phát dọn được vài sào đất rẫy để trồng sắn, bắp. Sau một buổi phát dọn chồi cây để chuẩn bị cho mùa vụ trồng trọt mới, tui đi trong rẫy tìm miếng đá mang tới một gốc cây tỏa bóng mát để ngồi ăn cơm. Khi lấy chiếc rựa chạm vào thanh đá vừa tìm thấy, tôi nghe một thứ âm thanh khác thường phát ra. Lúc đó, tui không nghĩ là mình đã nhặt được cổ vật, nhưng chợt nhớ có người đã nói tới đàn đá tìm thấy ở miền núi Đắk Lắk, Khánh Hòa, nên tui lùng tìm và nhặt thêm thanh đá thứ hai có dáng dấp, âm thanh tương tự như thanh đá thứ nhất. Chiều hôm đó, ngoài việc tranh thủ vác bó củi như thường lệ, tui mang theo hai thanh đá xuống chân núi". Ngừng một lát, ông Hồng kể tiếp: "Về gần tới nhà, trong lòng tui chợt thấy có chút gì đó ái ngại, nên mang hai thanh đá đến thửa ruộng trước cạnh nhà cất giấu cạnh bờ đất. Hơn một năm sau đó, trong một lần tát cạn nước trong thửa ruộng, hai thanh đá tưởng chừng đã lãng quên lại hiện lên. Lần này tui mang vô nhà cất, thỉnh thoảng lấy ra gõ vài tiếng để thưởng thức cái thứ âm thanh khác lạ so với những thanh đá khác". Dường như mỗi thứ báu vật đều có sự giao lưu truyền cảm nào đó, nên vài tháng sau khi mang hai thanh đá vô nhà, ông Huỳnh Văn Hồng tình cờ lần lượt tìm thấy thêm sáu thanh đá khác trong khu đất rẫy của ông ở núi Một có con suối Đá Chẹt cắt ngang. Lúc đó, đời sống kinh tế gia đình ông Hồng và nhiều người dân ở vùng nông thôn Phú Yên còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vốn là người đã có bằng tú tài hai, nên người nông dân này luôn nuôi ước vọng dù nghèo khó đến mấy cũng phải tạo điều kiện cho con cái học hành tử tế. Thời điểm đó, cô con gái đầu của ông là Huỳnh Thị Bích Vân đang theo học đại học ở TP HCM, hai đứa con còn lại đang học văn hóa bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, nên vợ chồng ông phải đánh vật với nỗi lo toan cơm, áo, gạo, tiền. Sau nhiều đêm thao thức nghĩ tới tám thanh đá có thứ âm thanh khác lạ đã nhặt được, ông Hồng tính chuyện tìm người để bán, nhưng lại sợ ai đó biết được sẽ… cười, vì lúc đó chưa ai biết giá trị lịch sử văn hóa - âm nhạc của những thanh đá đó. Ông Hồng xếp tám thanh đá vào chiếc bao, rồi cọc cạch chở bằng xe đạp ngược lên phố núi La Hai, huyện Đồng Xuân để tham khảo ý kiến người em trai là Huỳnh Ngọc Phương, nhưng cậu em không có nhiều kiến thức về âm nhạc và cổ học, nên chỉ nói theo cảm tính mà thôi. Thêm một năm trôi qua, tám thanh đá vẫn xếp trong nhà. Thỉnh thoảng ông Hồng lại lấy ra gõ vài tiếng cho… vui. Dần dà nhiều người trong xóm biết và kể lại cho nhiều người khác nghe. Một buổi trưa cuối năm 1991, một người đàn ông lạ, nói giọng Nam Bộ tìm gặp ông Hồng xin chụp ảnh và gõ thử tám thanh đá. Vài ngày sau, người khách trở lại hỏi mua tám thanh đá với giá một lượng, rồi hai lượng vàng. Dù đã thỏa thuận, nhưng Chủ tịch UBND xã An Nghiệp lúc đó từ chối xác nhận để vận chuyển tám thanh đá vào TP HCM theo đề nghị của bên mua. Không bán được, ông Hồng tìm gặp Trưởng ban tuyên giáo huyện Tuy An lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Chiểu để xin hiến tám thanh đá cho Bảo tàng Phú Yên. Hai lần ông Hồng được các cơ quan chức trách khen thưởng với số tiền tương ứng một lượng vàng. Bộ đàn đá có hệ thống thang âm chuẩn nhất Theo quyết định số 532/QĐ ngày 30/6/1992 của Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lich), một Hội đồng khoa học do nhạc sĩ Lưu Nhất Vũ - Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam tại TP HCM, đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng với sự tham gia của 6 thành viên, trong đó có Tiến sĩ Quang Văn Cậy, chuyên viên khảo cổ học Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nhạc sĩ Ngô Đông Hải, Trưởng tiểu ban công tác đàn đá Việt Nam… Giữa tháng 7 năm đó, các nhà nghiên cứu âm nhạc học, địa chất học, khảo cổ học đến núi Một, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên để tìm hiểu, nghiên cứu nguồn gốc lịch sử, thang âm của tám thanh đá. Biễu diễn đàn đá Tuy An (Ảnh : Lê Minh). Nhiều cụ lão ở xã An Nghiệp cho biết, hơn 64 năm về trước ở núi Một - nơi tìm thấy tám thanh đá có một miếu thờ Thần rất linh ứng, mỗi năm một lần người dân trong vùng tổ chức cúng tế rất bài bản. Dù cho đến nay chưa ai biết rõ đó là vị thần nào, nhưng đã được các triều đại phong kiến phong 7 sắc thần. Chiến tranh và thời gian đã tàn phá dấu tích ngôi miếu, nhưng người dân địa phương vẫn bày tỏ lòng kính cẩn mỗi khi đề cập đến núi Một. Trở lại với tám thanh đá tìm thấy ở đây có hình dáng đa dạng, tương ứng với dạng phiến hình chữ nhật, hình thang, hình tam giác. Độ dài các thanh đá từ 30 đến 59cm, trong đó có 6 thanh dài từ 40cm trở lên, đầu rộng có kích thước từ 10,5 đến 26,6cm; đầu hẹp từ 5 đến 14cm, điểm dày nhất từ 5 đến 10cm, mỏng nhất từ 3 đến 6,5cm; trong lượng các thanh đá từ 2,3 đến 14kg. Khi cạo sạch phần vỏ các thanh đá, hội đồng khoa học tìm thấy dấu vết gia công, mài nhẵn ở mặt trên, mặt dưới. Với hình dáng, kỹ thuật trên cho phép các nhà khoa học kết luận tám thanh đá là những sản phẩm có ý thức của bàn tay con người. Kết quả nghiên cứu tần số âm thanh dưới góc độ âm nhạc cho thấy, không phải đơn thuần là những thanh đá phát ra âm thanh lạ, mà đó chính là đàn đá. Cũng theo các nhà khoa học phỏng đoán, bộ đàn đá Tuy An nằm trong khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Để đánh giá và xác lập thang âm, cuối tháng 8/1992, Hội đồng khoa học đã đưa bộ đàn đá đến Nhà máy Z755 thuộc Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng tại TP Hồ Chí Minh, để đo đạc tần số âm thanh. Và từ góc nhìn khoa học nghệ thuật về bộ đàn đá Tuy An - một di sản văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo, Giáo sư- nhạc sĩ Tô Vũ nhận xét, kết cấu thang âm, điệu thức bộ đàn đá Tuy An xếp thành cung bậc âm nhạc khá chuẩn xác. Tuy nhiên chúng không theo một quy luật nhất quán, mà dung nạp nhiều loại tỷ tần khác nhau; có loại đặc trưng thang cổ đại, có loại đặc trưng thang hòa âm và bội âm thiên nhiên. Bộ đàn đá Tuy An đã phản ánh loại âm nhạc cổ xưa, gần gũi với khối Nam Á và Đông Nam Á. Tổng hợp các kết luận khoa học về đàn đá Tuy An, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho biết: Tám thanh đá phát hiện ở núi Một, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên không phải là "đá kêu" mà là đàn đá đích thực hợp thành một bộ hoàn chỉnh. Đây là nhạc cụ cổ kính, là sản phẩm văn hoá lâu đời của cộng đồng người đã từng sống trên đất nước Việt Cùng với cặp kèn đá duy nhất ở Việt Nam được tìm thấy từ năm 1995 ở thôn Phú Cần, xã An Thọ và Chùa Thiền Sơn - xã An Hiệp, huyện Tuy An, bộ đàn đá Tuy An là một nhạc cụ độc dáo, được các nhà khoa học nghiên cứu âm nhạc đánh giá là bộ đàn đá có hệ thống thang âm hoàn chính nhất trong số 23 bộ đàn đá đã được phát hiện ở Việt Nam từ trước đến nay. Bộ đàn đá Tuy An có sức cuốn hút và tạo nên cảm xúc đối với nhiều nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn và những người yêu âm nhạc. Và sau khi cảm nhận thang âm, điệu thức và âm sắc của cặp kèn đá và bộ đàn đá Tuy An, nhiều ca khúc như "Đàn ơi hát cùng ta", "Ơi K'rong Hinh", "Hồn đá", "Dậy đi em con suối rừng", "Tiếng đàn buổi xa xưa"… của các nhạc sĩ Bằng Linh, Xuân An, Huỳnh Phước Long, Nguyễn Ngọc Quang đã được gửi đến khán giả qua nhiều hội diễn ca nhạc. Độ chuẩn của hệ thống thang âm đàn đá Tuy An đã khiến cho nhiều nghệ nhân phục chế, hình thành các bản sao theo yêu cầu của một số đơn vị, địa phương để tổ chức biểu diễn. Tiếng đàn đá Tuy An đã không chỉ ngân lên tại nhiều hội diễn nghệ thuật và tạo ra sức hút đối với đông đảo khán giả, mà còn đến với Festival Huế 2008 và đưa đi biễu diễn trong cuộc giao lưu văn hóa ở Hàn Quốc. Bộ đàn đá Tuy An cùng nhiều cổ vật khác đã được tìm thấy và lưu giữ ở Bảo tàng Phú Yên đã góp phần khẳng định giá trị lịch sử văn hóa lâu dài của đất nước. Có dịp thưởng thức một buổi trình diễn đàn đá Tuy An, người nghe sẽ cảm nhận chiều sâu cội nguồn của một di sản văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo Theo Báo CAND
Trong bất kỳ lễ hội nào của người Khmer ở Nam Bộ, thì múa luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu được, nhiều người Khmer nói rằng: Nếu không có múa thì lễ hội sẽ không thành!
Tỉnh Ðiện Biên vừa trao giải thưởng Văn học nghệ thuật "Ðiện Biên Phủ" lần thứ nhất. Giải thưởng được trao cho gần một trăm tác giả thuộc năm lĩnh vực: văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa.
Nhiều người dân đi chơi xa trong dịp nghỉ Tết dương lịch, nhưng các khu du lịch, giải trí, rạp chiếu phim... ở TP.HCM vẫn quá tải.
“Tôi đã trải qua nhiều cảm xúc, cả trong thất bại và cả thành công tột đỉnh. Điều mà tôi đúc kết cho mình là khi vượt qua được chính bản thân tức là mình đã thành công rồi” - ca sĩ Lam Trường chia sẻ
Bộ phim vừa đoạt giải Bông sen vàng có hai suất chiếu tại Viện trao đổi văn hóa Idecaf, TP HCM, từ ngày 4/1.