Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam phối hợp cùng Công ty hỗ trợ và phát triển nghệ thuật Phú Quang sẽ thực hiện chương trình "Dòng sông không trở lại" diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 19, 20-2 (mùng 6 và 7 Tết).

Chương trình hoài niệm về một Hà Nội dịu dàng, tha thướt, vấn vương bằng âm nhạc của một người yêu Hà Nội đến từng hơi thở, đưa mọi người đến gần nhau hơn trong những ngày xuân về trên vùng đất nghìn năm văn hiến. Trong dịp này, Nhà hát kịch Hà Nội cũng có nhiều chuyến lưu diễn phục vụ nhân dân ngoại thành. Với chùm hài kịch tổng hợp của Ðoàn kịch 2, 3, bắt đầu hành trình lưu diễn từ ngày 17-2 (mùng 4 Tết). Sau đó, nhà hát sẽ trở về phục vụ công chúng thành phố vở "Ðiện thoại di động" vào ngày 19 và 20-2 (mùng 6, 7 Tết). Trong khi đó, Nhà hát Tuổi trẻ lại có chùm hài kịch "Ðời cười chọn lọc" đến với người xem ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ngày 18-2 (mùng 5 Tết) chương trình diễn ra tại đình làng Tam Sơn (Bắc Ninh). Dự kiến, nhà hát sẽ công diễn vở "Phố cười" vào ngày 19, 20-2 tới tại Trung tâm Văn hóa học sinh - sinh viên (37 - Trần Bình Trọng, Hà Nội). Vở diễn do NSƯT Chí Trung đạo diễn, với câu chuyện kịch hài hước xoay quanh cuộc sống sinh hoạt ở một chung cư. Bên cạnh đó, các đoàn kịch 1 và 2 của Nhà hát Tuổi trẻ cũng có các tiết mục tổng hợp "Xuân cười vui" trên sân khấu rạp Tuổi trẻ ở 11 Ngô Thì Nhậm vào các ngày từ 19 đến 21-2 (mùng 6, 7, 8 Tết). Tại Hà Nội, Hội xuân tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Khách tham quan được tham dự các hoạt động đón Tết Canh Dần 2010 như: Múa sạp của đồng bào Thái, múa sư tử dân tộc Nùng, múa sắc bùa, ca trù, rối nước... và các trò chơi dân gian. Chương trình diễn ra từ ngày 19 đến 21-2.


* Các nghệ sĩ, diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đang có chuyến lưu diễn đầu xuân tại các tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Liên đoàn cũng đã công diễn một chương trình biểu diễn xiếc tổng hợp nhân dịp Tết Canh Dần vào ngày 18-2 tại rạp xiếc Trung ương (67 Trần Nhân Tông, Hà Nội) với chủ đề "Ngũ hổ đón xuân". Ðiểm nhấn của chương trình là cảnh rước đầu năm của "Ngũ hổ", lấy cảm hứng từ tranh dân gian Ðông Hồ, do 45 diễn viên tham gia, đan xen là các tiết mục xiếc thú, các màn xiếc người, ảo thuật, hài.


* Thiên đường Bảo Sơn, An Khánh, Hà Nội, Km 8 đường Láng - Hòa Lạc, hấp dẫn du khách bởi bốn khu chính: du lịch văn hóa - ẩm thực, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, biểu diễn văn hóa dân tộc. Du khách được tham quan những cảnh đẹp như: vườn thượng uyển với hàng trăm loài lan quý của Việt Nam và Ðông - Nam Á, nhà chim, nhà bướm, khu vực 15 làng nghề truyền thống cổ (gốm sứ Phù Lãng, dệt lụa Vạn Phúc, mộc nghệ Sơn Ðồng, thêu tay Khoái Nội).


* Lễ hội lì xì vừa được tổ chức tại Công viên văn hóa Ðầm Sen - TP Hồ Chí Minh. Không gian lễ hội này được trang trí đỏ rực toàn công viên với những tiểu cảnh ngày Tết như, cầu chúc điều may mắn và hạnh phúc cho mọi người. Nhân vật Phúc, Lộc, Thọ và gia đình Mascot của Ðầm Sen giao lưu, chúc phúc và trao tặng bao lì xì cho du khách. Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động biểu diễn thuyền đăng trên hồ, live show danh hài Hoài Linh, diễn lúc 11 giờ 30 phút từ mùng 1 đến mùng 5 Tết), live show Kiều Oanh và những chuyện tình mùa xuân (diễn lúc 16 giờ từ mùng 1 đến mùng 5). Hai show nhạc kịch dành cho thiếu nhi và các hoạt động dành cho teen cũng rất phong phú. Dịp này, công viên ra mắt hai trò chơi cảm giác mạnh Super Swing, Samba Tower được đầu tư hơn 10 tỷ đồng.


* Sáng 16-2 (mùng 3 Tết âm lịch), tại Văn Miếu Trấn Biên (Ðồng Nai), UBND TP Biên Hòa và Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ðồng Nai tổ chức trọng thể "Lễ Tết thầy, cô giáo". Ðến dự, có đại diện lãnh đạo tỉnh, hàng trăm sinh viên, học sinh tiêu biểu. Ðây là sinh hoạt văn hóa truyền thống hằng năm nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần "tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam được tỉnh Ðồng Nai tổ chức đều đặn vào ngày mùng 3 Tết Nguyên đán hằng năm. Sau lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn các bậc danh nhân văn hóa tại Văn Miếu Trấn Biên, "Lễ Tết thầy, cô giáo" năm nay được tổ chức trang trọng, với nghi thức dâng hoa kính tặng thầy giáo, cô giáo; bày tỏ lòng ghi nhớ công ơn các thế hệ nhà giáo và sau đó là các cuộc gặp mặt đầy cảm động của các thế hệ thầy, cô giáo và học sinh.


* Lễ hội bánh Tét do Khách sạn Yasaka - Sài Gòn - Nha Trang tổ chức mừng xuân Canh Dần 2010, vừa diễn ra tại TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ðây là lễ hội truyền thống đón xuân hằng năm của khách sạn. Hướng về Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm nay, khách sạn gói 1.000 đòn bánh tét thể hiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, gồm một đòn bánh tét lớn có chiều dài 35 m, đường kính 20 cm và 999 đòn bánh tét nhỏ với đủ loại nhân: gấc, đậu xanh, đậu đỏ, lá cẩm. Ðể thực hiện sự kiện này, hàng trăm kg gạo nếp, đậu, thịt và lá dong với lực lượng gói bánh và phục vụ gần 100 người đã được huy động. Bánh đã được gói tại khu Quảng trường lớn 2-4 và được rước về trước khách sạn Yasaka-Sài Gòn-Nha Trang để nấu trong đêm 16-2 (mùng 3 Tết). Bánh sẽ được cắt, một phần mời khách thưởng thức và dành để bán lấy tiền ủng hộ Quỹ vì người nghèo địa phương.


* Tại Trung tâm hành chính huyện Tân Thành tối mùng 2 Tết, đã diễn ra đêm văn nghệ hưởng ứng Khai hội Văn hóa - Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 2010 với chủ đề "Hương sắc mùa xuân". Ðội lân Tân Hòa Ðường đã biểu diễn bảy bài lân - sư - rồng phục vụ người xem. Ðội văn nghệ Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh cũng góp vui, phục vụ nhân dân 18 tiết mục ca múa nhạc, biểu diễn thời trang. Trong dịp này, Hội thi tiếng hát mùa xuân huyện Tân Thành cũng được tổ chức. Buổi sáng cùng ngày, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã diễn ra nhiều hoạt động như hội thi lân-sư-rồng, giải bóng chuyền tứ hùng, hội thi đập lợn đất, họp mặt CLB thơ ca, giải bóng đá mi-ni...


* Hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng sự kiện Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật "Về miền quan họ" vào tối 28-2-2010 (15 tháng Giêng năm Canh Dần) tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh.


* Huyện Nam Ðàn (Nghệ An) đang tích cực chuẩn bị Lễ hội Ðền Vua Mai (Mai Hắc Ðế) từ ngày 26 đến 28-2 (ngày 13 đến 15 tháng Giêng năm Canh Dần). Ðây là Lễ hội mang tính văn hóa tâm linh vào dịp đầu năm mới, thu hút đông đảo nhân dân khắp các vùng miền tham gia, bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với Vua Mai, người anh hùng dân tộc và cầu mong cho quốc thái dân an.
 
 
                                                                                   Theo ND

Các tin khác

Không có hình ảnh
Chiếu chèo thường xuyên luyện tập.
Những bước chân hành hương.
Không có hình ảnh

Hoa đào năm ngoái

Người Hà Nội không thể sống thiếu hoa đào dù Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm – những vùng trồng đào lừng danh một thuở – giờ đây chẳng được như xưa. Hoa đào mãi tươi thắm trong đời sống tinh thần, trong hương sắc Tết cổ truyền là bởi cái thú thưởng hoa, mê hoa của dân Hà thành chẳng bao giờ phai nhạt

Lễ hội Đền Mẫu Ấu Cơ

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ phối hợp huyện Hạ Hòa tổ chức Lễ hội Đền Mẫu Ấu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, từ ngày 18 đến 20-2 (từ mồng 5 đến mồng 7 Tết).

Chú ve sầu của Trịnh Công Sơn

Đó là một buổi sáng mùa hè năm 1976. Khi tôi đến cổng hội văn nghệ thì cũng vừa lúc anh Trịnh Công Sơn bước ra khỏi quán cà phê bên đường. Hôm ấy là ngày đầu tuần, cơ quan sắp giao ban. Chúng tôi đang đứng nói chuyện để đợi giờ vào họp, bỗng một chú ve từ trên cao rơi xuống chân tôi. Tôi tò mò nhặt con ve lên; nó không còn hát.

Vui ngày Tết ở quê

(HBĐT) - Khi tiết trời dịu ngọt của mùa xuân ùa đến, những nụ hoa đào phai hé nở, chúm chím mầu hồng làm ấm một khoảng sân. Khi cả gia đình quây quần đông đủ, ấm áp bên vò rượu cần thơm nức mùi mật ong cộng với mùi của bếp lửa, của thịt nướng, của xôi, của bánh…Ông nội tôi ngồi ở gian chính, trịnh trọng nâng chiêng rồi rấy lên những âm thanh “Boong…khùm….” vang động bản làng, báo hiệu thời khắc chuyển sang năm mới đã tới … Đó cũng chính là lúc người Mường quê tôi cùng hướng về cõi tâm linh đón chào năm mới.

Phim Tết và những chuyện...

Nhật ký Bạch Tuyết, Khi yêu đừng quay đầu lại, Những nụ hôn rực rỡ, Công chúa teen và Ngũ hổ tướng, Bẫy rồng là những đại diện của điện ảnh Việt Nam được sản xuất trong năm với thương hiệu “phim Tết”. Dễ nhận thấy các nhà sản xuất phim năm nay không chỉ tập trung chiêu mộ các gương mặt nổi tiếng trong làng showbiz Việt mà còn chịu khó tìm tòi khai thác các màu sắc chuyện tình, hài hước và... kinh dị... nhằm thu hút khán giả.

Nếp nhà Tràng An

Hà Nội thay đổi từng ngày, cái ồn ào nông nổi giống như một “tác dụng phụ” của phát triển mà người ta phải chung sống, bất chấp lòng mình có yêu hay không. May thay, phong thái thanh lịch, đơn sơ nhưng trang nhã, lối sống trọng về nền nếp và thẩm mỹ của người Tràng An vẫn được lưu giữ trong những mái ấm của người gia đình Hà Nội gốc. Đôi vợ chồng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo – NSND, diễn viên điện ảnh Như Quỳnh có một nếp nhà như thế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục