Chiếu chèo thường xuyên luyện tập.

Chiếu chèo thường xuyên luyện tập.

(HBĐT) - “Xuân về náo nức khắp quê ta. Ngan ngát hương xuân đến mọi nhà. Gìa trẻ chung vui niềm hạnh phúc. Lộc trời muôn vật đến quê ta”. Theo câu hát thiết tha và tiếng trống chèo giục giã trong bài “Mừng Đảng, mừng xuân”, chúng tôi đã về thăm Lương Sơn để được một lần đắm say cùng làn điệu í ơi, thả mình lãng trôi trong không gian văn hoá độc đáo của loại hình sân khấu hội hè đặc trưng Bắc Bộ.

Từ ngã ba Bãi Lạng, chúng tôi còn đang mải mê ngắm nhìn phố phường sạch đẹp, cờ đỏ sao vàng phấp phới đón xuân trên những nóc nhà khang trang thì đã nghe vang vọng từ xa tiếng nhạc, tiếng trống chèo tấu lên rộn ràng, giục giã như thôi thúc, mời gọi. Nhanh nhanh bước chân, chúng tôi đã có mặt ở chiếu chèo tại gia đình nghệ sĩ chèo Minh Sáng (tiểu khu 2, thị trấn Bãi Lãng). Dưới bóng cây bưởi sai trĩu những quả vàng chín mọng, đội chèo đang tập bài “Mừng các cụ hội người cao tuổi” để chuẩn bị cho lễ mừng thọ người cao tuổi của khu sắp được tổ chức. Chủ nhiệm câu lạc bộ và cũng là người thầy của lớp học - nghệ sĩ chèo Minh Sáng đã bước sang tuổi 74 nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn, tỉnh táo. Đặc biệt là giọng “thổ đồng” âm vang, hào sảng mà ông vẫn còn giữ được nguyên vẹn từ trong từng câu nói làm tất thảy chúng tôi đều phải ngỡ ngàng.  Đón khách với nụ cười rạng rỡ, ông dừng nhịp trống và vui vẻ chia sẻ: “ Ngày 02/09/2000, chiếu chèo tiểu khu 2, thị trấn Lương Sơn được thành lập. Trước là vì mong muốn, sự đam mê, yêu thích hát chèo của người dân trong khu, sau cũng là thoả cái nỗi nhớ nghề của tôi”. Ban đầu chỉ có hơn 10 người, sau đó mới đông dần lên và được sự ủng hộ của chính quyền, nhân dân địa phương, ông đã thành lập Câu lạc bộ chèo 30 – 04 vào ngày 30/04/2005. Tất cả các diễn viên của chiếu chèo đều chưa từng qua học tập hay biểu diễn nghệ thuật chèo, họ đều là cán bộ đã nghỉ hưu hoặc thanh niên của địa phương. Khi đến với chèo, họ chỉ có trong tay vẻn vẹn sự đam mê.

 

Nhớ lại những ngày đầu luyện tập, cô Nguyễn Thị Kim Thức chia sẻ: “Luyện tập chèo rất vất vả, nhất là khi mình đã cao tuổi và chưa từng được học về chèo. Tiết tấu chèo phức tạp, đập phách theo trổ, nhiều nhạc lưu không. Kĩ thuật tập lấy hơi cũng rất khó: lấy hơi bụng, đẩy lên hơi óc, nhả chữ dần dần. Vì khó quá nên những ngày đầu có nhiều chị em cũng nản nhưng nhờ sự động viên, hướng dẫn tận tình của thầy Sáng lại sẵn sự đam mê từ đầu nên càng tập, càng thấy say, thấy thích”. Bắt đầu từ học gõ phách, cho đến học lời, học múa là cả một quá trình công phu tỉ mẩn. Nghệ sĩ chèo thường nói: “Nhứt cử động giai điểm vũ” biểu hiện nét đặc trưng của nghệ thuật hát chèo là “tính múa”. Những diễn xuất tinh tế của nghệ nhân hát chèo đều ở làn điệu hát, múa và động tác cách điệu, tượng trưng, chú trọng tả ý. Với đôi bàn tay khéo léo, từng cử chỉ, từng động tác đã toát lên được cái thần của nhân vật, tức là biểu hiện rõ tính cách, nội tâm của nhân vật qua nét mặt, ánh mắt và động tác múa, đặc biệt ở đôi bàn tay. Vì sự đòi hỏi cao và kĩ lưỡng như vậy nên đến với chiếu chèo này, các nghệ sĩ không chuyên đã phải đầu tư luyện tập thường xuyên, kĩ lưỡng cho tới khi đạt độ nhuần nhuyễn trong mỗi vai diễn, điệu múa.

 

Từ niềm đam mê, yêu thích đến say sưa luyện tập,  hát chèo dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của các bà, các chị. Bác Trần Thị Hồng – 76 tuổi, là người cao tuổi nhất chiếu chèo, tâm sự: “Trước tôi làm việc ở xí nghiệp vôi đá Hà Nội, yêu thích hát chèo từ bé nên vẫn thường xuyên tham gia hát chèo trong đội văn nghệ của xí nghiệp. Về đây nghỉ hưu, được tham gia hát chèo cùng các cụ, tôi rất phấn khởi. Hát chèo khiến tôi cảm thấy khoẻ mạnh, sáng suốt, minh mẫn. Tuy mình đã cao tuổi nhưng vẫn có ích cho đời. Thấy mẹ khoẻ mạnh, phấn khởi nên con tôi rất ủng hộ, tạo điều kiện và đưa đón mẹ đi tập, đi biểu diễn”.

 

Sau 10 năm tâm huyết công phu luyện tập, chiếu chèo của thầy Sáng và các bà, các cô đã tham gia vào rất nhiều hội diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan hát chèo không chuyên khu vực cũng như biểu diễn phục vụ bà con. Ngoài những tích chèo cổ thâm thía, những bài chèo mới được nghệ sĩ Minh Sáng sáng tác với nội dung ca ngợi Đảng, đất nước, ca ngợi Bác Hồ và mảnh đất Hoà Bình giàu đẹp đã giúp cho chiếu chèo thêm đến gần với người dân, trở thành món ăn tinh thần thú vị. Trong số rất nhiều giải vàng, giải bạc mà chiếu chèo đã giành được, có lẽ ấn tượng hơn cả là giải “Vượt khó” trong  “Liên hoan nghệ thuật chèo không chuyên Hà Nội mở rộng năm 2004”. Nghệ sĩ Minh Sáng nhớ lại: “Đoàn Hoà Bình biểu diễn cuối cùng, lúc đó khán giả đã về gần hết. Nhưng khi thấy đội hình của Hoà Bình lên sân khấu với phục trang dân tộc Mường thì bà con đã ùn ùn quay trở lại khán phòng để xem chúng tôi biểu diễn”. Vì cái sự công phu, vì nỗ lực vượt khó và vì sự gắn kết hài hoà độc đáo giữa văn hoá Mường và hát chèo mà vở diễn “ Thăm lại Mường xưa” năm đó đã mang về cho chiếu chèo của thầy trò nghệ sĩ Minh Sáng một huy chương vàng, hai huy chương bạc.

 

Hiện nay, thường xuyên sinh hoạt ở chiếu chèo là các bác, các cô đều đã bước qua tuổi lục tuần. Nhưng thời gian và tuổi già không đủ sức cản ngăn niềm đam mê ca hát. Không kể cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông hay cơn dông bão bất chợt mùa hè, trong suốt 10 năm qua, cứ tối tối, căn nhà nhỏ của thầy Minh Sáng lại thêm ấm áp, rộn rã bởi tiếng đàn, tiếng trống hoà cùng lời ca câu hát ngọt ngào. Khi bước lên sâu khấu, với xúng xính áo tứ thân, mềm mại trong từng động tác cuộn tay, múa dải lụa…các bác, các cô “lột xác” trở thành những diễn viên chèo đầy sự trẻ trung, duyên dáng.

 

Như những bông hoa nở muộn, gắng sức toả hương tô đẹp cho đời, chiếu chèo của các bác, các cô tiểu khu 2, thị trấn Lương Sơn đang hàng ngày vang xa tiếng hát, lời ca làm rộn ràng thêm thôn xóm trong những ngày đầu xuân. Tạm biệt chiếu chèo Lương Sơn với một cảm xúc vui tươi, phấn chấn. Chúng tôi quay trở ra con đường quốc lộ 6, hoà vào dòng người tấp nập du xuân khi sau lưng vẫn còn văng vẳng câu chèo:                                                                             “Vui nào bằng buổi hôm nay

Tuổi già sum họp về đây vui cùng

         Mừng các cụ cao niên trường thọ

           Tấm gương trong soi sáng cho đời

           Dạy cháu con học cách làm người

Tài đức có làm gì cũng có”.

                                                          Dương Liễu

Các tin khác

Những bước chân hành hương.
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Chú ve sầu của Trịnh Công Sơn

Đó là một buổi sáng mùa hè năm 1976. Khi tôi đến cổng hội văn nghệ thì cũng vừa lúc anh Trịnh Công Sơn bước ra khỏi quán cà phê bên đường. Hôm ấy là ngày đầu tuần, cơ quan sắp giao ban. Chúng tôi đang đứng nói chuyện để đợi giờ vào họp, bỗng một chú ve từ trên cao rơi xuống chân tôi. Tôi tò mò nhặt con ve lên; nó không còn hát.

Vui ngày Tết ở quê

(HBĐT) - Khi tiết trời dịu ngọt của mùa xuân ùa đến, những nụ hoa đào phai hé nở, chúm chím mầu hồng làm ấm một khoảng sân. Khi cả gia đình quây quần đông đủ, ấm áp bên vò rượu cần thơm nức mùi mật ong cộng với mùi của bếp lửa, của thịt nướng, của xôi, của bánh…Ông nội tôi ngồi ở gian chính, trịnh trọng nâng chiêng rồi rấy lên những âm thanh “Boong…khùm….” vang động bản làng, báo hiệu thời khắc chuyển sang năm mới đã tới … Đó cũng chính là lúc người Mường quê tôi cùng hướng về cõi tâm linh đón chào năm mới.

Phim Tết và những chuyện...

Nhật ký Bạch Tuyết, Khi yêu đừng quay đầu lại, Những nụ hôn rực rỡ, Công chúa teen và Ngũ hổ tướng, Bẫy rồng là những đại diện của điện ảnh Việt Nam được sản xuất trong năm với thương hiệu “phim Tết”. Dễ nhận thấy các nhà sản xuất phim năm nay không chỉ tập trung chiêu mộ các gương mặt nổi tiếng trong làng showbiz Việt mà còn chịu khó tìm tòi khai thác các màu sắc chuyện tình, hài hước và... kinh dị... nhằm thu hút khán giả.

Nếp nhà Tràng An

Hà Nội thay đổi từng ngày, cái ồn ào nông nổi giống như một “tác dụng phụ” của phát triển mà người ta phải chung sống, bất chấp lòng mình có yêu hay không. May thay, phong thái thanh lịch, đơn sơ nhưng trang nhã, lối sống trọng về nền nếp và thẩm mỹ của người Tràng An vẫn được lưu giữ trong những mái ấm của người gia đình Hà Nội gốc. Đôi vợ chồng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo – NSND, diễn viên điện ảnh Như Quỳnh có một nếp nhà như thế.

Ái Vân, Lê Vi, Mỹ Uyên và những cái Tết xứ người

Nghệ sĩ múa Lê Vi, ảo thuật gia Ngô Mỹ Uyên và ca sĩ Ái Vân chia sẻ với VietNamNet kỷ niệm đặc biệt về những cái Tết ở xứ người.

Lên Mường Chiềng ăn tết “Cơm mới” với người Tày Đà Bắc.

(HBĐT) - Trong cái lạnh se sắt của vùng cao Đà Bắc cuối tháng chạp, chúng tôi đã men theo những quanh co dốc núi giữa sương núi mịt mù để lên vùng cao Mường Chiềng cùng bà con dân tộc Tày đón tết “Cơm mới”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục