Tác phong, trang phục tạo nên văn hóa công sở
(HBĐT) - Trong những năm qua, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh ta, nhiều cơ quan, đơn vị hưởng ứng tích cực và đạt kết quả cao. Tuy nhiên, môi trường văn hoá công sở vẫn còn nhiều điều đáng bàn và chưa đi vào chiều sâu.
Theo nội dung quy chế, các nhân viên cơ quan Nhà nước từ Ttrung ương đến địa phương trong khi làm việc, tiếp xúc với dân, giao tiếp, ứng xử phải nghiêm túc, lịch sự, tôn trọng, không được nói tục, không được nói tiếng lóng, không được quát nạt, phải ăn nói mạch lạc, rõ ràng, không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ… Trang phục, quần áo phải lịch sự, gọn gàng… Khi nhân viên Nhà nước nghe điện thoại phải xưng họ tên, cơ quan công tác và không được ngắt điện thoại đột ngột. Trong công cuộc cải cách hành chính, việc xây dựng đội ngũ cán bộ và hoàn thiện cơ sở vật chất được chú trọng. Trụ sở cơ quan nhà nước được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Các cơ quan, đơn vị cải thiện phòng làm việc, mua sắm trang thiết bị phục vụ tốt hơn cho công tác của cán bộ, công chức, bộ phận tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính được đầu tư, sửa sang tạo thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch. Đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều xây dựng quy chế văn hoá của đơn vị mình. Năm 2009, toàn tỉnh có 1.049/1260 cơ quan đăng ký xây dựng cơ quan văn hoá, 521/658 trường học đăng ký đạt danh hiệu trường học văn hoá. Kết quả có 1.028 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt tiêu chuẩn văn hoá, chiếm tỷ lệ 98%.
Mặc dù vậy, nói về văn hoá công sở vẫn còn nhiều điều phải bàn. Trong đó đáng quan tâm là lề lối làm việc, tác phong, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trước hết về giờ giấc làm việc. Theo quy định, mỗi cán bộ, công chức làm việc 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần. Tuy nhiên, tình trạng công chức đi muộn, về sớm vi phạm giờ giấc vẫn diễn ra khá phổ biến. Quy định giờ làm việc mùa hè buổi sáng từ 7giờ đến 11 giờ 30, buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ. Thế nhưng, có cơ quan buổi sáng đến giờ làm việc, ngoài phòng lãnh đạo mở cửa, còn phòng của nhân viên đến 8 giờ, hơn 8 giờ công chức mới đến làm việc, đến khoảng 11 giờ đã khoá cửa phòng ra về. Điều này diễn ra khá phổ biến ở cơ quan công quyền cấp cơ sở. Không ít lần hẹn lãnh đạo xã làm việc vào 2 giờ chiều, nhưng khi đến đúng giờ, UBND xã chưa có ai, tất cả các phòng làm việc vẫn khoá cửa im lìm và phải đợi một lúc khá lâu mới có cán bộ xã đến làm việc. Bên cạnh đó, cũng không khó để bắt gặp tại quán cà phê, quán nước, công chức vô tư đánh cắp “8 giờ vàng ngọc”. Nếu có hỏi họ sẽ biện hộ rằng: Công việc không nhất thiết cứ phải ngồi trong phòng làm việc mới giải quyết được, cũng không phải cứ căn cứ vào ngồi ở cơ quan nhiều hay ít mà phải dựa vào hiệu quả của nó.
Bộ phận “một cửa” là nơi thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với dân, là nơi thể hiện khá rõ nét văn hoá công sở. Cán bộ làm việc ở bộ phận này cần có thái độ mềm mỏng, hoà nhã, nắm vững quy định, nguyên tắc, thủ tục để hướng dẫn người dân cặn kẽ, tránh việc phải đi lại nhiều lần. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng người dân đến giao dịch còn gặp nhiều phiền hà. Có công chức đang giao dịch với khách, có điện thoại không xin lỗi khách thản nhiên nhấc máy nghe, rồi nói chuyện kéo dài toàn chuyện riêng không liên quan đến công việc, cứ mặc nhiên để khách sốt ruột chờ. Có khi là cán bộ mải nói chuyện, tán gẫu với nhau, khi khách hỏi quay ra nói “đợi tí” rồi lại tiếp tục với câu chuyện đang dở dang, cứ kệ khách đợi. Lại có nơi chưa hết giờ làm việc, nhưng có lẽ do cán bộ bận việc phải đi nên chỉ hẹn khách mai quay lại mà không hỏi han gì thêm để khách thấy bị hụt hẫng. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng cán bộ uống rượu say trong giờ làm việc gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc và hình ảnh cán bộ Nhà nước.
Mới đây, trong cuộc họp của UBND tỉnh về công tác cải cách hành chính, nhiều đại biểu đã trao đổi, thảo luận về vấn đề xây dựng văn hoá công sở, trong đó đề cập đến việc có nên để bộ bàn ghế uống nước chè trong phòng làm việc. Thực tế từ lâu nay, việc phòng làm việc tại các cơ quan, công sở Nhà nước có bộ bàn ghế uống nước dường như là chuyện “hiển nhiên”, cán bộ, công chức uống nước chè đã hình thành như một thói quen. Xoay quanh “ấm nước chè” công sở cũng đã có nhiều ý kiến. Điều dễ nhận thấy là việc cán bộ, công chức ngồi uống nước chè để làm việc là rất hiếm mà chủ yếu là để “thư giãn”, nói chuyện gẫu. Đôi khi thời gian “thư giãn” kéo dài gần hết buổi làm việc và thu hút cả những cán bộ phòng khác để câu chuyện thêm phần “rôm rả”. Như vậy, hiệu quả công việc rõ ràng không cần phải bàn đến. Chính vì vậy, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với việc không nên để bộ bàn ghế uống nước chè trong phòng làm việc, mà nên có quy định phù hợp hơn như để bình nước ở một vị trí tối thiểu trong phòng, có phòng uống nước riêng hay đặt ngoài hành lang phục vụ cho những ai có nhu cầu… Từng bước tiến tới xây dựng môi trường văn hoá công sở lành mạnh, thực chất.
Văn hoá nói chung, văn hoá công sở nói riêng đối với mỗi cán bộ, công chức là điều cần phải có, được biểu hiện từ cách ứng xử, hành xử, xưng hô có văn hoá. Trong điều kiện hiện nay, văn hoá công sở đòi hỏi ngày càng phải được tôn trọng thực thi làm cho năng suất, hiệu quả công việc được nâng cao. Đây là công việc người lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần quan tâm, đề ra những tiêu chí cụ thể, thích hợp. Xây dựng môi trường văn hoá công sở cũng là một yếu tố quan trọng để thực hiện công cuộc cải cách hành chính đạt hiệu quả cao.
Thu Hà
Nằm trong khuôn khổ cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007-2010", ngày 20/3, Trại sáng tác văn học lần thứ ba đã được tổ chức tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
(HBĐT) - Chúng tôi về xóm Tự Do, xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn đúng dịp cán bộ và nhân dân trong xóm đón Bằng công nhận Làng văn hoá cấp huyện.
Là tên tập thơ Haiku của TS Triết học Hà Thiên Sơn, giảng viên Trường ĐH KHXH-NV TPHCM. Chấm hoa vàng gợi cho người ta nghĩ đến một cái gì đó rất nhỏ nhưng lung linh và lay động tâm hồn nhạy cảm của con người.
- LTS - Nhà thơ Hữu Loan - tác giả bài thơ Màu tím hoa sim nổi tiếng, tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh năm 1916, vừa tạ thế ngày 18-3-2010 tại quê nhà ở thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh (Nga Sơn, Thanh Hóa). Ðể tưởng nhớ một nhà thơ đã để lại dấu ấn văn chương sâu đậm trong nhiều thế hệ người đọc, chúng tôi xin giới thiệu bài viết có tính hồi ức của nhà lý luận - phê bình TS Chu Văn Sơn kể về một lần gặp Hữu Loan.
Dương Triệu Vũ (sinh năm 1983) - ca sĩ trẻ đã rất được ưa chuộng tại các sân khấu Việt tại hải ngoại - cùng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Đàm Vĩnh Hưng, hứa hẹn sẽ bùng nổ tại làng nhạc nội địa.
Giới làm nghệ thuật ở kinh đô điện ảnh thế giới - Hollywood vẫn đang truyền nhau về một lời nguyền đáng sợ - lời nguyền Oscar