Ngày 31/3 vừa qua, Hồ sơ quốc gia hát xoan Phú Thọ đã được gửi đến trụ sở UNESCO để xem xét ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Trong lúc chờ đợi các cấp, các ngành đưa ra đáp án cho bài toán bảo tồn và Tổ chức UNESCO cân nhắc tính khẩn cấp cần phải bảo vệ của hát xoan thì ở Phú Thọ vẫn có những phường hát, những nghệ nhân (tuy không nhiều) đang cố gắng "giữ lửa" cho từng làn điệu của loại hình nghệ thuật dân gian này.
Tiếng hát nơi phường xoan
Nói đến hát xoan Phú Thọ là nói đến vùng đất gốc, nơi phát tích của một nghệ thuật diễn xướng độc đáo, tồn tại từ lâu đời, là một vốn quý trong kho tàng văn học dân gian giàu có của Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, hát xoan thường được trình diễn vào mùa xuân, trong những ngày hội đám ở một số đình làng trong tỉnh, nên còn được gọi là hát cửa đình. Các làn điệu xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Bấy giờ, trên địa bàn Phú Thọ có tới 18 phường hát xoan, nhưng theo thống kê mới nhất của Bảo tàng tỉnh, hiện nay toàn tỉnh chỉ còn lại 4 phường xoan của hai xã Kim Đức và Phượng Lâu thuộc thành phố Việt Trì là: phường xoan Thét, phường xoan Phù Đức, phường xoan Kim Đới, phường xoan An Thái. Thế nhưng có một điều đáng mừng là tại 4 phường xoan này, hàng đêm vẫn rộn vang lời ca tiếng hát.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Liên ở phường xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì cho chúng tôi biết: “Hiện nay, phường có hơn 40 thành viên, trong đó thành viên nhỏ nhất là 8 tuổi và cao tuổi nhất là hai cụ nghệ nhân Nguyễn Thị Ý (90 tuổi) và Nguyễn Thị Hải (86 tuổi). Nhiều nghệ nhân khác cũng đã bước qua cái tuổi 70, 80. Ấy vậy mà không buổi dạy nào các cụ vắng mặt mặc dù các học viên đều đến học miễn phí và các cụ không có một đồng thù lao nào”. Cụ Bùi Thị Hội tâm sự: "Chúng tôi già rồi, tuy không còn nhiều sức khỏe để biểu diễn hát xoan tại cửa đình nhưng vẫn có thể dạy hát cho các con các cháu. Nếu không được truyền dạy thì khi mình khuất núi, điệu xoan sẽ mất".
Trong số các nghệ nhân ở phường xoan An Thái, có gia đình bà Nguyễn Thị Lịch - trùm phường xoan An Thái là còn đủ các thế hệ sau theo học hát xoan để nối tiếp truyền thống lâu năm của gia đình (ông nội và cha bà Lịch cũng từng là trùm xoan có tiếng trong vùng). Chính bà Nguyễn Thị Lịch đã lập ra một lớp đào tạo hát xoan nhằm duy trì loại hình nghệ thuật truyền thống này, trước là truyền cho con cháu mình, sau là dạy cho lớp trẻ trong làng. Bà trùm Lịch cho biết: "Lớp học đã thành lập được gần chục năm, cũng có thời gian các cháu đến học lên tới hơn chục người, chủ yếu ở độ tuổi 10 -16. Chỉ tiếc là cứ đào tạo được cháu nào biết hát, biết phách để có thể biểu diễn thì cũng là lúc các cháu tốt nghiệp phổ thông và đi thoát ly, rất khó tập hợp trở lại. Vì thế mà giờ trong phường, số người trẻ hát xoan hay cũng chưa nhiều".
Trình diễn hát xoan. |
Đặt hy vọng vào lớp trẻ
Ai cũng biết, mang tính quyết định nhất trong phục hồi hát xoan là vấn đề con người, trước hết là nghệ nhân và ký ức quý giá của họ. Thật may, cho đến thời điểm này, xoan vẫn còn những "báu vật nhân văn sống", tuy trong số đó đã có vài cụ xấp xỉ tròn trăm tuổi. May mắn hơn, các cựu đào, cựu kép này vẫn còn mê xoan đến độ mắt lòa, lưng còng, chân yếu rồi mà vẫn cố gắng hằng đêm truyền tình yêu hát xoan cho con cháu, vẫn sẵn lòng dẫn dắt lớp trẻ đến với xoan và làm cố vấn cho đám trẻ biết chơi xoan. Họ hiểu rằng quyết định cuối cùng cho sự sống còn của xoan thuộc về thế hệ trẻ. "Cần phải làm cho các em hiểu và yêu loại hình nghệ thuật dân tộc này, có thế mới mong các em kiên trì theo học và hát hay được" - bà Lịch chia sẻ!
Theo GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, bên cạnh những hỗ trợ cụ thể cho các phường hát, các ngành chức năng cũng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để cộng đồng tự hào về giá trị di sản hát xoan của chính mình, từ đó khiến bản thân họ tự mong muốn được giữ gìn và truyền dạy. |
Có thể hy vọng vào giới trẻ lắm chứ khi ngắm nhìn phường xoan An Thái trong những đêm dạy hát, học hát: những gương mặt xinh tươi của các cô đào đang tuổi cắp sách đến trường, giọng hát mượt mà quyến rũ của cậu kép chính tạm gác nhiều ngày công nghề mộc kiếm ra khối tiền để nhập cuộc chơi xoan... Giữa lúc người người, nhà nhà mải lo làm kinh tế, bộn bề với cuộc sống, công việc, trong khi lớp trẻ ngày càng được tiếp xúc nhiều hơn với các loại hình âm nhạc mới, sôi động và thời thượng thì ở các phường xoan Phú Thọ vẫn có một số bạn trẻ đêm đêm miệt mài đến theo học các nghệ nhân. Chàng trai 23 tuổi Nguyễn Như Quỳnh là một ví dụ. Quỳnh cho biết, hát xoan ngấm vào em ngay từ khi còn nhỏ trong những lần được theo ông nội, cha mẹ đi xem hát xoan tại các cửa đình vào mỗi dịp Tết hay lễ hội của làng. Giờ đây em cũng muốn học hát để cùng cha mẹ và mọi người trong làng gìn giữ những điệu hát này.
Xoan cũng như mọi thể loại âm nhạc cổ truyền dân tộc khác chỉ thực sự có tương lai khi được công chúng thế hệ trẻ cảm nhận và đem lòng yêu mến. Nhận thức được điều này, các cấp lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện để các phường xoan, các lớp truyền dạy của nghệ nhân hoạt động thường xuyên và khuyến khích con em trong xã, phường tham gia lớp học. Một số địa phương còn đầu tư, trang bị trang phục, đạo cụ liên quan đến hát xoan cho các phường xoan, mở các cuộc thi hát xoan cho các bạn trẻ... Hy vọng trong tương lai không xa, chắc chắn hát xoan Phú Thọ sẽ có cơ hội hồi sinh!.
Theo Báo SKĐS
Tấu hài có thể được coi là “đặc sản” tiếng cười sân khấu khoảng 20 năm qua, tại TP.HCM. Trong một thời gian dài, nhiều chương trình ca múa nhạc không thể thiếu vắng các danh hài trong các tiết mục “cù” khán giả. Nhiều tụ điểm còn chèo kéo các danh hài nổi tiếng với cát - xê cao để thu hút người xem. Một cuộc chạy đua lâu nay đã tạo nên tình trạng xô bồ và ngày càng trở nên hỗn tạp. Giờ đây đã xuất hiện tình trạng khán giả quay lưng với tấu hài, ngay những sân khấu chuyên diễn tấu hài cũng thưa vắng khán giả. Một số cặp diễn hài có tiếng tăm đã phải chuyển nghề, hoặc có nhóm không còn được mời diễn dẫn tới sự tan rã trong nuối tiếc... Vì sao vậy?
Hầu hết các điểm du lịch ở ĐBSCL đều có "món" đờn ca tài tử phục vụ du khách. Nhu cầu thưởng thức loại hình "âm nhạc dân dã" này của khách phương xa là có thật; nhất là khách quốc tế.
Ngày văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Ðông Bắc có quy mô lớn được tổ chức định kỳ, luân phiên ở các tỉnh thuộc khu vực: Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Lạng Sơn. Năm nay, ngày hội được tổ chức tại vùng Ðất Tổ (Phú Thọ) từ ngày 14 đến 17-4 (tức ngày 1-3 đến hết ngày 4-3 âm lịch) đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm 2010.
Mùa hoa Chămpa năm nay, đoàn nhà văn VN gồm 12 người do Chủ tịch Hội Nhà văn VN - nhà thơ Hữu Thỉnh dẫn đầu sang dự Giải thưởng văn học Mêkông lần thứ 3 tổ chức tại Viêng Chăn - Lào từ ngày 24 đến 29/3/2010. Chuyến đi đã để lại khá nhiều ấn tượng đẹp đẽ và lý thú...
Hội nghệ sĩ Sân khấu (SK) VN vừa tiến hành trao giải thưởng thường niên của Hội cho các vở diễn và kịch bản SK năm 2009. So với các năm trước, năm nay, với một Ban chấp hành mà cơ cấu có nhiều sự đổi mới, việc tổ chức trao giải có phần hoành tráng hơn.
Các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử như rìu đá, chày nghiền, bàn mài, cuội ghè đẻo có niên đại cách đây trên dưới 4.000 năm, thuộc thời hậu kỳ đá mới; hàng chục hiện vật đồ gốm thuộc thời hậu kỳ đá mới như nồi gốm, bát bồng, hàng trăm mảnh gốm thô.