Gốm Bầu Trúc mang đậm nét đặc trưng của văn hóa Chăm
(HBĐT) - Rời chiếc nôi của nền văn hoá Hoà Bình với những hang động, cổ vật ngàn năm tuổi, những làn điệu dân ca đằm thắm, trữ tình của các dân tộc vùng Tây bắc, những người làm báo Hoà Bình chúng tôi háo hức vượt qua chặng đường hàng nghìn cây số để đến với Ninh Thuận, xứ sở xương rồng đỏ, nơi có những tháp Chàm và văn hoá Chăm độc đáo.
Ngay khi đến với Báo Ninh Thuận, chúng tôi đã được nghe các đồng nghiệp nơi đây giới thiệu về những địa danh văn hóa, du lịch nổi tiếng có sức quyến rũ đến ngợp lòng của vịnh Vĩnh Hy, biển Ninh Chữ và những tháp Chàm bí ẩn. Không có nhiều thời gian dành cho việc du ngoạn, phóng viên Nguyễn Anh Tùng ( Báo Ninh Thuận) người có nhiều bài viết sâu sắc về nền văn hoá Chăm dẫn chúng tôi đi một vài nơi được gọi là điểm nhấn làm nên nét đặc trưng của Ninh Thuận.
Nơi chúng tôi đặt chân đến đầu tiên là tháp Pô Kluang Garai, nằm uy nghi, tráng lệ trên đỉnh đồi Trầu cách thành phố Phan Rang chừng 5 km về phía Tây- bắc. Trong vai người hướng dẫn viên du lịch, anh Tùng giới thiệu: quần thể tháp Chàm Ninh Thuận ngày nay chỉ còn lại 3 ngôi tháp cổ gồm tháp Pô Kluang Garai, tháp Hoà Lai và tháp mang tên vị vua Pôrômê trị vì từ năm 1627- 1651(Pôrômê hay ông vua mục đồng- một trong những vị vua hoá thần của dân tộc Chăm). Ba cụm tháp này nằm ở 3 vị trí khác nhau như ba dấu chân lưu luyến của vệt nắng cuối ngày khi màn đêm bắt đầu trườn lên những nét yêu kiều phố thị của thành phố Phan Rang. Trong số những ngôi tháp đó, tháp Pô Kluang Garai được ví như một tháp Chăm còn sống, vì nơi đây thực sự rộn ràng, náo nhiệt trong lễ hội Katê, thường được người Chăm tổ chức vào tháng 9 hàng năm ( tức tháng 7 của người Chăm). Vì thế, đây cũng là ngôi tháp thu hút khách du lịch nhiều nhất. Tháp Pô Klaung Galai, còn gọi là tháp Bửu Sơn, là một trong những cụm tháp lớn nhất, còn nguyên vẹn nhất của người Chăm. Theo truyền thuyết, tháp được vua Jaya Simhavarman III (sử liệu Việt Nam thường gọi là vua Chế Mân) xây để thờ vua Pô Klang Galai- một ông vua Chămpa có cuộc đời và sự nghiệp phiêu lưu, chìm nổi nhưng cũng lắm oai hùng. Công trạng của ông được người Chăm ghi nhận trong chống giặc ngoại xâm và trong việc tổ chức khai mương, đắp đập làm cho đồng ruộng tươi tốt. Đứng trước toà tháp bằng gạch nung được chế tác đặc biệt, cao vút, cổ kính sau nhiều thế kỷ chống chọi với thời gian, chúng tôi ai nấy đều như bị hút mắt vào những chi tiết hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh... được điêu khắc tinh xảo ở các bức tường ngoài của tháp. Quả thật đó là những đường nét tinh tế và sống động đến không ngờ. Tưởng chừng như chỉ cần chạm tay vào, một vũ nữ Chăm mày ngài, mắt phượng mà thần múa Shiva đã nhập thân sẽ uốn tấm lưng cong đứng dậy, nhấc gót sen say những vũ điệu trong tiếng trống, tiếng kèn đam mê bất tận.
Khi đã thăm quan hết tòa tháp, mọi người trong đoàn không ai bảo ai tất cả đều dành tặng cho mình phút thư giãn bằng cách thả tầm mắt sâu về phía chân tháp để ngắm nhìn những thảm xương rồng đỏ mà tưởng tượng về cuộc sống của người dân nơi đây. Dường như ai cũng muốn lưu lại trong ký ức của mình cả những hình ảnh mới lạ về những đàn cừu béo nũng và những đứa trẻ mục đồng, những vườn nho trĩu quả và những bãi biển dạt dào thơ mộng...
Và rồi ý nguyện được đi thăm những ngôi làng Chăm để tìm hiểu nếp sống, những nét sinh hoạt đặc trưng của họ cũng đã trở thành hiện thực. Chiếc xe chở chúng tôi bon bon trên con đường làng thoắt cái đã dừng lại ở làng dệt Mỹ Nghiệp, thuộc thị trấn Phước Dân huyện Ninh Phước. Vừa bước chân vào cổng làng mọi người đã cảm nhận được cuộc sống yên bình trong tiếng tí tách thoi đưa. Thăm cơ sở dệt và kinh doanh thổ cẩm Huệ Dương, phóng viên Mạnh Hùng, Hồng Duyên của Báo Hoà Bình giơ máy ảnh chụp liên hồi để ghi lại hình ảnh người thiếu nữ chăm ngồi dệt vải. Dù không lạ lẫm gì với mặt hàng thổ cẩm, nhưng đến đây ai cũng muốn chen chân để ngắm nghía và chọn cho mình những chiếc khăn, áo, ví, túi sách để làm đồ lưu niệm. Thật thú ví khi được chiêm ngưỡng những tấm vải thổ cẩm được các thiếu nữ Chăm dệt dưới hình thức thủ công. Trên nền vải màu đen, đỏ, màu đặc trưng của thổ cẩm Chăm có thể thấy những hoa văn hết sức đa dạng từ những khối hình học cơ bản đến mỏ neo, chân chó, mây, kỳ nhông, rồng, phượng, voi... cách điệu. Theo lời giới thiệu của chị Hương, người thiếu nữ đang miệt mài bên khung dệt thì những hoa văn trên trang phục của người phụ nữ Chăm không chỉ đẹp, độc đáo mà nó còn thể hiện tầng lớp, địa vị của người mặc.
Chia tay làng dệt Mỹ Nghiệp với ánh mắt, nụ cười thân thiện tuy lạ mà như quen của những người phụ nữ chăm bên khung dệt, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến thăm làng gốm Chăm Bầu Trúc. Trước khi đến với làng gốm Bầu Trúc này chúng tôi đã được nghe ông Mai Ty, Phó Tổng Biên tập Báo Ninh Thuận giới thiệu: Các bạn nên đến thăm quan làng gốm để tìm hiểu cách mà người Chăm làm du lịch gắn với việc duy trì phát triển nghề truyền thống. Theo lời ông Mai Ty, gốm Bầu Trúc được làm từ đất sét ven bờ sông Quao. Gốm được làm hoàn toàn bằng tay, nung thủ công bằng rơm nên mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật khác biệt và mỗi người thợ gốm Bầu Trúc là một nghệ nhân. Thăm cơ sở sản xuất của Công ty TNHH gốm Kiều Lan chúng tôi được mở rộng tầm mắt để chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật qua các sản phẩm như bình phong thủy, tượng, phù điêu, vật thiêng dành cho việc thờ cúng, lọ hoa, chén, bát... và các vật dụng thuộc mặt hàng tiêu dùng. Có thể nói, gốm Bầu Trúc không chau chuốt, tinh xảo như gốm Bát Tràng, kiểu dáng không đa dạng, hợp thời như gốm Bình Dương mà ngay cả vẻ thô mộc cũng khác với gốm Phù Lãng. Những chiếc bình gốm Bầu Trúc với lớp men nướng, không đều một cách tự nhiên mà ẩn hiện những hoa văn Chăm, ngầm mang thông điệp riêng về một nền văn hóa độc đáo. Chị Kiều Lan, chủ doanh nghiệp vừa nhanh tay chau chuốt công đoạn cuối cùng cho bức tượng đẹp vừa chia sẻ duyên nghề với chúng tôi: Nghề làm gốm này cũng cơ cực lắm vì đất ở đây rất đặc trưng nên công đoạn làm gốm của chúng tôi được miêu tả ngắn gọn "Làm bằng tay, xoay bằng mông" chứ không thể dùng máy móc. Người làm gốm chủ yếu là phụ nữ, họ học nghề từ đời ông cha truyền lại, nên sản phẩm đẹp hay không đẹp là phụ thuộc vào đôi tay khéo léo và con mắt thẩm mỹ của người thợ. Mộc mạc, đơn sơ là vậy nhưng mới đây sản phẩm gốm Bầu Trúc của doanh nghiệp gốm Kiều Lan đã nổi tiếng khắp đất Bắc, Trung, Nam và thu hút đông đảo khách du lịch đến thăm quan và mua sản phẩm.
Thăm những ngôi làng nhỏ quanh thành phố Phan Rang- Tháp Chàm chúng tôi có cơ hội để tìm và hiểu thêm về mảnh đất đầy nắng, gió và những bãi xương rồng đỏ rực như đốm lửa say mê trên đồi cát trắng này. Mặc dù Ninh Thuận là nơi sinh sống của trên 50% trong tổng số hơn một trăm ngàn người Chăm sống tại Việt Nam nhưng ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa Chăm lên đời sống của người dân nơi đây quả là điều đáng ghi nhận. Trong mỗi câu chuyện kể về đời sống, sinh hoạt hàng ngày, không chỉ có người Chăm kể về văn hóa Chăm mà ngay cả những người thuộc dân tộc khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam sống ở Ninh Thuận cũng kể về văn hóa Chăm như một niềm tự hào.
Ninh Thuận được ví đẹp như một nàng công chúa Chăm hồn nhiên, hoang dã trong chuyện cổ mà trên suối tóc mượt mà của nàng công chúa ấy là những tháp Chàm bí ẩn, chính là những vương miện hoa lệ, tuyệt đẹp nhất. Chúng tôi còn biết: Ninh Thuận đang ấp ủ nhiều dự án phát triển như nhà máy điện hạt nhân, phong điện, các khu công nghiệp tầm cỡ đầy triển vọng. Trong tương lai không xa, các dự án này sẽ góp phần làm thay đổi cuộc sống những người dân nơi đây.
Chia tay Ninh Thuận trong luyến lưu, nuối tiếc với những điều mới mẻ về mảnh đất, con người còn chưa được khám phá, chúng tôi không quên hẹn ngày trở lại.
Thuý Hằng
Chiều 20/4, thư pháp gia Lê Thiên Lý đã hoàn tất viết 1.000 chữ “Long” (tức rồng) theo thể thư pháp bằng chữ Hán-Nôm trên chiếc đĩa gốm Chu Đậu lớn nhất Việt Nam, có đường kính 1,5m.
“Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trong đời sống văn hóa đương đại và đổi mới hoạt động bảo tàng” là chủ đề của hội thảo khoa học do Cục Di sản văn hóa, Sở VH-TT và DL TPHCM và Trường Đại học Văn hóa TPHCM phối hợp tổ chức ngày 20-4 tại TPHCM. Nhiều ý kiến xác đáng cùng những tham luận khoa học đã được giới thiệu và thảo luận sôi nổi để nâng chất và phát triển hoạt động của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ - bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam theo phương thức xã hội hóa.
Với 5 điểm bắn pháo hoa tầm cao và 2 điểm bắn pháo hoa tầm thấp, cả TP HCM sẽ rực sáng trong ánh sáng lung linh của pháo hoa nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 20-4, Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội đương đại" (Trường hợp Hội Gióng) do UBND thành phố Hà Nội, Bộ VH - TT và DL phối hợp với Ủy ban UNESCO Việt Nam, đã được tổ chức tại Hà Nội.
Hiếm có người nào yêu Huế, cũng như cổ vật Huế như ông Hồ Tấn Phan. Ông được gọi là "Người đọc sử dưới lòng sông", "Ông cổ vật", "Kẻ tha thẩn số một"... Còn ông, chỉ nhận mình là người yêu Huế và có duyên gìn giữ kho cổ vật, được trục vớt dưới dòng sông Hương.
Ở nhiều nước trên thế giới, nếu muốn đánh giá trình độ văn minh, người ta thường nhìn vào dàn nhạc giao hưởng của nước ấy, vì nhạc giao hưởng thực sự là tinh hoa của nhân loại.