"Với buổi hòa nhạc tuyệt vời này, đặc biệt là sự xuất hiện của nhạc trưởng Charles Ansbacher, sẽ xoa dịu trái tim và tâm hồn con người. Tôi vui mừng được tham dự vào buổi hòa nhạc, và tôi mong ý tưởng này sẽ được tiếp tục trong tương lai"- Đại sứ Mỹ Michael Michalak.
Buổi tối ngày 22/4/2010, khi những cơn gió lạnh cuối cùng đang ầm ào cuốn bụi trên những nẻo đường của thủ đô Hà Nội, thì tại khán phòng Nhà hát Lớn, hơn 500 người đang tập trung chờ đợi thông điệp hòa giải và yêu thương được truyền tải đi bằng thứ âm nhạc vô song và đẹp đẽ.
Xuất hiện tại buổi hòa nhạc khá sớm trước giờ biểu diễn là những vị đại sứ, những nhà ngoại giao, các nghệ sĩ gạo cội của nghệ thuật trong nước, những phóng viên, biên tập viên hàng ngày đang làm công tác truyền thông tại Vietnamnet, những khách mời từ nhiều lĩnh vực, có cả học sinh, sinh viên và những em bé đi theo bố mẹ. Khung cảnh nhộn nhịp trước Nhà hát Lớn trở thành tâm điểm của quảng trường Cách mạng tháng 8 trong một buổi tối trời lạnh của ngày cuối tuần.
Không phải chờ đợi lâu, 500 khán giả đã được thưởng thức những nốt nhạc đầu tiên vang lên dưới cây đũa chỉ huy của vị nhạc trưởng tài ba Charles Ansbacher. Đã có nhiều lời đồn đại, nhiều thông tin về con người này, nhưng khi trực tiếp nhìn thấy thành quả lao động của ông và cả Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam trong mấy ngày qua, mới thấy tài năng có thể biến đổi cả một dàn nhạc vốn đã từng quen thuộc đến thế nào.
Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam chơi tốt ngay từ những nốt đầu tiên. Tác phẩm La gazza ladra của nhà soạn nhạc người Ý G. A. Rossini lập tức gây ấn tượng bởi loạt trống mở đầu dẫn dắt cho tiếng kèn và bộ dây theo sau. La gazza ladra (The Thieving Magpie) hay "Chim ác là ăn cắp" là vở kịch mê-lô hai hồi kể về một cô hầu gái bị kết tội oan ăn cắp một chiếc thìa bạc. Cô bị phán quyết tử hình. Trên đường ra pháp trường người ta phát hiện ra con chim ác là mới chính là thủ phạm lấy trộm đồ và cô hầu gái được tha tội chết, được minh oan.
Đó chỉ là một câu chuyện ở nước Ý vào thế kỉ 19 xa xôi, nhưng sự thật là ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào cũng cần có tinh thần yêu thương và hòa giải - để con người xứng đáng là con người hơn khi tiến tới thế kỉ 21. Những bản nhạc được biểu diễn trong chương trình không mang những giai điệu kịch tính mà thiên về sự sáng tạo nhân bản và lãng mạn, ẩn chứa một cốt truyện sâu sắc về nguồn gốc.
Tổ khúc Pelleas et Melisande (Pelleas và Melisande) dẫn dắt cho cuộc gặp gỡ của nhà soạn nhạc thứ hai - Gabriel Faure - bậc thầy trong thể loại mélodie (ca khúc nghệ thuật Pháp). Các tác phẩm của ông trải từ phong cách Cổ điển đến Lãng mạn và cuối cùng là tới một nguyên tắc thẩm mĩ của thế kỉ 20.
Tác phẩm “Pelleas và Melisande” sâu lắng và quyến rũ đối lập với một "Chim ác là ăn cắp" gai góc, mạnh mẽ, nhiều biến chuyển bằng những giai điệu violin đặc trưng và tiếng đàn harp trong trẻo cất lên trong chương 4. Chương cuối cùng tiếp tục là sự tỏa sáng của sáo flute nối dài thêm chuỗi âm thanh mềm mại. Không thể không nhắc đến tài năng của chỉ huy Charles Ansbacher trong việc "nắn" lại các dòng âm thanh của violin, viola và cello đi rõ nét và đúng hướng trong toàn bộ tổ khúc này. 5 chương của tổ khúc hoàn toàn khác biệt, nhưng cân bằng một cách hoàn hảo với nhau trong cùng nhịp điệu và cao độ.
Nhạc trưởng Ansbacher đã thể hiện rõ sự xuất sắc trong nghệ thuật chỉ huy từ những nốt chạy nhỏ đến sự đồng đều của giai điệu. Sự kết hợp ăn ý của dàn dây đã xóa nhoà phần lỗi nhỏ yếu hơi trong đoạn mở đầu La gazza ladra của kèn trumpet.
Sau giờ nghỉ giải lao, được sự mong đợi lớn nhất chính là giao hưởng số 9 "Từ thế giới mới" của nhà soạn nhạc người Séc L. A. Dvorak. Bản giao hưởng nổi tiếng này đánh dấu quãng thời gian Dvorak lần đầu đặt chân đến nước Mỹ, ngoài ra nó còn là một tác phẩm mang “tinh thần Mỹ" đầu tiên thuộc thể loại âm nhạc nghiêm túc.
Đúng như phong cách Mỹ, phần bonus chương trình, Ansbacher bắt nhịp một tác phẩm ngắn vui nhộn với chiếc đũa chỉ huy ngậm trong miệng và cổ vũ khán giả vỗ tay theo nhịp phách. Phần thể hiện vô tư và rất đôn hậu theo tinh thần "Yêu thương" của Ansbacher đã khiến ông chinh phục được hoàn toàn những trái tim thính giả trong khán phòng Nhà hát Lớn. Với tiếng vỗ tay hòa theo vang dội, chắc chắn đây sẽ là một trong những ứng tác bonus hay nhất trong năm.
Sự xuất hiện của nhiều tên tuổi trong làng âm nhạc Việt đã chứng tỏ mối quan tâm sâu sắc của những người làm nghệ thuật đến chương trình. Có mặt cùng nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa ... nhạc sĩ Phạm Tuyên vừa dành những lời khen tặng chân thành, vừa chia sẻ nghiêm túc về những tâm huyết trong việc làm nghệ thuật.
TBT báo VietNamNet tặng hoa chúc mừng nhạc trưởng Ansbacher |
"Trong cơ chế hiện nay, việc tổ chức được một buổi biểu diễn như thế này rất đáng quý. Tất nhiên nó kén người nghe. Đây đâu phải nhạc thị trường xập xình, không dễ để bán được vé. Nhưng đây mới thực sự là âm nhạc. Được nghe và được giải tỏa những cảm xúc không vui. Thế nên mới gọi là âm nhạc hòa giải và yêu thương. Tôi gọi đây là một sự "đối trọng" với âm nhạc thị trường. Giá như luôn có thể tổ chức cho người nghe được những chương trình như thế này cho công chúng"
Cũng có mặt tại đêm diễn với tư cách khách mời, Admin diễn đàn nhạc cổ điển đầu tiên tại Việt Nam (nhaccodien.info) chia sẻ: "Tôi rất thích chương trình và thông điệp âm nhạc hòa giải, yêu thương của nó. Tôi cảm thấy cách chọn tác phẩm cũng rất thú vị. Đây vốn là các tác phẩm dễ nghe, giai điệu đẹp với những mâu thuẫn nội tại sẵn có trong hoàn cảnh ra đời của chính tác phẩm đó, nhưng khi đặt vào đây, nó sẽ giúp mang lại một tinh thần nhân văn và hòa giải"
Trong thành phần khán giả còn có sự hiện diện của một cô gái xinh đẹp trong tà áo dài Việt Nam màu tím. Ursula James, 20 tuổi - sinh viên lưu trú đến từ nước Mỹ bày tỏ: "Đêm nhạc quả thực rất tuyệt vời. Âm thanh tuyệt vời, chương trình thú vị. Tôi chơi đàn violin và tôi thực sự yêu mến dàn dây của dàn nhạc ngày hôm nay. Tác phẩm tôi thích nhất là bản giao hưởng số 9 của Dvorak. Bạn hỏi tại sao tôi lại mặc áo dài ư? Tôi nghĩ đây là một dịp đặc biệt và tôi quyết định mặc nó"
Tiếp bước những người lớn trong sự ủng hộ thông điệp Hòa giải - Yêu thương, bé Minh Tuệ, 9 tuổi cũng đã vỗ tay hòa nhịp rất nhiệt tình cho phần bonus của nhạc trưởng Charles Amscher. Không phải là lần đầu có mặt tại Nhà hát Lớn, nhưng không khí thân mật và gần gũi này trong một buổi hòa nhạc lớn lao thì đây là lần đầu tiên em được biết.
90 phút đắm chìm trong âm nhạc trôi qua rất nhanh, tại phòng Gương trong buổi gặp gỡ sau chương trình, nhạc trưởng Charles Ansbacher đã cùng nâng cốc với những người bạn Việt Nam thân thiết và "27 người bạn của Nhà Trắng" (White House fellows). Là một trong những người đã từng làm việc tại Nhà Trắng như những bạn bè khác của mình - "ngôi sao" của đêm diễn xúc động cho biết:
""Tôi vui mừng và tự hào là người Mỹ đầu tiên chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Tôi rất cảm động và hạnh phúc có thể chia sẻ những cảm xúc âm nhạc này với những người có mặt tại đây ngày hôm nay. Tôi nghĩ ngày nay, những nhà kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng vì ngoài việc tạo ra sản phẩm họ còn tạo ra nhiều ý tưởng phục vụ cuộc sống. Tôi rất hãnh diện và hân hạnh ngày hôm nay có thể kết bạn với một người (ông hướng về ông Nguyễn Anh Tuấn - tổng biên tập báo Vietnamnet) đã nghĩ ra ý tưởng vì con người, hòa giải và yêu thương này. Làm việc với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam là một cơ hội rất tốt với tôi. Khi mới bắt đầu, tôi và các thành viên trong dàn nhạc là những người xa lạ, ngay cả những bản nhạc cũng xa lạ. Nhưng chúng tôi đã làm việc chăm chỉ từ trưa ngày thứ Hai (19/4). Và kết quả thật tuyệt vời"
Đại sứ Mỹ Michael Michalak thay lời kết cho những người bạn Mỹ tại Việt Nam bằng những thông điệp chân thành về Yêu thương và Hòa giải
"15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, người Mỹ học được một điều rằng chúng ta có thể tin tưởng lẫn nhau, cùng nhau xây dựng quan hệ ngoại giao. Chúng ta đang làm như thế và sẽ tiếp tục phát triển như thế. Từng bước từng bước, tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều nhận ra giá trị của sự hòa giải và yêu thương. Bất cứ điều gì để củng cố cảm xúc này sẽ đều giúp ích cho mọi người. Với buổi hòa nhạc tuyệt vời này, đặc biệt là sự xuất hiện của nhạc trưởng Charles Ansbacher tối nay, sẽ xoa dịu trái tim và tâm hồn con người. Tôi vui mừng được tham dự vào buổi hòa nhạc, và tôi mong ý tưởng này sẽ được tiếp tục trong tương lai"
Kết thúc buổi biểu diễn, rất nhiều khán giả tiếp tục hỏi vé cho ngày biểu diễn hôm sau (23/4/2010). Buổi hòa nhạc Hòa giải và Yêu thương không những mang thông điệp cao quý và cần thiết ẩn chứa trong âm nhạc cổ điển, mà nó còn đang trở thành một concert có chất lượng và uy tín với sự tham gia của những nhạc trưởng tốt nhất, phù hợp nhất thế giới - quy tụ về đây và chia sẻ thông điệp toàn cầu này.
Nhà hát Lớn sẽ tiếp tục mở cửa đón những khán giả yêu nhạc tới Hòa nhạc "Hòa giải và Yêu thương" dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Charles Amscher vào 20h00 ngày 23/4/2010.
Theo VietNamnet
Ngày 21/4, tại cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cuộc hội ngộ các “ông đồ” Việt Nam lần thứ nhất đã diễn ra, đồng thời cũng là dịp hội ngộ các kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 19.
Các giải thưởng đưa ra cao ngất ngưởng để thu hút thí sinh dự thi, nhưng chất lượng thí sinh sẽ không cao vì cùng lúc diễn ra hai cuộc thi
Đó là lời khẳng định đầy quyết tâm của anh Nguyễn Quốc Thịnh, đạo diễn – chỉ đạo võ thuật đồng thời là trưởng nhóm cascadeur Quốc Thịnh. Đây là nhóm cascadeur đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các pha trình diễn võ thuật, nhào lộn, đu dây… trong hầu hết các hoạt cảnh tái hiện lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc tại gala “Đêm huyền thoại” do Báo SGGP tổ chức sắp tới…
Cũng có lần thấy nản lòng và chùng bước nhưng có lẽ niềm đam mê âm nhạc và sáng tác trong tôi lớn quá nên tôi vững tin và không ngừng cố gắng, nhạc sĩ Hà Chương tâm sự.
Chiều 20/4, thư pháp gia Lê Thiên Lý đã hoàn tất viết 1.000 chữ “Long” (tức rồng) theo thể thư pháp bằng chữ Hán-Nôm trên chiếc đĩa gốm Chu Đậu lớn nhất Việt Nam, có đường kính 1,5m.
“Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trong đời sống văn hóa đương đại và đổi mới hoạt động bảo tàng” là chủ đề của hội thảo khoa học do Cục Di sản văn hóa, Sở VH-TT và DL TPHCM và Trường Đại học Văn hóa TPHCM phối hợp tổ chức ngày 20-4 tại TPHCM. Nhiều ý kiến xác đáng cùng những tham luận khoa học đã được giới thiệu và thảo luận sôi nổi để nâng chất và phát triển hoạt động của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ - bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam theo phương thức xã hội hóa.