Những ngày này, đoàn làm phim Con của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, được xem là phần 2 của bộ phim Biệt động Sài Gòn (BĐSG), đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị để kịp bấm máy vào tháng Năm. Sau 30 năm, đạo diễn Long Vân, sẽ lại ngồi sau máy quay chỉ đạo diễn xuất cho những “chiến sĩ biệt động thời đại mới”, vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc thuở ban đầu khi thực hiện bộ phim có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất của đời ông.

Từ Biệt động Sài Gòn…

Có lẽ cho tới tận hôm nay, chưa có bộ phim Việt Nam nào lập được kỳ tích về khán giả như BĐSG. Ngay khi công chiếu (năm 1980), BĐSG đã tạo nên “cơn sốt” trên cả nước. Ước tính có khoảng 10 triệu khán giả mua vé để xem bằng được bộ phim màu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam này, thậm chí, có nơi khán giả chen nhau mua vé làm đổ tường, gây chết người! Và cho tới hôm nay, có lẽ cũng chưa bộ phim Việt Nam nào để lại nhiều chuyện “phía sau màn ảnh” đến như vậy, với không ít chuyện…li kì liên quan tới dàn diễn viên mà sau này, từ bệ phóng BĐSG đều trở thành ngôi sao của điện ảnh Việt Nam, cho tới những li kì trên trường quay.v.v... Thế nhưng ít ai biết ý tưởng làm phim đã đến một cách rất tình cờ.

Đoàn phim BĐSG chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên mẫu của nhiều nhân vật trong phim, những chiến sĩ BĐSG “thứ thiệt”.

32 năm trước, khi đang thực hiện bộ phim Cho cả ngày mai, đạo diễn Long Vân gặp Thiếu tướng Trần Hải Phụng (từng là Tư lệnh Biệt động Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Biệt động thành). Được biết Long Vân là đạo diễn phim Nơi gặp của tình yêu mà ông rất thích, Thiếu tướng gợi ý: “Hay là ông giúp chúng tôi làm phim về các chiến sĩ biệt động thành. Chúng tôi sẽ hết lòng hỗ trợ kể cả về kinh phí”. Nhận thấy đây là một ý hay nên đạo diễn Long Vân đồng ý ngay và nhờ Thiếu tướng Hải Phụng giúp gặp những chiến sĩ biệt động bằng xương bằng thịt đã đánh những trận ác liệt ở Sài Gòn. Từ đó, những câu chuyện từ người thật việc thật như Tư Chu (Tư Chung trên phim), Bảy Bê (Sáu Tâm), Năm Nè (K9)... đã giúp đạo diễn Long Vân mường tượng rõ hơn về những “chiến sĩ biệt động” của mình trên phim. Ông nhanh chóng bàn với lãnh đạo Hãng phim truyện Việt Nam và cùng nhà biên kịch Lê Phương bắt tay vào viết kịch bản. “Nếu không có cốt lõi sự thật là đời sống và những chiến công của chiến sĩ biệt động, cùng sự tình cờ may mắn nhận được lời gợi ý của thiếu tướng Hải Phụng thì đã không có BĐSG”, đạo diễn Long Vân khẳng định.

Tên ban đầu của bộ phim là Những thiên thần ra trận nhưng một lần, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Bí thư thành ủy lúc bấy giờ, tâm sự: “Chiến sĩ biệt động Sài Gòn của chúng tôi hay hơn, thật hơn những thiên thần nhiều. Chiến công của họ thiên thần không làm được đâu. Sao không cứ là Biệt động Sài Gòn thôi?”. Đúng là cái tên Những thiên thần ra trận nghe nhiều phần hoa mĩ, bởi vậy làm xong tập 1 đạo diễn Long Vân quyết định chọn BĐSG vì “không có gì đúng hơn sự thật”.

BĐSG gồm 4 tập được làm ròng rã trong 4 năm và đoàn phim, đa phần từ miền Bắc, cũng phải “đóng quân” tại Sài Gòn suốt thời gian này. “Đóng quân” được hiểu đúng nghĩa đen của nó: hết giờ quay, các diễn viên phải về “đại bản doanh” tại đường Đồn Đất (nay là đường Thái Văn Lung, quận 1) chứ không được la cà đi đâu, theo như kỷ luật quân đội. Thời gian làm phim dài, nên trong đoàn làm phim có cả nhà trẻ để giữ con cho các thành viên trong đoàn. Đặc biệt, có trường hợp cô nhân viên phụ trách hóa trang trong 4 năm đã kịp lấy chồng và sinh con ngay trên đất Sài Gòn. Đạo diễn Long Vân cũng chuyển trường cho cô con gái 13 tuổi của mình (Vân Dung - người đóng vai em bé bán báo trong phim) vào Sài Gòn trong 4 năm vừa học vừa làm phim.

Đạo diễn Long Vân cho biết có một cảnh phim mà ông nhớ nhất và cũng thích nhất là khi Ngọc Mai tỏ tình với Tư Chung (đã có người yêu là “ni cô” Huyền Trang). Tư Chung biết được nỗi lòng của Ngọc Mai nên tế nhị không trả lời và ra khỏi phòng. Ngọc Mai vô cùng đau khổ nhìn vào gương với những giằng xé: tại sao mình cũng đẹp, cũng hết lòng cho cách mạng mà số phận lại hẩm hiu vậy, nên đã cầm lọ nước hoa trên bàn ném thẳng vào gương. Đoàn đã thủ sẵn 3 cái gương cho cảnh quay nhưng chỉ sau đúp đầu tiên, đạo diễn đã tuyên bố không cần quay thêm nữa vì không biết trời xui đất khiến thế nào hay nghệ thuật ném gương của Ngọc Mai (Hà Xuyên thủ diễn) cao tay mà mảnh gương đã vỡ theo hình… trăng khuyết. Đúng là “cảnh trời cho”!

“Đa số những nhân vật trên phim đều lấy cảm hứng từ những nguyên mẫu ngoài đời. Trên phim, những chiến công của họ được tô điểm sinh động qua những mối tình – nó cũng có cốt lõi là sự thật, bởi có một kinh nghiệm được xem là “chân lý” trong “nghề biệt động”, đó là: “nơi nuôi giấu biệt động an toàn nhất là trong… trái tim người phụ nữ”! - đạo diễn Long Vân tiết lộ.

Đạo diễn Long Vân thăm Đại tá Tư Chu, nguyên mẫu của nhân vật Tư Chung trong phim BĐSG


… đến con của chiến sĩ biệt động Sài Gòn

Phải 30 năm sau, đạo diễn Long Vân mới bắt tay vào thực hiện phần 2 của BĐSG nói về thế hệ con cháu của những chiến sĩ biệt động năm xưa đang là những chiến sĩ công an nhân dân trên mặt trận chống tội phạm giữ an ninh cho đất nước với tên gọi Con của chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Lần này, ý tưởng làm phim được ông ấp ủ từ lâu và cũng đến từ gợi ý của một đồng chí lãnh đạo công an cấp cao. Cách đây 2 năm, tình cờ trò chuyện, đại tá Nguyễn Xuân Hải, trưởng ban biên tập báo Văn nghệ công an, rất thích thú và lao vào viết kịch bản. Đạo diễn Long Vân cũng bắt đầu tìm kiếm những “chiến sĩ biệt động” thế hệ thứ hai.

“Bộ phim chủ yếu thể hiện sinh động hình ảnh của lớp trẻ sau 30 năm giải phóng đất nước. Họ được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong hòa bình và phải sống ra sao để xứng đáng với cha anh họ, thừa kế được bản lĩnh, tinh thần của người đi trước”, đạo diễn Long Vân cho biết. Để chuẩn bị, đoàn làm phim đã gặp lại bà Trương Mỹ Hoa và Trương Mỹ Lệ, được 2 cựu biệt động Sài Gòn này động viên rất lớn về mặt tinh thần. Đạo diễn Long Vân cũng đã tìm lại đại tá Tư Chu (nguyên Phó Tư lệnh biệt động Sài Gòn, nguyên mẫu Tư Chung, “trùm biệt động” hào hoa, đầy bản lĩnh ở BĐSG), để báo tin mình sẽ làm BĐSG phần 2. “Ông Tư Chu đã yếu lắm rồi, không nói được nữa. Đã 30 năm rồi không ngờ ông ấy vẫn còn nhớ tôi. Nghe có đạo diễn Long Vân đến gặp là ông ấy đồng ý gặp ngay. Khi tôi nói: “Tôi vào đây để làm phim về con của biệt động Sài Gòn”, ông ấy bèn cười rồi giơ ngón tay cái lên tỏ ý thích thú. Tôi vô cùng xúc động, chiến sĩ biệt động lừng lẫy một thời, người đã tổ chức nhiều trận đánh lớn, là nguyên mẫu nhân vật Tư Chung của tôi, đã sắp đi xa. Tôi nhất định phải làm bộ phim này thật tốt”, đạo diễn Long Vân xúc động nói.

Tuy nhiên đạo diễn BĐSG cũng bộc bạch: “Ngày xưa 4 tập phim tôi làm trong 4 năm. Bây giờ trong nửa năm phải làm 36 tập. Ngày xưa diễn viên giỏi nghề, hết mình cho vai diễn. Ngày nay có nhiều phim, diễn viên có nhiều sự lựa chọn, dễ bị phân tâm. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể. Nếu BĐSG được 9 thì “đời con” cũng đạt cỡ 6 - 7. Phim thời kinh tế thị trường mà, cũng mong quý khán giả thông cảm!”.

                                                                           Theo Báo SKĐS

Các tin khác

Không có hình ảnh
Cảnh trong phim
Giáo sư sử học Lê Văn Lan.

Điểm vui chơi cho trẻ - Thiếu và yếu

(HBĐT) - Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em trong một vài năm trở lại đây tăng đột biến với những nguyên nhân chủ yếu như ngã, tai nạn giao thông, đuối nước….

Hôm nay 23-4, Đền Hùng vào hội

Sáng nay 23-4, tức mùng 10-3 Âm lịch, tại điện Kính Thiên, đền Thượng, trên núi Nghĩa Lĩnh, khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ, lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng được thực hiện theo nghi thức quốc gia với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng hàng vạn con dân nước Việt.

Thông điệp Hòa giải và Yêu thương từ âm nhạc vô song

"Với buổi hòa nhạc tuyệt vời này, đặc biệt là sự xuất hiện của nhạc trưởng Charles Ansbacher, sẽ xoa dịu trái tim và tâm hồn con người. Tôi vui mừng được tham dự vào buổi hòa nhạc, và tôi mong ý tưởng này sẽ được tiếp tục trong tương lai"- Đại sứ Mỹ Michael Michalak.

“Cuộc chiến bản quyền” khốc liệt

Trong khi các đơn vị làm sách chân chính nỗ lực mua bản quyền của các nước, giới làm sách lậu lại ngang nhiên hưởng siêu lợi nhuận bằng cách làm sách giả

Triển lãm lịch sử chủ quyền biển đảo của Việt Nam

“Quảng Ngãi, Hoàng Sa, Trường Sa: Lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam” là chủ đề của triển lãm do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Phạm Văn Đồng khai mạc chiều 22/4.

Thi viết về sự hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc

Ngày 22-4, Báo Sức khỏe và Ðời sống phát động Cuộc thi viết về những người thầy thuốc với chủ đề "Sự hy sinh thầm lặng". Cuộc thi nhằm kịp thời ghi nhận và tôn vinh những đóng góp cao quý của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam, những người đang ngày đêm chiến đấu để chiến thắng bệnh tật, giành lại sự sống và sức khỏe cho người bệnh. Sự hy sinh ấy đang diễn ra từng ngày, ở khắp mọi miền Tổ quốc, từ biên giới tới hải đảo, từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa... Ðồng thời động viên, khuyến khích và phát huy bản chất tốt đẹp, làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ áo trắng trong tâm trí mỗi người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục