Trong không khí trang nghiêm, thành kính hướng về nguồn cội, sáng 23-4 (tức 10-3 Âm lịch) tại núi Nghĩa Lĩnh, khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng đã diễn ra trang trọng theo nghi lễ Nhà nước. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết giữ vai trò chủ lễ.
Sau khi thành kính dâng hoa, lễ vật, thắp hương tưởng niệm các vua Hùng tại bàn thờ Tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn tổ tiên nguồn cội, các thế hệ cha ông, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, những người con ưu tú cùng toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước đã anh dũng chiến đấu ngoan cường vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Diễn văn của Chủ tịch nước có đoạn: “Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trong không khí cả nước kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của đất nước: 35 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội… Nhân dịp này tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết, chung sức, chung lòng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh của dân tộc, thực hiện lời dạy của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trước anh linh các vua Hùng, cầu chúc cho dân tộc ta và các dân tộc trên thế giới sống trong hòa bình, hạnh phúc và phát triển”.
Trong khí thiêng sông núi và tiếng trống đồng âm vang, được sự ủy quyền của chủ lễ, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, NSND Lê Tiến Thọ đọc chúc văn khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày giỗ Tổ Hùng Vương - ngày quốc lễ của dân tộc, ca ngợi công đức trời biển của các vua Hùng - những người có công dựng nước Văn Lang, nhà nước độc lập, có chủ quyền đầu tiên của dân tộc Việt Nam, tinh thần anh dũng bất diệt của toàn dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của Tổ quốc. Bài chúc văn thể hiện tâm tư, tình cảm của toàn dân hướng về cội nguồn dân tộc, khích lệ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, yêu chuộng hòa bình.
Kết thúc lễ dâng hương tại đền Thượng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu đã đặt vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các vua Hùng đã có công dựng nước” và dâng hương tại lăng Hùng Vương. Tiếp đó, Chủ tịch nước và đoàn đại biểu đã đến bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong tại ngã năm đền Giếng. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đặt lẵng hoa mang dòng chữ ”Mãi mãi ghi sâu và làm theo lời Bác dạy” trước bức phù điêu.
Cùng ngày, tại đền tưởng niệm các vua Hùng, trong khuôn viên Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc (ấp Vĩnh Thuận, phường Long Bình, quận 9), Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TPHCM đã long trọng tổ chức lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương. Đến dâng hương lên quốc Tổ có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP; Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM… cùng đông đảo nhân dân thành phố, người dân các tỉnh lân cận.
Tại buổi lễ, đồng chí Dương Quan Hà đã ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước của các vua Hùng, truyền thống của người dân nước Việt nói chung và nhân dân TPHCM nói riêng luôn hướng về quốc Tổ, hướng về cội nguồn để tưởng nhớ tổ tiên, ghi tạc công đức to lớn các bậc tiên liệt đã khai phá, dựng nước và giữ nước. Ngay sau đó là các nghi thức của lễ giỗ quốc Tổ được diễn ra một cách trang nghiêm, trang trọng với các nghi thức truyền thống rước lễ; diễn văn, chúc văn của chủ tế; lễ dâng hương của lãnh đạo TPHCM và du khách thập phương.
Tối 23-4, tại sân khấu chính khu vực quảng trường Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc (TPHCM) đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật các dân tộc vùng miền phương Nam với chủ đề “Về với cội nguồn”. Đây là chương trình văn nghệ nằm trong lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương năm 2010.
Tiết mục múa Trống chầu của Đoàn TPHCM trong chương trình biểu diễn nghệ thuật các dân tộc vùng miền phương Nam. Ảnh: An Dung |
Tham gia biểu diễn trong chương trình là những tiết mục văn nghệ đặc sắc của các đoàn nghệ thuật: TPHCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Sóc Trăng, người Hoa TPHCM. Đặc biệt, phần biểu diễn thời trang của các dân tộc như: dân tộc Kinh, Chăm, K’ho Lạch, Khmer, người Hoa… tạo được nhiều màu sắc độc đáo. Trong giai điệu hào hùng rộn rã của ca khúc Nòi giống Tiên Rồng (sáng tác Trương Đức) qua phần biểu diễn của ca sĩ Lương Chí Cường cùng tốp múa, chương trình được khép lại, nhưng ý nghĩa về những tấm lòng của người dân phương Nam hướng về đất Tổ, nhớ về công ơn của các vua Hùng dựng và giữ nước còn ngân vang mãi.
Tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (quận 9), lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương cũng được tổ chức với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và đồng chí Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP và hàng chục ngàn du khách thập phương. Nhiều nghi lễ trang trọng như dâng hương, dâng lễ vật, đặc biệt là lễ dâng 4.000 chiếc bánh chưng, bánh dày lên vua Hùng tượng trưng sự hòa hợp giữa đất trời và tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Ngoài ra, 30 đoàn nghệ thuật dân tộc đại diện cho 54 dân tộc anh em đến từ mọi miền đất nước về tham gia các lễ hội văn hóa dân gian trong ngày giỗ Tổ với chủ đề “Trở về cội nguồn văn hóa dân tộc”.
Các đồng chí lãnh đạo TPHCM và đông đảo người dân TP dự Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương tại Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Tại đền thờ Âu Lạc trong khu du lịch thác Prenn (Đà Lạt), tỉnh Lâm Đồng đã trang trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng. 20 đoàn đến từ các phường, xã và đơn vị ở Đà Lạt cùng với lễ vật (bánh chưng, bánh dày và hoa quả) đã rước kiệu từ đền Hạ, đền Trung lên đền Thượng, thực hiện nghi thức dâng hương. Sau phần nghi lễ là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian và trò chơi dân gian, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai cũng đã tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương với sự tham gia của hàng trăm ngàn người dân. Ở Gia Lai, phần hội sẽ diễn ra suốt 3 ngày (10 đến 12 Âm lịch) với nhiều hoạt động phong phú bao gồm: biểu diễn trống hội, nhạc võ đặc sắc của Bảo tàng Quang Trung (tỉnh Bình Định); các tiết mục hát múa, biểu diễn cồng chiêng với nội dung ca ngợi Tây Nguyên, ca ngợi đất nước.
Theo SGGP
Sáng nay 23-4, tức mùng 10-3 Âm lịch, tại điện Kính Thiên, đền Thượng, trên núi Nghĩa Lĩnh, khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ, lễ dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng được thực hiện theo nghi thức quốc gia với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng hàng vạn con dân nước Việt.
"Với buổi hòa nhạc tuyệt vời này, đặc biệt là sự xuất hiện của nhạc trưởng Charles Ansbacher, sẽ xoa dịu trái tim và tâm hồn con người. Tôi vui mừng được tham dự vào buổi hòa nhạc, và tôi mong ý tưởng này sẽ được tiếp tục trong tương lai"- Đại sứ Mỹ Michael Michalak.
Trong khi các đơn vị làm sách chân chính nỗ lực mua bản quyền của các nước, giới làm sách lậu lại ngang nhiên hưởng siêu lợi nhuận bằng cách làm sách giả
“Quảng Ngãi, Hoàng Sa, Trường Sa: Lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam” là chủ đề của triển lãm do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Phạm Văn Đồng khai mạc chiều 22/4.
Ngày 22-4, Báo Sức khỏe và Ðời sống phát động Cuộc thi viết về những người thầy thuốc với chủ đề "Sự hy sinh thầm lặng". Cuộc thi nhằm kịp thời ghi nhận và tôn vinh những đóng góp cao quý của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam, những người đang ngày đêm chiến đấu để chiến thắng bệnh tật, giành lại sự sống và sức khỏe cho người bệnh. Sự hy sinh ấy đang diễn ra từng ngày, ở khắp mọi miền Tổ quốc, từ biên giới tới hải đảo, từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa... Ðồng thời động viên, khuyến khích và phát huy bản chất tốt đẹp, làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ áo trắng trong tâm trí mỗi người dân.
(HBĐT) - Rời chiếc nôi của nền văn hoá Hoà Bình với những hang động, cổ vật ngàn năm tuổi, những làn điệu dân ca đằm thắm, trữ tình của các dân tộc vùng Tây bắc, những người làm báo Hoà Bình chúng tôi háo hức vượt qua chặng đường hàng nghìn cây số để đến với Ninh Thuận, xứ sở xương rồng đỏ, nơi có những tháp Chàm và văn hoá Chăm độc đáo.