Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi quan hệ Việt - Mỹ còn căng thẳng, các nhà ngoại giao, chính khách của hai bên còn chưa đến được đất nước của phía bên kia thì đã có một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam (VN) đặt chân lên nước Mỹ. Cùng với hành trang là những tác phẩm văn chương của VN như Thời xa vắng (Lê Lựu), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)..., các nhà văn VN đã đặt những bước chân đầu tiên vào cuộc hành trình xóa bỏ hận thù bằng văn học.
Chiếc cầu nối đưa văn học Việt Nam đến Mỹ
Vào các hiệu sách ngẫu nhiên của Mỹ, giờ đây ta có thể bắt gặp trên giá khá nhiều đầu sách văn học VN đương đại được dịch ra tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ như Dumb Luck (Số đỏ) của Vũ Trọng Phụng, Behind the red mist (Trong sương hồng hiện ra) của Hồ Anh Thái, Love after war (Tình yêu sau chiến tranh) - Tuyển tập truyện ngắn đương đại Việt Nam do Hồ Anh Thái và Wayne Karlin biên soạn, Crossing the river (Chảy đi sông ơi) của Nguyễn Huy Thiệp, Against the flood (Ngược dòng nước lũ) của Ma Văn Kháng hay The stars, the earth, the river (Những ngôi sao, trái đất, dòng sông) của Lê Minh Khuê, Black dog, Black night (Chó đen và đêm) - tuyển tập thơ Việt Nam đương đại; The Time Tree (thơ Cây thời gian) của Hữu Thỉnh... Để có được sự xuất hiện ngạo nghễ đó của các tác phẩm, tác giả Việt Nam trên kệ sách nước Mỹ phải kể đến công lao của hàng chục nhà văn, nhà thơ, dịch giả người Mỹ thuộc Trung tâm Nghiên cứu hậu quả xã hội và chiến tranh William joiner (WJC).
WJC là một tổ chức phi chính phủ, được thành lập vào năm 1982 bởi William joiner, một cựu binh người Mỹ gốc Phi, đã chết vì ung thư liên quan tới nhiệm vụ vận chuyển những thùng chất độc da cam trong cuộc chiến của Mỹ ở VN. Đây là tổ chức đầu tiên ở Mỹ khởi phát hành trình xây lại nhịp cầu hữu nghị Việt - Mỹ trên lĩnh vực văn hóa bằng những cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa văn nghệ sĩ hai nước và hiện đang được đánh giá là một trong những kênh giới thiệu văn học đương đại Việt Nam tích cực nhất tại Mỹ. Trong suốt gần 30 năm hoạt động, bằng những nỗ lực bền bỉ và nhẫn nại của các đại sứ văn học, những dịch giả tận tụy người Mỹ, nhiều tác giả, tác phẩm văn học VN đã có được visa vào nước Mỹ, đến được với những độc giả Mỹ. Thậm chí, hơn cả sự bền bỉ và nhẫn nại, các thành viên của WJC còn thu vén những đồng tiền cá nhân ít ỏi của mình để mời được nhiều nhất có thể các nhà văn cựu binh VN sang Mỹ, để có thể tổ chức được nhiều hoạt động nhất giới thiệu văn học VN tại Mỹ. Họ muốn bằng chính văn chương, thông qua văn chương để kéo hai dân tộc đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và cùng nhau đi đến cái đích cuối cùng là hàn gắn, hóa giải những vết thương trong quá khứ.
Tuy chưa có con số thống kê chính xác, nhưng theo tham luận mà TS. Kevin Bowen - Giám đốc Trung tâm WJC trình bày trong hội thảo văn học VN - Hoa Kỳ sau chiến tranh vừa được tổ chức tại VN, ông đã thống kê được hơn 40 lượt nhà văn VN sang Mỹ theo các chương trình nghiên cứu của trung tâm. Để có được những chuyến đi này, các nhà văn, nhà thơ của hai nước đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, nhất là trong thời gian quan hệ ngoại giao giữa hai nước chưa được bình thường hóa. Họ phải chịu sự nghi ngờ, phản đối, thậm chí thù địch. Đã không biết bao nhiêu lần các nhà văn cựu binh phải hứng chịu những trận biểu tình kèm cà chua, trứng thối, những hành động chống phá, dọa dẫm của các lực lượng đối nghịch tại các buổi đón tiếp hay các buổi nói chuyện văn chương của nhà văn VN trên đất Mỹ. Kevin và các đồng sự của ông còn phải ra hầu tòa vì những đơn kiện của nhiều người Mỹ cực đoan... Song, sau tất cả những điều đó, cây cầu nối văn học Việt - Mỹ vẫn không hề đứt đoạn.
TS. Kevin Bowen (người đứng phát biểu) trong cuộc gặp gỡ các nhà văn cựu chiến binh. |
Hiểu đúng về nhau qua văn học
Theo ông Kevin Bowen, tại Mỹ có rất nhiều nhà văn viết về cuộc chiến ở VN, nhưng qua đó, ông không học được gì, không hiểu gì thêm về VN. Bởi những tác phẩm ấy mới chỉ vẽ nên một tấm phông chung chung về VN, chứ không cắt nghĩa được bản chất của con người ở đất nước mà ông từng biết. "Tôi hiểu VN qua những người bạn VN là các nhà văn, nhà thơ, họ đã sang Mỹ đọc thơ cho tôi nghe, trình diễn múa rối ở nhà tôi. Tôi cũng hiểu VN qua việc dịch những tác phẩm văn học Việt. Từ những tác phẩm này, tôi nhận ra khuôn mặt thực sự và tâm hồn người dân VN" - Bowen tâm sự.
Cũng giống như Bowen, hầu hết các nhà văn, nhà thơ cựu binh Mỹ có mặt tại cuộc hội thảo đều thừa nhận là trước đó họ không hiểu gì về VN nếu không nói là còn hiểu sai. Mãi tận hai mươi năm sau chiến tranh, cho dù có bao nhiêu bản nghiên cứu lịch sử và chính trị đã được viết ra nhưng hầu như không có một tác phẩm văn học nào được dịch ra để cho người Mỹ có được cơ hội thấu hiểu quan điểm và cảm xúc của những cá nhân con người VN. Tình trạng này bắt đầu thay đổi vào cuối những năm 1980, khi một số truyện ngắn của Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp và cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được dịch và xuất bản tại Mỹ thông qua Trung tâm WJC. Sự hiện diện ngày càng nhiều sau đó của các nhà văn VN và các tác phẩm văn chương VN tại Mỹ đã mang lại hiệu quả "phục hồi" tư tưởng cho rất nhiều cựu chiến binh Mỹ. "Từ việc tiếp xúc với văn học VN, chúng tôi không những không còn hiểu nhầm mà còn thêm nể phục đất nước xinh đẹp này" - nhà văn Bruce Weigl viết trong một bản tham luận. Còn nhà thơ Martha Collins thì bày tỏ: Bà yêu VN hơn qua những vần thơ của Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ. Nó trở thành động lực thúc đẩy bà học tiếng Việt để có thể hiểu và dịch được nhiều hơn nữa thơ ca VN sang tiếng Anh. Những dịch giả văn chương này muốn có thêm thật nhiều người Mỹ biết về VN, hiểu VN như họ.
Hóa giải cho một cuộc chiến từng kéo dài nhiều năm không hề dễ. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, chiến tranh đã biến con người thành kẻ khác, khiến họ không mang bộ mặt thật của mình và cũng không nhìn thấy khuôn mặt của người khác. Chiếc cầu văn học và giao lưu văn hóa mà các sứ giả Việt Nam - Hoa Kỳ mất nhiều công sức để tạo dựng đã và đang góp phần khôi phục lại những khuôn mặt thực sự, những giá trị nhân văn vĩnh viễn. Nhà văn Nguyên Ngọc và các nhà văn cựu binh của Trung tâm WJC đều tin tưởng rằng khi đã nhìn thấy khuôn mặt thật của nhau thì cuộc hành trình hóa giải hận thù chắc chắn sẽ được thực hiện một cách trọn vẹn.
Theo Báo SKĐS
Một trong những chương trình đặc sắc được chờ đợi, mang tính truyền thống của Festival Huế là lễ hội áo dài đã diễn ra vào tối ngày 8.6. Với chủ đề “Vọng thiên niên” - hướng về ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, lễ hội áo dài năm nay diễn ra trên nền nhạc là những bài hát về Hà Nội.
Ngày 10/10/2010 - tâm điểm của đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội sẽ diễn ra lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình trong khoảng 100-120 phút.
Tối 7-6, tại bờ bắc sông Hương, trước đình Kim Long, TP Huế (Thừa Thiên - Huế) diễn ra Lễ hội tái hiện nghệ thuật "Cuộc thao diễn thủy binh thời các chúa Nguyễn". Ðây là lễ hội lần đầu được tổ chức tại Festival Huế với quy mô lớn, độc đáo nhân kỷ niệm 375 năm chúa Nguyễn Phúc Lan xây dựng Kinh đô xứ Ðàng Trong (1635-2010).
Chương trình lặp đi lặp lại ý tưởng; lứa ca sĩ “vàng” tàn lụi trong khi lớp ca sĩ mới chưa đủ sức thay thế... khiến chương trình Thúy Nga Paris ngày càng nhàm chán
63 tuổi, một mình với một chiếc chaly nhỏ bé lỉnh kỉnh những "túi đồ nghề", họa sĩ Đặng Ái Việt (vợ của cố NSND Phạm Khắc) rong ruổi khắp Bắc, Trung, Nam chỉ để tìm, vẽ cho được chân dung các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Ngày 7-6, trong lúc thi công tuyến cáp quang thuộc dự án mở rộng đường Lê Trung Đình (thành phố Quảng Ngãi), các công nhân thuộc Chi nhánh Vietel Quảng Ngãi đã phát hiện 28 bình vôi cổ với nhiều kiểu dáng khác nhau được chôn cùng một hố dài khoảng 2m, rộng 1m, sâu khoảng 70cm tại ngã tư Lê Trung Đình - Nguyễn Du, gần sát với cổng thành Quảng Ngãi xưa.