Một trong những nhà văn hóa của huyện Tân Lạc được xây dựng khuôn viên hẹp và nằm giữa cánh đồng, nên ít được sử dụng đúng mục đích
(HBĐT) - Năm 2004, UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng nhà văn hóa xóm, bản, giai đoạn 2005-2010. Đây là một chủ trương lớn, hợp lòng dân, khai thác được tiềm năng, thế mạnh trong nhân dân. Hoạt động xây dựng nhà văn hóa đã trở thành phong trào thi đua ở mỗi huyện, xã, xóm, KDC.
Thực hiện Đề án, đến năm 2010 toàn tỉnh đã có 72% xóm bản có nhà văn hóa (chỉ tiêu, kế hoạch là 80%). Hệ thống nhà văn hóa đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho nhân dân được giao lưu văn hóa, được tiếp nhận công nghệ thông tin và chuyển giao khoa học, công nghệ, góp phần nâng cao dân trí. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình thực hiện Đề án còn có đôi điều bất cập dẫn đến sự lãng phí.
Theo Đề án, những xóm, bản chưa có nhà văn hóa sẽ được hỗ trợ xây dựng mới, những xóm, bản đã có nhà văn hóa thì được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng. Mặt bằng xây dựng là ở khu vực trung tâm KDC thuận tiện cho quản lý và sử dụng có diện tích tổng thể là 300m2 bao gồm: Nhà văn hóa, sân tập luyện TD-TT, tổ chức lễ hội... Diện tích sử dụng nhà văn hóa: đối với xóm, bản có từ 50 hộ trở xuống thì diện tích tối thiểu là 50m2, đối với xóm, bản có từ 51 hộ trở lên đến 150 hộ dân tối thiểu là 80m2, các xóm bản có trên 150 hộ dân tối thiểu là 120m2. Tổng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ từ năm 2005-2010 là 22,8 tỷ đồng.
Qua 6 năm thực hiện đề án, toàn tỉnh đã xây dựng, cải tạo được 1.450 nhà văn hoá. Trong đó, xây mới 1.328 nhà, sửa chữa, cải tạo 122 nhà. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 88,6 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn ngân sách của tỉnh, ngân sách của huyện, xã và nhân dân đóng góp là 65,8 tỷ đồng. Khi xây dựng, cải tạo, nâng cấp xong diện tích trung bình của các xóm bản có dưới 50 hộ là 65m2/nhà văn hoá; xóm bản có từ 51-150 hộ là 80m2/ nhà văn hoá; xóm bản có trên 150 hộ là 135m2/ nhà văn hoá. Thực tế, khi bắt tay vào xây dựng phụ thuộc vào nguồn kinh phí và quỹ đất có nhiều địa phương xây dựng nhà văn hoá không phù hợp với quy cách dẫn đến tình trạng xây xong rồi bỏ phí.
Trong chuyến công tác về 2 xã Ngọc Lâu, Ngọc Sơn của huyện Lạc Sơn, chúng tôi được biết hầu hết các xóm đều đã có nhà văn hoá và đã được đầu tư trang thiết bị nội thất. Thế nhưng, theo truyền thống, những buổi họp của KDC, hoặc các buổi sinh hoạt đoàn thể ở một số xóm vẫn được tổ chức ở nhà dân cho tiện. Lý do, người dân vốn quen với nếp sinh hoạt bên căn nhà sàn thoáng rộng, còn nhà văn hoá lại được xây dựng ở nơi đất trống, xa KDC, diện tích chật trội lại được lớp bằng mái tôn, nóng nực vào mùa hè, thậm chí đường vào nhà văn hoá còn bị lầy lội, ướt át khi mùa mưa tới. ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lương Sơn… không ít nhà văn hoá được xây dựng với một diện tích quá khiêm tốn nằm bên cạnh vệ đường, chân núi, có khi là bờ ruộng… không có khoảng không gian dành cho việc tổ chức các hoạt động TD-TT, lễ hội… theo đúng chức năng của nhà văn hoá. Khi xây dựng nhà văn hoá, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện, mỗi xóm, bản, đều phải hô hào người dân đóng góp với mức từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/hộ gia đình. Thế nhưng, khi nhà văn hoá xây xong lại không sử dụng, hoặc ít sử dụng, không có người quản lý trông coi để cỏ dại, rêu phong mọc kín lối, không có tường rào bảo vệ, ngẫu nhiên trở thành bãi chăn thả gia súc, gia cầm gây mất mỹ quan.
Cùng với việc xây dựng, cải tạo nhà văn hoá xóm, bản, UBND tỉnh đã ra quyết định phân bổ nguồn kinh phí từ nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hoá hàng năm để đầu tư mua sắm 452 bộ thiết bị âm thanh cho các nhà văn hoá thuộc các làng văn hoá và nhà văn hoá xóm bản với tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng. Thực tế trong thời điểm hiện tại và cả trong tương lai, nhà văn hoá vẫn là một trong những thiết chế văn hoá quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng dân cư và ngày càng trở nên cần thiết hơn trong sự nghiệp CNH-HĐH. Một minh chứng cụ thể, hiện tại ở hầu hết các KDC trên địa bàn TP Hòa Bình đều thiếu nơi hội họp, tổ chức các hoạt động chính trị, văn hoá… nhưng vì không có quỹ đất nên trong 6 năm qua, thành phố mới xây dựng và sửa chữa, nâng cấp được 98 nhà văn hoá. Đến nay, số thôn, xóm, KDC trên địa bàn thành phố có nhà văn hoá mới đạt 42,4%. Trong khi đó, một số huyện như: Kỳ Sơn, Lương Sơn, Cao Phong, Lạc Thuỷ, Đà Bắc… tỷ lệ thôn, xóm, KDC có nhà văn hoá chiếm từ 75%-94%.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền địa phương và sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh đã đề ra phương hướng phấn đấu đến hết năm 2010 sẽ hoàn thành chỉ tiêu 80% số xóm, bản có nhà văn hoá. Nhìn lại số lượng và chất lượng các nhà văn hoá đã được đưa vào sử dụng, thiết nghĩn các địa phương, cơ sở đã và đang có kế hoạch xây dựng, sửa chữa nhà văn hoá cần tập trung hơn tới vấn đề chất lượng để khi hoàn thành có thể phát huy tối đa khả năng hoạt động, đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân, tránh sự lãng phí không cần thiết.
Thuý Hằng
Khá bận rộn vì vừa phải gánh thêm trọng trách mới, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam nhưng NSƯT Phạm Ngọc Khôi vẫn thu xếp, tạm gác lại những mối toan lo khác để dành tuyệt đối thời gian, công sức cho chương trình nghệ thuật đặc biệt: "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" truyền hình trực tiếp từ Tân Trào tối 19/8. Là một trong các nhạc sỹ tên tuổi tham gia phối khí, dàn dựng, chỉ huy, suốt nhiều ngày qua, NSƯT Phạm Ngọc Khôi và dàn nhạc giao hưởng hàng trăm nghệ sỹ đã miệt mài tại các phòng tập.
(HBĐT) - Kinh tế khởi sắc, đời sống văn hoá, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể là kết quả nổi bật từ sau việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở các khu dân cư xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc.
Nhà Việt Nam học người Nga, Evgheny Glazunov vừa cho ra mắt cuốn sách "Những ngày tháng chiến tranh và hòa bình," được nhiều nhà Việt Nam học đánh giá là "cẩm nang quan hệ Liên Xô-Nga-Việt Nam."
Đó là ba nhiệm vụ, theo Bộ Thông tin - Truyền thông, các phóng viên cần thực hiện khi đưa tin về đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngày 7.8, tại TPHCM, hơn 100 phóng viên các báo TPHCM, các tỉnh miền Đông - Tây Nam Bộ dự lớp tập huấn cách thông tin về ngày đại lễ...
Vì sao người nước ngoài học nhạc dân tộc Việt Nam? Câu trả lời không đơn giản là vì yêu mến, muốn quảng bá hoặc để khẳng định sự hấp dẫn của âm nhạc dân gian Việt Nam đối với thế giới như nhiều người ngộ nhận.
Có phải con đường trở thành “kịch sĩ” dễ như trở bàn tay nên khi ai có tiền đều có thể học làm diễn viên kịch?Nhiều năm qua, sân khấu kịch xã hội hóa ăn nên làm ra, từ vài sàn diễn đến nay đã phát triển đến 8 điểm diễn thuộc 6 đơn vị, đang cạnh tranh quyết liệt để lôi kéo khán giả. Không chỉ mở các điểm diễn mới, các sân khấu này và vài nghệ sĩ còn đứng ra mở lớp đào tạo diễn viên kịch.