Tôi cảm nhận rất rõ sự xúc động của các bạn sinh viên khi nghe âm nhạc ngũ cung của Dạ cổ hoài lang vang lên tại nước Úc
Tôi đến sân bay Sydney –Úc lúc 9 giờ 30 phút, buổi chiều cùng ngày (3-8) đặt chân tới Trường Đại học Sydney – nơi hằng năm đều có nhiều hoạt động văn nghệ của cộng đồng du học sinh người Việt. Tôi có mặt để cùng chạy “đường dây” chương trình đêm Gala Sinh viên 2010.
Điều tôi thú vị là trước đó một tháng đã có khoảng 50 tiết mục được đăng ký tham gia từ tất cả các trường đại học tại thành phố Sydney thuộc bang New South Wales, được bình chọn qua mạng để dự đêm gala này.
Buổi chạy các tiết mục kéo dài đến 23 giờ.
NSƯT Thành Lộc và hai MC sinh viên đang giao lưu trong chương trình Gala Sinh viên 2010 tại Úc. Ảnh: C.T.V
Tuy mệt nhưng lòng tôi vui mừng vì thấy các em biểu diễn hồn nhiên và đầy sức sống, hầu như có đủ mọi thể loại: ca vũ nhạc, đọc thơ, hoạt cảnh và diễn kịch... có cả nhạc hip hop nữa. Nói chung là không thiếu loại hình nào.
Sự có mặt của tôi đã khiến nhiều bạn sinh viên vui thêm, nên tôi quyết định tham gia hai tiết mục đơn ca, một bài nhạc mới và một bài Dạ cổ hoài lang trên nền nhạc hòa âm mới toanh của nhạc sĩ Đức Trí. Tôi còn tình nguyện tham gia làm MC cho suốt chương trình cùng với hai bạn sinh viên bên này, đó là Trâm Anh và Ngọc Phước.
Qua chương trình này, tôi hiểu hơn về đời sống của du học sinh ở Úc, các em rất năng động.
Hai ngày tiếp theo (5 và 6-8) từ 9 giờ đến 15 giờ, tôi phải đến phòng của em Xuân Phúc (sinh viên vừa tốt nghiệp Khoa Kế toán Trường Đại học Curtin, Sydney). Phúc là đạo diễn chương trình và chúng tôi cùng có mặt để làm kịch bản dẫn chương trình với hai MC.
Hầu hết các em còn rất mới mẻ với công việc này nên việc tập dượt phối hợp với các em khá tỉ mỉ. Được cái là các em rất siêng năng, với lại cùng làm MC chung với tôi nên hai em cũng có hơi khớp.
Sau khi tập xong là hai em chạy đi học ngay, sinh viên bên này là vậy, các em phải hết sức tranh thủ thời gian, hầu như các em đều phải đi làm thêm mới có tiền trang trải cho cuộc sống đắt đỏ bên này, nhưng vẫn dành thời gian để tập văn nghệ, thật là thương!
Ngày 7-8, tất cả phải có mặt tại hội trường Round House từ 9 giờ để tổng dượt chương trình, cùng phối hợp với âm thanh và ánh sáng. Vậy là cả ngày ở trong trường cùng chạy chương trình với các em, mệt muốn xỉu vì buồn ngủ quá, trời thì lạnh nên cổ họng cứ như đặc quánh lại, muốn tắt giọng, sợ quá!
Vì tối sẽ hát bài Dạ cổ hoài lang mà giọng không ngọt ngào thì khó lắm. Nhưng lòng vui vì đã lâu tôi không được sống trong không khí văn nghệ học đường như thế này!
Tối đến, khán giả sinh viên đến thật đông, các bạn nói năm nay con số khán giả thật kỷ lục, vé đã bán hết sạch từ lúc mới có thông báo, đây là lần tổ chức thứ 13 rồi, mỗi năm một lần, chủ đề gala năm nay là “Gần nhau hơn” (Loser) nhằm thắt chặt thêm hơn tình đoàn kết của các bạn trẻ vốn xa nhà, thiếu thốn tình cảm gia đình, bạn bè nơi xứ người.
Chương trình thật thành công, các em sinh viên hát thật hay, có nhiều giọng ca hay bất ngờ, nhiều em sử dụng nhạc cụ khá điêu luyện và diễn hài kịch thì thật hồn nhiên, lấy tiếng cười của khán giả không kém các diễn viên chuyên nghiệp.
Chương trình kéo dài... hơn 4 giờ (có hơi mệt!) mà khán giả vẫn còn ngồi xem tới hết.
Bên cạnh các ca khúc ngoại quốc, các em hát thật nhiều các nhạc phẩm trong nước, nghe thật hay và tràn đầy “máu lửa”. Tôi thật xúc động khi nghe các em hát Dòng máu Lạc Hồng, Quê nhà, Mái đình làng biển... Vì vậy, Dạ cổ hoài lang cũng thật hòa điệu và nhận được những tràng pháo tay tán thưởng thật nồng nhiệt.
Có lẽ tôi là người già nhất trong gala và của cả khán phòng cũng nên! Tôi thấy tất cả như mấy đứa em của mình vậy, các em dễ thương làm sao, tôi muốn ôm tất cả vào lòng... trong khoảnh khắc mấy trăm con người trong khán phòng ấy như trong một tổ ấm, như trong một gia đình!
Đêm gala đã kết thúc trong sự mãn nguyện và thật ấm cúng trong tình bạn bè, tình đồng hương của những người con Việt Nam xa xứ!
Lòng tôi lâng lâng khó tả những cảm xúc thân thương của những sinh viên xa nhà. Họ luôn hướng về quê hương, khao khát vươn tới những đỉnh cao trong kiến thức để về phục vụ cho đất nước.
Tôi cảm nhận rất rõ sự xúc động của các bạn sinh viên khi nghe âm nhạc ngũ cung của Dạ cổ hoài lang vang lên tại nước Úc. Tôi đã nghẹn ngào khi nghĩ đến niềm hạnh phúc thiêng liêng đó, vì đi đâu, làm gì, quê hương vẫn ở trong giai điệu ngũ cung, vẫn là một Việt Nam rất gần trong đời sống hội nhập hôm nay.
Nghĩa cử đẹp!
NSƯT Thành Lộc sang Úc theo lời mời của Hội Sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales – Úc (từ ngày 3 đến 10-8), tham dự chương trình đêm văn nghệ Gala Sinh viên 2010, do Hội Sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales (VDS) tổ chức. Đây là chương trình mang tính truyền thống được tổ chức hằng năm thuộc một tổ chức xã hội tự nguyện của các du học sinh Việt Nam đang theo học tại bang New South Wales thực hiện.
Hội được thành lập năm 1997, tổ chức và hoạt động dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney.
Chương trình diễn ra vào ngày 7-8, tại nhà hát của Trường Đại học Tổng hợp New South Wales.
NSƯT Thành Lộc cho biết: “Tôi có bày tỏ trong đêm họp mặt liên hoan chia tay với các bạn sinh viên ở đây là sẽ dành toàn bộ số thù lao (3.000 đô la Úc) đem về nước trao tặng cho quỹ tương trợ các bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, giống như lần trước tôi làm CD Những điều thần tiên vậy, coi như tôi chỉ là người thay mặt cho VDS làm việc thiện ấy mà thôi! Các bạn sinh viên rất ủng hộ việc làm này và có bạn còn đến gặp tôi để góp thêm chút ít từ tiền riêng của mình”. |
Theo NLĐ
Đó là ba nhiệm vụ, theo Bộ Thông tin - Truyền thông, các phóng viên cần thực hiện khi đưa tin về đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngày 7.8, tại TPHCM, hơn 100 phóng viên các báo TPHCM, các tỉnh miền Đông - Tây Nam Bộ dự lớp tập huấn cách thông tin về ngày đại lễ...
Vì sao người nước ngoài học nhạc dân tộc Việt Nam? Câu trả lời không đơn giản là vì yêu mến, muốn quảng bá hoặc để khẳng định sự hấp dẫn của âm nhạc dân gian Việt Nam đối với thế giới như nhiều người ngộ nhận.
Có phải con đường trở thành “kịch sĩ” dễ như trở bàn tay nên khi ai có tiền đều có thể học làm diễn viên kịch?Nhiều năm qua, sân khấu kịch xã hội hóa ăn nên làm ra, từ vài sàn diễn đến nay đã phát triển đến 8 điểm diễn thuộc 6 đơn vị, đang cạnh tranh quyết liệt để lôi kéo khán giả. Không chỉ mở các điểm diễn mới, các sân khấu này và vài nghệ sĩ còn đứng ra mở lớp đào tạo diễn viên kịch.
Kỷ niệm Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hướng tới kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, Thư viện Quốc gia Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào đã tổ chức triển lãm tư liệu "Thăng Long - Hà Nội: Nghìn năm văn hiến" từ ngày 2-8 đến 2-9 tại Viêng Chăn (Lào).
Khi buổi lễ ra quân bắt đầu thì cơn mưa nặng hạt từ mờ sáng cũng vừa dứt. Khu vực tượng đài Bác Hồ trước UBND TPHCM l ấp lánh nước, lấp loáng bóng người qua. Buổi lễ dâng hoa lên Bác Hồ trước lúc lên đường tham gia các hoạt động tình nguyện quốc tế tại nước CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia của 107 đoàn viên, sinh viên, thanh niên công nhân thành phố diễn ra long trọng, cảm động. Kỳ nghỉ hồng này bắt đầu từ 29-7 đến 8-8 tại nước CHDCND Lào và từ 9 đến 11-8-2010 tại Vương quốc Campuchia.
Sáng 6/8, Đại hội toàn thể Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đến dự, có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Lê Xuân Tùng và Nguyễn Đức Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; đồng chí Phùng Hữu Phú, Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW; nhà báo Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TW và đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ban, ngành cùng gần 900 nhà văn tham dự.