Hằng ngày, đúng sáu giờ sáng, Ðài Phát thanh - Truyền hình Côn Ðảo lại cất lên giai điệu bài Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao. Bản anh hùng ca ấy ra đời từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đã từng thúc giục bao thế hệ chiến sĩ Việt Nam ra chiến trường, chấp nhận hy sinh gian khổ để đất nước có ngày độc lập, tự do. Và giờ đây, mỗi sáng Côn Ðảo lại thức dậy với khúc tráng ca ấy, nghe mà lòng rạo rực khôn nguôi...
Từ sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ sau 40 phút bay là đã tới Côn Ðảo. Từ trên cao nhìn xuống, 16 hòn đảo nhấp nhô với Côn Ðảo là đảo lớn nhất, như một bầy vích con to con nhỏ, nổi lên giữa biển xanh bao la, sóng vỗ dạt dào, trắng xóa. Một bức tranh sơn thủy hiếm có của tự nhiên. Trung tâm hành chính của huyện Côn Ðảo nằm trên một khu khá rộng, hàng trăm ha đất bằng và ao hồ; lưng tựa vào dãy núi Thánh Giá, nhìn ra phía biển có các đảo hòn Bảy Cạnh, Bông Bay, Hòn Thỏ, Hòn Tài, hòn Trác Lớn, Trác Nhỏ... chắn bão. Ðây chính là khu vực nhà tù do thực dân Pháp xây dựng năm 1930, sau này Mỹ - ngụy tiếp quản, xây dựng thành "địa ngục trần gian" - nơi suốt hơn nửa thế kỷ 20 đã giam giữ, đầy ải, tra tấn những người con yêu nước của dân tộc Việt Nam. Ði trong nghĩa trang Hàng Dương, thấy có tiếng ve rỉ rả, tiếng gió lao xao trên những tán lá dương, rồi hoa phượng vĩ nở đỏ. Mộ chị Võ Thị Sáu, hoa Hoàng hậu nở vàng rực, cùng với đó là mộ ông Nguyễn An Ninh, không lúc nào thiếu những vòng hoa tươi và hương nến. Bảo tàng Côn Ðảo đang đặt tại biệt thự của "chúa Ðảo" xưa. Ở đây còn ghi lại bằng hình ảnh nhiều trang viết, sách báo, hiện vật nói lên tinh thần bất khuất của người tù, những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, những cuộc đấu tranh và nổi bật ở đó là tinh thần đoàn kết, là nghĩa tình của người tù với Ðảng, Bác Hồ và cách mạng. Những chiếc vỏ gối, những chiếc khăn tay có thêu hoa, thêu chim bồ câu, thêu cờ giải phóng, những bộ quần áo vá đến vài chục miếng... Tất cả đều là sự gửi gắm khát vọng hòa bình, tình yêu và hạnh phúc, thể hiện niềm tin vào tự do và ngày chiến thắng. Tại đây cũng có đủ các tác phẩm văn học viết về nhà tù Côn Ðảo, những hồi ký của các cựu tù Côn Ðảo kể lại những ngày đấu tranh trực diện trong nhà giam với kẻ thù, sẵn sàng chấp nhận hy sinh.
Khu trại giam và nghĩa trang đã được quy hoạch tổng thể, có Ðài tưởng niệm với quy mô kiến trúc đồ sộ. Huyện lỵ Côn Ðảo có nhiều đường ngang dọc, lớn nhỏ. Mỗi con đường đều mang tên một chiến sĩ cách mạng từng bị giam giữ ở đây. Ðại lộ ven biển lộng gió, có công viên với hoa cảnh và tượng đài, mang tên Tôn Ðức Thắng. Rồi những con đường mang tên Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Văn Ðồng, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Ðức Thuận, Phạm Hùng, Hoàng Quốc Việt, Võ Thị Sáu,... Từ trung tâm Côn Ðảo, đường nhựa vươn ra khắp ngả, đưa du khách đến nghĩa trang Hàng Dương, đến trại biệt giam Chuồng Bò, cầu Ma Thiên Lãnh, lò vôi và các trại giam. Ði trên Côn Ðảo, nghĩ gần nghĩ xa, tôi ngẫm ra một điều, gần 6.000 quân dân Côn Ðảo cũng như quân dân cả nước có được một cuộc sống như hôm nay, trước hết là từ những cuộc ra đi bất tử của hàng triệu chiến sĩ cách mạng, trong đó có những người tù chính trị ở Côn Ðảo này. Chị Thanh Vân - Giám đốc Ban quản ly di tích Nhà tù Côn Ðảo, cùng 20 đồng sự nam nữ còn trẻ tuổi, kể rằng, hằng ngày họ đón hàng trăm, hàng nghìn người khách đến thăm viếng các nhà tù nổi tiếng tàn độc như các trại Phú Thọ, Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Phong, Phú An, Phú Bình, Phú Hưng... Ðến đây, nhiều người không thể cầm được nước mắt khi dừng lại trước các phòng giam. Nơi đó còn lưu lại những xiềng chân, xích tay, dây treo, các phương tiện tra tấn như dùi cui, roi vọt, máy điện,... Nhất là khi nghe kể về những thủ đoạn tra tấn dã man, như rắc vôi bột, đổ nước xuống đầu tù nhân, bắt tù nhân "múa phượng hoàng", "đi tàu bay", "đi tàu ngầm"... Một số chứng tích được khôi phục trong buồng giam, có thể làm người yếu bóng vía chỉ nhìn qua cũng ngất xỉu. Vậy mà sau 113 năm kể từ khi trại giam đầu tiên được thành lập đến năm 1975, hơn 20 nghìn chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã phải trải qua những ngày biệt giam ở nơi này. Ði trên Cầu tàu 914 mà thực dân Pháp xây dựng từ năm 1873, lòng rưng rưng thầm nghĩ mỗi hạt sỏi, cát nơi đây đều thấm máu những người con ưu tú của dân tộc. 914 người tù đã chết, để bây giờ có tên gọi Cầu tàu 914, với bia tưởng niệm ghi rõ tội ác của giặc ngoại xâm.
Bến cảng du lịch ở Côn Đảo.
Chiến tranh đi qua, đất nước độc lập, thống nhất vẹn toàn. Sau mấy chục năm, khu trung tâm Côn Ðảo đã trở thành khu dân cư đông đúc, nhà dân hầu hết là các nhà hàng và dịch vụ, nhiều nhà xây cao hai, ba tầng. Chợ Côn Ðảo có đủ các mặt hàng điện tử, may mặc, đồ gia dụng, ăn uống, giải khát, thực phẩm tươi sống... Do điều kiện địa lý khó khăn, hiện tại ở Côn Ðảo, một số thực phẩm vẫn phải đem từ đất liền ra, nhất là hoa quả. Huyện ủy cùng UBND huyện đã có kế hoạch phấn đấu đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi để sớm tự túc thực phẩm tại chỗ. Và cư dân Côn Ðảo cũng đang ngày một đông dần, phần do phát triển tự nhiên, phần do sức thu hút của phát triển kinh tế - du lịch. Tôi gặp ông Bôn, ông hóm hỉnh tự giới thiệu mình là người dân tộc "tà ru" (tù ra), ông bảo: "Trước ngày 30-4-1975, ở Côn Ðảo không có dân thường. Trước đó ở thôn Cỏ Ống, thôn An Hội đã có dân thường tới sinh sống, nhưng lại bị Chúa đảo đuổi đi hết. Trên đảo chỉ còn lại bọn cảnh sát ác ôn, binh lính và vợ con của chúng. Suốt từ thời Pháp tới thời Mỹ - ngụy, Côn Ðảo đặc biệt hiếm phụ nữ nên mới có câu thơ: Côn Sơn gió lạnh không tình sử - Rượu uống mềm môi vẫn thấy thèm, nay thì mỗi năm đã có hàng chục đám cưới của cư dân tại chỗ".
Những ngày ở Côn Ðảo, tôi được biết về kinh tế, quý I năm 2010 sản xuất công nghiệp ở Côn Ðảo (gồm điện, nước, nước đá, vật liệu xây dựng) đạt 11,48 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp hơn bốn tỷ đồng, ngư nghiệp đạt 5,46 tỷ đồng, doanh thu thương mại, dịch vụ đạt 118,52 tỷ đồng. Các dự án đã và đang đầu tư được triển khai có hiệu quả, đầu tư cải tạo, nâng cấp đường nội thị trung tâm hoàn thành 70% khối lượng; công trình cấp nước thực hiện 40% khối lượng xây lắp. Rồi dự án cải tạo lưới điện, xây dựng khu chung cư công vụ, chung cư cho người có thu nhập thấp, kè quanh hồ Quang Trung - An Hải, và một số dự án khác như nhà máy phong điện tại mũi Tàu Bể, khu du lịch Bãi Ðầm Trầu nuôi cấy ngọc trai. Tất cả đang được tích cực triển khai với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và từ nhiều nguồn vốn khác, Côn Ðảo bước vào một thời kỳ phát triển đặc biệt, để cố gắng đến năm 2020 sẽ trở thành khu du lịch cao cấp.
Bến Ðầm là đầu mối kinh tế biển của Côn Ðảo với cảng nước sâu, tàu lớn có thể ra vào dễ dàng, là nơi neo đậu của tàu, thuyền đánh cá gần bờ. Ngư trường Côn Ðảo có nhiều loại cá ngon nổi tiếng như cá bớp, cá mú, cá thu, cá mực, cá rồng vừa ăn vừa làm thuốc. Nghề nuôi trồng thủy sản đã bước đầu phát triển với nghề nuôi tu hài, cá mú, cá bớp, nuôi trai lấy ngọc được hơn 60 ha. Tại đây đã có các xí nghiệp sản xuất nước đá, bột cá, kinh doanh xăng dầu, cung ứng vật tư nghề biển. Lại có một khu phố buôn bán và dịch vụ ăn uống, với câu lạc bộ thủy thủ. Bến Ðầm được đầu tư xây dựng để trở thành cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Côn Ðảo. Chung quanh Bến Ðầm, nhiều bãi tắm và đồi núi đẹp như Bãi Nhát, Hòn Bà và rừng nguyên sinh nên có nhiều hứa hẹn về du lịch sinh thái. Khu thung lũng Cỏ Ống, ngoài sân bay đang được củng cố và mở rộng, là những khu đầu tư chuyên trồng rừng và làm vườn, thôn xóm có đường bê-tông, nhiều loại cây ăn quả. Ðất đồi rừng ở đây còn rất rộng, đang thu hút dân cư đến sản xuất nông - lâm nghiệp.
Côn Ðảo không chỉ năng động trong phát triển kinh tế mà còn rất quan tâm phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2009, Côn Ðảo đã thực hiện thành công chương trình truyền hình trực tiếp Huyền thoại Côn Ðảo và Ðại lễ cầu siêu tại Côn Ðảo để tưởng niệm, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này. Hằng năm, huyện đều tổ chức hoạt động mừng Ðảng, mừng xuân, hội diễn văn nghệ quần chúng. Năm vừa rồi, Ðội văn nghệ Côn Ðảo tham dự hội diễn của tỉnh đã đoạt giải nhất toàn đoàn với bảy Huy chương vàng, ba Huy chương bạc. Thư viện huyện với 26 nghìn bản sách, đã có 4.500 lượt bạn đọc đến đây. Toàn đảo hiện có 429 học sinh tiểu học, 259 học sinh THCS và 129 học sinh THPT, ngoài ra còn có các lớp phổ cập, bổ túc văn hóa. Các lớp đại học từ xa về du lịch, tiếng Anh, tin học cũng được huyện tổ chức cho người có nhu cầu. Thầy Nguyễn Khắc Lợi, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu, cho biết: "Năm 2009, học sinh THPT ở Côn Ðảo đỗ đại học 62,5% số em dự thi. Hiện nhà trường có 38 cán bộ, giáo viên trong đó có hai giáo viên sinh ra và lớn lên tại Côn Ðảo". Thầy Lợi là người ở Hưng Yên đã gắn bó với Côn Ðảo suốt 20 năm qua, còn cả gia đình thầy đã ở Côn Ðảo 18 năm"...
Ði trên Côn Ðảo hôm nay, ngoài quá khứ đau thương từ những nhà lao của kẻ ngoại xâm để lại, thì đến đâu cũng có thể thấy một cuộc sống mới đã rõ hình hài và đang trên đường phát triển. Chiều về, bên Cầu tàu 914, bãi tắm đông đúc những người và người. Những chiếc tàu, chiếc xuồng cao tốc đưa đón khách đi câu, đi ngắm đảo, xem rừng. Sáng đi tối về, đông vui trên cảng du lịch. Những chiếc ta-xi đưa đón khách từ sân bay, từ cảng Bến Ðầm về trung tâm lao vun vút trên đường nhựa bóng nhẵn và lộng gió biển khơi. Và anh Khoa, người Thanh Hóa, đã mười năm trong quân ngũ, nay là Quản trang Nghĩa trang Hàng Dương. Anh đã và đang cùng mọi người chăm chút từng ngôi mộ, hằng ngày thắp những nén hương, đặt những vòng hoa. Anh thuộc từng khu mộ, hằng ngày anh lặng lẽ bên các ngôi mộ liệt sĩ với trách nhiệm và nghĩa tình, như muốn thay mặt những người đang sống tưởng nhớ những người con của Tổ quốc đã bất khuất hy sinh. Và bác Mười Tố là bộ đội đặc công Sài Gòn, từng bị địch bắt, tra tấn rồi đập vỡ hàm trái, 12 ngày sau mới tỉnh. Bác bị giam ở khám Chí Hòa. Bác đã vượt ngục ra ngoài, tiếp tục chiến đấu đến ngày nước nhà thống nhất. Năm 1991, bác cùng gia đình ra định cư tại Côn Ðảo, nay ở thôn Cỏ Ống. Bác kể: "Tôi là thương binh, lúc đầu ra đây cũng vất vả, nhưng quen dần. Côn Ðảo đất nhiều, khí hậu tốt. So với trước thì Côn Ðảo đang thay đổi từng ngày. Cái ăn, cái mặc đã đầy đủ. Là đảng viên từ năm 1950, tôi luôn tin tưởng vào đường lối của Ðảng trong phát triển đất nước nói chung, của Côn Ðảo nói riêng. Tôi và bà con ở đây đang hướng về Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, hy vọng đất nước sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn. Thế hệ chúng tôi đã không quản hy sinh, chỉ mong hy sinh ấy sẽ có ý nghĩa nhiều hơn với đất nước mình, với con cháu mình thôi, anh ạ". Chia tay bác Mười Tố, chia tay Côn Ðảo giữa một ngày nắng đẹp, trời xanh và biển xanh. Từ trên máy bay nhìn xuống, tôi có cảm giác như Côn Ðảo đang cất cánh bay lên, bay lên trong buổi bình minh của cuộc sống mới.
Theo ND
Làm phim độc lập gần như giống với tay không bắt giặc. Từ xuất phát điểm là số không để có được thành công và quan trọng hơn hết là để phim của mình được công nhận.
CLB nhiếp ảnh nữ Hải Âu vừa khai mạc triển lãm ảnh mừng tuổi 20 của mình tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mang tên “Hà Nội - Những góc nhìn”. Đây cũng là hoạt động chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long của CLB Hải Âu.
(HBĐT) - Ông cha ta vẫn có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", câu nói đó được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Dễ hiểu, dễ thuộc lòng nhưng không phải bất cứ ai và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng thực hiện được đúng như vậy.
Hoà nhạc "Điều còn mãi" 2010 diễn ra vào đúng thời điểm lịch sử của đất nước, khi thủ đô Hà Nội 1000 năm tuổi. Do vậy, chủ đề của chương trình năm nay là Ngàn năm Thăng Long.
Người Việt Nam, ai chẳng có một Hà Nội trong trái tim, dù đó là những người không sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này.
Hàng loạt danh hài hai miền Nam, Bắc: Chí Trung, Vân Dung, Quang Thắng, Minh Vũ, Minh Nhí, Thanh Thúy, Đức Thịnh, Thanh Vân... sẽ có mặt trong Thư giãn cuối tuần, phiên bản mới của Gặp nhau cuối tuần, chính thức lên sóng VTV3 vào 21 giờ 10 phút tối thứ bảy hằng tuần từ ngày 28-8.