Mẹ Lân Thị Hò, mẹ Kim Đồng.

Mẹ Lân Thị Hò, mẹ Kim Đồng.

“Thực ra, đó là một đề tài tôi ấp ủ suốt mấy chục năm. Nhưng lúc đầu là một sự tình cờ. Rồi suy nghĩ chín dần, có cái đeo đuổi, làm được, nhưng cũng có cái đành chịu. Gọi là cơ hội chưa đến dù mình rất cố gắng” - Nhà nhiếp ảnh kỳ cựu của báo Nhân Dân Vũ Quang Huy nói về một chùm ảnh khá độc của mình về những bà mẹ của những nhân vật nổi tiếng: Kim Đồng, Lý Tự Trọng, Phạm Tuân...

Có hình ảnh mẹ Việt Nam anh hùng. Có hình ảnh mẹ của những người Anh hùng. Nếu mẹ là hậu phương, mẹ là chỗ dựa, mẹ là nơi những người con đi ra biển lớn, rồi quay về với cội rễ, tổ tiên lúc xế chiều, từ lúc chào đời hay khi nhắm mắt, lúc khổ đau hay tới bục vinh quang đều đau đáu, khao khát hướng về thì sau hết thảy, điều ẩn sau những bức ảnh là tình yêu, sự tôn vinh vô bờ bến.


Hầu hết đều là ảnh đặc tả. Ảnh toát lên đặc điểm vùng miền, tích cách vùng miền. Xoáy sâu vào trí óc người xem ảnh là sự vất vả, sự thuần hậu và bao dung. Nhưng dường như không chỉ có thế. Những nếp nhăn. Những ánh mắt. Diện mạo và thần thái. Mẹ muôn đời nay vẫn là mẹ, cho dù những người con dẫu là công hầu, khanh tướng hay lương dân dung dị trôi chảy giữa đời thường. Mẹ chịu đựng. Mẹ vị tha. Mẹ bình thản, che chở và rộng lượng. Anh hùng hay chính khách, đi đến cùng trời cuối đất cũng vẫn bé nhỏ trong lòng mẹ.


Bức ảnh đầu tiên: Năm 1962, ông đang là phóng viên báo Thiếu niên tiền phong lên Cao Bằng công tác. Chuyến đi có đích hướng đến là trường cấp hai Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng -đến với hang Pác Bó lịch sử. Thế rồi vui chuyện trong chuyến đi viếng mộ Kim Đồng, cơ hội và sự lọ mọ đã cho ông cơ may đặt chân đến nhà riêng thăm mẹ của người anh hùng nhỏ tuổi.


Buổi sáng miền núi, người dân dậy muộn. Khi ông đến, người mẹ còn đương ngủ. Vào nhà, trong ánh sáng mờ mờ, ông đã sẵn sàng nháy đèn. Người mẹ vừa ngủ dậy, chỉ nhờ trẻ con trong xóm nói mới biết là có đoàn khách đến thăm, ngôn ngữ bất đồng nên cũng không nói được gì nhiều. Hầu như không cần bố trí, sắp đặt, chỉnh sửa trang phục, ông chụp luôn.


Máy Kiev, phim  Orwo của Đức, đèn Traika của Nga yếu, ông chỉ lấy được khuôn mặt. Chụp sáu kiểu, kiểu để đầu trần, kiểu quấn khăn, kiểu với bọn trẻ. Trong ảnh này, chung quanh đen cả. Sáng bừng là khuôn mặt mẹ, hiền hậu, chất phác. Bà mẹ đội  khăn đen. Những nếp nhăn lẫn với tóc bạc trên vầng trán, trên má, đuôi mắt, dưới cằm. Đó là mẹ Lân Thị Hò, mẹ của người anh hùng Kim Đồng. Kim Đồng năm 1997 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.


Bức ảnh đoạt giải B năm 1968 do Hội NSNA Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức. Giải thưởng chỉ là một Giấy chứng nhận, không có gì cả. “Nhưng tôi được một nhân vật, nhưng lúc đó tôi chưa nghĩ sẽ phải tiếp tục đề tài này”- ông kể


Bức ảnh thứ hai: Tháng 12-1966. Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc diễn ra tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Vì có bẩy cháu ngoan Bác Hồ được tham dự đại hội, do đó Báo Thiếu niên tiền phong đề nghị với bà Lê Thu Trà, Phó Chủ tịch Uỷ ban Thiếu niên và Nhi đồng T.Ư xin cho phóng viên báo TNTP được vào Hội trường Ba Đình chụp ảnh. Vậy là ông được đại diện Báo TNTP chụp ảnh.


Thời khắc Bác Hồ rời Chủ tịch đoàn xuống nói chuyện với các đại biểu. đúng lúc Bác đến chỗ Mẹ Suốt hỏi chuyện mẹ  thì ông bấm máy. Chỉ hai kiểu, một kiểu đặc tả, một kiểu chụp Bác với mẹ Suốt và cháu Hoa Xuân Tứ, cháu ngoan Bác Hồ. Phim hồi đó là phim thước, độ nhạy kém, “chỉ khoảng 20 DIN”.  Máy Pratica, đèn vẫn Traika, nhưng hôm đó đột nhiên dở chứng tậm tịt. Để chữa cháy, ông phải lấy ánh sáng đèn “chùa” từ đèn của anh em của Hãng phim Thời sự Tài liệu đang quay Bác.


Mẹ Suốt trong ảnh rất nét, ngẩng cao đầu. Vóc dáng như gợi lại tư thế năm nào của mẹ đang chèo đò qua sông. Nét nhất là khuôn mặt, bên cạnh đó là bông hoa, huy hiệu Bác Hồ, nét tới từng nếp nhăn của tấm áo bông trần. Khoé miệng nghiêm nghị. Mẹ Suốt được tuyên dương Anh hùng Lao động năm 1967.



Mẹ Nguyễn Thị Suốt (Mẹ Suốt).

Bức ảnh thứ ba: Năm 1971, ông đi công tác miền Trung. Vào Khu uỷ Vĩnh Linh tuyến đầu chống Mỹ với mật độ đạn bom dày đặc. Thời điểm ông vào, trẻ con, người già phải ra Nghệ An sơ tán hết. Xe commăngca đi đèn gầm tránh ánh sáng. Khu uỷ Vĩnh Linh đóng dưới hầm.

Trên đường công tác trở ra, ông cũng đoàn phóng viên thăm mộ 10 cô gái Đồng Lộc, bấy giờ còn đơn sơ giản dị. Cũng lại trò chuyện mà ra việc. Hỏi anh em cùng đi ông mới biết gần đó là nhà anh Lý Tự Trọng, quê ở xã Thạch Minh (xã Việt Xuyên cũ), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. “Chuyện về bức ảnh người mẹ Kim Đồng, mẹ Suốt ùa về. Trong đầu tôi nảy ra ý định: Phải đến chụp người mẹ Lý Tự Trọng. Và bỗng nhiên bừng sáng ý tưởng: “Tại sao không chụp một loạt ảnh về những bà mẹ của những người anh hùng?” Chúng tôi đi cả đoàn đến nhà mẹ Lý Tự Trọng. Đến nơi, Tỉnh đoàn giới thiệu đây là bà Nguyễn Thị Sờm, mẹ của Lý Tự Trọng. Chào hỏi xong, tranh thủ thời gian tôi bèn đề nghị mẹ cho chụp.”

Máy Pratica, ánh sáng tự nhiên, phim Orwo của Đức. Ông chụp ba kiểu thôi. Kiểu vấn khăn, kiểu đầu để trần, tóc mẹ rụng rất nhiều và một kiểu nữa. “Tại sao bác chỉ chụp ba kiểu? _”Hồi đó làm gì có phim lắm như giờ. Phim là phim thước, điện ảnh họ quay thải ra, bọn tôi đưa về phòng tối cắt tận dụng.”  Theo ước đoán của nhiếp ảnh gia Vũ Quang Huy, lúc đó bà cụ khoảng trên 70 rồi. Ánh mắt nhìn thẳng. Khuôn mặt cương nghị. Ảnh tập trung trực diện lấy nét vào khuôn mặt. Đôi mắt. Vầng trán. Những nếp nhăn không làm giảm mà tôn lên vẻ quắc thước, tinh anh trong diện mạo một bà mẹ Hà Tĩnh, quê hương miền Trung giàu truyền thống cách mạng, nơi  túi nắng, túi bom, kiên cường trong gian khổ, hy sinh.


Mẹ Nguyễn Thị Sờm, mẹ Lý Tự Trọng.

“Mẹ ở miền Bắc, ở miền Trung (đây rồi) còn miền Nam nữa. Bà mẹ ở Năm Căn chẳng hạn. Tại sao không ?” Ông bắt đầu ý thức rõ hơn một ý tưởng.  Ý tưởng gọi ý tưởng. Và từ đó ông tiếp tục mạch suy nghĩ của mình. Ảnh vẫn để đó, trong kho tư liệu.

Bức ảnh thứ tư: Mẹ của Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động Phạm Tuân. Bức ảnh hiếm hoi có cả mẹ và con đang rạng rỡ niềm vui. Bối cảnh là Đại hội biểu dương thanh niên ba sẵn sàng tổ chức tại Hội trường Ba Đình. Sau sự kiện Nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân trở về từ vũ trụ cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Gorbatcô, ông đã được nhà nước Liên Xô tặng thưởng Huân chương Lênin và danh hiệu Anh hùng Liên Xô; Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1980.

Bức ảnh trắng đen, chụp trước cửa Hội trường Ba đình Hà Nội. Bà mẹ giản dị với chiếc áo cánh cổ tròn và đội khăn kiểu truyền thống của nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Bà mẹ của vùng quê Quốc Tuấn, Kiến Xương nom như tất cả các bà mẹ của vùng quê lúa Thái Bình. Dường như là mẹ đang cười. Nụ cười kín đáo làm nhăn đuôi mắt, nhưng lại làm  giãn những nếp nhăn trên trán người mẹ thấp, nhỏ bên cạnh người con đã làm rạng danh cho tổ quốc với huân huy chương lấp lánh trên ngực, dáng vóc cao lớn đứng bên.

Máy Pentax, phim cuộn đen trắng không nhớ hiệu. Một thời khắc khổ. Ảnh trắng đen, tương phản như càng rõ. Song vẫn tràn trề niềm vui và vẻ rạng ngời, tự hào của mẹ con người anh hùng.


Mẹ của Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động Phạm Tuân.

Bức ảnh thứ năm: Sau giải phóng, ông lặn lội đi miền Nam, đến tận Đất Mũi cho được. Tháng 6-1975, ngay sau giải phóng ông đã xuống tận Cà Mau đã ghi hình đền thờ Bác nơi đất Mũi từng được đồng bào miền Nam dựng lên giữa những ngày đấu tranh quyết liệt. “Những rất tiếc, ý định của tôi tìm nguyên mẫu một bà mẹ như thế không được. Xuống địa phương, người tôi tìm đã mất.” Chuyến đi không thực hiện được mục đích ban đầu, dù ông được an ủi là đã ghi được hình ảnh của một Chiến sĩ Khởi nghĩa Nam Kỳ phong trần, rất anh Hai Nam Bộ thay cho bức ảnh trong tâm tưởng về một bà mẹ Năm Căn anh hùng mà chúng tôi xin được giới thiệu trong một chùm ảnh độc đáo khác.

Tưởng đã xong, gói gém một hành trình một ý tưởng sáng tác, những chưa dứt. Năm 1997, ông đi chuyến công tác cuối cùng ra đảo Phú Quốc trước khi về nghỉ hưu với tư cách phóng viên ảnh báo Nhân Dân. Chuyến đi do Bộ đội biên phòng tổ chức. Cũng lại duyên may đến. Trong câu chuyện dọc đường, người ta nói với ông rằng ở đảo Phú Quốc có ba bà mẹ Việt Nam anh hùng, thì lúc ông đến, hai mẹ đã mất chỉ còn một. Người mẹ đó do chính lực lượng Bộ đội biên phòng Phú Quốc đỡ đầu phụng dưỡng. Vậy là bức ảnh chân dung mẹ Lê Thị Đính- Mẹ VNAH  lúc đó 80 tuổi, ra đời.


Mẹ VNAH Lê Thị Đính.

Máy Pentax Nhật. Phim Kodak, ánh sáng tự nhiên. Với biểu tượng Mẹ Việt Nam anh hùng vinh danh trên áo, khăn rằn đặc trưng của các bà má Nam Bộ, mẹ trông thật phúc hậu trong nụ cười móm mém. Khuôn mặt như đọng lại, ghi dấu vết thời gian với bao lo toan, vất vả. Nhìn bức ảnh, ta dường như cảm được không gian thân thuộc có vị cay nồng nàn của miếng giầu mẹ ăn, có làn gió mát của quạt nan mẹ quạt, có hương chè xanh, hượng nụ vối ngọt ngào trong chén nước mẹ ủ cho con.

Trừ bức ảnh mẹ Kim Đông mới chỉ bày triển lãm và đoạt giải năm 1968, toàn bộ số ảnh này lần đầu tiên được nhà nhiếp ảnh Vũ Quang Huy đồng ý công bố trên Nhân Dân điện tử nhân kỷ niệm 65 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những tấm ảnh như một lời tri ân, ngượng mộ và kính trọng tới những người mẹ đã sinh cho đời những người anh hùng và bằng cuộc sống, lao động, chiến đấu của mình, các mẹ đã thực sự là Anh hùng, trọn đời vì nền độc lập, tự do, hạnh phúc của đất nước và dân tộc.
 
                                                                          Theo Báo Nhandan

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bộ ảnh “Tướng trận thời bình” của Việt Văn

Ngày Âm nhạc VN tổ chức trên cả nước

Lần đầu tiên một ngày hội tôn vinh nền âm nhạc chuyên nghiệp và quần chúng, đồng thời là cơ hội để các nhạc sĩ công bố tác phẩm mới sẽ diễn ra tại 15 tỉnh thành lớn với nhiều hoạt động phong phú.

Những người Tây mê nhạc Việt

Bên cạnh dòng chảy về cội các của nghệ sĩ gốc Việt, thị trường giải trí thời gian gần đây sôi nổi bởi những nghệ sĩ nước ngoài tham gia biểu diễn bằng chính âm nhạc và ngôn ngữ Việt.

Phim nhựa duy nhất chào mừng Đại lễ: 'Khát vọng Thăng Long'

Bộ phim điện ảnh duy nhất chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội mang tên Khát vọng Thăng Long, sẽ ra mắt khán giả đúng vào dịp Đại lễ.

“Đánh thức” Chiềng Châu

(HBĐT) - Ngày xưa, Chiềng Châu có người con gái Thái đẹp tinh khiết như bông hoa ban trắng nở trên rừng. Nàng miệt mài ngồi bên khung cửi, đôi bàn tay thon thoăn thoắt đưa thoi. “Sấp đôi bàn tay đã thành hoa văn/ Ngửa đôi bàn tay đã thành hoa lá”…

Văn học, Phật giáo - những kỳ vọng từ đất Thăng Long

Hội thảo “Văn học, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” vừa khai mạc tại Bình Dương hôm 28-8, quy tụ gần 300 nhà nghiên cứu văn học, Phật giáo với hơn 36 tham luận do Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM phối hợp với Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM tổ chức.

Không thể “bán phá giá” tác phẩm văn học

Nói về tương quan, tỷ lệ giữa các tác phẩm VHVN được dịch ra một số tiếng nước ngoài và tác phẩm văn học thế giới được giới thiệu tại VN, thì: tính đến năm 2007, đã có khoảng 13.700 tác phẩm văn học của thế giới được dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại VN. Cũng trong thời gian ấy, chỉ có khoảng 570 tác phẩm VHVN được dịch và xuất bản ở một số nước trên thế giới; tiêu biểu là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thơ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh,...; tiếp đó là một số tiểu thuyết của các nhà văn: Vũ Trọng Phụng, Nguyên Ngọc, Hữu Mai, Bảo Ninh và một số tác giả viết về đề tài chiến tranh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục