Theo GS.TS.NSND Đình Quang, Liên hoan sân khấu "Về hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ II (được tổ chức), sẽ tạo được sinh khí cho sân khấu nước nhà, đánh thức được niềm hứng khởi sáng tác cho các tác giả, nhất là khi mỗi vở diễn mới được hỗ trợ kinh phí để dàn dựng.

 

Tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ II do Bộ Công an và Bộ VH, TT&DL phối hợp tổ chức, một lần nữa, GS.TS.NSND Đình Quang lại được mời làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo với các thành viên là các nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình tên tuổi. Điều này càng góp phần tạo niềm tin cho các đơn vị tham gia về tính chuyên nghiệp, khách quan và chất lượng nghệ thuật  mà Liên hoan sẽ mang lại. Trước ngày Liên hoan khai màn, GS.TS. NSND Đình Quang đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi về Liên hoan.

Giáo sư, Tiến sỹ, NSND Đình Quang.

PV: Thưa GS.TS.NSND Đình Quang! Là nhà hoạt động sân khấu, xin ông vui lòng cho biết, việc tổ chức Liên hoan sân khấu "Về hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ II có ý nghĩa gì đối với sự phát triển của nền sân khấu nước nhà, nhất là trong bối cảnh có nhiều khó khăn hiện nay?

NSND Đình Quang: Hoạt động sân khấu hiện nay khó khăn chủ yếu do 2 yếu tố: các đoàn không diễn được nhiều, nên không kích thích được người sáng tác kịch bản. Bên cạnh đó, quá nhiều hình thức giải trí len lỏi đến tận đầu giường mỗi gia đình, đã chiếm mất một phần lượng khán giả. Tuy nhiên, nhu cầu giao tiếp xã hội của con người sẽ mãi mãi là một nhu cầu không thể thiếu.

Trong bối cảnh đó, Liên hoan sân khấu "Về hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ II (được tổ chức), sẽ tạo được sinh khí cho sân khấu nước nhà, đánh thức được niềm hứng khởi sáng tác cho các tác giả, nhất là khi mỗi vở diễn mới được hỗ trợ kinh phí để dàn dựng. Điều này sẽ tạo điều kiện cho khán giả và nghệ sĩ có dịp được gặp gỡ, giao lưu.

Liên hoan còn mang ý nghĩa lớn: Xã hội còn nhiều nhiễu nhương, vì thế, khẩu hiệu sống theo pháp luật, sống có kỷ cương, chống lại tiêu cực xã hội đang là vấn đề được quan tâm. Kinh tế đất nước phát triển, đời sống khá hơn, nhưng an ninh trật tự xã hội còn nhiều điều đáng lo ngại, mà Công an lại là lực lượng quan trọng giúp người dân có cuộc sống yên bình và lành mạnh, do đó, nếu văn hóa của lực lượng Công an phát triển, sẽ giúp nhân dân cân bằng lại giữa đời sống kinh tế và tư tưởng.

Liên hoan càng thêm ý nghĩa khi diễn ra đúng dịp cả nước hân hoan đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nếu sau Liên hoan, cả 19 vở diễn đều được tiếp tục biểu diễn phục vụ công chúng thì sẽ là một đóng góp không nhỏ của ngành Công an đối với sân khấu nước nhà.

PV: Có 17 đoàn nghệ thuật với 19 vở diễn tham dự Liên hoan sân khấu "Về hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ II. Điều này có thể nói lên điều gì, thưa ông?

NSND Đình Quang: Liên hoan lần này thu hút 17 đơn vị sân khấu tham gia, trong đó, có 11 đơn vị phía Bắc, 4 đơn vị miền Trung và 2 đơn vị phía Nam, đã cho thấy các đoàn nghệ thuật tham dự Liên hoan trải dài từ Bắc vào Nam. Trong 19 vở diễn, có 12 vở kịch nói, 3 vở chèo, 2 vở dân ca, 1 vở cải lương và 1 vở tuồng, điều đó cũng chứng tỏ rằng hình tượng người chiến sĩ Công an và vị thế chiến sĩ Công an trong lòng dân đã trở thành một nguồn cảm hứng sáng tạo cho mọi loại hình sân khấu. Như vậy, có thể nói, Liên hoan sân khấu "Về hình tượng người chiến sĩ Công an" lần thứ II cũng  như những ngày hội của giới sân khấu cả nước.

PV: Là người tâm huyết với sân khấu nước nhà, giáo sư chờ đợi điều gì ở Liên hoan sân khấu lần này?

NSND Đình Quang: Ở Liên hoan sân khấu "Về hình tượng người chiến sĩ Công an" lần đầu tiên năm 2005, hình ảnh người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân chiếm đa số ở các vở diễn, còn bản thân hình tượng người chiến sĩ Công an như hình tượng chủ thể của vở diễn còn hơi ít. Vì thế, tôi chờ đợi ở Liên hoan này, giữa 2 vế đó có gì thay đổi?

Viết về hình tượng người chiến sĩ trong Quân đội, các tác giả thường đều là nhà văn, người lính cầm bút, còn ở Liên hoan này, các cây bút trong lực lượng Công an chưa nhiều. Ngoài ra, đến nay, chưa có ngành nào tổ chức được Liên hoan sân khấu về chuyên đề như ngành Công an. Đặc biệt, đây lại là lần thứ 2 Liên hoan được tổ chức, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Bộ Công an với văn hóa nghệ thuật.

Tôi hy vọng, sau Liên hoan, với sự tác động của ngành Công an, cả 19 vở tham gia sẽ tiếp tục được biểu diễn, tạo được sức sống bền lâu cho các tác phẩm và kinh phí đầu tư cho Liên hoan càng có hiệu quả.

Một cảnh trong vở “Tiếng chuông chùa” của tác giả Hữu Ước. Ảnh: Thanh Hằng.

PV: Là Chủ tịch Hội đồng giám khảo, ông tiên liệu sẽ có sự thống nhất từ đầu đến cuối trước các vở diễn, hay sẽ có sự tranh luận của các thành viên?

NSND Đình Quang: Hội đồng giám khảo cũng như một xã hội thu nhỏ, không thể chờ đợi luôn có sự đánh giá nhất trí trước các vở diễn. Hội đồng giám khảo sẽ trao đổi, phản bác lẫn nhau và quan điểm của từng người sẽ được thể hiện trong việc phiếu kín. Kết quả sẽ theo đa số, để đảm bảo cái chuẩn của nghệ thuật. Nhưng tôi tin, Hội đồng giám khảo của Liên hoan gồm toàn những người có chuyên môn sâu về sân khấu, nên cũng dễ gặp nhau về nhận thức nghệ thuật.

PV: Thưa ông! Một Liên hoan sân khấu đông vui với nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước tham gia, có mang lại cho ông, người tâm huyết với nền sân khấu Việt Nam, hy vọng gì không?

NSND Đình Quang: Liên hoan lần này, các vở kịch nói chiếm đa số, mà đều là những đơn vị mạnh như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Hà Nội, Đoàn kịch CAND v.v…, vì thế, tôi hy vọng sẽ có được những vở diễn nổi trội thật sự. Còn những vở ở các thể loại khác, như tuồng, dân ca, cải lương, chèo thì ít hơn, và do đặc điểm loại hình nên cũng có những khó khăn riêng. Song, Hội đồng giám khảo sẽ căn cứ vào thuận lợi, khó khăn của từng loại hình để đánh giá, để tìm ra được những tác phẩm có chất lượng!

PV: Xin cảm ơn NSND Đình Quang!


                                                                                     Theo CAND          

Các tin khác

Tập thể dục buổi sáng giúp cho người già sống vui, sống khỏe.
Hội phụ nữ Kỳ Sơn thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu truyền thông, giao lưu văn nghệ tuyên truyền về Luật hôn nhân gia đình
Cảnh phim Món nợ miền Đông.
Nghệ nhân Trần Quốc Ẩn đang khắc bìa cuốn sách Hoa Lư thi tập .

Phim Lý Công Uẩn: Sự lệ thuộc văn hóa!

Về lý thuyết có thể sửa được hình ảnh bộ phim đã quay nhưng tốn kém rất nhiều so với bỏ đi, quay lại. Liệu có nên trình chiếu trong đợt kỷ niệm ngàn năm Thăng Long bộ phim lịch sử mang đậm nét văn hóa nước ngoài từ cảnh quan, kiến trúc, sinh hoạt, trang phục diễn viên?

Bản Giang Mỗ - sống động văn hoá Mường

(HBĐT) - Hơn 100 nếp nhà sàn quây quần bình yên trong một thung lũng nhỏ nằm dưới chân núi Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Chỉ cách trung tâm thành phố Hoà Bình khoảng 10 km nhưng khác hẳn với những náo nhiệt, xô bồ của nhịp sống hiện đại, nơi đây vẫn giữ vẹn nguyên nét thanh bình những giá trị đặc thù của văn hoá dân tộc Mường.

Chủ nhà Việt Nam lỡ hẹn giải nhất piano quốc tế

Theo kết quả được công bố trên trang thông tin điện tử của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày 12/9, các thí sinh của nước chủ nhà Việt Nam đã không giành được giải nhất nào tại Cuộc thi piano quốc tế lần thứ nhất.

Tò he - đồ chơi dân gian trước nguy cơ bị mai một

Trong những ngày cận kề Rằm tháng Tám, nếu bạn muốn tìm những người bán tò he tại Hà Nội thì sẽ khó khăn hơn cả việc đi tìm mua một món đồ công nghệ cao thời thượng.

Vấn đề liên quan chất lượng phim: Ít tiền hay ít tài năng?

Kinh phí luôn là vấn đề quan tâm nhất của mỗi dự án điện ảnh. Những con số bạc tỉ luôn dành được sự quan tâm về một bộ phim mới và vô hình chung, con số đó cũng đã trở thành một trong những "thước đo" về độ "hoành tráng" và sẽ "thành công" của một bộ phim. Thế nhưng, điều đó chưa hẳn đã đúng.

TPHB: 85,7% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá

(HBĐT) - TP Hòa Bình vừa tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” giai đoạn 2000 – 2010; tổng kết 15 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” giai đoạn 1995 – 2010.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục