Từ ngàn năm trước, hoàng cung hiển nhiên đã là chốn thâm nghiêm, bí ẩn đối với người đời. Các báu vật của hoàng cung như ngọc tỷ, kim ấn, kiếm vàng, mũ miện, đồ ngự dụng của vua và hoàng tộc lại càng muôn phần bí ẩn, không phải ai cũng đã một lần nhìn thấy.

 

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của vương triều Nguyễn tuyên bố "Vui lòng làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ", đồng ý thoái vị và giao nộp toàn bộ những biểu tượng quyền lực tối thượng trong chế độ phong kiến cho chính quyền cách mạng. Qua 65 năm lưu giữ và bảo quản, 50 năm sau lần trưng bày đầu tiên (9/1961), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lại mở cuộc triển lãm "Bảo vật Hoàng cung", bức màn bí ẩn ấy cũng chỉ hé lộ phần nào.

Báu vật cũng trải truân chuyên

Ông Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, là một trong những người được tiếp xúc nhiều nhất với các báu vật hoàng cung tâm sự: "Tôi cũng chỉ được mắt thấy tay sờ các hiện vật này từ năm 2007, khi kho báu này được cơ quan chức năng bàn giao lại cho Bảo tàng để gìn giữ và phát huy giá trị. Ngày 30/8/1945, chúng ta tiếp nhận kho báu từ vua Bảo Đại.

Tiếp đó, do đất nước mới giành độc lập gặp nhiều khó khăn về tài chính, Bác Hồ đã phát động Tuần lễ Vàng kêu gọi mọi người ủng hộ ngân sách quốc gia, có nhiều hiện vật được hiến tặng là của các thân nhân trong hoàng tộc. Khi đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nên đem hủy hết các báu vật hoàng cung đi, vừa để dùng tiền vàng ấy phục vụ kháng chiến vừa tận diệt tàn dư chế độ phong kiến, nhưng Bác Hồ yêu cầu giữ lại vì những giá trị văn hóa, lịch sử của nó.

Gần nửa thế kỷ (từ năm 1961- 2007), lãnh đạo bảo tàng chúng tôi có nhiệm vụ là cứ đến dịp Tết thì đến kho ngân hàng để kiểm tra các hòm đựng bảo vật đang được niêm phong rất cẩn thận. Trước năm 2007, bản thân tôi làm Giám đốc Bảo tàng hơn 10 năm, cũng như các thế hệ giám đốc khác, đều chỉ được nhìn, kiểm tra niêm phong, còn hiện vật như thế nào thì chỉ được biết qua các bức ảnh đen trắng, chưa từng được mắt thấy tay sờ".

Hiện tại, ở triển lãm "Bảo vật hoàng cung", chỉ trưng bày một chiếc ấn ngọc, hai chiếc ấn vàng, hai bộ sách vàng, hai chiếc mũ miện, hai thanh kiếm báu, hai chiếc đai vàng cẩn ngọc, cùng một bộ ấm chén ngọc bịt vàng, là một phần nhỏ trong hàng trăm hiện vật quý của vương triều Nguyễn được chế tác từ trước và sau khi vua Gia Long lên ngôi.

Bộ ấm chén ngọc bịt vàng

Chiếc ấn ngọc có khắc dòng chữ "Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ", làm bằng ngọc trắng, được coi là quốc bảo của nhà Nguyễn, thường được cất giữ đặc biệt nghiêm mật, đến nhà vua cũng hiếm khi dùng. Hai chiếc ấn còn lại đều bằng vàng ròng, có tên "Sắc mệnh chi bảo" (nặng 8,5kg, có hình vuông, trên ấn có hình rồng ngẩng đầu, 2 sừng dài, xòe dải đuôi như ngọn lửa), "Hoàng đế tôn thân chi bảo" (nặng 8,95kg, cũng có hình rồng lớn tương tự).

Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quốc bảo của nhà Nguyễn có 24 chiếc ấn báu, trong đó, có 4 chiếc ấn đúc từ thời chúa Nguyễn (3 bằng vàng, 1 bằng ngọc); có 14 chiếc đúc bằng vàng, 6 chiếc đúc bằng ngọc dưới thời Gia Long, Minh Mạng. Ngoài ra, còn nhiều ấn triện quý khác cũng làm bằng vàng ngọc khác dưới các triều vua sau đó.

Chiếc mũ đại triều khi còn là mớ châu báu hỗn độn... và sau khi đã được phục chế.

Quanh chiếc ấn vàng và thanh kiếm mà vua Bảo Đại giao nộp cho chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn (Huế) năm 1945, có một hành trình lưu lạc khá lạ. Ấn vàng có tên "Hoàng đế chi bảo" là biểu tượng của vua, nặng khoảng 10,7kg, được đúc vào thời vua Minh Mạng (năm 1823).

Ấn kiếm được đem ra Hà Nội dự lễ độc lập vào ngày 2/9. Rồi toàn quốc kháng chiến, ấn kiếm được cất giữ tại một ngôi chùa cổ ở ngoại thành Hà Nội, bị thực dân Pháp tình cờ phát hiện khi đập phá chùa để lấy gạch xây đồn bốt. Năm 1952, Pháp tổ chức trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại trên tư cách "Quốc trưởng" chính phủ bù nhìn.

Bảo Đại cho mang chúng sang Pháp, trao cho hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long, rồi cất giữ chúng vào két sắt của Ngân hàng Châu Âu. Nghe nói về sau, vì tranh giành sở hữu ấn ngọc và kiếm vàng, hai cha con đã đưa nhau ra tòa, tòa xử Bảo Đại được giữ chiếc ấn, Bảo Long giữ thanh kiếm. Đến nay, hai bảo vật này vẫn còn lưu lạc nơi xứ người, chưa trở về với nhân dân Việt Nam.

Còn về chiếc ấn "Hoàng hậu chi bảo" của Nam Phương hoàng hậu (vị hoàng hậu duy nhất được phong khi còn sống của nhà Nguyễn, cũng là hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam) cũng không còn trong tay nhân dân ta nữa. Đó là chiếc ấn vàng có đôi rồng chạm nổi ở tay cầm, nặng 4,9kg, bị mất trộm vào ngày 4/7/1961 tại Viện Bảo tàng Lịch sử khi trưng bày.

Cùng mất trong vụ trộm này còn có một âu đựng trầu thuốc bằng vàng nặng 0,5kg. Một thời gian sau, kẻ gian lại tiếp tục lấy trộm một ấn bạc mạ vàng khắc hàng chữ "Cao đức Thái hoàng Thái hậu" và hai quyển kim sách cũng bằng bạc mạ vàng, một quyển khắc chữ "Bảo Long" và một quyển khắc chữ "Khải Định thập niên".

Cơ quan Công an tìm ra thủ phạm là Nguyễn Văn Thợi, 33 tuổi, có 17 tiền án tiền sự về tội trộm cắp và buôn lậu, nhưng chiếc ấn vàng của Nam Phương hoàng hậu đã bị thủ phạm chặt phá thành từng thỏi nhỏ để tiện bán lấy tiền tiêu xài. Chỉ có chiếc ấn bạc mạ vàng ghi "Cao đức Thái hoàng Thái hậu" được thu giữ nguyên vẹn, cùng khá nhiều tang vật là vàng bạc khác.

Như vậy, những chiếc ấn vàng quan trọng liên quan đến vợ chồng vua Bảo Đại đều đã mất, một chiếc đang trong tay người nước ngoài, một chiếc đã bị hủy.

Kỳ công phục chế

Ông Phạm Quốc Quân, người trực tiếp chỉ đạo việc phục chế các bảo vật nhớ lại: "Khi chúng tôi tiếp nhận các hiện vật về bảo tàng, có một thực tế rằng, sau thời gian dài kháng chiến, rồi 46 năm bảo quản tại ngân hàng, tình trạng của các hiện vật rất đáng báo động vì hư hại nghiêm trọng. Nhất là các vật có chất liệu hữu cơ như đồi mồi, ngà, vải, da, san hô…

Thanh kiếm vàng "An dân"

Bốn chiếc mũ của nhà vua thì được bọc trong chiếc bao đựng bột mì và hư hại biến dạng đến mức không thể hình dung ra đó là chiếc mũ miện uy nghi ngày xưa. Bộ di vật cành vàng lá ngọc, khay ngà thì bị mốc xanh, mọt ruỗng. Các vỏ kiếm báu bằng đồi mồi nạm vàng bị phong hóa hết. Tình cảnh này buộc chúng tôi phải đặt ra các phương án phục chế để giữ gìn các bảo vật. Sau nhiều năm tháng kỳ công tìm hiểu, thu thập tài liệu, lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, tìm nghệ nhân, thợ giỏi, cuối cùng cũng có những thành tựu".

Những người có công lớn trong việc phục chế là tốp thợ kim hoàn do ông Vũ Kim Lộc (quê ở xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) hiện đang sinh sống ở TP HCM, đứng đầu. Ông Vũ Kim Lộc tâm sự: "Năm 2008, ông Phạm Quốc Quân khi ấy còn là Giám đốc Bảo tàng, gặp tôi tại TP HCM, có đề nghị tôi về việc phục dựng mũ miện triều Nguyễn, vì biết tôi đã từng phục dựng thành công một chiếc mũ có từ thế kỷ VII của hoàng tộc Chăm. Quả thực, ban đầu tôi rất băn khoăn.

Trải qua nhiều ngày tìm hiểu, rồi ra tận Hà Nội nghiên cứu, tôi mới dám nhận lời. Âu nó cũng là một duyên ngầm định nào đó, bởi trước đó không lâu, tôi bỗng tìm cuốn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của các sử gia triều Nguyễn viết để đọc, và nghiên cứu rất kỹ phần viết về các quy định, ý nghĩa của từng loại mũ mãng. Nên chỉ nhìn vài chi tiết, tôi đã ngầm ướm được đó là loại mũ gì.

Bắt tay vào công việc, chúng tôi phối hợp cùng nhau đặt ra các phương án, sưu tầm các tư liệu về mũ các triều đại ở Trung Quốc, Hàn Quốc, các bức ảnh, tượng vua chúa, như tượng vua Khải Định, ảnh vua Duy Tân, sưu tập các loại mũ thờ ở đình chùa, đọc lại các tài liệu ghi chép, sử chính văn của triều Nguyễn về mũ… Nhưng thực hành việc chế tác mới thật là khó khăn.

Thứ nhất, với mớ châu báu hỗn độn dính đầy đất cát này, cần xác định vị trí từng chi tiết, thứ nào còn nguyên trạng, thứ nào cần duỗi thẳng vàng hay uốn cong lại. Tiếp đó, hình dung và đặt thử nó trên một mô hình chiếc mũ miện bằng xốp, tỉ mẩn thử nghiệm từng vị trí, rồi chụp ảnh, ghi chép lại nếu cảm thấy nó đã hợp lý. Mỗi lần đặt thử hay chỉnh sửa lại phải cùng các nhà khoa học hội thảo để xin ý kiến, có đến khoảng 20 lần.

Một số chiếc ấn ngọc và ấn vàng triều Nguyễn.

Khi các ý kiến đã đồng thuận, chúng tôi mới bắt đầu làm cốt mũ bằng gỗ, rồi tiến tới làm khung đồng cho chiếc mũ. Đến như loại vải nào đặt trên cốt đó cũng phải dựng lại khung để dệt lại, vì sử sách ghi nó màu đen, nhưng đen như thế nào, dệt từ cái gì cũng là những bài toán hóc búa. Khi đã chuyển sang bước hoàn thiện thì những khó khăn khác nảy sinh.

Đó là những chi tiết nhỏ của hoa văn như chân rồng, râu rồng, hạt ngọc bị mất hoặc thiếu thốn, khiến không ít nghệ nhân kim hoàn lắc đầu khuyên chúng tôi dừng lại vì độ tinh xảo của các nghệ nhân cung đình không dễ gì bắt chước, không khéo lại làm mất đi vẻ đẹp của hiện vật gốc. Sau hơn 1 năm, chúng tôi có thể hài lòng vì đã đưa 4 chiếc mũ trở về với trạng thái hoàn hảo".

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng đã phục chế thành công những chiếc khay ngà, thanh kiếm vàng "An dân"… bị hư hại, dù việc đi tìm những chất liệu quý và có tuổi đời tương đương là cả một công trình đòi hỏi tâm huyết, nghệ thuật sáng tạo và sự kỳ công của các thợ thủ công Việt Nam hôm nay

 

                                                                                      Theo CAND

Các tin khác

Không có hình ảnh
Đông chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân
Lễ hội Khai Hạ Mường Bi (huyện Tân Lạc) đã được duy trì nhiều năm nay đáp ứng việc nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trong vùng
Nhiều người cho rằng

Huyền tích về một báu vật gần 500 năm tuổi

Đúng vào dịp cả nước tưng bừng trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại thành phố biển Hải Phòng diễn ra một sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều giới nghiên cứu. Đó là lễ nghinh rước thanh đại long đao của Thái Tổ Mạc Đăng Dung từ phủ Thiên Trường (Nam Định) về với Dương Kinh - kinh đô thứ hai của vương triều Mạc ở Cổ Trai (Kiến Thụy - Hải Phòng) sau gần 500 năm. Thực hư của câu chuyện này là thế nào?

Báo chí góp phần quan trọng vào thành công Đại lễ

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội đã thành công tốt đẹp và rực rỡ, trong đó có sự đóng góp quan trọng của báo chí.

Thùy Dung làm thiếu nữ quyền quý xưa

Hoa hậu Việt Nam 2008 gây bất ngờ khi tạm từ bỏ hình ảnh trẻ trung, tươi tắn để khoác lên mình chiếc áo Nam phương Hoàng hậu trong bộ ảnh mang sắc mầu hoài cổ.

Thành phố Hòa Bình rực rỡ trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh

(HBĐT) - Những ngày trung tuần tháng 10, TPHB trở nên lung linh, rực rỡ với những gam màu nổi của cờ, băng rôn, khẩu hiệu, pa nô và giàn đèn trang trí xuất hiện khắp các tuyến đường, ngõ phố. Đường phố như được khoác lên tấm áo mới, khang trang, sạch đẹp hơn để chào mừng sự kiện trọng đại của tỉnh - Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 sẽ diễn ra từ ngày 18 - 20/10.

Tự hào dấu ấn nghìn năm

Trong 10 ngày đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, rất nhiều hoạt động văn hóa - xã hội có ý nghĩa lớn đã được tổ chức ở thủ đô, tạo dấu ấn đặc biệt, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân ở Hà Nội và nhiều vùng miền trong toàn quốc cùng bạn bè quốc tế.

Hoa hậu Trái Đất sẽ thi trang phục dân tộc ở Phan Thiết

Sáng 13/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã thông qua kế hoạch tổ chức sự kiện Hoa hậu Trái Đất 2010, diễn ra tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) từ ngày 12-14/11.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục