Trần Anh Hùng - đạo diễn người Pháp gốc Việt đã trở nên quá nổi tiếng với các phim “Mùi đu đủ xanh” (1992) giành giải Camera d’Or tại LHP Cannes 46, giải thưởng Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Cesar 19 và được đề cử giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất; và “Xích Lô” (1995) giành giải Sư tử vàng LHP Venice 52...
Đạo diễn Trần Anh Hùng. Ảnh: V.V |
Lần này sang VN giới thiệu bộ phim mới nhất “Rừng Na Uy” đang lên cơn sốt với cộng đồng các bạn trẻ, đạo diễn Trần Anh Hùng đã dành cho phóng viên báo Lao Động cuộc phỏng vấn sáng 22.12 tại KS Métropole (HN)...
Thật khó nói về cảm xúc, nhưng dù sao cũng mong anh thổ lộ cảm xúc của anh khi nghe bản nhạc “Rừng Na uy” của nhóm The Beatles và khi đọc cuốn “Rừng Na Uy” của nhà văn Haruki Murakami?
- Đối với tôi, bản nhạc không có cảm xúc gì đặc biệt. Độ nhạy cảm, xúc động của nó không cao bằng quyến sách của Murakami. Khi đọc “Rừng Na Uy”, tôi có cảm giác gần gũi, cuốn sách giúp tôi phát hiện lại chính mình, gợi ý làm một cuốn phim gần gũi với khán giả.
Áp lực về sự nổi tiếng của “Rừng Na Uy” có làm anh bị tác động nhất là việc thể hiện tư tưởng riêng của mình trong phim? Liệu khi xem phim anh, khán giả có thể quên đi cuốn tiểu thuyết?
- Không. Áp lực làm phim hay nặng hơn rất nhiều vì những khó khăn.
Khi đã đọc sách người ta sẽ trở đi trở lại nhiều lần. Còn bộ phim, tôi chỉ hy vọng có giây phút nào đó trong phim làm họ quên đi cuốn sách.
Khán giả xem “Rừng Na Uy” có nhất thiết phải xem hay không nên xem sách?
- Không quan trọng. Phải cởi mở một chút khi xem một tác phẩm nghệ thuật, chờ đợi xem cái gì đến với mình.
Anh chọn toàn những gương mặt diễn viên trẻ và đều nổi tiếng như Rinko Kinkuchi (vai Naoko - từng đề cử giải Oscar) hay người mẫu Kiko Muzuhara (vai Midori) và nam diễn viên Kenichi Matsuyama (vai Wanatabe Toru) hoàn toàn vì lý do chuyên môn hay vì thị hiếu khán giả trẻ?
- Vì những người đó có thể đóng được vai đó. Tôi đã gặp nhiều người nổi tiếng hơn nhưng không vào được vai. Thật ra dàn diễn viên này không thật nổi tiếng, ngay nữ diễn viên Rinko Kinkuchi (vai Naoko) cũng không được ưa chuộng lắm ở Nhật.
“Rừng Na Uy” của Haruki Murakami tràn ngập âm nhạc và âm thanh trong những ngôn từ? Anh đã xử lý trên phim như thế nào?
- Phần nhạc rất quan trọng. Chính bộ phim là một bản nhạc. Tôi luôn cảm thấy âm nhạc trong người tôi trong khi làm phim.
Anh có thể diễn tả cảm giác âm nhạc đó?
- Tôi không thể tả được, mà chỉ làm được thôi. Nhiều lúc nhân vật nói chuyện với nhau, tôi xử lý bằng khuôn hình tĩnh, không nhúc nhích. Có đoạn dài, cho họ đi lại rất nhiều, tạo sự căng thẳng giữa người và máy quay.
Có một thông tin trên báo nêu: Anh có nói tính dục của tiểu thuyết cũng là một điểm hấp dẫn anh khi lớp trẻ qua những trải nghiệm về tình dục tìm kiếm về cái Tôi của chính mình? Anh nói kỹ thêm về điểm này?
- Tôi chưa từng nói như thế.
Nỗ lực khai phá đến tận cùng sự cô đơn của con người là điều làm cho tác phẩm của Murakami vượt thời gian và không biên giới, theo tôi. Còn anh?
- Sự cô đơn chỉ là một phần, và có thể nhấn mạnh. Nhưng tôi muốn nói về tình yêu, mối tình đầu tiên, và sự sợ hãi khi bị mất người mình yêu. Như Wanatabe nói: chả ai thích cô đơn đến độ như thế.
Trong cuốn sách, Murakami nói nhiều về nỗi sợ hãi. Sự sợ hãi rất sâu trong người, ai cũng vậy thôi, còn nhỏ là một đứa bé, đã từng mơ đến bố mẹ mình chết và khóc trong giấc mơ. Cuốn sách này được toàn thế giới yêu quý, gần gũi vì như thế.
Anh làm phim này cho ai xem? Đối tượng khán giả của anh là lớp trẻ Nhật hay là lớp trẻ trên thế giới nói chung?
- Tôi chỉ quan tâm làm phim hay, còn khán giả nào quan tâm thì tuỳ. Không nhắm ai để bắn cả.
Liệu rằng một câu chuyện của lớp trẻ những năm 60 còn hấp dẫn những người trẻ của thời công nghệ và chủ nghĩa tiêu dùng ngày nay?
- Vẫn hấp dẫn. Vấn đề cô đơn và tình yêu lúc nào cũng có. Đến bây giờ cô đơn nặng hơn một chút.
Anh có tin bộ phim hấp dẫn lớp trẻ VN? Và niềm tin đó dựa vào lý trí hay cảm xúc?
- Khó nói. Chưa chắc mọi người đã hiểu rõ cuốn sách. Watanabe ngủ với Reiko ở đoạn cuối có nghĩa gì? Lớp trẻ tuổi 20 ngày nay bên Nhật đọc tiểu thuyết không hiểu vì sao Naoko nói thế, Watanabe trả lời thế.
Vì sao anh lại có tình yêu với văn hóa Nhật Bản? Vì trước khi làm “Rừng Na Uy”, anh có làm phim hành động Nhật “Tôi đi trong mưa”?
- Phim “Tôi đi trong mưa” chỉ có 1 diễn viên Nhật, còn chuyện xảy ra ở Hồng Kông. Tôi làm “Rừng Na Uy” chỉ vì cuốn sách đó hay - đơn giản vậy thôi.
Nhìn lại những bộ phim của mình, anh có thể nói gì về nó? “Mùi đu đủ xanh”, “Xích lô”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Tôi đi trong mưa” và nay là “Rừng Na uy”?
- Không bao giờ tôi nhìn lại những phim đã làm, để luôn có cảm giác sợ hãi, một thế nguy hiểm, luôn hoang mang, trước một dự án mới. Để đi xa hơn trong ý nghĩ đó, tôi luôn thay đổi cách làm việc mới, và sắp tới chắc tôi sẽ tự viết một truyện ngắn tự quay tự làm hay cầm một quyển sách nào đó lên thẳng trường quay và làm phim luôn mà không cần kịch bản nữa.
Bản thân anh đã bao giờ rơi vào trạng thái của nhân vật Wanatabe Toru - cô đơn trống vắng như hoang mạc?
- Có. 10 ngày đầu tiên quay khi quay “Rừng Na uy”, cảm giác không làm được phim nữa. Lúc đó tôi khóc….
Và sau khóc là gì?
- Vài hôm sau, tôi thấy trở lại bình thường. Thật ra trước đó tôi đã bị khủng hoảng về tinh thần. 4 ngày trước khi quay “Rừng Na Uy”, lần đầu tiên tôi xem lại chính bộ phim mình đã làm “Tôi đi trong mưa” ở Tokyo. Phim đó, tôi không thể dựng phim trong không khí bình an vì mâu thuẫn với nhà sản xuất, phải ra toà 1 năm. Xem “Tôi đi trong mưa” thấy phim chưa thành công và đột nhiên tôi mất cảm giác về màu sắc.
Anh có xem nhiều phim đạo diễn VN trong nước, và anh thích phong cách của ai? Có ý kiến rằng một số đạo diễn VN khi làm phim chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách Trần Anh Hùng. Anh nghĩ gì khi nghe ý kiến đó?
- Có phim của Phan Đăng Di. Thích. Được cái là bỏ được những cái bụi bặm của những loại phim làm như tiểu thuyết cổ truyền, không có chất điện ảnh. Phim của Di có điệu nhạc và đi vào ngôn ngữ riêng biệt của nghệ thuật điện ảnh. Kịch bản hiện đại, ngôn ngữ hiện đại. Nhận xét rằng một số đạo diễn VN chịu ảnh hưởng của tôi không đúng. Những nghệ sĩ trên thế giới có thể “ăn cướp ăn trộm” của ai đó một vài thứ nhưng phải làm cho nó mạnh mẽ hơn rất nhiều bằng tư tưởng riêng của mình.
Nhưng có ý kiến cho rằng nhân vật - con người VN trong phim đó luẩn quẩn, bé mọn và bế tắc, trừ đứa bé…
- Phim đó không phải nói về người VN, mà nói về con người nói chung. Ngôn ngư, khả năng nghệ thuật của nó thể hiện có ý hơi lạ. Ngôn ngữ chính xác, xem hiệu quả, và tôi thấy các nhân vật đều rất đẹp.
Vậy thì “bản sắc dân tộc” được hiểu trong những phim đa quốc tịch hay không quốc tịch như thế nào? Ở đây không chỉ nói về yếu tố dân tộc riêng ở hình thức mà còn cả về tinh thần, tâm hồn?
- Rất khó nói. Vì nhiều người Nhật rất thích phim “Mùi đu đủ xanh” và nói nó Nhật hơn nhiều phim Nhật khác. Nên tránh màu sắc dân tộc hiểu theo nghĩa hạn hẹp. Theo tôi nghĩ bản sắc có liên hệ đến ngôn ngữ của điện ảnh, hơn là màu sắc của dân tộc nào đó. Một ngôn ngữ phải có câu có nhạc, 95% phim hiện nay trên thế giới không có ngôn ngữ điện ảnh, mà chỉ làm trên kỹ thuật điện ảnh. Chính ngôn ngữ tạo ra cảm giác thực của phim. Những người làm phim, không còn quốc tịch nữa, mà chỉ có quốc tịch điện ảnh thôi. Điện ảnh cũng như tất cả nghệ thuật khác, mục đích là đụng vào cảm xúc, làm xáo động nhạy cảm con người lên, và làm anh ta tự sắp xếp lại nhạy cảm của mình. Nó vừa mờ mờ, vừa vững chắc. Cái mờ mờ ở đây là “efféz” (hiệu quả) của điện ảnh…
Theo thời gian, tri thức, kinh nghiệm, vốn sống của nghệ sĩ tăng lên và nhất là công nghệ hiện đại có thể tác động đến anh ta. Làm sao có thể giữ được bản thể - nội tâm bên trong còn trong sáng và nhạy cảm đến từng rung động nhỏ nhất của cuộc đời?
- Đó chính là khả năng của một nghệ sĩ giỏi. Phải rất tỉnh táo, nhưng lại là người đầu tiên biết thưởng thức những cái mình đang làm - nó có đúng hay không, thật hay không? Một khuôn hình rất đẹp, nhưng trống rỗng thì vô nghĩa và không đẹp. Nó chỉ đẹp khi nó thật, có mối quan hệ rất sâu với cái nhạy cảm của con người.
Là người Pháp gốc Việt, điều đó có ảnh hưởng gì đến thành công của anh?
- Có, nếu tôi quốc tịch Nhật hay Trung Quốc lại khác. Tôi không phải là Pháp, không là Việt, tôi là một loại lai. Không tinh khiết. Và tôi thích thế. Vì tôi sống một cách không ổn định, bị treo lửng, không có rễ để bắt vững chắc và như thế với tôi tốt cho sự sáng tạo. Tôi quan tâm một vấn đề, làm sao khai thác càng nhiều càng tốt ngôn ngữ riêng biệt của điện ảnh. Tạo ra một cảm xúc lớn, không nói được vì nó rất trừu tượng nhưng cảm xúc đó rất là vững chắc. Nghệ thuật có một khả năng “độc tài” đó.
Anh có bao giờ ngạc nhiên về khả năng cảm thụ và sáng tạo của mình không?
- Tôi chỉ ngạc nhiên vì mình không có nhiều khả năng hơn và làm phim sao khó thế.
May mắn đóng vai trò gì trong thành công của anh?
- May mắn rất quan trọng và tôi gặp may ở nhiều khía cạnh. Muốn quay cảnh tuyết rơi mà tuyết không rơi thì rất khó khăn. Nhưng may mắn lớn nhất là có người tin tưởng và chịu bỏ tiền ra cho mình làm phim, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi mình cố gắng hết sức.
Xin trân trọng cám ơn anh và chúc anh tiếp tục có những khám phá mới trong ngôn ngữ điện ảnh!
Theo Bao LĐ
Nhắc đến những thành tích và rất nhiều huy chương của Đoàn và cá nhân mình trong các đợt hội diễn - NSƯT Bằng Thái Đoàn trưởng Đoàn kịch Quảng Ninh - chỉ cười và nói như một điều tâm sự. Cái chính là sao cho để những tấm huy chương mãi còn lấp lánh mới là điều quan trọng...
(HBĐT) - Đã thành thông lệ, hàng năm, khi năm cũ chuẩn bị qua đi, một năm mới sắp đến cũng là lúc nhân dân làng Vai xã Thanh Nông (Lạc Thuỷ) nao nức, xôn xao hòa mình vào không khí ấm áp của ngày hội làng truyền thống.
Tên tuổi của nhiều “sao” lớn ở Hollywood không còn là yếu tố đảm bảo cho phim sẽ ăn khách khi mà nhiều người không còn chọn họ làm thần tượng.
Diễn viên điện ảnh Lý Hương đang sống những ngày buồn đau nhất tại Mỹ vì bị cáo buộc… bắt cóc con gái ruột của mình!
Tuy được quốc tế đánh giá cao, du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu khi đến Việt Nam, nhưng hiện nay bức tranh đời sống đờn ca tài tử vẫn chưa mấy lạc quan. Câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử đã được những người làm nghề, tâm huyết với đờn ca tài tử trao đổi thẳng thắn và trách nhiệm tại TPHCM trong buổi tọa đàm ngày 21-12, do Sở VH-TT-DL TPHCM tổ chức.
(HBĐT) - Xã Đồng Bảng (Mai Châu) có 4 dân tộc anh em là Thái, Mường, Kinh, Dao cùng chung sống tại 4 xóm, 1 tiểu khu với 346 hộ dân. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm, chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được nhân dân hưởng ứng tích cực. Xã từng bước xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hoá cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động văn hoá của cộng đồng dân cư.