Tôi nhẩm đi nhẩm lại mãi câu chào bằng tiếng Dao mà cô bé Lý Mán Mẩy dạy cho tôi ngay từ sáng sớm, lúc bước chân đến Tả Phìn, một xã văn hóa và du lịch cách thị trấn Sapa 12 cây số. Vừa đi qua con đường đá đen nhẵn bóng thì bất chợt có một cô gái đeo sọt hàng trên lưng bước tới, tôi vội bật ra hai tiếng đã thuộc làu:
- Pường tọi! (xin chào!)
Cô gái đội khăn đỏ ngạc nhiên, nhoẻn cười rồi nói một câu dài làm tôi cứ ngớ ra, không hiểu gì cả. Lý Mán Mẩy giải thích:
- Chị ấy nói lát nữa mời chú về nhà uống rượu thóc đó.
- Sao lại rượu thóc? Tôi ngạc nhiên hỏi. Lý Mán Mẩy xốc lại quẩy tấu đựng đầy hàng sau lưng rồi nói:
- Chú đến rồi biết! Đậm, thơm và dễ say lắm đó.
Tôi gật đầu cám ơn cô gái vừa mời rượu rồi bước tiếp. Đi cùng tôi, ngoài Lý Mán Mẩy còn có hai cô bé nữa cùng lứa tuổi 15 là Lý Lở Mẩy và Lý Tao Mẩy. Cả ba đều thay nhau che ô cho tôi và ríu rít chuyện trò. Vừa đến cổng xã, tôi thực sự bất ngờ khi thấy mấy đứa trẻ và vài ba người già cũng đi theo. Lý Mán Mẩy nhìn tôi giải thích:
- Chú đừng ngại. Họ đi cùng cho vui thôi. Ai cũng mong bán được mấy món quà thổ cẩm nhưng chú không mua không sao đâu. Họ thích nói chuyện mà.
Có một cô bé chợt hỏi tôi đã có vợ chưa. Tôi gãi mái tóc bạc trên đầu rồi trêu lại:
- Tôi già thế này rồi. Các cháu thử đoán xem tôi có vợ chưa?.
Một cô gái nhỏ xíu đi gần đó nhanh nhảu nói:
- Không, chú còn trẻ lắm đó.
Tôi bật cười rõ to vì biết ngay đây là những câu khen lấy lòng du khách của những người muốn bán hàng mà thôi. Thì có sao đâu, bởi tôi thấy vui vì những cô bé và mấy người phụ nữ cứ líu ríu theo cùng. Ban đầu thì thấy ngại nhưng dần dần trò chuyện với Lý Mán Mẩy mới thấy tình cảm người Dao đỏ thật ấm áp làm sao. Tôi hỏi vì sao tất cả đàn bà con gái đều lấy tên là Mẩy. Khi được giải thích thì mới hay, Mẩy không phải là tên mà chỉ là chữ đệm, chữ ở giữa mới là tên, còn chữ đầu là họ. Đây là sự sắp xếp theo hệ chữ Nôm Dao được bắt nguồn từ chữ Hán.
|
Đột nhiên Mán Mẩy chỉ vào một ngôi nhà gần đường hỏi:
- Chú có thấy họ treo cành lá to ở cửa không?
Tôi vừa nhìn thấy thì Chảo Lở Mẩy giải thích:
- Nhà của chị lúc nãy mời chú vào uống rượu đó. Gia đình đang nấu rượu nên phải treo cành lá để mọi người đừng bước vào. Vì tục lệ ở đây, sợ người lạ bước vào khi đang đỏ lửa thì sẽ làm mẻ rượu có vị chua.
Tôi tò mò hỏi thêm về những tục lệ khác thì Lý Mán Mẩy có vẻ lúng túng, quay lại nhìn chị Chảo Lở Mẩy như để cầu viện câu trả lời. Có lẽ chị vẫn còn nhớ như in cái ngày về nhà chồng của mình. Ấy là vào những ngày mùa đông. Tả Phìn cao tới 1600m nên rét lắm, nhưng nhà trai vẫn phải đi từ 4 giờ sáng, nếu xa hơn thì phải đi từ 3 giờ để đón cô dâu. Đó là tục lệ của người Dao. Cô dâu phải về nhà chồng sớm, trước mặt trời mọc, mới không bị ma theo và sau này sẽ trở thành dâu ngoan và đảm đang. Vậy nên dàn nhạc của bản phải rộn rã vui mừng đánh thức mọi người bà con cùng dậy rất sớm. Nào đàn. Nào trống. Nào chiêng. Tất cả rộn rã cùng lời ca tiếng hát. Khi nào thầy cúng làm lễ xong thì mới đến lượt người của chính quyền ở Tả Phìn đến tuyên bố chứng nhận hai bạn trẻ là vợ chồng. Mọi người ở lại liên hoan, ca múa tại nhà trai cho đến tận hôm sau, để tỏ lòng vui mừng và chúc hạnh phúc cho cặp vợ chồng mới.
Còn khi nói đến Tết Nhảy, chủ yếu là cánh trẻ tham gia, thì cô bé Lý Mán Mẩy lại tranh nói. Có lẽ Tết Nhảy thể hiện một nét văn hoá sống động đến kỳ lạ của người Dao. Nếu cứ theo Lý Mán Mẩy kể thì người Dao có tới 54 điệu rất huyền bí. Tết Nhảy chỉ diễn ra trong ngày mùng một hoặc mùng hai Tết ở ngay tại nhà trưởng họ. Giờ đây lớp trẻ chỉ thuộc 14 điệu nhảy phổ biến nhất. Có những điệu nhảy riêng cho nam tham gia, nhất là cái điệu nhảy mở đường bắc cầu, đưa đón tổ tiên và thần linh về ăn Tết cùng con cháu. Có những điệu nhảy được cách điệu bằng những hình tượng như nhảy một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao để chào những người đã khuất...
Sau đó, Lý Mán Mẩy sôi nổi kể chuyện lễ rước tượng tổ tiên mới thật là thiêng liêng. Mọi người phải tắm cho tượng tổ bằng thứ nước thơm chế từ vỏ loại cây sum mụ, sau đó thay khăn choàng mới, rồi tất cả cùng nhảy điệu “Dâng gà”... Nhưng có lẽ màn tắm than mới là điệu nhảy hoang dã thần bí của người Dao. Khi kể lại cho tôi nghe, chính Lý Mán Mẩy cũng căng đôi mắt to của mình khi miêu tả với một vẻ hồi hộp như mọi chuyện đang xảy ra trước mắt vậy. Nhất là đến phần các con cháu nhảy múa quanh đống lửa, rồi dùng tay hất tung than lẫn gio trong đống lửa lên người. Điệu nhảy tắm than thể hiện sức mạnh của con người khi được thần linh che chở và xua đuổi hết ma tà, những uẩn ức trong năm còn vương vấn, quanh quẩn đâu đây. Và đó cũng chính là hoài bão được chế ngự thiên nhiên để bảo tồn sự sống bất tử của loài người.
Chúng tôi đã đến gần cửa hang Tả Phìn. Thấy tôi hay hỏi, Lý Mán Mẩy rất vui và bao giờ cũng giải thích tỉ mỉ rồi hẹn tôi:
- Sau khi vào hang Tả Phìn. Chú nhớ về nhà cháu nhé! Bố cháu cũng vừa cất được một thùng đó. Ngon lắm mà.
Nói rồi cả ba cô bé đứng ở ngoài cửa hang chờ tôi. Vì xuống hang chỉ có nhóm con trai mới thuộc kỹ đường đi. Mấy cậu bé cầm đèn dẫn tôi lò dò từng bước. Hang lạnh và kỳ thú đến ám ảnh bởi bao hình tượng của nhũ đá vôi lóng lánh phản quang mỗi lần ánh đèn chiếu đến. Đó là những chùm ánh xạ màu rất kỳ ảo. Đó là đôi mắt. Đó là bờ vai và suối tóc của người con gái.
Không giữ được cảm xúc tôi chào to:
- Pường tọi...! Pường... tọi...!
Tiếng vọng từ vách hang vọng lại cùng tiếng kêu tí tách của những hạt nước rơi từ trên cao. Một ngọn gió lùa từ khe nào đó trong ngách hang lạnh buốt và rít lên như tiếng khóc của đứa nhỏ vậy. Một cậu bé giải thích đó là tiếng khóc đói sữa của một linh vật bay lên từ một vách xa xôi nào đó, đang chờ tiếng ru của mẹ từ cõi hư vô, ngàn trùng.
Đầu tiên, tôi cứ ngỡ đây chỉ là cái hang quen thuộc như mọi nơi tôi đã qua. Nhưng chả phải, dường như hang Tả Phìn có thần linh trú ngụ, luôn luôn trị vì làm át đi cảm giác lo sợ những điều xấu xa đang ẩn nấp trong cõi trần gian. Và nữa, những con mắt Phật trên cao lại sáng lên lấp lánh trên vách hang cùng những âm thanh người vọng lên ngọt ngào...
Cửa hang Tả Phìn nhỏ thôi, nhưng muốn đi hết hang phải mất cả ngày, vì nhiều ngóc ngách và các bậc uốn lượn kéo dài tới chục cây số. Có thể nói đây là hang động dài và tạo cảm giác kỳ lạ nhất. Dường như nó bắt nguồn do con suối Tả Chảy, ngày đêm uốn lượn qua những cánh rừng nguyên sinh, tạo nên vẻ đẹp đầy bí ẩn. Ấy thế rồi chúng tôi phải quay trở lại vì đã đi quá xa. Nếu đi tiếp sẽ không thể quay về vào buổi chiều được. Tôi vẫn còn đang ngơ ngẩn tiếc nuối thì văng vẳng đâu đó có tiếng hát vọng xuống. Ánh sáng mặt trời le lói chiếu rọi. Tiếng hát vang lên trong trẻo, mỗi lúc một rõ:
“Khi em gặp anh, em nghĩ rằng mình đã có duyên gặp nhau. Điều may mắn nhất của em là được cùng anh hát điệu giao duyên. Và em thấy lòng mình yên ổn...”.
Một cậu bé nhìn tôi rồi nói:
- Chú nghe thấy không? Chị Lý Mán Mẩy hát đó.
Tôi lắng nghe giọng hát trong vắt như tiếng suối Tả Chảy đang róc rách nơi khe đá. Cả ba cô bé cùng với hai người phụ nữ vẫn đứng đợi và đón tôi. Lúc này, tôi mới càng vỡ lẽ họ đi cùng, chẳng phải chỉ để bán hàng, mà muốn tâm sự với tôi những điều gì đó. Khoe những vẻ đẹp nồng nàn của những bông hoa màu đỏ thêu trên ngực, hay như cái độ say lịm của hương vị rượu thóc chẳng hạn. Khi vừa thấy tôi ló mặt ra khỏi hang, đôi mắt của cô bé Lý Mán Mẩy sáng bừng niềm vui như gặp lại người nhà. Nắng nghiêng nghiêng. Tôi ghé vào cánh ô đỏ của Lý Mán Mẩy nhanh chân về ngôi nhà gỗ cuối bản. Và biết rằng, những cô bé kia sẽ cùng tôi uống những bát rượu rạo rực hương thơm, làm hồng làn môi tuổi mười lăm. Tôi cũng biết rằng thật khó mà từ chối vì mình sẽ được xem các cô bé nhảy bên bếp lửa. Rồi các cô bé sẽ khoe những tấm áo cưới đã chuẩn bị sẵn hàng năm trời, thêu và khâu lấy những đóa hoa mầu đỏ cùng những ô trám mầu vàng nâu dịu ấm... Tất cả cứ lung linh như điệu nhảy vào mùa say đắm và bồng bềnh trong đám mây bay lang thang trên sườn núi. Chung quanh lưới mắt của các cô bé người Dao lúng liếng, giăng bủa như muốn neo hoàng hôn vàng rực đang ngơ ngác trên đỉnh Hoàng Liên.
Theo Báo SKĐS
Các nhà chuyên môn nghệ sĩ và báo chí đã dành những nhận xét tốt đẹp cho Mai Vàng 2010
Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa trao giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2010. Các tác phẩm đoạt giải ở các thể loại: ca khúc, bài hát thiếu nhi, ca khúc nghệ thuật, âm nhạc giao hưởng, thính phòng, thanh xướng kịch và hợp xướng, chương trình biểu diễn, nghiên cứu lý luận và sưu tầm, biên soạn và giáo trình, các bài báo... Các giải thưởng được trao gồm: một giải đặc biệt được trao tặng cho tác phẩm 1000 năm âm nhạc Thăng Long (nhóm tác giả Hà Nội); sáu giải nhất; năm giải A và các giải khác. Trong đêm trao giải diễn ra chương trình ca nhạc đặc sắc với nhiều tiết mục ca ngợi Ðảng, Bác Hồ và một số tác phẩm tiêu biểu đoạt giải năm 2010.
Ngày 23-1, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ trao tặng giải thưởng văn học thường niên năm 2010 và kết nạp 26 hội viên mới khu vực phía Bắc. Nét đặc biệt nhất là năm nay, cả Hội đồng văn xuôi và Hội đồng dịch thuật văn học đều nhất trí cao và đề nghị trao tặng giải thưởng năm 2010 cho tập truyện ngắn “Di hương” của nhà văn Sương Nguyệt Minh và bản dịch tiểu thuyết “Triệu phú khu ổ chuột” cho dịch giả Nguyễn Bích Lan.
Tập truyện và ký mang tên "Mặt trời ở lại" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2010. Tập sách giới thiệu các tác phẩm xuất sắc trong cuộc Vận động sáng tác truyện và ký viết về "Người chiến sĩ Công an Hà Nội vì Thủ đô bình yên, vì Nhân dân phục vụ" do Công an Thành phố Hà Nội phát động. Đây là các tác phẩm hay của nhiều nhà văn, nhiều cây bút được giải hoặc được tuyển chọn từ một cuộc thi được tổ chức chu đáo và chất lượng.
(HBĐT)- Ngày 23/1, Nhà thiếu nhi tỉnh phối hợp với Thành Đoàn, Phòng GD&ĐT, Phòng VHTT thành phố tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “vì môi trường xanh- sạch- đẹp”. Tham gia cuộc thi có 187 em học sinh đang học tập, sinh hoạt tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố.
(HBĐT) - Năm 2010, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ban chỉ đạo huyện Mai Châu đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung, tiêu chí của phong trào và hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình trên địa bàn đăng ký thực hiện.