(HBĐT) - Có dịp sang thăm bác vào một ngày cuối tuần giáp tết, vòng vèo qua con đường làng, nhà bác tôi nằm yên bình giữa một vườn ổi già trong xóm Mường giữa thành phố. Dừng xe, chưa kịp tò mò về nong lá chuối đang bày ra trước sân thì bác tôi bước ra vui vẻ: “Cô út hôm nay may nhá, “được” sang làm bánh uôi giúp bác”.
Tôi nhanh tay treo chiếc áo khoác to lên cành cây trong những ngày giá lạnh, chuẩn bị giúp bác làm bánh. Nhìn chiếc cối xay to đặt ở sân, tôi hiểu rằng bác vẫn giữ thói quen xay bột thủ công như bác bảo: “Làm bánh uôi phải tự tay xay bột mới dẻo và ngon”. Kéo chiếc ghế gỗ để ngồi, tôi được bác phân công nhiệm vụ vinh quang là….lau lá chuối chứ không được cầm tay quay xay bột vì theo bác, xay bột đòi hỏi người “quen tay, quen nghề”, nó tuy không khó nhưng cũng “kén người” để xay bột nhanh và mịn. Nhìn bác thoăn thoắt đưa tay chạy vòng quanh cối xay, chẳng bao lâu từ khe cối chảy ra từng dòng nước trắng hơi sệt mùi thơm gạo nếp. Theo kinh nghiệm của người Mường, những hạt gạo nếp dẻo thơm đã được vò, đãi kỹ, ngâm qua đêm cho thêm phần dẻo dai. Bàn tay tôi cũng thoăn thoắt lật qua, lật lại từng tàu lá chuối to và nhanh chóng tước chúng ra từng mảng đủ gói bánh. Lá chuối làm bánh uôi trên đất Mường được chọn từ loại lá chuối rừng hoặc lá chuối tây đủ dẻo, để giữ được vị thơm khi bánh chin. Lá mang về được đem phơi nắng hoặc hong bếp để cho lá thêm dẻo, không bị giòn, rách giữa.
Đã nhiều lần thưởng thức bánh uôi, tận tay làm bánh, hỏi qua nhiều bà, nhiều cô bác về nguồn gốc tên bánh uôi, song ai cũng chỉ cười tủm tỉm trêu tôi: bánh uôi nghĩa là bánh yêu, là bánh đôi, bánh cặp, ai được ăn sẽ thêm may mắn, thêm tình yêu…Vậy là trải qua bao nhiêu năm trên đất Hòa Bình, bánh uôi vẫn phiêu du trên hành trình đi tìm tên cho mình và cũng không biết tự thửa nào bánh uôi đã gắn bó với nếp sống người dân tộc Mường một cách sâu sắc. Từ ngày thường đến những dịp quan trọng như tết Độc lập, Tết Nguyên đán, ngày mừng cơm mới, ngày giỗ…đều thấy có bánh uôi, từ nơi mâm cao trang trọng để cúng tổ tiên hay giản dị trong rổ rá cho những ngày mùa vất vả, bánh uôi trong mắt tôi vẫn luôn luôn đẹp và gần gũi như chính tâm hồn người Mường.
Chậu nước cốt gạo trắng được bác tôi túm vải treo lên để cô đặc bột, tôi cũng đã thái thịt tẩm ướp. Bánh uôi có vị mặn với thịt lợn và hành củ, thịt lợn và đỗ xanh hoặc làm vị ngọt với đỗ xanh và đường, có nơi còn làm nhân đỗ nho nhe, các vị nhân khác sao cho bánh ngon và lạ miệng. Bánh uôi không kén người ăn nên ai cũng có thể thưởng thức, đặc biệt với những người “mê” đồ nếp, “mê” mùi lá chuối đồ.
Trong lúc chờ bột ráo, uống chén nước chè, bác khẽ cười và bảo: Sắp đến tết rồi, ai cũng bận việc, nhiều khi đi làm cả ngày về lại thấy chán cơm, cứ làm bánh ăn cho tiện, đói thì ăn dăm, ba cái, no thì ăn chơi cho vui, cho bọn trẻ con nó mừng. Làm cũng không đáng bao công, trời rét thế này làm nhân thịt và tiêu để được vài ngày vẫn ngon, chả sợ mốc….Bao nhiêu năm trên đất Mường vẫn thế, có bận bịu, có rảnh rang, có cả xô bồ hay bình yên nhưng nhiều phong tục vẫn được giữ nguyên. Ngày tết, nhà nào không có tiếng mổ lợn, tiếng trẻ con reo hò tụ tập hay vài chục cặp bánh chưng, bánh ống, bánh uôi treo trong nhà âu cũng là hiếm.
Lúc sau bác gỡ gói bột xuống, mở ra bột gạo trắng tinh, còn phảng lên mùi thơm ngọt ngào của lúa nếp. Rải đều lá chuối trong nong, bác đưa tay thoăn thoắt nhào bột trong chậu, đảo qua, đảo lại thành một khối dẻo quánh rồi lại thoắt đưa tay vẹo thành từng khối nhỏ đặt vào trong nong. Đúng như nhiều người vẫn nói: gói bánh uôi thể hiện sự khéo léo, tinh tế và nhanh nhẹn của phụ nữ Mường. Đặt bát mỡ ngay cạnh, bác lướt nhẹ xoa mỡ lên tay (để bánh không dính vào tay và lá khi chín), đôi tay bác vừa thoáng véo bột, thoắt đã tra nhân và chốc lát đã vặn hai phần bánh cân xứng trong hai đầu lá chuối rồi rút ngay chiếc lạt giang hay dây chuối túm gọn đầu bánh trông như hai chiếc kẹo mút kẹp đôi. Chẳng mấy chốc bột đã hết, rổ bánh đã đầy, hai bác cháu tôi cắt tỉa mấy đầu lá chuối thừa cho gọn ghẽ. Bác lôi từ gác bếp xuống chiếc chõ đồ cũ kỹ và đặt từng chiếc bánh sole với nhau ngay ngắn vào chõ, bác bảo xếp như vậy để bánh được chín đều nhau.
Bên bếp lửa ấm áp, xoay xoay từng cây củi lớn, khều khều từng viên than, tôi hồi hộp đợi bánh chín - cảm giác như thủa nhỏ được trông nồi bánh chưng, vừa ran rát mặt, hồng hồng má vì lửa, vừa thấy vui trong lòng. Chẳng căn thời gian nhưng dường như theo thói quen ngồi bếp, bác khẽ bảo tôi bắc bánh xuống vì đã gần một tiếng. Chõ được mở ra, một mùi ngọt ngào pha giữa bánh nếp và lá chuối xông lên mũi tôi mang lại một cảm giác thú vị. Vớt bánh ra rổ, chờ hơi ráo nước, bác tôi chọn ra năm cái đẹp nhất, xếp đĩa hoa bỏ lên bàn thờ cúng tổ tiên. Khi làm bánh uôi trong ngày Tết, người Mường thường treo bánh lên gác bếp và các nông cụ lao động để tỏ lòng biết ơn với các vật đã gắn bó với mình trong suốt một năm lao động vất vả, điều đó cũng chứng tỏ sự thơm thảo, nhân văn trong giá trị văn hóa Mường.
Tận tay cầm chiếc bánh còn hơi ấm, khẽ tước từng sợi chuối nhỏ để lộ ra nền bánh trắng mịn tôi mới thấu hết được ý nghĩa của chiếc bánh uôi, vì bánh sinh ra đã có đôi có cặp nên khi ăn ai cũng nghĩ đến việc chia một nửa cho người khác. Dù người ăn có thể dùng vài cái nhưng mỗi lần bóc lại có một cảm giác sẻ chia thú vị mà các loại bánh khác không có được, không bẻ, không cắt, không cắn chung nhưng vẫn chia cho nhau một phần đều đặn…
Cùng với thời gian, nhiều truyền thống có thể thanh giản, nhiều món thay đổi cho phù hợp với khẩu vị và nguyên liệu hiện có, nhưng bánh uôi- loại bánh giản dị, gần với đời sống hàng ngày và có ý nghĩa biểu trưng thú vị này vẫn luôn được lưu giữ và không hề biến đổi. Hình ảnh cặp bánh uôi không chỉ xuất hiện trong ngày tết và các ngày lễ lớn, đã trở thành món ăn hàng ngày của người Mường trong những ngày mùa vất vả trên đồng ruộng. Sự sẻ chia phần bánh của người lao động càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt và giá trị tinh thần vô giá của bánh uôi…
Lê Thùy
(Sở TT-TT)
(HBĐT)- Tối 24/1, Huyện Đoàn Lương Sơn phối hợp với Phòng VH&TT tổ chức đêm giao lưu văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới.
Tập truyện và ký mang tên "Mặt trời ở lại" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2010. Tập sách giới thiệu các tác phẩm xuất sắc trong cuộc Vận động sáng tác truyện và ký viết về "Người chiến sĩ Công an Hà Nội vì Thủ đô bình yên, vì Nhân dân phục vụ" do Công an Thành phố Hà Nội phát động. Đây là các tác phẩm hay của nhiều nhà văn, nhiều cây bút được giải hoặc được tuyển chọn từ một cuộc thi được tổ chức chu đáo và chất lượng.
Tôi nhẩm đi nhẩm lại mãi câu chào bằng tiếng Dao mà cô bé Lý Mán Mẩy dạy cho tôi ngay từ sáng sớm, lúc bước chân đến Tả Phìn, một xã văn hóa và du lịch cách thị trấn Sapa 12 cây số. Vừa đi qua con đường đá đen nhẵn bóng thì bất chợt có một cô gái đeo sọt hàng trên lưng bước tới, tôi vội bật ra hai tiếng đã thuộc làu:
Dạo quanh một vòng thị trường tranh gốm những năm gần đây, chúng ta không khỏi tiếc nuối cho những giá trị của dòng tranh đáng lẽ phải được bảo tồn và phát huy, lại đang mai một dần.
(HBĐT) - Ngày 24/1, Sở VH - TT & DL tổ chức tổng kết công tác năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
(HBĐT) - Toàn tỉnh ta hiện có 177 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có 53 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 50 bản, làng du lịch - văn hoá, trên 30 lễ hội văn hoá đậm đà bản sắc như lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội chùa Tiên (Lạc Thuỷ), lễ hội chùa Hang (Yên Thuỷ), lễ hội đền Bờ (Cao Phong), lễ mừng cơm mới của dân tộc Mường, lễ hội chá chiêng của dân tộc Thái...