Một cảnh trong Táo Idol của VTV
Chương trình Táo quân năm nay trên sóng các đài truyền hình hứa hẹn ngập tràn tiếng cười vui nhộn
Chương trình Táo quân ngày Tết là thế mạnh của các đài truyền hình. Không chỉ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TPHCM mà các đài truyền hình tỉnh cũng tham gia dàn dựng Táo quân cho chương trình Tết năm nay.
Táo VTV thi nhau làm “thần tượng”
Những thực trạng nhức nhối trong năm 2010 được các Táo giao thông, Táo điện lực, Táo quy hoạch, Táo văn hóa xã hội, Táo kinh tế lần lượt lồng ghép một cách khéo léo trong Táo Idol của chương trình Gặp nhau cuối năm, phát trên sóng VTV, từ 20 giờ 30 phút tối 30 Tết.
Từ nạn tắc đường, mãi lộ, hố tử thần, để người dân nghèo phải đu dây qua sông vì không có cầu, cắt điện vô tội vạ, phá rừng làm thủy điện... đến xếp hàng từ đêm để đăng ký học mẫu giáo cho con; bảo mẫu đánh trẻ; nữ sinh đánh nhau rồi quay clip và cả thứ nghệ thuật kiểu vào toilet hồn nhiên tụt quần đọc sách, mồm ngậm con chim rồi há ra thả cho bay lên trời... đều được các táo biến thành những bài thi vui nhộn qua các tiết mục ca hát, múa, khiêu vũ, tạo dáng chụp hình trước ban giám khảo (gồm Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu).
Vẫn to béo, bệ vệ như cuộc thi Hoa táo 2 năm trước, Táo giao thông Chí Trung hồn nhiên với “Em có một ước ao, em có một khát khao, làm giao thông, làm giao thông” (cải biên từ bài Da nâu).
Táo văn hóa xã hội Tự Long, với lợi thế của một diễn viên chèo, gây bất ngờ cho khán giả với màn ca Teen vọng cổ: “Ngọc Hoàng ơi em muốn cùng anh thề câu chung thủy không thay đổi lòng để em trúng Idol”.
Một cảnh trong Táo Idol của VTV. Ảnh: Ngọc Trần
Trong khi đó, Táo điện lực Vân Dung lại có màn múa ấn tượng 4 phần với những lưỡi cưa mang tên 360 độ điện, miêu tả việc chặt rừng làm thủy điện; điện về muôn nơi; xả lũ đầu nguồn và cắt điện luân phiên rộn ràng, ngẫu hứng.
Vẫn tưng tửng như thuở nào, Táo kinh tế Quang Thắng dìu từng giám khảo trong các điệu nhảy theo màn lên xuống của các chỉ số qua các vũ điệu của Bước nhảy hoàn vũ.
MC Phan Anh của Vietnam Idol cũng có mặt trong Táo Idol để phỏng vấn các thí sinh sau mỗi phần thi. Với phiên bản Idol, khán giả sẽ được thưởng thức những bài hát quen thuộc nhưng được “chế biến” thật đặc biệt với phần ca từ là những vấn đề nóng của xã hội.
Năm nay, lần đầu tiên xuất hiện Táo dân. Diễn viên Thành Trung trong vai Táo dân sẽ khép lại một cái kết có hậu. Ông dân đen không mũ mão này tình cờ chạy vào thiên đình bị các táo cầm kiếm lần lượt xuyên qua nhưng vẫn sống nguyên vẹn trong một màn ảo thuật.
Với thông điệp dù gặp khó khăn về giao thông, điện nước, nhà ở, học hành, tiền bạc..., người dân vẫn lạc quan tìm cách vượt lên. Không thi nhưng Táo dân đã đăng quang Táo Idol vì sự dũng cảm đu dây qua sông đưa con đi học, vượt qua lũ lụt, sống sót sau khi bị rơi xuống “hố tử thần”...
Táo HTV nói thẳng nói thật
Năm nay, HTV quyết tâm nâng cao chất lượng từ nội dung đến hình thức thể hiện để các vở kịch Táo đi vào trọng tâm những vấn đề người dân quan tâm, đồng thời chuyển tải được tiếng cười ý nghĩa.
Một trong những “cha đẻ” khai sinh chương trình kịch Táo quân trên HTV là đạo diễn Thế Ngữ. Ông có thâm niên hơn 30 năm viết kịch bản và dựng vở Táo với bề dày kinh nghiệm mà cả giới sân khấu đánh giá là lão làng.
Sau một năm nghỉ xả hơi không làm kịch Táo, năm nay, ông chọn đề tài khá thú vị khi cảnh báo các táo về chầu trời đừng báo cáo láo. Ông tâm sự: “Suy ngẫm mang tính tổng quát như một bản báo cáo tổng kết năm mà công chúng gửi tới các ban, ngành chức năng, phản ánh những tồn đọng, sơ suất đã là kết cấu quen thuộc của kịch Táo.
Thế nhưng năm nay, tiếng cười của kịch Táo phải thể hiện được tính trách nhiệm, cười nhưng không bỏ qua mà phải tác động đến xã hội để góp phần sửa đổi. Do vậy, kịch Táo năm nay phải làm cho khán giả thấy vui nhưng những điều được phản ánh phải mang về hiệu quả”.
Trên sàn quay, câu chuyện đã cuốn hút các nghệ sĩ khi nhân vật Ngọc Hoàng (Minh Hoàng) nhận thấy hội Táo quân hằng năm trên thiên đình chưa đạt chất lượng, lại mất nhiều thời gian, mà nghiêm trọng nhất là nội dung các bản báo cáo của các Táo về chầu trời còn mang tính chung chung, dài dòng và không nhiều như mọi năm. Do vậy, Ngọc Hoàng quyết định cùng các quan hạ giới tổ chức hội Táo tại trần gian. Hình thức hội thi với chủ đề Táo ơi, nói thật đi.
Cảnh trong vở Táo ơi nói thật đi của HTV. Ảnh: THANH HIỆP
Có một quan chức gọi là “ông trần gian” (NSƯT Lân Bích) đã được Ngọc Hoàng đề cử làm đại diện cho thiên đình lo việc tổ chức. Thế nhưng, ông này thích khoa trương nên đã chọn địa điểm tổ chức hội Táo tại Cung điện thiên đình 2. Cuộc họp báo tuyên truyền cho ngày hội đã diễn ra và những báo cáo không đúng sự thật tiếp tục làm Ngọc Hoàng đau đầu.
Tôn trọng vợ và học theo câu nói dưới trần gian “nhất vợ, nhì trời”, Ngọc Hoàng đã nhường cho vợ (NSƯT Hồng Vân) xử lý. Lần đầu tiên, các nhân vật nhà báo được xuất hiện trên sân khấu kịch hài Táo quân qua tài diễn xuất của các nghệ sĩ: Việt Hương, Kim Khánh, Hữu Nghĩa, Nhật Cường... đại diện cho người trần gian chất vấn những ông bà Táo xung quanh các vấn đề nổi cộm: tình trạng thuốc tăng giá, quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện, hội hè đình đám ăn mừng quá nhiều, đấu giá ảo, MC nói quá nhiều, dịch quá sai trong các chương trình văn hóa nghệ thuật, vệ sĩ đánh người, xây dựng nhà trái phép..., trầm trọng nhất là giao thông với những hệ lụy, như ngập nước, kẹt xe, “hố tử thần”, chất lượng cơ sở hạ tầng báo động... Ngọc Hoàng đã ra lệnh các Táo phải báo cáo thật, những gian dối đều bị trừng phạt.
Tham gia vở kịch còn có các nghệ sĩ hài: Phú Quý, Tấn Hoàng, Mỹ Uyên, Minh Béo, Thanh Thúy, Trịnh Kim Chi, Nguyễn Sanh, Bảo Châu, Hà Linh... NSƯT Hồng Vân cho biết: “Thú vị nhất mà cũng sòng phẳng với chính lỗi lầm của chúng tôi là vở kịch có nói đến vấn đề chạy sô chóng mặt của nhiều nghệ sĩ khiến chất lượng các chương trình, vở diễn kém. Biết nhìn thấy mình và nói thật những sai sót, đó cũng là trách nhiệm của những nghệ sĩ diễn kịch Táo năm nay”. Vở kịch này được phát sóng lúc 22 giờ 15 phút trên HTV7 ngày 2-2 (tức 30 Tết).
Táo đài tỉnh vào cuộc cạnh tranh
Hiện có 12 vở Táo của các đài tỉnh đã bấm máy cho kịp tiến độ phát sóng vào tối giao thừa. VTV9 (khu vực phía Nam) có vở Ngọc Hoàng lên xe buýt (đạo diễn Trường Long dàn dựng). Không tin vào mấy bản báo cáo láo của các Táo, Ngọc Hoàng phải xuống trần gian thị sát.
Ngài lên xe buýt, thấy cảnh ngập nước, cúp điện, lô cốt, rồi sụp luôn xuống “hố tử thần”. Ngài giận quá bèn mở phiên tòa xét xử tại chỗ trong khi chờ xe thiên đình đến giải cứu.
Tình huống này tạo được sự thích thú, nhất là khi bà con hành khách trên xe tình nguyện làm Táo, báo cáo hết những tệ hại ở trần gian, còn chính xác hơn những tờ “báo cáo láo” của mấy ông Táo thật.
Không hẹn mà gặp, năm nay, nhiều đài tập trung “đánh” nặng chuyện “hố tử thần”. Ngoài HTV, đã có các Táo của BTV, SCTV7, Bình Dương, Đồng Nai... tập kích “hố tử thần” và vấn đề giáo dục.
Cảnh trong vở Táo của Đài Truyền hình Bình Phước. Ảnh: C.T.V
Chương trình Táo quân của Đài PTTH Sóc Trăng mang tên Họp mặt cuối năm (tác giả: Nguyễn Sơn) tập trung vào nhiều vấn đề nông thôn quan tâm, nhất là những vấn đề khuyến nông. Táo họp mặt cuối năm của đài Bình Phước, Vũng Tàu... cũng không quên câu chuyện các dòng sông bị ô nhiễm. Các Táo báo cáo về việc nhiều doanh nghiệp liên tục xả nước bẩn, nước ô nhiễm xuống các dòng sông khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Ngoài chuyện “hố tử thần”, các vấn đề giao thông như kẹt xe, lô cốt, ngập nước... gây ảnh hưởng tới dân sinh khiến nhiều hoạt động trì trệ cũng được nhiều Táo của đài lên tiếng.
Chương trình Chuyện Táo năm Mèo (tác giả: Diệp Vàm Cỏ, dàn dựng: Hoàng Duẩn) của Đài PTTH Long An có một điểm thú vị là nhân vật Hà Bá mất tích trong cuộc họp cuối năm, Ngọc Hoàng cho người truy tìm mới biết do các dòng sông có nguy cơ chết vì ô nhiễm nặng nên Hà Bá đã biến mất.
Luyện tập “xuyên màn đêm”
Để chuẩn bị cho chương trình Táo quân 2011, ê-kíp sản xuất cùng các nghệ sĩ đã bắt đầu tập luyện từ trước Tết khá sớm.
Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, vì chương trình được chuẩn bị vào gần Tết cũng là dịp các nghệ sĩ thường rất bận rộn với lịch biểu diễn dày đặc nên Táo quân có thời gian luyện tập rất đặc biệt.
Các buổi tập bắt đầu từ 22 giờ và kéo dài đến 5, 6 giờ hôm sau. “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh tâm sự: “Nhận vai Ngọc Hoàng chẳng khác gì cưỡi lên lưng hổ nên phải tập miệt mài sao để có thể hoàn thành công việc”.
Một nghệ sĩ khác cho biết không được nhận vai trong Gặp nhau cuối năm thì rất buồn nhưng nhận rồi lại là một áp lực rất lớn. Nghệ sĩ mỗi người một nơi nên phải tập riêng từng phần rồi sau đó mới ghép chung lại với cả đội.
Bù lại sự vất vả của các nghệ sĩ, khán giả sẽ được thưởng thức một chương trình thật thú vị với sự dàn dựng công phu của ê-kíp thực hiện.
Đạo diễn Thế Ngữ cho biết năm nay ông đau đầu nhất là các nghệ sĩ hài chạy sô quá nhiều trong các vở Táo cuối năm.
Để tập hợp đủ người diễn và chạy suốt mỗi cảnh (chưa nói đến cả vở), ông phải chờ đến... dài cổ. |
Theo NLĐ
Sau 8 năm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sưu tập bổ sung các hiện vật (vốn được chủ dự án sưu tầm từ hơn 30 năm trước), hoàn tất các thủ tục pháp lý Bảo tàng tư nhân đầu tiên tại miền Trung có tên là Đồng Đình đưa vào hoạt động ngày 28.1.2011.
Về nước sum vầy với gia đình, người thân và kết hợp biểu diễn phục vụ công chúng trong dịp Tết đối với các nghệ sĩ là vẹn cả đôi đường
Đầu tháng Chạp, người dân làng Thanh Tiên dù bận rộn thế nào cũng tranh thủ chăm chút từng nhành hoa giấy góp phần điểm xuyến cho "nàng Xuân". Làm hoa giấy vào dịp chuẩn bị đón Tết trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của dân làng Thanh Tiên. Hoa giấy ở đây nổi tiếng bởi có nguồn gốc- giá trị sâu xa về mặt tín ngưỡng trong nếp sống cổ truyền của người dân xứ Huế.
(HBĐT) - Hoa mơ, hoa mận bung nở trắng xoá ven đồi, báo hiệu một mùa xuân nữa lại về. Không chỉ là quãng thời gian đẹp nhất trong năm, xuân về mang theo dịp lễ lớn nhất đối với mỗi người Việt - Tết Nguyên đán. Người Việt thưởng thức hương vị Tết bằng nhiều thú vui khác nhau. Hoà cùng không khí náo nức chuẩn bị cho một cái Tết thật sự đủ đầy, có một thú vui mà có lẽ bất cứ ai, từ già đến trẻ đều rất thích, ấy là đi chợ Tết. Đối với không ít người, chợ Tết còn là câu chuyện về cuộc sống, sản vật, những đẹp phong tục...
Nhìn lại toàn cảnh phim truyền hình (PTH) VN năm qua, bên cạnh sự phong phú về đề tài, có nhiều phim hay về mảng đề tài chính luận, dàn diễn viên với nhiều gương mặt mới, xuất hiện nhiều nhà sản xuất mới, một số đài truyền hình tỉnh lẻ phía Nam mạnh dạn đầu tư cho phim Việt… thì kèm theo đó cũng nảy sinh không ít bất cập…
Có thể nói, năm 2010 cùng với sự khởi sắc về kinh tế, chính trị, xã hội, đời sống văn chương cũng có những dấu ấn quan trọng, khiến cho những người quan tâm đến sự phát triển của văn chương nước nhà hy vọng và chờ đợi. Tuy nhiên, ngoài mảng tiểu thuyết trong cuộc thi kéo dài từ năm 2006 - 2009 và được tổng kết, trao giải vào năm 2010, còn các mảng khác độc giả cảm thấy vẫn dường như còn thiếu “lửa”.