Bị “mê hoặc” bởi sự độc đáo của ngày Tết Việt Nam, chị Jennifer Fossenbell, người Mỹ, đã đi tìm hiểu xem liệu những nét truyền thống của Tết Việt có bị mai một. Dân trí xin giới thiệu bài viết của chị.

 

 
Tết Nguyên Đán, Tết cổ truyền của Việt Nam, là một dịp lễ đã được người Việt tổ chức từ hàng thế kỷ nay. Nhưng với những thay đổi “chóng mặt” về kinh tế trong những thập niên gần đây, liệu Tết của Việt Nam có bị thay đổi bởi chủ nghĩa tiêu thụ, giống như Lễ Giáng sinh đã bị ảnh hưởng ở phương Tây? Cùng với việc Việt Nam ngày càng mở cửa với thế giới, liệu những tập tục liên quan tới Tết có bị “biến dạng”? Tôi đã trò chuyện với một số người Hà Nội để tìm hiểu xem họ nghĩ gì.

 

Khi mọi người chia sẻ  những kỷ niệm về Tết, có vẻ như  tâm trí họ ngay lập tức nghĩ về đồ ăn. Thực tế, từ Hán - Việt “Tết Nguyên Đán” nghĩa là “Bữa ăn sáng đầu tiên”. Từ “ăn Tết” cũng thể hiện rõ sự chú trọng tới ẩm thực. “Toàn bộ ý nghĩa của Tết là ở việc ăn uống và hưởng thụ”, Nguyễn Phan Quế Mai, một nhà thơ 37 tuổi, nhận định.

 

Quế Mai nhớ lại thời thơ ấu của chị. Trong những ngày giáp Tết, gian bếp trong gia đình luôn vô cùng tất bật. “Bữa ăn tất niên cực kỳ quan trọng”, chị nói. Gia đình sẽ nấu một bữa cỗ thật lớn, thắp hương cúng tổ tiên, rồi cùng ăn tối trước giao thừa. Các việc nhà, bao gồm cả nấu nướng, bị cấm thực hiện trong ngày đầu năm mới, nên họ phải chuẩn bị thức ăn từ ngày hôm trước. Theo chị Mai, hiện nay hầu hết các gia đình vẫn giữ truyền thống này.

 

Tất nhiên, không thể nói về Tết mà không nhắc tới bánh chưng, món bánh làm từ gạo nếp, gói chặt trong những chiếc lá dong. Theo truyền thống, bánh chưng thường do người đàn ông chủ gia đình làm. Bùi Đình Vũ, 20 tuổi, cho biết: “Khi ông nội tôi còn sống, hàng năm chúng tôi cùng làm bánh chưng và ngồi chờ cả đêm bên bếp lửa để canh bánh chưng chín”.

 

Ông Phạm Quang Công, 61 tuổi, cũng có những kỷ niệm tương tự. “Cả nhà tôi thường làm bánh chưng cùng nhau, trong đó tôi giúp việc rửa sạch lá dong để gói. Công đoạn háo hức nhất là các bước chuẩn bị, gói bánh và nấu bánh chưng. Vào thời đó, hầu như nhà nào cũng tự làm bánh chưng”.

 

Theo chị Mai, giờ đây “mọi người có nhiều tiền hơn nhưng ít thời gian hơn, nên thay vì tự làm thì họ mua sẵn bánh chưng ở các chợ hoặc siêu thị”. Còn chị Hoàng Thị Khanh, 44 tuổi, thì cho rằng ngày nay mọi người có điều kiện mua nhiều thứ thực phẩm, bánh mứt kẹo... đa dạng hơn thuở xưa nhiều.

 

Sức mua tăng có lẽ  là thay đổi rõ rệt nhất trong cách ăn Tết của các gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người lớn tuổi lại nhớ tiếc sự giản đơn của những ngày xưa và cảm giác no đủ của ngày Tết.

 

Bà Lê Mỹ Hà, 56 tuổi, đã về hưu, nhớ lại hồi nhỏ  mình từng đi chợ với bà ngoại mỗi dịp Tết sắp đến, được bà mua cho mứt táo và tò he. “Tôi rất háo hức với Tết vì Tết đến là tôi được mặc quần áo mới và có  nhiều đồ ăn ở nhà”.

 

Chị Mai cũng chia sẻ: “Vì nghèo nên chúng tôi chỉ được mặc áo mới vào ngày mùng 1 Tết. Cảm giác lúc đó thật không gì sánh được. Và vì cả năm chẳng bao giờ có tiền tiêu vặt, nên khi được nhận tiền mừng tuổi, thì đó là cả một sự kiện đặc biệt với chúng tôi”.

 

Theo ông Công, tiền lì xì ngày xưa rất ít, chỉ đủ để mua một ít kẹo rẻ tiền, nhưng cũng làm trẻ con vui lắm, còn giờ đây, nhiều đưa trẻ được mừng tuổi hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu đồng.

 

Chị Mai nói tiếp: “Tết giờ đây mang tính “vật chất” hơn xưa nhiều. Mọi người cảm thấy áp lực hơn vì họ phải lo đi mua quà Tết cho nhiều người khác, nên Tết trở nên kém bình an, thư giãn hơn trước”.

 

Tuy nhiên, theo chị  Khanh, dù có sự thay đổi về khả  năng tiêu tiền hay quỹ thời gian, nhưng “cơ bản là không khí và tinh thần của ngày Tết vẫn như vậy qua mấy thập kỷ nay”. Vũ, con trai chị, đồng tình: “Mấy năm qua em thấy Tết vẫn thế, trừ việc giá cả tăng cao thôi”.

 

Theo chị Mai, truyền thống dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa  trong dịp đón Tết sẽ luôn luôn là một nghi thức quan trọng, vì nó nhấn mạnh sự khởi đầu tươi mới của năm mới. Ngoài ra, chị Mai vẫn thực hiện nghi thức “xông đất” một cách nghiêm ngặt mỗi dịp Tết, khi chọn thật kỹ người sẽ vào nhà mình đầu tiên trong năm mới, để mang lại may mắn cho cả năm.

 

Vào thế kỷ 17, Alexandre de Rhodes cùng các nhà truyền giáo mang vào Việt Nam một số biểu tượng Công giáo. Thời đó đã hình thành câu ngạn ngữ “Ba Vua, Lễ Nến, Tết đến sau lưng”. Nhưng theo Vũ thì mặc dù ngày càng nhiều người trang hoàng nhà riêng, cửa hàng và đường phố cho lễ Giáng sinh, hoặc khoác lên người những bộ trang phục ông già Noel, thì “Tết vẫn không bị ảnh hưởng bởi Giáng sinh, mà Giáng sinh kết thúc sẽ báo hiệu Tết sắp đến”.

 

Mọi truyền thống đều thay đổi qua thời gian, và mọi người luôn điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi về kinh tế, xã hội và văn hóa. Nhưng có vẻ như hiện tại, phần lớn những phong vị Tết truyền thống vẫn được gìn giữ với một tấm lòng tràn đầy tình yêu thương trong các gia đình Việt.

 

     

                                                         Theo DanTri

Các tin khác

Không có hình ảnh
Một tiết mục của Đoàn phục vụ đồng bào  các dân tộc trong tỉnh.
Hàng ngàn người dân TPHCM tham quan đường hoa - đường sách Nguyễn Huệ trong đêm khai mạc
Không có hình ảnh

Tạo hình Quan Vũ giống hệt tưởng tượng

Sau loạt ảnh tạo hình của Tào Tháo (Khương Văn) và Kỳ Lan (Tôn Lệ), nhà sản xuất phim "Quan Vân Trường" (The Lost Bladesman) vừa công bố tạo hình của diễn viên chính Quan Vân Trường do Chung Tử Đan đảm nhiệm.

Phong tục gói bánh trưng ngày Tết của người Mường

(HBĐT) - Là một người con của đất Mường Hoà Bình, đám trẻ chúng tôi hồi còn để chỏm thích Tết lắm. Tết được mua áo mới, đi chơi thăm ông, bà và được mừng tuổi. Nhưng có lẽ vui nhất là ngày mổ lợn và gói bánh.

Xuân về trên đường Hồ Chí Minh

(HBĐT) - Trước thềm năm mới Tân Mão, không khí trên đường Hồ Chí Minh càng thêm nhộn nhịp, tất bật. Suốt ngày đêm những đoàn xe hối hả ngược xuôi đưa hàng hoá đến mọi vùng quê phục vụ người dân đón Tết, vui xuân.

Bùng nổ Táo quân đêm 30 Tết

Chương trình Táo quân năm nay trên sóng các đài truyền hình hứa hẹn ngập tràn tiếng cười vui nhộn

Đôi dòng về "Đi Về Phía An Lạc"

Hơn 25 năm làm báo với biết bao cảm xúc trước thời cuộc, dường như cũng đủ để tác giả lắng đọng lòng mình, tập hợp một số trong rất nhiều bài ghi chép về những chuyến đi xa gần, mà như anh nói "chỉ để kỷ niệm tháng ngày rong ruổi và nếu may mắn được người đọc chia sẻ trải nghiệm của mình thì âu đó cũng là một niềm vui".

Xẩm Hà thành lên sân khấu

Vừa qua, trên sân khấu sang trọng của Nhà hát lớn Hà Nội, một chương trình nghệ thuật hát Xẩm đặc sắc đã thu hút sự quan tâm và yêu thích của công chúng. Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng nhạc sĩ - nhà nghiên cứu lý luận Nguyễn Quang Long, người biên tập, thực hiện kịch bản và biểu diễn trong chương trình Xẩm Hà thành. Nhạc sĩ đồng thời đã tham gia nhóm khôi phục lễ giỗ Tổ nghề hát Xẩm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục