Xin chữ đầu năm - một tục lệ mang đậm nét văn hoá độc đáo
Thông thường vào đầu năm mới, nhiều người hay chọn một hướng xuất hành để lấy may. Đã nhiều năm nay được ăn Tết ở Hà Nội, nơi tôi chọn đến khi xuất hành đều là Văn Miếu. Ý nguyện của riêng tôi trùng hợp với nhiều người. Ai cũng nghĩ chữ là vốn giàu có nhất của mỗi đời người nên đều ước ao...
Năm nay, tôi chọn đi vào một ngày đầu xuân. Nắng thật đẹp. Sau cái rét cơ hàn đến cắt da cắt thịt, Hà Nội đón xuân với một mùa tết có nắng. Âu đây cũng là cơ trời bù đắp lại cho người Tràng An sau dằng dặc hơn một tháng dài rét buốt. Trước Văn Miếu môn có một dòng chữ lớn kết bằng hoa: Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Lối vào Văn Miếu người như nước tụ nguồn. Càng về gần trưa, người đến càng đông. Khách hành hương đa phần là trẻ. Nhiều trẻ em có phụ huynh đi cùng. Không gian Văn Miếu cổ kính rêu phong bỗng như trẻ lại tới bao nhiêu tuổi, bởi những người trẻ này. Đến Văn Miếu đã nhiều lần, nhưng chưa năm nào tôi thấy tại cửa Khổng sân Trình, miền cội gốc của sự học đất nước lại nhiều người trẻ như năm nay. Đây là sự mừng của dân tộc khi mà miền Miếu Văn thiêng liêng của Tổ quốc càng ngày càng có nhiều con dân trẻ tuổi hành hương đến! Sân nhà Thái Học phía bên phải nhìn từ ngoài vào, người trẻ nối nhau xếp hàng lấy số, mua giấy để xin chữ thầy đồ. Năm nay không thấy cảnh chen lấn vì đã có khuôn rào cho người thứ tự nối nhau chờ đến lượt. Họ mua giấy và đến bàn theo số để xin chữ. Chữ nào là tùy tâm tính của người muốn xin. Người cho chữ không lấy tiền của người xin chữ, chỉ lắng nghe nguyện vọng và cắm cúi viết. Hình như tiền thù lao về công sức của người cho chữ đã nằm ở trong tiền bán giấy. Đây có lẽ là nét tế nhị, một ứng xử hay trong chuyện chữ nghĩa nơi đền thờ của đạo Học. Các thầy đồ năm nay cũng hầu hết là trẻ. Một vài thầy đồ ăn mặc kiểu tân thời trẻ đã đành, đến những thầy diện cả áo the khăn xếp cũng không giấu cái vẻ thanh xuân của mình. Trong số họ chắc chắn có những sinh viên Hán Nôm hoặc đang theo học một lớp chữ Hán nào đó. Sân nhà Thái Học phía trước các bàn viết chữ là la liệt các trẻ trai, gái ngồi phơi chữ đã xin được dưới nắng. Màu mực nho đen nhánh trên nền hồng, nền vàng của giấy. Năm ngoái nhìn các cháu ngồi quạt chữ cho khô vì trời nhiều mây mà thấy cảm động. Năm nay, nhìn các cháu ngồi hong nắng cùng chữ càng thấy cảm động hơn. Các chữ lớp trẻ xin hôm nay đều là ý nguyện của chính họ và các bậc sinh thành ra họ trong việc luyện làm Người và thành Người. Tôi hỏi một cháu: - Chữ cháu xin là chữ gì đấy? - Dạ thưa bác, chữ Tài ạ! - Sao cháu lại xin chữ này? Chàng trai nhìn tôi có vẻ ngỡ ngàng rồi thản nhiên nói: - Có tài mới làm được nhiều việc chứ ạ. Tôi bình luận; - Cháu thật tự tin. Chàng trai khẽ cười và rành rẽ nói: - Cháu cũng mong được như thế! Qua đoạn đối thoại trên tôi thấy yên tâm hơn ở tuổi trẻ hôm nay. Thế hệ trước các cháu chưa chắc đã dám nói thẳng như vậy. Họ có khi còn nói vòng vo cho dù nội dung muốn chuyển tải chính cũng là thế. Tuổi trẻ bây giờ không khách sáo khi thể hiện những nguyện vọng của mình. Cũng có cháu xin chữ Đức. Đang tuổi học lại xin chữ có vẻ như ngoài việc học của mình, cho dù nó rất quan trọng nên tôi ướm hỏi thử cháu là vì sao lại xin chữ ấy, cháu cũng nói luôn: - Thưa bác, Tiên học Lễ hậu học Văn mà. Thầy giáo cháu nói đạo đức mà kém, có tài mấy cũng chưa hẳn đã nên người… Thì ra vậy. Tôi giật mình. Tuổi trẻ bây giờ cũng luôn nghĩ tới cái gốc của đạo làm Người.
Xin chữ đầu năm - một tục lệ mang đậm nét văn hoá độc đáo. Ảnh: K.H.
Cũng là chuyện xin chữ, nhưng ở ngoài phố Văn Miếu. Nơi đây có một dãy dài các hàng quán chữ nghĩa của rất nhiều thầy đồ ở lứa tuổi khác nhau. Có người có bằng cấp về Hán Nôm. Có người học từ các thầy đồ xưa. Có thầy đồ ông. Có cả thầy đồ bà. Thầy đồ chữ Hán. Thầy đồ chữ Việt. Năm ngoái còn thấy mái che lều quán. Năm nay các thầy đồ trải chiếu, trải thảm xuống nền hè, lưng tựa tường Văn Miếu tiếp khách bút mực…
- Thưa thầy. Thầy cho cháu xin một chữ Trí.
Thầy chấm bút lông vào nghiên mực và thả chữ trên nền giấy hồng. Chữ thầy đã viết xong. Người xin chữ hơi nhíu mày thưa lại;
- Thầy ơi chữ Trí cháu xin là chữ Trí khác kia chứ không phải chữ Chí này.
Thầy đồ gật gù nghe cháu nói tiếp:
- Chữ Chí thầy vừa cho cháu là chữ Chí làm quan. Cháu còn bé thế này làm chuyện ấy bây giờ sao được ạ. Cháu đang cần phải học nhiều để có Trí mà…
- Ta hiểu, ta hiểu…
Thầy đồ lại chấm bút vào nghiên mực khẽ trầm mặt viết cho khách một chữ Trí khác.
Cũng có chuyện một ông khách bút mực không thật già, nhưng chắc có học kỹ Hán Nôm dạo chơi qua. Ông không xin chữ, song vô tình gặp chữ thầy đồ viết thiếu nét, đã vui vẻ ngồi xuống bổ sung cho phần chữ của người cho chữ được đầy đủ hơn.
Cũng như mọi năm về chất lượng của thư pháp, có chữ viết của thầy đồ như gửi hồn mình vào nét bút mà nên dòng phượng múa, rồng bay. Cũng có trường hợp hình như mới ở giai đoạn đầu của việc chép chữ.
Cũng khó mà trách người viết được khi thâm niên nghề viết chữ của họ chưa nhiều trong lúc nhu cầu xin chữ của người mộ đạo tăng lên và khả năng thẩm định vẻ đẹp về chữ của họ còn những hạn chế nhất định. Viết một chữ Hán cho giống không khó. Viết một chữ Hán cho có hồn có nghĩa đâu phải cứ vung bút là có thể thành. Các cụ xưa đã tôn vinh loại chữ này là chữ của Thánh hiền.
Trong phố chữ cổ cũng có các nhà thư pháp chữ Việt. Khách đến với các thầy đồ của loại chữ có gốc La-tinh này chưa thật nhiều vì họ mê chữ Hán hơn. Cũng vì phần chữ Việt có chỗ có thầy thể hiện qua nghệ thuật thư pháp của mình chưa thật hấp dẫn. Để có được uy tín về chuyện này không thể một sớm một chiều khi mà chữ Việt không phải là loại chữ tượng hình, một lợi thế tuyệt vời cho nghệ thuật thư họa về chữ nghĩa.
Nhà bia Văn Miếu năm nay có sự trang trí khác. Thềm bia được trải thảm màu. Có dây vải màu giăng quanh nhà bia, ngăn người quá sùng bái và hiếu kỳ bước lên đặt tay vào bia và xoa đầu rùa. Việc đó thật hợp lý, nhưng có chỗ chưa hẳn là có lý. Thiết nghĩ, nhà bia và bia vốn rất cổ kính nên sự trải thảm màu và giăng băng vải màu xung quanh liệu có sợ "màu sắc" quá chăng so với cái vốn trầm tĩnh uyên thâm của di tích. Việc đặt các bình gốm của các nghệ nhân đương thời bên cạnh chữ nghĩa của tiền nhân ở đây e không hợp lắm vì nó rất có thể làm loãng chủ thể.
Việc trích những lời hay trong văn bia chữ Hán phiên âm ra chữ Việt với những lời dạy kẻ sĩ làm người, làm quan thì lại thật sự có ý nghĩa và hữu ích với mọi người. Còn việc khách tham quan thả những đồng tiền mệnh giá nhỏ lên thảm màu trước bia thì quả tình đây là cách ứng xử không mấy chữ nghĩa cho lắm trước một di sản văn hóa thuộc loại tinh hoa của thế giới.
Có người nói vui, nhưng là giọng bàn luận, phẩm bình:
- Các cụ có cần những đồng tiền nhỏ này đâu. Bất quá nếu gom lại không đủ mời mỗi người một bát phở thời đắt đỏ. Vậy mà các vị cứ làm phiền các bậc liêm quan thời xưa nhiều thế để làm gì.
Lại không đẹp nữa và lý tài thế nào ấy…
Tôi thì trộm nghĩ, người bỏ tiền xuống thảm là thành tâm nên ta không tính chuyện ít nhiều và cũng chưa vội gọi nó là lý tài trong việc cầu xin. Nên chăng khi chưa chuyển đổi được phong tục này, hãy làm một hòm công đức đặt ở vị trí thích hợp tại nhà bia để những người kính bia, yêu mến chữ muốn góp sức tu bổ và bảo dưỡng di sản sẽ có nơi để gửi gắm chút công sức nhỏ bé của mình. Còn cứ như hiện giờ thì không nên tí nào ở chốn rất nhiều chữ nghĩa cao quý này…
Theo CAND
(HBĐT)- Ngày 9/2 (mồng 7/1 âm lịch) đã diễn ra lễ hội chùa Chanh, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi).
Ngày 9/2, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 162/CĐ-TTg về công tác quản lý và tổ chức lễ hội gửi thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Khi trời về đêm, người dân từ khắp mọi nơi vẫn nghìn nghịt kéo về Nam Định trẩy hội và thăm thú một phiên chợ đặc biệt mỗi năm chỉ họp một lần, phiên chợ độc đáo còn được người ta nhắc tới bằng cái tên: chợ “âm phủ”.
Sau hai công trình thử nghiệm bạc tỷ với “Kim Vân Kiều” và “Chiếc áo thiên nga”, Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã thôi thử nghiệm để quay về với cải lương xưa qua vở “Đả chiến phá sông Ngân”. Vở diễn được đầu tư chỉ 500 triệu đồng nhưng được đánh giá hấp dẫn, trình diễn phục vụ khán giả tại rạp hát Thủ Đô vào các tối 6, 7 và 8-2.
Từ ngày 9/2 đến 10/4, triển lãm ảnh về cuộc chiến tranh ở Việt Nam của cố nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới Henri Huet diễn ra tại Nhà nhiếp ảnh châu Âu ở thủ đô Paris, Pháp nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của ông.
(HBĐT) - Truyền thuyết kể rằng: Ông Đùng, bà Đùng thời cổ xưa là những ông thần, bà thánh thương dân, thấy thác nước nhưng đồng ruộng lại khô cằn nên có ý định ngăn sông Đà cho nước vào ruộng. Công việc đứt gánh giữa đường, những cục đất, đá khổng lồ rơi xuống thành đồi núi, trong đó có núi Đúng. Nơi xưa, ông Đùng, bà Đùng ngăn sông không thành nay con cháu đã xây dựng thành nhà máy thủy điện Hòa Bình.