Giữa một thị trường phim Việt đang nhiều ồn ào và nhộn nhạo, những nhà làm phim độc lập có vẻ gần giống với những “người trầm lặng”.
Một cảnh trong phim Dành cho tháng 6 của Nguyễn Hữu Tuấn - Ảnh đoàn phim cung cấp
Tính đến thời điểm hiện nay, nói về những dự án phim độc lập đã thành hình và có thể được khán giả biết đến trong năm nay, chỉ có hai dự án của hai cá nhân ít được “biết mặt chỉ tên”. Thú vị hơn nữa, hai nhà làm phim này nếu xếp tuổi có thể ở hai thế hệ bà và cháu.
Hai người mới... vừa đến
Từng xuất hiện trên màn ảnh rộng VN với vai bà vú của ông Thòng - nhân vật “mua sữa” của cô Dần - trong phim Áo lụa Hà Ðông, Síu Phạm (tên thật là Phạm Thị Nhung - sinh năm 1948), một đạo diễn Việt kiều Thụy Sĩ, đã hoàn thành tác phẩm điện ảnh đầu tiên sau nhiều năm theo đuổi hội họa (bà xuất thân từ Trường Mỹ thuật Gia Ðịnh) và bộ môn kịch hình thể.
Bộ phim có tên Ðó hay đây là một sản phẩm hợp tác cùng HK film với sự tham gia của Vinh Sơn (cố vấn nghệ thuật kiêm diễn viên), Trinh Hoan (đạo diễn hình ảnh). Ðồng tác giả, nam diễn viên chính, quay phim của phim là Jean-Luc Mello và...cũng là chồng của đạo diễn.
Theo đạo diễn Síu Phạm, kinh phí sản xuất của Ðó hay đây khoảng 200.000 USD. Hiện nay, phim đang được gửi tham dự các liên hoan phim (LHP) trên thế giới và đã được LHP quốc tế Busan lần 16 (từ ngày 6 đến 14-10-2011) chọn tham dự. Buổi chiếu tại LHP Busan cũng là buổi chiếu đầu tiên trên thế giới (world premier) của phim. Tại VN, nhiều khả năng Ðó hay đây sẽ được Công ty BHD phát hành.
Nguyễn Hữu Tuấn lại là một trường hợp khác. Dành cho tháng 6 là sản phẩm đầu tay của anh chàng sinh năm 1984 này và toàn bộ kinh phí hoàn toàn do đạo diễn tự lo, dù xét về mặt quy mô chỉ bằng khoảng 50% so với các dự án phim nhà nước.
Ý tưởng kịch bản Dành cho tháng 6 hình thành từ năm 2006, đến năm 2007 đạo diễn mới chính thức viết kịch bản nháp đầu tiên, dự kiến năm 2008 sẽ bấm máy, nhưng do có nhiều điều chưa thật sự thuận lợi về pháp lý và kỹ thuật nên phải dừng lại đến năm 2010 mới tái khởi động.
Cũng giống như các dự án phim độc lập khác, Dành cho tháng 6 gặp rất nhiều khó khăn từ chuyện nguồn vốn đến tài chính, nhân sự, kỹ thuật. Vì lần đầu bắt tay làm một dự án tương đối lớn nên hầu như mọi việc Tuấn phải xây dựng từ con số không, kể cả kinh nghiệm làm việc ở vị trí sản xuất và đạo diễn.
Tuy nhiên, “không có cái gì là nghiêm trọng, dần dần đều khắc phục được, cũng là nhờ anh em trong nghề quý máu liều của đạo diễn nên đã hết sức giúp đỡ”, Nguyễn Hữu Tuấn cho biết. Phim tên là Dành cho tháng 6 nhưng không thể chiếu vào mùa hè vì vướng “bom tấn” Hollywood đang tung hoành. Phim sẽ được công chiếu trong khoảng thời gian tháng 9 đến tháng 10-2011.
Hồi hộp chờ và đợi
Cha và con và những chuyện chưa kể (Big father, small father and other stories...) của đạo diễn Phan Ðăng Di là dự án châu Á duy nhất trong số 15 dự án được mời tham dự Paris Project thuộc Festival Paris Cinema từ ngày 4 đến 6-7 vừa qua. Nhưng có lẽ là một tin không vui với những khán giả từng yêu quý Bi, đừng sợ! khi kế hoạch sản xuất Cha và con và những chuyện chưa kể chưa thể thực hiện trong năm nay.
Theo Nguyễn Hoàng Ðiệp - nhà sản xuất của dự án này, phim sẽ đưa vào sản xuất từ tháng 3 năm sau. “1 triệu USD là con số mà tôi mong muốn kiếm được cho dự án và nếu có được số tiền đó tôi sẽ dành một phần quan trọng cho khâu phát hành phim, đó là kinh nghiệm tôi rút ra được từ việc phát hành Bi, đừng sợ!”, Hoàng Ðiệp nói.
Một trong những hoạt động sắp tới của đạo diễn Phan Ðăng Di là tham gia một số LHP, cụ thể như LHP Paris, gặp gỡ các nhà đầu tư, các đơn vị sản xuất và phát hành để giới thiệu về dự án.
Ðập cánh giữa không trung là một dự án phim khác mà ở đó Phan Ðăng Di sẽ hoán đổi vị trí với Nguyễn Hoàng Ðiệp - nữ đạo diễn từng được biết đến qua các bộ phim truyền hình Chít và Pi, Bộ tứ 10A8. Về dự án này, cả Di và Ðiệp đều đang trong quá trình tìm kiếm các nhà tài trợ sau khi gõ cửa thành công quỹ AMC với khoản tài trợ 5.000 USD cho mỗi phim.
Việc tham dự các LHP cũng được nhà sản xuất và đạo diễn chia ra khá rõ để tránh cạnh tranh lẫn nhau. Tại LHP Pusan 2010, Ðập cánh giữa không trung đã vào đến vòng lựa chọn kịch bản và đó là cơ hội lớn để tiếp cận với các nhà sản xuất, các đơn vị đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Theo dự kiến, cuối tháng 7 êkip làm phim sẽ tuyển diễn viên tại TP.HCM (trước đó việc tuyển diễn viên đã được tiến hành ở Hà Nội).
Một dự án nữa cũng đáng chú ý là Ngủ mơ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Sau khi được tài trợ (không bằng tiền mặt) tại LHP Hong Kong, Ngủ mơ hiện đang... đắp chăn để đó. Lý do được nhà sản xuất Trần Bích Ngọc đưa ra là vì đạo diễn đang bận với khâu hậu kỳ của bộ phim chiếu tết Lời nguyền huyết ngải. Cũng theo lời nhà sản xuất, Ngủ mơ bắt buộc phải thực hiện trong năm 2012 với kinh phí khoảng 500.000 USD.
So với sự xuất hiện duy nhất của Bi, đừng sợ! trong năm qua, có vẻ như đời sống của những người làm phim độc lập Việt Nam đang có sự bổ sung lực lượng và chất lượng khá hùng hậu. Ðó chính là cơ sở để chờ đợi những tín hiệu vui từ một cộng đồng làm phim không vì “gái nhảy, trai nhảy và ma quỷ”.
2012 - năm bùng phát phim độc lập? Năm 2011 có thể nói có khá nhiều dự án phim độc lập được hình thành và lặng lẽ thực hiện. Rất nhiều dự án trong số đó là những tác phẩm chuyển thể, cụ thể như Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Thuần), Mưa ở kiếp sau của Phan Gia Nhật Linh và Vũ Quỳnh Hà (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Đoàn Minh Phượng), Sầu trên đỉnh Puvan của Aaron Thành (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư). Tuy nhiên, cả ba dự án nói trên tính đến thời điểm hiện nay đều chưa có động tĩnh gì. Nếu suôn sẻ, 2012 sẽ là năm “bùng phát” của giới làm phim độc lập Việt Nam bởi sẽ có đến bảy dự án được hình thành nếu tính cả Đò ôm của Trần Lý Trí Tân.
|
Theo TuoiTre
Ngày 18.7, Viện Văn hoá nghệ thuật VN, Sở VHTTDL, UBND TP.Nam Định phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012”. Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận về giá trị văn hoá, lịch sử của lễ hội đền Trần, đặc biệt là mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần năm 2012.
24 tập phim tài liệu "Đi tìm trang phục Việt" của nữ đạo diễn Hải Anh, Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh sản xuất sẽ được chiếu trên VTV1 từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần vào 7h30, bắt đầu từ hôm nay (19-7).
Họ sở hữu vẻ đẹp sắc nước hương trời nhưng lại bộc lộ rõ sự kém duyên trong phông nền ứng xử. Khi bị dư luận “ném đá”, thay vì nhún mình nhận lỗi, nhiều người đẹp không tiếc lời chanh chua giải thích, cố… cãi cùn và tìm mọi cách đổ vấy cho người khác.
Có nhiều gương mặt mới xuất hiện, nhiều bài hát mới được trình diễn, đêm chung kết khu vực phía Bắc cuộc thi Sao mai 2011 diễn ra vào đêm 17/7 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô Hà Nội với chất lượng chuyên môn cao.
Các sinh viên yêu thích hoạt động tình nguyện sẽ có cơ hội chia sẻ những tấm ảnh đẹp và ý nghĩa nhất với cộng đồng mạng xã hội Zing Me thông qua cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc tình nguyện”. Cuộc thi do Thành đoàn TP.HCM và mạng xã hội Zing Me tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 18/7 đến 21/8/2011 tại trang http://khoanhkhactinhnguyen.me.zing.vn.
Nghệ sĩ guitar người Pháp gốc Việt Nguyên Lê vừa kết hợp cùng ca sĩ Tùng Dương và Ban nhạc Anh Em biểu diễn nhạc Jazz tại Hà Nội với chương trình mang tên gọi "Quê nhà". Nhân dịp này, anh có cuộc trò chuyện với Hànộimới.