Giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp, là một trong những tiêu chí thực hiện quy chế văn hóa công sở. Ảnh: cô và trò trường tiểu học Sông Đà chăn sóc vườn hoa.
(HBĐT) - Ngày 2/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 129 ban hành quy chế văn hóa công sở tại cơ quan hành chính Nhà nước. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố thực hiện quy chế văn hóa công sở trong cơ quan đơn vị. Hơn 3 năm, qua quy chế đã được triển khai nghiêm túc ở hầu hết cơ quan hành chính trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện còn nhiều điểm hạn chế được xác định bởi nhiều nguyên nhân.
Nhận thức của một bộ phận CB- CC-VC còn hạn chế.
Trong nội dung quy chế văn hóa công sở nêu rõ: CB-CC-VC chỉ có thể hút thuốc lá trong phòng làm việc hoặc sử dụng đồ uống có cồn ở công sở trong trường hợp liên hoan, lễ, tết hoặc tiếp khách ngoại giao và phải có sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan. Những quy định đó, hầu hết CB-CC-VC trong các cơ quan, đơn vị đều đã được nghe, được biết. Tuy nhiên, tình trạng hút thuốc lá ở nơi hội họp hay tại phòng làm việc nơi có gắn những tấm biển " không hút thuốc" vẫn diễn ra phổ biến. Có thể không sử dụng đồ uống có cồn nơi công sở, tuy nhiên, vào đầu giờ sáng hoặc chiều, CB-CC-VC đến nơi làm việc với gương mặt đỏ gay, nồng nặc mùi bia rượu không phải là chuyện hiếm. Theo quy chế: CB-CC-VC không được nói tục, sử dụng tiếng lóng hay có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân khi thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, tình trạng này gần như chưa được khắc phục, nhất là ở các bộ phận "tiếp nhận và trả kết quả", nơi mà đáng lẽ mỗi CB-CC-VC phải thể hiện thái độ ứng xử nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích rõ ràng đối với người đến làm việc. Một quy định nữa chưa được thực hiện triệt để đó là việc đeo thẻ công chức khi làm nhiệm vụ. Thực hiện quy định này sẽ góp phần tạo thuận lợi trong quan hệ giao tiếp, giải quyết công việc giữa cơ quan, đơn vị Nhà nước với tổ chức, công dân. Việc đeo thẻ công chức thể hiện sự công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho nhân dân giám sát hoạt động công vụ của CB-CC-VC các cấp và là một trong những biện pháp phòng ngừa, chống các hình vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho tổ chức, công dân. Thực hiện nội dung này, ngày 17/9/2010, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14 về việc triển khai đeo thẻ công chức trong các cơ quan, đơn vị. Theo hướng dẫn, hầu hết các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đều đã thực hiện, riêng cấp huyện còn có một số khó khăn nhất định nên chưa thể chấp hành. Tuy nhiên, việc đeo thẻ công chức chưa được CBCCVC thực hiện thường xuyên, chưa tạo thành thói quen hàng ngày khi đến công sở và có nhiều người còn "quên" trong suốt thời gian dài.
Điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng
Tại điều 15, quy chế văn hóa công sở có quy định rõ : Phòng làm việc phải có biển ghi tên đơn vị, họ và tên chức danh CB-CC-VC, không lập bàn thờ, thắp hương, đun nấu trong giờ làm việc. Quy định đã có sẵn trong các văn bản hướng dẫn nhưng đến nay vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa lập hòm thư góp ý, chưa lắp biển tên ghi rõ họ, tên, chức danh cán bộ, công chức tại phòng làm việc. Việc treo quốc kỳ đã được các cơ quan, đơn vị chấp hành tốt, đặc biệt là vào những ngày lễ, tết, khi đón tiếp khách nước ngoài đảm bảo tính tôn nghiêm, trang trọng, tuy nhiên, việc treo Quốc huy thì hầu hết các cơ quan chưa thực hiện. Ở phòng làm việc của một số cơ quan, đơn vị ( đặc biệt là nơi có đội ngũ CBCCVCV là nữ ) vẫn còn tình trạng lập bàn thời để thắp hương vào những ngày rằm, mồng một đầu tháng và đun nấu bằng bếp điện trong giờ làm việc. Việc bài trí khuôn viên công sở tạo không gian làm việc gọn gàng, sạch đẹp, khoa học và hợp lý đã được phổ hiến sâu rộng nhưng đến nay quá trình triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn mà nguyên nhân là do thiếu kinh phí và cơ sở vật chất. Hiện tại, đa số trụ sở cơ quan chật hẹp, chưa bố trí được phòng tiếp dân và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa", “một cửa liên thông” hoặc phòng tiếp công dân chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Việc bố trí phương tiện giao thông nhiều lúc không đúng vị trí ảnh hưởng đến mỹ quan công sở. Ở một số cơ quan, đơn vị ( chủ yếu là UBND các xã, thị trấn), do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên phòng làm việc của nhiều bộ phận còn ghép chung, cách bố trí, sắp xếp phòng làm việc chưa khoa học. Trong các diễn đàn bàn về chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm mục đích hiện đại hóa công sở nhưng để thực hiện được phải có thời gian, kinh phí và sự vào cuộc của các cấp, ngành.
Cần nâng cao ý thức, sự lãnh đạo, chỉ đạo và có cơ chế giám sát.
Mục đích, ý nghĩa của thực hiện quy chế văn hóa công sở tạo cơ sở để xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của CB-CC-VC trong hoạt động công vụ hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ CB-CC-VC có phẩm chất tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng thời, bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Bởi vậy, duy trì nét văn hóa công sở ở mỗi cơ quan, đơn vị luôn là điều cần thiết. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính và Sở Kế họach- Đầu tư làm điểm trong bố trí phòng làm việc khoa học, hợp lý để các cơ quan, đơn vị khác học tập. Đó là những tín hiệu vui, được biết: sắp tới Sở Nội vụ cũng sẽ triển khai mô hình này để nâng cao hiệu quả hoạt động của công sở.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quy chế để nâng cao ý thức, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của CB-CC-VC. Gắn việc thực hiện quy chế thành một trong những tiêu chí bình xét, đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm. Qua đó, kịp thời khen thưởng những cá nhân, đơn vị thực hiện tốt và có những biện pháp, hình thức khiển trách, kỷ luật những cá nhân, đơn vị không nghiêm túc thực hiện quy chế. Đó là những ý kiến được đưa ra để tập trung thảo luận trong các cuộc họp ở quy mô cấp tỉnh bàn về thực hiện cải cách hành chính Nhà nước, thực hiện văn hóa, văn minh nơi công sở. Hy vọng những mục tiêu, giải pháp đó được đưa ra sẽ là nền tảng để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn duy trì tốt hơn nét văn hóa, văn minh nơi công sở.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Theo lời giới thiệu của đồng chí Bùi Thị Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi, chúng tôi đi sâu tìm hiểu về những tiềm năng văn hóa, du lịch vật thể và phi vật thể ở vùng đất giàu truyền thống này. Những cánh rừng nguyên sinh như: khu du lịch sinh thái Cửu thác Tú Sơn; thác Mặt trời, xóm Vó Khang, xã Kim Tiến; khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng, xóm Mớ Đá, xã Hạ Bì; khu vui chơi, giải trí tắm bùn xóm Khai Đồi, xã Sào Báy, Khu Resort Vĩnh Tiến; mỏ nước khoáng nóng xã Vĩnh Đồng; rừng đặc dụng Thượng Tiến...
(HBĐT) - Là xã nằm cách xa trung tâm huyện Yên Thuỷ, Ngọc Lương có vị trí địa lý tiếp giáp với nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh, nhờ lợi thế đó, xã có sự giao thoa về KT - XH. Hoạt động VHVN từ đó cũng trở nên phong phú, đa dạng mang mầu sắc các vùng, miền.
“Xẩm đỏ” là tên một bộ phim mới nhất về nghệ nhân Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “báu vật nhân văn sống” của môn nghệ thuật hát xẩm. Với sự xúc động mãnh liệt của một người yêu nghệ thuật hát xẩm, bộ phim dài 35 phút của đạo diễn Lương Đình Dũng đã tái hiện được một phần nào cuộc đời vất vả, khổ cực của bà Cầu qua những câu hát xẩm…
Thời gian gần đây, dư luận khá quan tâm đến một hiện tượng gắn rất chặt với giới báo chí, truyền thông, giáo dục quốc dân - đó là việc thêm một số ký tự vào bảng chữ cái tiếng Việt. Đã có ý kiến cho rằng cần đưa thêm vào hệ thống chữ cái tiếng Việt một số ký tự, chữ cái nhằm giảm thiểu những bất cập trong các thao tác văn bản của hệ thống máy tính cũng như đời sống thường nhật. Xung quanh vấn đề này hiện vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau.
(HBĐT) - Hưởng ứng CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”, xã Cư Yên (Lương Sơn) đã tích cực, chủ động phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung mọi nguồn lực trong phát triển KT-XH, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cấp uỷ Đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để CVĐ đi vào cuộc sống một cách thiết thực.
(HBĐT) - Thế mạnh của nông thôn Kim Bôi được thể hiện trên nhiều khía cạnh. Đó là nguồn lao động dồi dào. Hai mũi nhọn kinh tế nông nghiệp, kinh tế vườn rừng phát triển mạnh về số lượng, chất lượng. Việc sử dụng máy móc, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến được áp dụng rộng rãi, trong đó, vai trò năng động của người nông dân đã được khẳng định.