Nhà sàn truyền thống gắn với cuộc sống, sinh hoạt của người Mường Hòa Bình. ảnh chụp tại xã Địch Giáo (Tân Lạc).
(HBĐT) - Cầu thang trong nhà sàn nói chung, nhà sàn của đồng bào Mường nói riêng mới nhìn qua tưởng chỉ đơn thuần là những bậc đi lên, xuống. Thực ra không hoàn toàn đơn giản như vậy, cầu thang là một hiện vật hữu dụng bình dị không thể thiếu của nhà sàn, nó chứa đựng trong đó những tín hiệu văn hoá mang tính nhân văn tốt đẹp.
Ngôi nhà sàn của người Mường thường có hai cầu thang đi lên nhà, cầu thang phụ đặt phía bên trong lên nhà bếp hay phía cuối gian buồng, cho người trong nhà lên xuống làm việc gia đình như: cho lợn, gà ăn và nhiều công việc khác ...
Cầu thang chính đặt phía bên ngoài phía có đường ngõ đi vào nhà. Đây là cầu thang chính thức đi lên, xuống nhà sàn và đón khách đến nhà. Vào những dịp gia đình có việc trọng như: tang lễ, đám cưới, khu vực quanh chân cầu thang chính là nơi diễn ra một số nghi lễ dân gian rất độc đáo mang đậm chất nhân văn của người Mường.
Phần mái nhà bên trên khu vực đặt cầu thang chính, đồng bào thường cho lợp kéo dài, rộng, cạnh khu vực chân cầu thang có đặt cối xay, giã... Bên ngoài dưới giọt gianh đặt máng nước hoặc chum, vại nước để mọi người rửa chân sạch sẽ trước khi bước lên cầu thang .
Cầu thang chính đi lên nhà sàn cũng tuỳ theo từng gia cảnh, nhà giàu có làm cầu thang bằng gỗ quý đẽo hốc mộng cẩn thận, làm tay vịn bằng hàng lan can con tiện, được bào nhẵn, sơn màu, tạo hình, tạo dáng rất đẹp. Ngày nay, nhiều gia đình còn xây cầu thang uốn lượn cầu kỳ... Nhà bình thường làm cầu thang bình thường cốt là vững chắc, an toàn mỗi khi lên xuống. Nhà nghèo khó làm cầu thang bằng cây tre, cây bương rất đơn giản... Dù nhà giàu hay nghèo, cầu thang làm bằng cây gì đi nữa đều phải tuân theo nguyên tắc số lượng các bậc thang làm theo số lẻ, có 5 - 7 - 9 bậc, thậm chí có nhiều nhà gầm sàn thấp, cầu thang chỉ có 3 bậc. Quan niệm dân gian Mường coi con số lẻ là số may mắn, số bên dương của người sống, chỉ khi làm cầu thang trong nhà mồ cho người chết, người ta mới làm cầu thang có số bậc chẵn. Trong quan niệm dân gian và tâm linh người Mường, cầu thang, khu vực bên trong giọt gianh là điểm chung chuyển giữa ngôi nhà cho người ở với thế giới bên ngoài có rất nhiều điều tốt đẹp nhưng cũng ẩn chứa đầy bất trắc .
Những ngày thường khi có khách quý đến nhà, chủ nhà vào bên trong rửa sạch chân tay, thay quần áo sạch sẽ xuống tận chân cầu thang chính đón khách. Khi lên nhà, chủ nhà phải lên trước khách, ấy là biểu thị sự tôn trọng khách với tấm lòng rộng mở. Trước khi lên cầu thang, khách thường múc vài gáo nước rửa chân sạch sẽ mới lên nhà sau gia chủ .
Ngày thường khi đi làm đồng về hay khách đi làm vào nhà, đến chân cầu thang, bao gồm cả chủ, khách đều cởi bao dao, tay cầm nón mũ, nhẹ nhàng bước lên cầu thang. Chỉ có ngày tang ma, người ta mới để nguyên bao dao trên lưng đi, lên xuống cầu thang...
Trong một số nghi lễ cầu cúng chữa bệnh, cầu an, đuổi tà cho ngôi nhà, các mâm cúng các vị phúc thần bày trong nhà, mâm cho ma quỷ, ma êm chài... thường được người Mường bày ngay khu vực bên trên đầu cầu thang, ý tứ của việc này rất rõ ràng, chỉ cho ma quỷ ăn ở đó, không cho chúng vào nhà hoặc chúng không đáng được vào nhà.
Trong tang lễ có những trường hợp chết bất thường, cụ thể như những người chết ngoài đường, chết đuối, nói chung là chết bên ngoài nhà. Ngày xưa, người Mường rất cẩn trọng xử lý với những trường hợp trên, người chết được đặt tạm thời dưới sân nhà, người ta cho mời thầy clượng đến làm lễ đuổi tà, đuổi các loại ma quỷ đi theo tách khỏi người chết, xong rồi mới cho mang qua cầu thang lên nhà làm lễ khâm liệm, phát tang. Đây là nghi lễ mang tính tẩy trần, không để ma quỷ nhập vào nhà. Qua nghi lễ này thấy rõ sự phân định nhà ở và thế giới xung quanh của người Mường nhà chỉ để cho người ở, không cho phép tà ma xâm nhập.
Trong đám tang của người Mường trước khi vào tiến hành mo cho người chết, người Mường phải tổ chức lễ kẹ. Nguyên do của nghi lễ này do con người ta phần nhiều trước khi chết, thân thể thường bị bệnh tật, ốm đau một thời gian mới dần kiệt sức dẫn đến cái chết. Với người Mường chết chưa phải là hết mà con người chuyển sang một thế giới khác, thành người mường ma nên không để cho mang bệnh tật trên cõi sống sang, do đó con cháu, anh em đang sống tổ chức chữa bệnh cho người chết, đó chính là nghi thức kẹ. Sau nghi thức này, hồn người chết sẽ hoàn toàn khoẻ mạnh để sang thế giới mường ma. Nghi lễ này nhiều gia đình tổ chức ngoài giọt gianh mái nhà, song có nhiều gia đình tổ chức ngay khu vực quanh chân cầu thang. Bởi cầu thang chính là điểm xuất phát của con người, khi còn sống người ta đi làm ăn, đi thăm thú bạn bè..., khi chết đi, cầu thang là điểm xuất phát giã từ ngôi nhà yêu quý trong chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Trong mở đầu mo tang lễ đi nhòm (đi nhìn) nghe tiếng bước chân chủ xuống cầu thang, các con vật nuôi như: gà, lợn, trâu... đều vấn vít, luyến thương. Nghi lễ kẹ là thể hiện lối ứng xử, sự quan tâm đến nhau không chỉ ở cõi sống, nghi lễ này không phải là mê tín dị đoan, nó mang đậm tính nhân văn trong đạo lý người Mường.
Trong tang lễ, khi tổ chức nghi lễ mo lên trời, bước đầu thầy mo phải ra tận đầu cầu thang làm lễ đưa hồn đi.
Khi hồn từ trên trời trở về xuống đến mường lương gian, thầy mo thay trang phục từ mũ măng chuyển sang đội mũ bông múc - bông bạo ra ngoài đầu cầu thang và mo đón hồn về, con cháu cùng đứng dậy, lúc này, phường trống kèn tấu nhạc dồn dập, khi hồn leo lên cầu thang người ta cho rải tro bếp ra sàn và đoán định với nhau cho rằng có bước chân hồn người chết đi qua để lại dấu vết trên đó.
Trong đám cưới cổ truyền của người Mường tại cầu thang chính có diễn ra hai nghi lễ quan trọng đối với cô dâu mới. Khi cô dâu mới cùng hai thanh nữ biêng bạn (phù dâu) theo đoàn nhà gái đưa dâu vào đến chân cầu thang chính. Bên nhà trai có một bà mệ già tay cầm cuộn sợi chỉ (người Mường gọi là con khằng), một cái rặc (công cụ để chiết sợi tơ tằm), một cái giỏ bên trong đựng vài hạt cây lai, loại cây có hạt chứa nhiều dầu được người phụ nữ Mường sử dụng trong nghề dệt để chuốt trơn sợi dệt trên khung cửi; đến bên cô dâu mới nói chào:
- Con khằng, cảy rặc
Chạc clu, chạc bò
Wờil là rênh ăn giàu coỏ cho bổ mệ clôông nhờ con hời...
Dịch sang tiếng phổ thông:
- Con khằng, cái rặc
Thừng trâu, thừng bò
Về làm ăn, làm giàu cho bố mẹ trông nhờ con à ...
Nói rồi đưa giỏ hạt lai cho cô dâu mới cầm lấy xóc lên ba cái, rồi mới đạp chân lên cầu thang nhà chồng.
Các đồ trong nghi lễ này đều là công cụ dùng trong nghề dệt truyền thống của người Mường. Đây là nghi lễ lấy khước làm may mong cho con dâu sau này chăm chỉ , giỏi giang làm ăn giàu có, dệt được nhiều vải cho gia đình, cho cha mẹ, chồng con được cậy nhờ. Ngoài ra ở đây còn có ý khác là mẹ chồng rất tin yêu bàn giao công việc, quyền trong nhà cho con dâu mới. Tục cho một người khác thay mình tiến hành lễ bàn giao ý là chưa thể giao hết mọi công việc cho con dâu, mẹ vẫn là người đứng đằng sau trông, nhìn nắm quyền điều hành.
Trong ngày cưới, khi cô dâu mới về nhà chồng, tay cô dâu có cầm một con dao nhỏ có chuôi bằng ngà voi hay nanh hổ đã được niệm thần chú để đi đường trấn, đuổi tà ma, người Mường gọi đó là con dao đô. Đến nhà chồng, khi bước lên cầu thang cô dâu lấy con dao đô ấn lưỡi dao lên bậc cầu thang trên nhất. Ngụ ý của việc này là đánh dấu sự có mặt chính thức của cô dâu mới đã về đến nhà chồng và mong muốn của cô dâu sau này được làm chủ gia đình. Những bước đi đầu tiên lên bậc thang nhà người đầy xúc cảm, thật thiêng liêng bởi với mỗi người phụ nữ từ đây ngôi nhà trước kia là xa lạ, từ nay mình sẽ là một thành viên trong tư cách là dâu con.
Như vậy đấy, cầu thang trong nhà sàn của người Mường không chỉ là để đi lên, đi xuống, đó là nơi phân định giữa trong nhà con người ở và thế giới bên ngoài. Nó là nhịp cầu, thành điểm xuất phát của người Mường từ trong ngôi nhà sàn thân yêu bắt đầu những chuyến hành trình suốt cuộc đời, nó đã hoá thiêng liêng trong cõi tâm linh, thành nơi tiến hành những nghi lễ dân gian mang đậm tính nhân văn Mường.
Bùi Huy Vọng
(Xóm Bưng, xã Hương Nhượng)
(HBĐT) - Nhằm mục đích tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trên địa bàn tỉnh, ngày 11/6/2012, Sở VH–TT&DL tỉnh đã có công văn số 287 gửi phòng văn hóa các huyện, thành phố, Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh và các huyện…đề nghị thực hiện một số nội dung:
(HBĐT) - Trong thời gian 4 ngày (từ ngày 16 - 19/6) tại tỉnh ta, Trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi (CSDM) đã tổ chức khóa tập huấn phương pháp dạy chữ Thái và kỹ năng truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cho 30 người là cán bộ, giáo viên đang giảng dạy chữ Thái tại Trung tâm học tập cộng đồng ở 7 tỉnh gồm Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hóa và Nghệ An.
(HBĐT) - Tối ngày 17/6 tại Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Tây Bắc Hoà Bình, Đài PT-TH tỉnh Hoà Bình phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở VH-TT&DL và Tỉnh đoàn thanh niên đã tổ chức Liên hoan tiếng hát măng non Truyền hình tỉnh Hoà Bình lần thứ V năm 2012. Tới dự và động viên liên hoan có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh.
(HBĐT) - Vừa qua, cây si xóm Suối Cốc, xã Hợp Hoà (Lương Sơn) được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Hiện, cây này có 54 nhánh và có tuổi thọ 800 năm. Đây là một trong những cây có tuổi thọ cao nhất ở tỉnh ta và được giới chơi cây đánh giá trị giá hàng chục tỷ đồng.
(HBĐT) - Ngày 14/6, LĐLĐ và Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Tân Lạc đã phối hợp tổ chức Liên hoan tiếng hát CNVC - LĐ năm 2012.
(HBĐT) - Ông Bùi Thanh Mẻo, xóm Bãi Bệ, xã Dũng Phong (Cao Phong) là người có gần 40 năm làm công tác văn hóa - văn nghệ quần chúng ở cơ sở thổ lộ: Nếu trước đây, cồng chiêng bị mai một dần thì nay đã được đồng bào Mường nơi đây lưu giữ, bảo quản. Cồng chiêng đã có một đời sống trong cộng đồng dân tộc Mường ở Mường Thàng.