Các thành viên nhóm Arista hát ca khúc thể hiện tình yêu đối với biển đảo của Tổ quốc trong ngày Quốc khánh 2-9 đã gây xúc động cho khán giả. ( Ảnh: LÊ NGỌC )

Các thành viên nhóm Arista hát ca khúc thể hiện tình yêu đối với biển đảo của Tổ quốc trong ngày Quốc khánh 2-9 đã gây xúc động cho khán giả. ( Ảnh: LÊ NGỌC )

Nhìn vào diện mạo đời sống âm nhạc Việt Nam đương đại, không khó để nhận ra sự "soán ngôi", lấn át mạnh mẽ của âm nhạc giải trí, âm nhạc thị trường, trong khi dòng âm nhạc chính thống đang ở vào thế loay hoay đi tìm chỗ đứng.

 

Ðã có một thời "tiếng hát át tiếng bom", âm nhạc giống như thứ vũ khí sắc bén theo chân người chiến sĩ vượt qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Ðể rồi, hòa trong niềm vui sum vầy nam-bắc một nhà, âm nhạc lại tiếp tục đồng hành cùng những bước chuyển mình của đất nước. Vẻ đẹp tự thân của âm nhạc có dịp được phát huy ở những cung bậc mạnh mẽ nhất, làm nên giá trị tinh thần vĩnh cửu... Song cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, trên hành trình phát triển để khẳng định mình, nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam không tránh khỏi những "sóng gió" trong bối cảnh hội nhập, mở cửa với nhiều biến động, phức tạp. Ban đầu là những cơn sốt nhạc nhẹ, nhạc hải ngoại, tiếp đến là sự du nhập, lan tỏa của những loại nhạc nặng tính giải trí như pop, rock, rap, hip-hop... khiến cho những loại hình âm nhạc có bề dày lịch sử dần dà bị thất thế, còn những gì được gọi là nhạc trẻ nhanh chóng lấn lướt, lên ngôi. Không hề lạ khi một bộ phận không ít công chúng nghe nhạc hiện nay đều lầm tưởng ca khúc đại chúng là toàn bộ nền âm nhạc nước nhà. Bởi so với số lượng khổng lồ những ca khúc phổ thông lưu truyền trên thị trường âm nhạc, số tác phẩm khí nhạc trở nên quá nhỏ nhoi. Trong khi đó, với sự giúp sức của in-tơ-nét, những ca khúc thị trường ngày càng lấn át ca khúc chính thống, dòng nhạc giải trí ngày càng chèn ép dòng nhạc chuyên nghiệp. Dẫn đến, một số ca khúc lời không ra lời, nhạc không ra nhạc và phản cảm từ nhan đề đến nội dung vẫn có "đất" để đến được với giới trẻ, những người mà phần lớn thuộc thế hệ a-còng, vốn ưa lướt nét hơn đọc sách, vốn thạo vi tính hơn thuộc lịch sử và dễ dàng chấp nhận, bắt nhịp, thậm chí cổ súy cho những thứ lạ và độc, dù nó có lệch lạc hay méo mó. Theo dõi một số cuộc thi âm nhạc dành cho giới trẻ được phát sóng trên những chương trình truyền hình thực tế gần đây sẽ thấy, giữa hàng nghìn thí sinh dự thi, chẳng mấy ai lựa chọn những ca khúc chính thống để khoe giọng. Người xem ban đầu bật cười, sau đó mới thấy thấm buồn khi nhận ra thực trạng âm nhạc đáng báo động ẩn sau những tiết mục kiểu "mì ăn liền" được thể hiện tùy tiện, cẩu thả bởi một số thí sinh tự tin quá mức về trình độ thanh nhạc còn thấp của mình.

Ðó là hiện trạng tất yếu mà nguyên nhân trước hết thuộc về sự thiếu chuyên nghiệp trong sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Những nhạc sĩ có thể tự viết phần đệm cho ca khúc chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại đa phần phó thác hòa âm, phối khí cho người khác. Từ đó dẫn đến, một sáng tác ra đời mà có tới hàng chục bản phối "tam sao thất bản", dẫu làm lệch lạc tinh thần cũng như giá trị ban đầu của ca khúc thì nhạc sĩ cũng chỉ biết ngậm ngùi vì chỉ có thể "kiện củ khoai". Bên cạnh đó, xuất hiện ngày càng nhiều những người sáng tác "mù nhạc" mà vẫn có thể nổi danh nếu biết sử dụng thành thạo những phần mềm có sẵn trên vi tính để chế ra những giai điệu có vẻ lọt tai. Thế mới có chuyện, một nhạc sĩ đã hùng hồn khẳng định 90% số ca khúc thị trường hiện nay là vay mượn, bởi việc bắt gặp những giai điệu na ná, lặp đi lặp lại giữa nhiều sáng tác khác nhau là điều hoàn toàn bình thường. Thêm nữa, ở cái thời mà yếu tố "nhìn" được chú trọng hơn "nghe" thì chất giọng hay cũng không còn là yếu tố quyết định của biểu diễn âm nhạc, thay vào đó là sự khỏa lấp của kỹ thuật chỉnh âm phòng thu và sự xuất hiện của những yếu tố câu khách như vẻ ngoài bắt mắt hay phát ngôn gây sốc... Rõ ràng, những yếu tố "ngoài âm nhạc" đang bị lạm dụng thái quá, dẫn đến tình trạng nghiệp dư trong sáng tác và méo mó trong biểu diễn. Dòng nhạc chính thống là thứ âm nhạc đỉnh cao mà muốn theo đuổi nó không những cần năng khiếu mà còn cần sự dấn thân, học hành và luyện tập bền bỉ. Nhưng ngang trái ở chỗ vẫn tồn tại sự lệch pha quá lớn mức đãi ngộ giữa những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc chuyên nghiệp và nhạc thị trường. Thật đáng buồn khi được biết, một nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng thính phòng chỉ nhận được cát-sê năm mươi nghìn đồng cho một đêm công diễn, trong khi một ca sĩ thị trường đình đám dễ dàng nhận được vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng cho một lần xuất hiện. Ca sĩ của dòng âm nhạc giải trí được mời biểu diễn ở mọi nơi, từ các chương trình gameshow, cuộc thi của các đài, cho đến những quán bar, nhà hàng... Trong khi, ca sĩ của dòng nhạc chính thống thường chỉ có cơ hội thể hiện trong những chương trình kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Âu đó cũng là sự lý giải cho câu hỏi: tại sao ngay cả những sinh viên tốt nghiệp từ những học viện đào tạo bài bản, chính quy về âm nhạc phần lớn vẫn đi theo dòng nhạc thị trường.

Từ xưa đến nay, đài truyền hình và đài phát thanh vẫn đóng vai trò là kênh quảng bá hiệu quả những sáng tác mới của các nhạc sĩ chuyên nghiệp. Nhưng trong bối cảnh kinh tế thị trường, nhà đài cũng cần thu hút tài trợ từ các doanh nghiệp để có kinh phí duy trì hoạt động. Mà nhà tài trợ nào cũng chỉ muốn "rót tiền" cho những chương trình thu hút người chơi, đông khán giả. Vì thế, dù muốn hay không, nhà đài vẫn phải ưu tiên hơn cho những ca khúc đáp ứng được thị hiếu số đông, còn cánh cửa dành cho những sáng tác âm nhạc chính thống chưa có điều kiện đến với công chúng vẫn bỏ ngỏ... Hoạt động âm nhạc cũng như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác, muốn phát triển đúng hướng bao giờ cũng phải bảo đảm sự gắn kết giữa sáng tác - biểu diễn - phê bình. Nhưng trong thế "kiềng ba chân" ấy, phê bình âm nhạc ở nước ta - hoạt động vẫn được coi là giúp định hướng, góp phần chuyên nghiệp hóa khâu sáng tác và cảm thụ âm nhạc vẫn đang thiếu và yếu. Mạnh sao được khi ở ta không hề có chuyên ngành đào tạo phê bình. Mạnh sao được khi mà những bài phê bình hiếm hoi của những nhà lý luận âm nhạc đích thực bị một số tờ báo từ chối đăng tải vì "khó tiêu hóa" và không đủ độ sốc. Dần dần, quyền phê bình âm nhạc được trao độc quyền về tay báo giới, dù cho có những người viết chẳng được trang bị nhiều lắm về kiến thức âm nhạc. Và đương nhiên, vì nhuận bút bài viết được tính theo số lượt xem, nên yếu tố phê bình âm nhạc trên những bài báo càng vắng bóng, thay vào đó là những thông tin "phi âm nhạc" nhưng đủ độ nóng để câu khách như: chuyện đời tư, "lộ hàng", tai tiếng... Vòng luẩn quẩn lại tiếp diễn, ca sĩ thị trường càng lúc càng đắt "sô", còn nhạc thị trường càng lúc càng lấn lướt.

Ðối mặt với những chìm nổi thăng trầm của đời sống âm nhạc, tham vọng "gạn đục khơi trong" vốn không thể thực hiện bằng những biện pháp mang tính cấm đoán. Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng: "Chỉ có một cách duy nhất nhưng không dễ làm, đòi hỏi người quản lý phải có bản lĩnh và niềm tin, đó là dám đầu tư xứng đáng cho nhạc sạch để có một môi trường âm nhạc trong lành, nói đơn giản là loại trừ cái dở bằng cách tìm ra cái hay thay thế". Tại sao những nền âm nhạc lớn trên thế giới không vướng phải sự lệch pha lớn và đáng tiếc như ở Việt Nam, đó là bởi họ tạo được môi trường hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, có chính sách và đãi ngộ tương xứng với cống hiến của nhạc sĩ, ca sĩ đi theo dòng nhạc chính thống. Người ta vẫn hay đổ lỗi rằng sự méo mó của bộ mặt âm nhạc Việt Nam đương đại thuộc về sự yếu kém trong trình độ thưởng thức của công chúng. Ðiều này cũng đúng một phần, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn thuộc về sự thiếu chú trọng khâu đào tạo công chúng nghe nhạc. Thiết nghĩ, giáo dục âm nhạc học đường ở nước ta nhất thiết phải được quan tâm, đẩy mạnh, bởi có thế mới từng bước thay đổi được mỹ quan âm nhạc và tư duy thưởng thức của đại bộ phận công chúng. Bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm tra chất lượng các chương trình nghệ thuật, các cơ quan chức năng cũng cần có chính sách nhân rộng và khuyến khích, động viên hợp lý đối với những nhạc sĩ, ca sĩ đi theo dòng nhạc chính thống. Vấn đề đào tạo đội ngũ phê bình lý luận âm nhạc và tạo môi trường hoạt động nghề nghiệp thỏa đáng cho họ cũng phải được quan tâm thực hiện. Và tất nhiên, âm nhạc chính thống chỉ có thể đến được với đông đảo công chúng nếu các đơn vị truyền thông đại chúng có định hướng chuyển tải thông tin âm nhạc hữu ích,  bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, tránh chạy theo khai thác thông tin câu khách. Dẫu rằng, thực hiện những nhiệm vụ này không hề đơn giản, đòi hỏi cả một chiến lược quản lý có nghề với sự nỗ lực mang tính dài hơi, nhưng những người yêu nhạc đích thực, những nhà hoạt động âm nhạc chân chính vẫn hy vọng về một diện mạo mới của nền âm nhạc nước nhà trong tương lai không xa.

 

                                                                       Theo Báo Nhandan

 

 

Các tin khác

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn trao giấy khen cho 12 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào
Cán bộ Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Kỳ Sơn trao đổi về kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn.
Đại diện các nganh thành viên BCĐ thực hiện Đề án, giao lưu với các cha, mẹ có con trong độ tuổi VTN tại xã Thống Nhất.

“Giọng hát Việt” mất dần tính hấp dẫn, vì sao?

Khi trào lưu phản ứng cách chọn thí sinh có ngoại hình đẹp ở “Giọng hát Việt” (The Voice) đang dâng cao, cũng như chuyện chuyên môn của một số huấn luyện viên (HLV) dường như “có vấn đề”, thì lại rộ lên chuyện sắp đặt kết quả ở chương trình truyền hình thực tế này và HLV đôi khi cũng chỉ còn là “con rối”.

Di sản Cố đô Huế: Hồi sinh nhờ sự chung tay của bạn bè quốc tế

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đến nay đã có gần 50 tổ chức quốc tế thuộc Chính phủ và phi chính phủ trên thế giới tham gia hỗ trợ hoặc trực tiếp giúp đỡ Việt Nam (VN) trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế. Nhờ đó, di sản này đã thực sự hồi sinh mạnh mẽ và đang phát huy tối đa giá trị, vị thế ở phạm vi toàn cầu!

Hội diễn nghệ thuật “Doanh nhân, doanh nghiệp” lần thứ II

(HBĐT) - Ngày 9/9, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh tổ chức Hội diễn nghệ thuật “Doanh nhân, Doanh nghịêp” tỉnh Hoà Bình lần thứ II – năm 2012. Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự và động viên hội diễn.

Khu vực Tây Nguyên: Xuất hiện thêm nhiều hiện vật Chăm

Hiện vật vừa mới phát hiện được cho là có liên quan đến người Chăm trong lịch sử gồm một bộ linga – yoni bằng đá, một số mảnh gốm và mảnh sành có dấu hiệu của điêu khắc, một vài mảnh tước được ghè đẽo theo nhiều hình thù khác nhau...

Bài hát Việt tháng 9: Đinh Mạnh Ninh lập hattrick!

Đêm 9-9 tại nhà hát Quân đội TP. HCM, live show Bài hát Việt tháng 9 đã kết thúc với cú hattrick của chàng ca sĩ đến từ Hà Nội Đinh Mạnh Ninh cùng ca khúc Mùa yêu đầu.

 Được lời như cởi tấm lòng

(HBĐT) - Đã bước vào năm học mới, nhẽ ra cũng chẳng có gì đáng phải đưa chuyện của con cái ra để khoe mẽ, nếu như cô con gái diệu của tôi chẳng “làm” nên chuyện, khiến tôi giật thót tim. Chẳng là từ năm con gái út tôi vào học lớp 10, ngay đầu năm học, tôi được bầu làm hội trưởng Hội phụ huynh lớp. Chẳng biết có phải vì thế mà cô con gái tôi lại ỷ thế, có hành vi bất nhã với cô giáo dạy môn lịch sử. Là Hội trưởng Hội phụ huynh, nhưng còn bận công tác nên tôi cũng chưa dành nhiều thời gian, chưa thật sát sao với công tác Hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục