Số tiền “khổng lồ” dự kiến đầu tư cho dự án xây dựng công trình kiến trúc Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở khu vực tây Hồ Tây hiện đang là mối quan tâm của dư luận. Nhưng, đối với các chuyên gia, vấn đề đáng lo ngại ở đây không chỉ là tiền.
Ông Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, Dự án xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở khu vực tây Hồ Tây được Thủ tướng CP phê duyệt năm 2006. Công trình bảo tàng sẽ nằm trong Công viên Hữu Nghị, thuộc địa phận xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội, với tổng diện tích khoảng 10 ha, bao gồm các phần chính: khu vực tưởng niệm danh nhân, toà nhà chính, không gian ngoài trời và các công trình kỹ thuật phụ trợ.
Cho đến thời điểm hiện nay, sau khi thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) - một trong hai đơn vị có phương án đoạt giải nhất từ cuộc thi thiết kế kiến trúc Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức - tiến hành lập dự án thiết kế công trình. Bộ Xây dựng – đơn vị chủ đầu tư vừa trình Chính phủ Dự án xây dựng công trình và Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch Đầu tư gửi đi các cơ quan chức năng xin ý kiến.
Sẽ thay đổi hoàn toàn quan niệm về bảo tàng?
Khu tưởng niệm danh nhân |
Phương án thiết kế được chọn xuất phát ý tưởng từ hình ảnh bọc trứng Mẹ Âu Cơ, nằm trên quả đồi nhân tạo đắp ngang, có hồ điều hoà, công viên cây xanh. Những thanh chớp hai bên toà nhà tượng trưng cho nan tre, biểu tượng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng là biểu trưng cho các tầng tầng lớp lớp lịch sử Việt Nam, các tầng lớp văn hoá đan xen nhau. Toà nhà cao sáu tầng nhưng không quá 40m, mặt trước hướng ra biển Đông.
Ông Vũ Mạnh Hà cho rằng, dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia sau khi hoàn thành (dự kiến thời gian xây dựng trong khoảng 4 năm) sẽ là công trình mang tầm khu vực và quốc tế - nơi trưng bày một cách toàn diện về lịch sử Việt Nam từ thời tiền sử cho đến ngày nay. Đây sẽ là bảo tàng hiện đại nhất trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, khắc phục được tất cả các hạn chế của bảo tàng từ trước đến nay.
Chỉ riêng con số diện tích xây dựng và trưng bày cũng đã thấy quy mô của công trình. Toà nhà chính xây dựng trên khu đất khoảng 23 nghìn m2, với tổng diện tích sàn là 90.000m2, bao gồm nhiều khu vực: trưng bày, khám phá sáng tạo, kho lưu giữ, khu chụp ảnh, không gian giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, khu hành chính nghiệp vụ, khu đặt thiết bị máy móc… Chỉ tính riêng khu vực trưng bày với diện tích 28.700m2, trong khi đó, theo ông Vũ Mạnh Hà, tổng diện tích của hai bảo tàng Lịch sử quốc gia và Cách mạng hiện nay gộp lại chỉ khoảng 4000m2.
Cũng theo ông Vũ Mạnh Hà, khi bảo tàng ra đời sẽ thay đổi hoàn toàn quan niệm về bảo tàng ở Việt Nam. Bởi đây sẽ là công trình hiện đại, đa năng, không chỉ là nơi trưng bày toàn bộ về tiến trình lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, mà còn là trung tâm văn hóa, vui chơi giải trí với nhiều loại hình dịch vụ cho công chúng lựa chọn.
Lo ngại
Bản vẽ phối cảnh Không gian mở và triển lãm. |
11.277 tỷ đồng để xây dựng công trình Bảo tàng tầm cỡ, quy mô, hiện đại trong điều kiện hiện nay, đương nhiên sẽ là con số mà dư luận hết sức quan tâm.
Một con số so sánh cho thấy, hơn 11 nghìn tỷ đồng để xây dựng kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, tương đương với 540 triệu USD, trong khi đó, Viện Bảo tàng quốc gia Úc xây dựng năm 1997 và hoàn thành năm 2001 với tổng chi phí dự án là 155,4 triệu USD.
KTS Ngô Doãn Đức cho rằng, có thể việc xây dựng một Bảo tàng Lịch sử quốc gia là cần thiết về mặt chiến lược, nhưng về mặt sách lược thì chưa hợp lý. Trong khi xã hội đang có quá nhiều vấn đề, hạ tầng cơ sở giao thông, đường sá, bệnh viện, trường học, đời sống dân sinh còn ngổn ngang cần quan tâm hơn. Hơn nữa, hiện tại những công trình văn hóa, bảo tàng chúng ta xây lên còn chưa phát huy hết tác dụng của nó như Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia... Đó cũng là mối lo ngại của nhiều người.
*** Ông Vũ Mạnh Hà cho biết, dự án thành phần về xây dựng thiết kế nội dung và hình thức trưng bày được Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, hiện cũng đang được gấp rút thực hiện. Hiện đang làm thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn nước ngoài cho phần thiết kế nội thất, phương án về hình thức và nội dung trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trên cơ sở bốn nhà thầu của các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, sẽ lựa chọn một nhà thầu và trình Thủ tướng phê duyệt. Tổng số hiện vật, tài liệu của cả hai bảo tàng cũ họp lại hiện có khoảng 20 vạn. Sau khi Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới hoàn thành, thì Bảo tàng Lịch sử hiện tại cũng sẽ thành nơi trưng bày cổ vật Đông Nam Á, còn Bảo tàng Cách mạng hiện tại thành Bảo tàng trưng bày nghệ thuật đương đại. |
Được biết, số tiền 11.277 tỷ đồng trong tổng dự toán đầu tư chỉ mới là chi phí cho phần xây dựng kiến trúc. Theo ông Vũ Mạnh Hà, phần xây dựng thiết kế nội dung và hình thức trưng bày chưa lên dự toán, nhưng theo thông lệ quốc tế ở các bảo tàng thế giới, thì tỷ lệ chi phí giữa xây dựng kiến trúc và thiết kế nội dung, hình thức trưng bày (phần nội thất) là 1/1. Nghĩa là, chúng ta cần ít nhất hơn 11 nghìn tỷ đồng nữa để đầu tư cho việc xây dựng thiết kế nội dung và hình thức trưng bày.
Nhưng, vấn đề đáng lo ngại nhất, ở đây không hẳn chỉ là số tiền đầu tư quá lớn. Lo ngại ở đây là, chính vì số tiền lớn như vậy, nên việc thực hiện công trình đó như thế nào, từ thiết kế kiến trúc, chất lượng và tiến độ xây dựng. Điều quan trọng hơn, chính là việc tổ chức nội dung trưng bày thế nào cho phù hợp, đào tạo nhân lực để tiếp quản, vận hành công trình hiện đại và quy mô ấy. Lo ngại nhất, chính là việc tổ chức xây dựng cái “phần ruột” của công trình - nội dung trưng bày. Bài học về Bảo tàng Hà Nội kiến trúc hoành tráng với kinh phí 2300 tỷ đồng khi xây xong chỉ là cái vỏ vẫn còn mới. Chỉ vì không có quy trình chuẩn bị nội dung phù hợp với thiết kế kiến trúc, mà xây dựng xong, công trình gần như không phát huy tác dụng, hết sức lãng phí. Chưa kể, ở thời điểm này, cả nước hiện có khoảng gần 130 bảo tàng, với trình độ nhân lực, tư duy và cách làm như hiện nay, chúng ta vẫn chưa thể khai thác và sử dụng một cách có hiệu quả.
Theo Báo Nhandan
(HBĐT) - Sáng 12/9, BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Kỳ Sơn tổ chức hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu giai đoạn 2007- 2012.
(HBĐT) - Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) huyện Kỳ Sơn cho biết: Ngay từ đầu năm, Ban VSTBPN huyện đã xây dựng kế hoạch hành động cho cả năm để triển khai đến cơ sở. Trong đó chú trọng đến kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động của các Ban VSTBPN các xã, thị trấn.
(HBĐT) - Để triển khai thực hiện các mục tiêu của Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giai đoạn 20110-2015, tối 10/9, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các ngành thành viên BCĐ thực hiện Đề án, chọn xã Thống Nhất (TP Hòa Bình) là đơn vị chỉ đạo điểm của tỉnh tổ chức diễn đàn giao lưu.
Khi trào lưu phản ứng cách chọn thí sinh có ngoại hình đẹp ở “Giọng hát Việt” (The Voice) đang dâng cao, cũng như chuyện chuyên môn của một số huấn luyện viên (HLV) dường như “có vấn đề”, thì lại rộ lên chuyện sắp đặt kết quả ở chương trình truyền hình thực tế này và HLV đôi khi cũng chỉ còn là “con rối”.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đến nay đã có gần 50 tổ chức quốc tế thuộc Chính phủ và phi chính phủ trên thế giới tham gia hỗ trợ hoặc trực tiếp giúp đỡ Việt Nam (VN) trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế. Nhờ đó, di sản này đã thực sự hồi sinh mạnh mẽ và đang phát huy tối đa giá trị, vị thế ở phạm vi toàn cầu!
(HBĐT) - Ngày 9/9, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh tổ chức Hội diễn nghệ thuật “Doanh nhân, Doanh nghịêp” tỉnh Hoà Bình lần thứ II – năm 2012. Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự và động viên hội diễn.