(HBĐT) - Vào cữ cuối tháng hai, đầu tháng ba âm lịch là lúc cây cối đã hoàn tất quá trình nẩy lộc, đâm chồi, con người vẫn thường gọi quá trình ấy là mùa xuân. Xuân tiết tràn trề sinh lực thúc giục muôn loài có mặt trong những cánh rừng. Lớn là con nai, con hoẵng, bé là con ong, con bướm, con kiến toả đi các ngả rừng mà ăn lộc, hút mật về tổ, đẻ trứng, nuôi con.

 

Trong các loài động vật có mặt dưới những tán rừng ấy nhỏ bé nhất là loài kiến và quen thuộc với người là kiến ngạat. Nói là quen thuộc nhưng đến nay con người cũng chưa am tường hết về loài kiến này vì nó nhỏ bé như kiến và lại “đông như kiến” nên lúc kiến ngạat làm tổ, người ta mới nhìn thấy nó, nhận ra nó!

 

Kiến ngạat là tên riêng mà người trong Mường đặt tên cho loài kiến này - ngạat cũng có nghĩa là đông đàn, dài lũ! Kiến ngạat có hai loại. Ngạat đá: thân nhỏ, màu hung vàng, tổ kiến cứng cáp (có lẽ tổ cứng nên được gọi là ngạat đá chăng?), trứng không được béo lắm. Ngạat già: thân đen, to hơn ngạat đá, tổ mềm hơn, khi gặp người thường cong đuôi lên hù doạ và xông vào cắn, trứng béo ngậy và to hơn. Với màu sắc như thế, kiến rất dễ lẩn khuất vào màu lá cây rừng, biết thân phận yếm thế nên kiến cũng làm tổ có màu sắc tương tự, duy chỉ có trứng và nhộng kiến là màu trắng trong như ngọc. Kiến ngạat  già có mùi thơm thanh tao phảng phất như bạc hà, nhất là mỗi khi kiến xông vào đánh phủ đầu đối phương và bị con người phản công lại làm cho phận mỏng của kiến nát nhừ như cám!

 

Kiến ngạat thường làm tổ ở những cánh rừng yên tĩnh, ít người qua lại, tổ làm trên ngọn cây, cành cây cao. Có những khu rừng nhiều tổ kiến ngạat quần tụ. Mỗi năm làm tổ một lần, khởi đầu nhen nhóm tổ chỉ bằng quả cau, quả ổi rồi quả bưởi,  lớn dần bằng quả mít, tổ hoàn thiện có đường kính to nhất cũng chỉ cỡ ba mươi phân. Nâng đỡ cho tổ được lửng lơ giữa trời đất là một ngọn tre, ngọn nứa hoặc một cành cây. Lá cây xùm xoà quanh tổ, che khuất những ánh mắt soi mói, rình rập của những kẻ chuyên phá đám. Hết mùa kiến ngạat là lúc những con nhộng trong tổ đã trưởng thành như bố mẹ và lại “xẻ đàn” để tiếp tục nhen nhóm các tổ ngạat mới cho một năm tiếp theo. Tổ kiến ngạat làm bằng những lá cây khô xé nhỏ được bện lại bằng chính nước bọt con kiến. Tổ kiến tròn, bao bọc bằng một lớp lá mỏng như vỏ quả bóng đủ kín mưa, kín nắng, mặc cho gió thổi, mây bay; bên trong tổ là những lỗ tròn dài để kiến đẻ trứng, nuôi con trong suốt quá trình sinh nở một năm trời. Tổ kiến là ngôi nhà chung của nhà kiến ngạat! Quan sát kỹ cũng không rõ con nào tướng, con nào là quân, nó cứ lặng lẽ kiếm ăn, xây tổ, con nào việc nấy, no đói, vui buồn có nhau, hết năm này qua năm khác.

 

Trứng kiến ngạat là loại “sơn hào” ngon và đa dụng nhất rừng cho nên con người cứ thi nhau tìm kiếm khắp các cánh rừng trong Mường. Người đi kiếm trứng kiến ngạat thường đội mũ hoặc khăn bịt kín đầu cho kiến khỏi chui vào trong tóc mà đốt, bị đốt như thế chỉ có lược bí mới chải kiến ra khỏi đầu. Thường thì người ta đem theo mảnh lilon để hứng trứng sau khi chia tổ thành nhiều phần và gõ nhẹ cho trứng rơi xuống, loại bỏ kiến và tạp chất, trứng đựng bằng ớp (giỏ) hoặc thúng để lần lượt đi đến các tổ kiến khác trong rừng. Nhằm hạn chế kiến đốt, người ta đem theo tro bếp để xoa vào chân tay.

 

Trứng kiến ngạat trộn vào gạo nếp đem đồ xôi, không cần thức ăn vẫn no nê khoái khẩu; xào với mỡ hành, nước mắm không cần mì chính vẫn ngon miệng. Lại nữa: trứng kiến nấu với đọt cây chuối thái mỏng, có thêm lá lốt, lá táu rừng thái nhỏ vừa đủ mắm, muối là có bát canh ngon để đời. Nhưng có lẽ giá trị hơn cả của trứng kiến ngạat là làm nhân bánh. Người ta dùng bột nếp dẻo dát mỏng ôm lấy hai thìa nhỏ trứng kiến, cho thêm vài hạt muối, bên ngoài là lá sung bánh tẻ và lớp ngoài cùng là    lá sung già. Khi chõ đồ bánh kiến nghi ngút bốc hơi là người ngồi trong gian nhà bếp đã tiết nước miếng, muốn được ăn bánh ngay rồi! Vâng! Bánh kiến ngạat phải là lá sung thì bánh mới là bánh kiến, ăn bánh là ăn cả lớp lá sung non bên trong. ở đây có sự tương đồng với câu râu tôm nấu với ruột bầu. Phải chăng chất béo của trứng kiến ngaạt và chất ta nanh trong lá sung ở một nhiệt độ nhất định sẽ tạo nên một vị ngon đặc biệt - đó là sự giao hoà giữa một động vật và  thực vật nơi non cao núi thẳm đất Mường!

 

Lá cây sung vào dịp tháng ba âm lịch hàng năm cứ mơn mởn túa lên không gian như mời gọi con người: hãy nhanh tay hái lấy mà làm bánh kiến ngạat mà ăn gỏi cá, mắm tép... Đất và nước trong Mường nuôi cây sung, những con kiến ngạat ăn thứ gì trên những cánh rừng bạt ngàn kia? Tôi đã lần tìm hỏi các cụ cao niên nhất trong Mường mà chưa có lời đáp. Con người đã bao đời gắn bó, sống chết với rừng đã tạo ra thứ bánh trứng kiến ngạat từ khi nào cũng không còn ai nhớ nữa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, loài kiến ngạat đã thường xuyên ăn thứ thức ăn sạch có trong những cánh rừng xanh ngút ngàn quanh Mường, quanh bản quê tôi.

 

 

                                                         Tản văn của Đinh Đăng Lượng

 

                                      

Các tin khác

Bán hàng ngay dưới biển “cấm bán hàng” tại lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2013.
Chị em phụ nữ xóm Gò 2 với phần trình diễn trang phục dân tộc nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người xem.
Du khách tham quan động thác Bờ khi đến với lễ hội đền Bờ năm 2013.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, thôn Sỏi, xã Phú Thành (thứ 2 bên trái) giới thiệu sản phẩm tinh tế từ đá do Công ty của ông sản xuất.

Thi tìm hiểu NQ Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI 

(HBĐT) - Ngày 6/3, Hội LHPN thị trấn Kỳ Sơn đã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức Hội thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI. Tham dự hội thi có 30 thí sinh đến từ 6 chi hội phụ nữ trong toàn thị trấn.

Hội Phụ nữ thị trấn Mường Khến tổ chức thi “Cán bộ Hội giỏi” 

(HBĐT) - Ngày 7/, Hội LHPN thị trấn Mường Khến (Tân Lạc) tổ chức hội thi “Cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở giỏi” năm 2013.

Huyện Cao Phong, Tân Lạc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khoá VIII

(HBĐT) - Sáng 7/3, Huyện uỷ Cao Phong tổ chức tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Báo Hòa Bình tổ chức gặp mặt nữ cán bộ, công chức

(HBĐT) - Chiều 6/3, Ban biên tập Báo Hoà Bình đã tổ chức gặp mặt chị en phụ nữ trong cơ quan nhân dịp kỷ niệm 103 năm ngày quốc tế Phụ nữ 8/3.

Âm vang tiếng cồng Mường Thàng

(HBĐT) - Ông Nguyễn Văn Dân, Trưởng phòng VH-TT huyện Cao Phong cho biết: Cồng chiêng Mường Thàng mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc được bảo tồn và lưu giữ đến ngày nay.

Thi Nữ công tài năng - duyên dáng

(HBĐT) - Ngày 4/3, CĐ Giáo dục huyện Tân Lạc đã tổ chức hội thi nữ công tài năng, duyên dáng nhân kỷ niệm năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục