Anh Chiến trong một lần dẫn du khách khám phá Hoa Sơn Thạch Động trên dãy núi Đầu Rồng.

Anh Chiến trong một lần dẫn du khách khám phá Hoa Sơn Thạch Động trên dãy núi Đầu Rồng.

(HBĐT) - Một người cùng khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), khi nói về anh Dương Ngọc Chiến cho rằng, chú ấy là một trong những nhà thám hiểm nghiệp dư đầu tiên khám phá các hang động ở núi Đầu Rồng đấy. Còn anh Chiến (Ban quản lý, bảo vệ và điều hành khu di tích quần thể hang động núi Đầu Rồng) lại nói tránh: Có thể chúng tôi chỉ là thế hệ sau tiếp cận hệ thống hang động nơi đây thôi. Biết đâu, cha anh chúng ta cũng đã tìm ra nơi này. Tôi chỉ là người ham khám phá, ghi lại nhằm thuyết trình về vẻ đẹp của danh thắng này và đề đạt với chính quyền địa phương về giá trị thẩm mỹ, khoa học - lịch sử và du lịch về nơi này thôi...

 

Nói thế nhưng nhiều người dân thị trấn đều mặc định rằng anh Chiến chính là một trong những người sớm tìm ra và có những bước chân thám hiểm đầu tiên về các hang động nơi này. Dãy núi Đầu Rồng có nhiều hang động như: Phong Sơn Động, Động Không đáy, Nhãn long sơn động (hang động khô), hang Nước, động Thanh Thuỷ và Hoa Sơn Thạch Động (hang động nước). Trong đó, hang động Hoa Sơn Thạch Động và động Không đáy... đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng (điện chiếu sáng, bậc lên xuống, đi lại...) đã và đang được khai thác, giới thiệu với du khách gần xa. Cùng anh Chiến dạo bộ trong Hang Sơn Thạch Động mới thấy được rằng, để có một hình ảnh lộng lẫy, tuyệt đẹp như ngày nay, hang này đã có hàng nghìn năm chìm trong bóng tối. Anh kể: Sinh ra và lớn lên ở thị trấn này; mỗi sáng sớm thức dậy đều thấy dãy núi Đầu Rồng trước mặt nhưng không thể ngờ, trong đó chứa bao điều kỳ thú. Những năm 80 của thế kỷ trước, tuổi trẻ (với đôi chút mạo hiểm), anh, người thân và bạn bè đã mon men đến Hoa Sơn Thạch Động cũng chỉ với một nhu cầu tự nhiên: ngồi nghỉ chân trong lòng hang cho mát sau một ngày leo trèo (phía ngoài). Sau này, khi học xong cấp III và đi bộ đội trở về, khoảng năm 1986, cùng người cháu trong họ anh mới phát hiện ra điều bất ngờ: Hoa Sơn Thạch Động không có một khoang phía ngoài mà sâu hàng trăm mét. Thời đó, bằng nguồn đèn ắc quy, vai khoác cuộn dây rừng, chuẩn bị ít nước uống, nai nịt quần áo (đề phòng rắn, rết)..., các anh đã lò dò những bước đầu vào hang sâu. Để đề phòng lạc đường, các anh phải thả dây để đánh dấu đường vào, lối ra. Mỗi lần phải vượt qua các vách đá trong hành trình vào sâu trong hang, các anh phải như các VĐV leo núi, quăng dây, đu mình vượt qua. Trong ánh sáng lờ mờ của đèn ắc quy, đèn pin, suốt quãng đường chừng 500 m, anh và người bạn đường đã đi từ sửng sốt này đến ngỡ ngàng khác vì vẻ đẹp của nhũ đá, hang nước tại các cung, khoang, tầng của hang. Vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên mà tạo hoá ban tặng đã khiến anh và mọi người mê mẩn. Không ai có thể ngờ, trên núi này lại có hệ thống hang động liên hoàn và kỳ thú như vậy... Hành trình khám phá Hoa Sơn Thạch Động (500 m), Động Không đáy (dài khoảng 300 m)... của anh Chiến và người dân thị trấn đã đem lại điều thú vị: Các cấp chính quyền đã bị thuyết phục và chính anh Chiến là người đưa những người có trách nhiệm tham quan các danh thắng còn đang ở dạng “viên ngọc thô” này. Tất cả đã bị vẻ đẹp tự nhiên, hấp dẫn của quần thể hang động Đầu Rồng thuyết phục. Dần theo thời gian, quần thể di tích, danh làm thắng cảnh nơi đây đã được người dân trong và ngoài huyện biết đến...

Điều đáng mừng là các cấp chính quyền ở huyện Cao Phong đã có các việc làm thiết thực để đánh thức vẻ đẹp ở dạng tiềm năng ở nơi này như lập hồ sơ khoa học để Bảo tàng tỉnh khảo sát, thẩm định để trình Bộ VH-TT&DL công nhận di tích cấp quốc gia; đầu tư hạ tầng cơ sở, lập bộ máy quản lý... Anh Chiến với vai trò là trưởng Ban quản lý (do UBND thị trấn giao nhiệm vụ) và các nhân viên đang nỗ lực cùng thị trấn và huyện triển khai thực hiện các hạng mục cần thiết. Do từng có hàng chục lần ra vào động (thời hoang sơ) và có hàng trăm lần ra, vào hang theo các đoàn nên anh Chiến như một hướng dẫn viên, thuộc đường đi, lối lại từng hang động và biết được sự thay đổi của từng nhũ đá. 3 tháng nay, điện đã kéo vào Hoa Sơn Thạch Động và Động Không đáy nên đi lại khá thuận tiện, mới thấy trước đây, khi còn khó khăn về đường đi, thiếu ánh sáng, nguy hiểm rình rập, anh Chiến và một số người đã không quản ngại đu dây xuống hang khai phá để có một ngày, các hang động được biết đến như hôm nay. Hành động tiên phong đó là dũng cảm và đáng trân trọng biết bao.

 

                                                                           Bùi Huy 

 

 

Các tin khác

Với điều kiện bảo quản còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, sau 16 năm, bộ di cốt đười ươi đặc biệt quý mà Bảo tàng tỉnh lưu giữ đang có dấu hiệu xuống cấp rõ rệt.
Tiểu phẩm “Chỉ tại cái thuốc phiện” được biểu diễn tại xã Dân Hoà (Kỳ Sơn).
Phần trình diễn của đại dàn nhạc.
Lãnh đạo UBND huyện Tân Lạc trao giấy chứng nhận đã qua khóa đào tạo kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân cho các học viên.

Thôn Hoàng Đồng xây dựng đời sống văn hoá

(HBĐT) - Được UBND huyện công nhận làng văn hoá từ năm 2001, nhân dân thôn Hoàng Đồng, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) tiếp tục chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp... với quyết tâm giữ vững làng văn hoá tiêu biểu của huyện Lạc Thuỷ.

Tăng cường can thiệp chuyển đổi hành vi bình đẳng giới

(HBĐT) - Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá khảo sát nhanh của Hội ND tỉnh thời điểm năm 2010 tại 6 xã ở 3 huyện Tân Lạc, Lạc Sơn và Kim Bôi, đa số cán bộ, người dân chưa được nghiên cứu, tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới hoặc hiểu một cách lơ mơ, chưa rõ. Cộng đồng còn nặng tính định kiến về giới. Nhiều phụ nữ có đóng góp quan trọng vào kinh tế gia đình nhưng vai trò chưa được nhìn nhận. Đặc biệt là bạo lực trên cơ sở giới diễn ra nhiều hình thức, phần nhiều liên quan đến giới tính.

“Hang động Núi Niệm” được công nhận là di tích cấp quốc gia

(HBĐT) - Theo Quyết định số 2835 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, danh lam thắng cảnh “hang động Núi Niệm” thuộc xóm Chùa, xã Phú Thành, huyện Lạc Thuỷ, vừa được xếp hạng di tích cấp quốc gia, được quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.

Nhân rộng mô hình HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu

(HBĐT) - Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Thái (Mai Châu). Người phụ nữ Thái từ thuở lên bảy, lên tám đã được bà, được mẹ dạy cho cách dệt vải.

Liên hoan phim thiếu nhi “Gia đình của em”

(HBĐT) - Nằm trong khuôn khổ Dự án kết nối trẻ em do tổ chức Childfund tài trợ tại ba tỉnh Hoà Bình, Cao Bằng và Bắc Kạn, ngày 8/12, Dự án kết nối trẻ em đã tổ chức liên hoan phim thiếu nhi “Gia đình của em”.

Đào tạo kinh doanh lưu trú du lịch cho người dân xóm Ải

(HBĐT) - Ngày 9/12, Sở VH-TT&DL phối hợp với Ban quản lý Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” do Liên minh châu Âu tài trợ (gọi tắt là Dự án EU) và UBND huyện Tân Lạc đã tổ chức lễ khai mạc khoá đào tạo “Kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân” tại xóm Ải, xã Phong Phú, với trên 30 học viên là người dân trên địa bàn tham gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục