Phụ nữ xã Đồng Chum (Đà Bắc) xúng xính áo quần vui Tết cơm mới.
(HBĐT) - Trong cái se lạnh của những ngày giáp Tết, người Tày ở huyện Đà Bắc lại tất bật chuẩn bị lễ vật cúng, đan mâm, làm đũa hoa cho mâm cỗ mừng Tết cơm mới. Đây là lễ cúng truyền thống quan trọng nhất đối với mỗi gia đình của đồng bào dân tộc Tày với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng đất trời, cầu mưa thuận gió hoà và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà, tổ tiên đã khuất.
Là đồng bào dân tộc chiếm trên 46% dân số toàn huyện, người Tày Đà Bắc vẫn luôn giữ được nét văn hoá độc đáo trong từng nghi lễ. Tết cơm mới là một trong những nghi lễ quan trọng, chính vì vậy, công việc chuẩn bị cho buổi lễ được mọi người làm rất tỉ mỉ, kỹ càng, thể hiện tấm lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên và ước nguyện một năm mới mùa màng tốt tươi, ngô lúa đầy nhà, gia đình êm ấm. Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó trưởng phòng VH-TT huyện Đà Bắc cho biết: Hiện nay, hầu hết các gia đình người dân tộc Tày vẫn còn duy trì được việc tổ chức Tết cơm mới, tuy nhiên nghi thức trong buổi lễ có phần được đơn giản hoá. Chỉ có bà con dân tộc Tày ở xã Mường Chiềng và Tu Lý còn lưu giữ được nghi lễ này tương đối hoàn chỉnh. Mặc dù có phần đơn giản, nhưng những vật phẩm chuẩn bị, nghi lễ cúng vẫn được duy trì. Để buổi lễ được đầy đủ, có những gia đình đã chuẩn bị trước đó hàng tháng trời. Cầu kỳ nhất là đặt bẫy chuột rừng và sóc rừng để sấy khô rồi đồ lên làm lễ vật cúng. Nếu không bẫy được chuột, sóc thì người dân có thể thay thế bằng các loại thịt khác có sẵn trong mỗi gia đình. Sau đó phải đan mâm, làm đũa hoa, chuẩn bị chỉnh rượu... Trong gia đình, mỗi người được phân công làm một việc, cũng là để dạy cho con, cháu sau này biết cách mà làm.
Theo cụ Xa Văn Băng, 80 tuổi (xóm Bản Hạ, xã Mường Chiềng), người đã có thâm niên nhiều năm đi mo cho lễ cúng cơm mới, lễ cúng cơm mới của bà con người Tày thường được tổ chức vào cuối buổi chiều và vai trò của thầy mo rất quan trọng. Thầy mo mặc quần áo truyền thống của người dân tộc Tày và sử dụng một chiếc quạt khi mo. Khi cỗ được bầy xong, thầy mo bắt đầu cúng. Bài mo cơm mới có nội dung, tuần tự, ý nghĩa riêng. Thầy mo kể như hát, ông gọi các bậc tổ tiên từ trên trời xuống, từ mộ về, từ bệ thờ ra cùng ngồi với con cháu vui Tết cơm mới. Các bài mo thường kéo dài nhiều giờ đồng hồ trước sự chứng kiến của cả gia đình và hàng xóm láng giềng.
Khi thầy mo bắt đầu cúng cũng là lúc bên ngoài các điệu múa truyền thống được diễn ra. Bài múa trong Tết cơm mới gồm có hai phần: múa gõ máng (keng - loóng) và múa hoa. Keng - loóng là tên điệu múa gồm có 8 thiếu nữ mặc áo đỏ, váy hoa sử dụng chày giã gạo gõ vào máng giã gạo của mỗi gia đình dưới gậm sàn tạo thành những nhịp điệu vui tai, rộn rã. Múa hoa lại nhộn nhịp, vui mắt bởi trang phục rực rỡ, nhiều họa tiết, phụ kiện cầu kỳ của các cô gái trong đội múa. Cùng với mâm cỗ dâng lên cúng đất trời, ông bà, tổ tiên, những điệu múa truyền thống độc đáo đã thể hiện niềm vui, mong ước một năm mới tốt lành, gặp nhiều may mắn, thóc lúa đầy bồ của bà con người Tày trong lễ hội cơm mới. Sau khi điệu múa kết thúc, thầy mo hoàn thành phần mo mời trầu, tiễn ông bà tổ tiên “đi ngủ” thì mâm cỗ được dọn ra. Gia chủ cùng họ hàng, làng xóm nâng cao chén rượu để tổng kết một năm thành công với rộn rã những lời chúc tụng bước sang năm mới mưa thuận gió hoà, gia đình hoà thuận.
Một mùa lúa, mùa nương đã qua với bao vất vả, khi những cành mận, cành mai bắt đầu khoe sắc, người Tày ở huyện Đà Bắc lại tiếp tục bước vào một năm mới với niềm tin về vụ mùa tươi tốt, bội thu.
Hồng Nhung
(HBĐT) - Thực hiện Thông báo số 19/PHP-NVKT-TB ra ngày 20/1/2014, từ ngày 25/1 đến ngày 10 Tết Giáp Ngọ (trừ ngày 29, 30/1 và mùng 1 Tết, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng triển khai tuần phim “Mừng Đảng, mừng xuân Giáp Ngọ 2014”.
(HBĐT) - Mo Mường là giá trị văn hóa phi vật thể quý báu của người Mường Hòa Bình. Đây được coi là một hiện tượng văn hóa đặc sắc của người Mường đã được bồi đắp, gìn giữ từ lâu đời và được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng thời được sáng tạo không ngừng cùng với tiến trình phát triển của dân tộc. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), hiện nay, tỉnh ta đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản mo Mường.
(HBĐT) - Những ngày cuối năm, chị Hà Thị Thái, cán bộ MTTQ huyện Mai Châu nhất quyết mời tôi đến bản Nà Cụt, xã Nà Mèo để cảm nhận cái Tết vùng cao và để tận mắt thưởng thức những trò chơi dân gian mà nam, nữ thanh niên ở đây vẫn chơi trong ngày hội xuân.
(HBĐT) - Sở VH-TT&DL vừa có Quyết định số 19 ngày 10/1/2014 về việc phê duyệt các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật năm 2013, gồm:
(HBĐ) - Ấn phẩm Báo Hòa Bình xuân Giáp Ngọ năm 2014 gồm 80 trang (gộp 7 số: 3989 - 3990 - 3991 - 3992 - 3993 - 3994 - 3995), phát hành từ ngày 28/1 - 5/2/2014, in 4 màu, gồm nhiều bài viết phong phú, hấp dẫn, thơ xuân, truyện ngắn ca ngợi sự đổi mới trên quê hương Hòa Bình và của đất nước. Ấn phẩm là món quà xuân đầy ý nghĩa với mỗi người dân, gia đình trong dịp đón xuân mới!
Mời các bạn đón đọc!.
(HBĐT) - Trong 12 tháng của năm, tháng Chạp có lẽ là tháng được nhiều người mong chờ nhất. Cả người lớn và trẻ con đều đếm ngược đến ngày Tết. Phố phường đông vui, nhộn nhịp, muôn thứ hàng hóa đều đổ ra chợ Tết, trong đó có một thứ hàng đặc biệt, đó là hoa tết. Người trồng hoa, người bán, người mua và cả người chơi hoa đều mong chờ đến vụ hoa tết để được thưởng ngoạn mùa hoa đặc sắc nhất trong năm.