Nam, nữ thanh niên cùng tham gia trò chơi đánh mảng.
(HBĐT) - Những ngày cuối năm, chị Hà Thị Thái, cán bộ MTTQ huyện Mai Châu nhất quyết mời tôi đến bản Nà Cụt, xã Nà Mèo để cảm nhận cái Tết vùng cao và để tận mắt thưởng thức những trò chơi dân gian mà nam, nữ thanh niên ở đây vẫn chơi trong ngày hội xuân.
Tiếp chúng tôi trong nhà văn hoá thôn, mế Phin, một trong những NCT của bản bảo đến với vùng cao đợt này là đúng dịp đấy bởi khi Tết đến, giao thừa qua, cửa rừng đã đóng, trong nhà, ngoài sân, người già, người trẻ không ai được chặt hái, không được đục đẽo hay làm bất cứ việc gì nữa, bà con mình chỉ đi chơi, tết bố, tết mẹ, vì vậy, để chuẩn bị cho lễ hội xuân đầu năm phải tiến hành ngay từ những ngày cuối năm cũ. Nói rồi, mế xuống sân nhà văn hoá đánh một hồi trống, một lúc sau, các bà, các mế, những người cao niên trong bản đã có mặt đầy đủ tại nhà văn hoá. Vừa đến nơi, mời nhau miếng trầu, các mế tập trung dưới sân canh loóng. Từ một vài tiếng gõ đầu tiên, rất nhanh, những điệu canh loóng cổ nhộn nhịp, hoà vào với tiếng trống, mế Phin giải thích rằng: Ngày Tết, người trẻ chơi đánh mảng, đi cà kheo, bắn nỏ, chơi gì thì chơi không có tiếng trống và điệu canh loóng thì không ra không khí ngày hội, vì vậy, thanh niên nam nữ chơi trò, còn các mế thì canh loóng để hoà nhịp cho con trẻ.
Trong những ngày hội xuân đầu năm, ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo và múa sạp là những trò chơi không thể thiếu. Chị Hà Thị Mai, người dân bản Nà Cụt cho biết: Kéo co, đi cà kheo dành cho nam, đánh mảng dành cho chị em phụ nữ nhưng riêng múa sạp và ném còn là trò chơi dành cho cả bản. Theo sự hướng dẫn của chị Mai, chúng tôi tìm đến già làng Lò Văn Lanh để nghe ông kể về câu chuyện ném còn trong những ngày hội xuân. Ông Lanh kể: Ném còn có từ lâu lắm rồi. Các cụ kể rằng mở mắt ra thấy mặt trời là người Thái đều mong đợi dịp xuân về để được đi chơi còn. Cùng với đất xuân, trời xuân, cỏ, cây, hoa lá đầy sắc xuân tươi, mọi người cũng lo chọn cây còn cho bản mình thật đẹp. Cây còn được người già lựa chọn từ những búi cây tre khắp bản. Cây thẳng, gióng nuột nà, cao chừng 20 sải tay. Phần mút ngọn cây được các nghệ nhân uốn tròn có đường kính khoảng 50 cm. Tâm của đường tròn bằng cái đĩa nhỏ được dán kín bằng một tờ giấy dó mỏng có tô màu, ngoài tâm được dán kín bằng giấy điều dày, chắc. Đỉnh cao chon von trên vòng tròn là một bó hoa cải vàng tươi, xen lẫn quả non, quả già. Đó là ước vọng một năm đầy hoa trái, của cải nhiều như hoa, như hạt cải sinh sôi nảy nở.
Cũng giống như ném còn, mỗi trò chơi dân gian đều mang trong mình những giá trị văn hoá riêng và thể hiện những ước vọng riêng. Trò đẩy gậy đòi hỏi người chơi không chỉ có sức mạnh mà còn cần đến sự khéo léo, khôn ngoan trong khi chơi. Trò bắn nỏ đòi hỏi người chơi phải có quá trình chuẩn bị tốt về nỏ, tên và kỹ thuật bắn điêu luyện mới đạt độ chính xác cao. Trò kéo co cần đến sức mạnh tập thể cùng sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt mới có thể giành chiến thắng. Hầu hết các trò chơi này đều phải chuẩn bị từ trước Tết cả về dụng cụ, thậm chí còn phải tập luyện trước để mong giành được chiến thắng. Khi tham gia các trò chơi dù giá trị giải thưởng không quan trọng nhưng đối với người chơi, đó được xem là sự khởi đầu năm mới may mắn, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đời sống khá giả hơn. Từ đó góp phần xây dựng và củng cố tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, làng bản. Việc phục dựng các lễ hội như: Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), xên Mường (Mai Châu), đu Vôi (Lạc Sơn) cũng là dịp làm sống lại các trò chơi dân gian truyền thống. Nhờ sự phát triển của các trò chơi dân gian truyền thống đã trở thành những môn thể thao dân tộc thế mạnh của tỉnh như bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co.
Mỗi độ Tết, đến xuân về, trên những bản làng vùng cao không thể thiếu những màn tranh tài sôi nổi trong những trò chơi vừa đòi hỏi sức khoẻ, sự dẻo dai cũng vừa là cơ hội để những chàng trai, cô gái gặp gỡ, giao duyên. Những trò chơi dân gian đã trở thành dòng chảy tràn đầy sức sống góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, cho một năm mới hạnh phúc và may mắn.
Phương Linh
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch số 02/KH-UBND, ngày 7/1/2014 về việc tổ chức bắn pháo hoa nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp tại 9 điểm.
(HBĐT) - Đến nay, 100% khu dân cư trên địa bàn huyện Cao Phong đã xây dựng được quy ước, hương ước và có tổ hoà giải với 992 hoà giải viên. Việc bình xét, công nhận danh hiệu làng văn hoá, gia đình văn hoá được tổ chức công khai minh bạch, phát huy quyền dân chủ trong cộng đồng dân cư.
(HBĐT) - Từ tháng 1- 11/2013, các cấp, ngành của huyện, tỉnh và Trung ương liên tục nhận được đơn của bà Đoàn Thị Thủy và đơn có chữ ký của nhiều người dân xóm Á Đồng, xã Yên Trị (Yên Thủy) với các nội dung:
(HBĐT) - Là một trong những KDC có kinh tế phát triển cao của thị trấn Cao Phong (Cao Phong), hiện nay, đời sống nhân dân của khu 5B ổn định, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, toàn khu không còn hộ nghèo, không có tệ nạn xã hội.
(HBĐT) - Ngày 13/1, Sở VH,TT&DL đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014. Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tới dự.
(HBĐT) - Bộ CHQS tỉnh vừa hoàn thành công tác sưu tầm, biên soạn và phát hành cuốn "Văn hóa ẩm thực hậu cần nhân dân - hậu cần địa phương tỉnh Hòa Bình". Cuốn sách được nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn trên cơ sở Hội thi "Văn hóa ẩm thực hậu cần nhân dân - hậu cần địa phương" được tổ chức ở cấp huyện, thành phố và cấp tỉnh, với hơn 700 món ăn chế biến từ nguồn lương thực, thực phẩm của địa phương được trình bầy tại hội thi một cách phong phú và đa dạng.