Quần thể chùa Tiên, xã Phú Lão (Lạc Thủy) mới được hoàn thiện với tổng mức đầu tư trên 22 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân.
(HBĐT) - Mỗi dịp đầu xuân, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 lễ hội được tổ chức, trong đó có 2 lễ hội quy mô cấp huyện, 17 lễ hội cấp xã và 21 lễ hội do các làng, bản tổ chức. Bên cạnh việc lễ hội tỉnh ta ngày càng được tổ chức quy mô, rầm rộ, màu sắc, phía sau sự hoành tráng vẫn còn đó những mảng màu tối đáng quan tâm.
Nhìn lại mùa lễ hội xuân 2013
Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh đã duy trì, phục dựng và nâng cấp quy mô một số lễ hội lớn như: lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), lễ hội Khai hạ (Tân Lạc), lễ hội đền Bờ (Cao Phong, Đà Bắc), lễ hội xên bản - xên Mường (Mai Châu)…
Lễ hội được tổ chức ở các địa phương chủ yếu với hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ được bảo tồn, thực hiện tôn trọng theo truyền thống. Phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống, các môn thể thao hiện đại kết hợp với giao lưu văn hóa - văn nghệ đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho ngày đầu xuân.
Việc tổ chức các lễ hội không chỉ duy trì truyền thống, thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền và sự ủng hộ của nhân dân, đem lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước mà còn giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, mang lại niềm lạc quan cho mọi người. Nhìn lại công tác tổ chức, quản lý lễ hội xuân 2013, đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định: Nhìn chung lễ hội xuân năm 2013 đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quy chế tổ chức lễ hội giúp các cấp chính quyền, nhân dân kịp thời nắm bắt, triển khai thực hiện. Đồng thời, Ban tổ chức lễ hội ở các địa phương đã làm tốt công tác tổ chức, đảm bảo AN-TT, an toàn cho nhân dân khi tham gia lễ hội. Quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh và cảnh quan môi trường tại nơi diễn ra lễ hội. Ngoài ra cũng đã tổ chức hướng dẫn, quản lý và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng tại nơi diễn ra lễ hội, không có hiện tượng vi phạm các quy định về nếp sống văn minh và phòng chống cháy nổ tại nơi diễn ra lễ hội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác tổ chức lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Cụ thể như hiện nay có một số lễ hội chưa được phục dựng đúng với văn hóa truyền thống, luật tục như lễ hội cổ của đền Bờ, lễ hội đình Cổi (Lạc Sơn), lễ hội Mường Thàng (Cao Phong), lễ hội đình Ngòi (thành phố Hòa Bình), lễ hội mừng xuân hạn Khuống của dân tộc Tày (Đà Bắc)... Cũng theo đó là các hệ thống luật tục, lễ thức tín ngưỡng của các dân tộc cũng dần mai một.
Nhiều lễ hội được tổ chức còn mang nặng tính hình thức, sân khấu hóa, chưa lôi kéo được chủ thể của lễ hội là người dân vào cuộc; đáng lo ngại là hiện đang gia tăng chiều hướng tổ chức lễ hội vay mượn, pha tạp nghi thức giữa các lễ hội. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số địa phương còn khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là tại các địa điểm tổ chức lễ hội, hệ thống dịch vụ liên quan chưa đáp ứng được so với nhu cầu và số lượng khách tham gia lễ hội. Một số lễ hội còn có hiện tượng hoạt động mê tín dị đoan. Công tác tuyên truyền, quảng bá lễ hội trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức nên chưa thực sự thu hút khách tham quan và du lịch đến với các lễ hội.
Đặc biệt, vấn đề khiến cho người dân, khách du lịch quan ngại hơn cả khi đến với các lễ hội trên địa bàn tỉnh là công tác đảm bảo AN-TT, vệ sinh môi trường và việc thờ tự tại một số nơi chưa đúng.
Hoạt động “hầu đồng” thường xuyên diễn ra tại lễ hội đền Bờ, xã Thung Nai (Cao Phong) gây ảnh hưởng đến AN-TT của lễ hội.
Nhìn thẳng vào những hạn chế này, đồng chí Đinh Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức lễ hội huyện Lạc Thủy cho biết: Lễ hội chùa Tiên xuân 2013 ước tính có khoảng 300.000 lượt khách về thăm quan, vãn cảnh đem lại doanh thu ước đạt 50 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động trong suốt mùa lễ hội. Việc thu phí thắng cảnh và công đức đạt hơn 8,5 tỷ đồng. Dù chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực nhưng việc tổ chức lễ hội chùa Tiên vẫn tồn tại một số hạn chế như: cơ sở vật chất khu thắng cảnh còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu người dân. Khu du tích chưa có bãi xử lý rác thải đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh môi trường; nhà vệ sinh còn thiếu, chưa đạt tiêu chuẩn. Công tác quản lý AN-TT còn chưa chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến hiện tượng ăn xin tràn lan, xe ôm chở khách không đúng nơi quy định. Đặc biệt là khu di tích có nhiều điểm thờ tự không đúng với lý lịch của di tích, còn quá nhiều ban thờ, bát hương, vẫn còn hiện tượng thắp hương trong các động. Còn có hiện tượng tự ý đặt biển giới thiệu di tích không đúng với lịch sử thờ tự, biển hướng dẫn chưa thống nhất.
Những hình ảnh xấu này không chỉ xuất hiện ở lễ hội chùa Tiên mà còn khá phổ biến tại các lễ hội khác trên địa bàn tỉnh. Những tồn tại, hạn chế này đã và đang làm tối đi bức tranh lễ hội rực rỡ ngày đầu xuân.
Ý thức của mỗi người làm nên nét đẹp lễ hội xuân
Để chuẩn bị cho mùa lễ hội xuân 2014, ngày 19/12/2013, Sở VH-TT&DL đã có Công văn số 939 hướng dẫn việc “Tăng cường tuyên truyền và tổ chức các hoạt động chào mừng các sự kiện và công tác QLNN đối với hoạt động quảng cáo và dịch vụ văn hóa và lễ hội trong dịp Tết Giáp Ngọ - 2014”, trong đó nêu rõ nội dung tăng cường kiểm tra, thanh tra các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh; chấn chỉnh các hoạt động vui chơi có thưởng, hoạt động lễ hội, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh; ngăn chặn kịp thời và cương quyết xử lý các vi phạm theo luật định.
Ngoài ra, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong lễ hội truyền thống, UBND tỉnh đã có kế hoạch sẽ hỗ trợ kinh phí và nâng quy mô tổ chức một số lễ hội xuân trọng điểm vùng như lễ hội Mường Động (Kim Bôi), lễ hội đình Ngòi (thành phố Hòa Bình), lễ hội Mường Thàng (Cao Phong) để đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ và tâm linh của nhân dân. UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong công tác quản lý lễ hội như thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức lễ hội. UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương tổ chức tốt việc cấp phép tổ chức và ký cam kết giữa ban tổ chức lễ hội và nhà quản lý để việc tổ chức lễ hội thực sự có hiệu quả.
Tại các địa điểm di tích, thắng cảnh, công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội xuân 2014 đang diễn ra nhộn nhịp, khẩn trương. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy nhấn mạnh: Kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại, huyện Lạc Thủy đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch, kiện toàn bộ máy tổ chức, thành lập các tiểu ban phục vụ lễ hội, phân công trách nhiệm cho từng tiểu ban, cá nhân tham gia phục vụ và quản lý lễ hội 2014; chú trọng tuyển chọn cán bộ là người địa phương có đủ phẩm chất, năng lực, giao tiếp ứng xử tham gia. Đã tổ chức đào tạo thuyết minh tại các địa điểm cho cán bộ, nhân viên ban quản lý khu du tích. Đồng thời từng bước sắp xếp lại nơi thờ tự theo đúng lý lịch của di tích và thống nhất biển bảng chỉ dẫn. Công tác tuyên truyền, quảng bá có tính chất chuyên nghiệp cũng được triển khai rầm rộ, thường xuyên để thu hút khách về với địa phương. Huyện cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị, in vé thắng cảnh, phiếu ghi công đức để công tác quản lý được công khai, minh bạch hơn. Hoạt động đảm bảo AN-TT, ATVSTP, vệ sinh môi trường cũng được siết chặt. Huyện Lạc Thủy đã tập trung các nguồn lực, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, cơ quan chức năng liên quan để có một mùa lễ hội xuân như mong đợi của nhân dân.
Mùa lễ hội xuân 2014 đang đến gần với mồng 4 tháng giêng khai hội chùa Tiên, mồng 7 khai hội đền Bờ, mồng 8 lễ hội Khai hạ (Tân Lạc), mồng 10 lễ hội xên bản - xên Mường (Mai Châu)...
Bên cạnh những động thái mạnh mẽ của chính quyền, ban, ngành đoàn thể các địa phương thì vai trò của người dân - chủ thể lễ hội có ý nghĩa quyết định làm nên giá trị của lễ hội. Không ngắt hoa, bẻ cành; không vứt rác bừa bãi; không chen chúc, giẫm đạp; không mê tín dị đoan... Mỗi chúng ta hãy là một công dân ý thức, trách nhiệm và thanh lịch để làm nên mùa lễ hội xuân 2014 vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Dương Liễu
(HBĐT) - Ngày 27/1, LĐLĐ tỉnh, Sở VH – TT&DL tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao CNVCLĐ, giai đoạn 2014 – 2019.
(HBĐT) - Thực hiện Thông báo số 19/PHP-NVKT-TB ra ngày 20/1/2014, từ ngày 25/1 đến ngày 10 Tết Giáp Ngọ (trừ ngày 29, 30/1 và mùng 1 Tết, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng triển khai tuần phim “Mừng Đảng, mừng xuân Giáp Ngọ 2014”.
(HBĐT) - Mo Mường là giá trị văn hóa phi vật thể quý báu của người Mường Hòa Bình. Đây được coi là một hiện tượng văn hóa đặc sắc của người Mường đã được bồi đắp, gìn giữ từ lâu đời và được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng thời được sáng tạo không ngừng cùng với tiến trình phát triển của dân tộc. Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII), hiện nay, tỉnh ta đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản mo Mường.
(HBĐT) - Những ngày cuối năm, chị Hà Thị Thái, cán bộ MTTQ huyện Mai Châu nhất quyết mời tôi đến bản Nà Cụt, xã Nà Mèo để cảm nhận cái Tết vùng cao và để tận mắt thưởng thức những trò chơi dân gian mà nam, nữ thanh niên ở đây vẫn chơi trong ngày hội xuân.
(HBĐT) - Sở VH-TT&DL vừa có Quyết định số 19 ngày 10/1/2014 về việc phê duyệt các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật năm 2013, gồm:
(HBĐ) - Ấn phẩm Báo Hòa Bình xuân Giáp Ngọ năm 2014 gồm 80 trang (gộp 7 số: 3989 - 3990 - 3991 - 3992 - 3993 - 3994 - 3995), phát hành từ ngày 28/1 - 5/2/2014, in 4 màu, gồm nhiều bài viết phong phú, hấp dẫn, thơ xuân, truyện ngắn ca ngợi sự đổi mới trên quê hương Hòa Bình và của đất nước. Ấn phẩm là món quà xuân đầy ý nghĩa với mỗi người dân, gia đình trong dịp đón xuân mới!
Mời các bạn đón đọc!.