Một góc lòng hồ Sông Đà nhìn từ đền Thác Bờ phía tả ngạn.
(HBĐT) - Là điểm du lịch tâm linh có tiếng trên địa bàn tỉnh, những ngày đầu năm, đền Bờ đã thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương đến thăm quan, hành hương lễ bái.
Thác Bờ xưa còn gọi là thác Vạn Bờ được tạo bởi hàng trăm mỏm đá lớn, nhỏ nhấp nhô giữa dòng sông Đà. Theo truyền thuyết, đền thờ bà chúa thác Bờ là Đinh Thị Vân – người Mường và một bà người Dao ở Vầy Nưa có công giúp vua Lê Lợi về quân lương, thuyền mảng vượt thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn Đèo Cát Hãn. Sau khi mất, hai bà thường hiển linh giúp dân vượt thác an toàn, phù hộ cho trăm dân trong vùng mưa thuận, gió hòa. Bởi vậy, nhân dân trong vùng phong cả hai là Bà chúa Thác Bờ và lập đền thờ phụng. Trước đền thác Bờ thuộc xã Hào Tráng, sau nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, hiện đền tọa lạc tại xã Thung Nai (Cao Phong) và xã Vầy Nưa (Đà Bắc).
Sau 2 giờ lênh đênh giữa sóng nước Đà giang trong cái rét ngọt của những ngày đầu xuân, chúng tôi đã đến đền thác Bờ. Đền Thác Bờ phía tả ngạn nằm trên đỉnh đồi hang Thần ở xóm phố Bờ. Từ dưới bến thuyền, du khách phải leo hơn 100 bậc theo một triền dốc thoải mới đến nơi. Đền gồm 3 gian, mái đền bằng bê tông cốt thép, được thiết kế theo kiểu vòm cuốn và kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh. Hiện nay, tại di tích này còn lưu giữ được một quả chuông đồng được đúc vào tháng 2 năm Thành Thái thứ 6. Đây là điểm dừng chân đầu tiên của du khách trong tour du lịch đến với đền thác Bờ, cũng chính vì vậy, ý thức về việc hành lễ, phục vụ du khách một cách nhân văn, cung nghiêm luôn thường trực trong mỗi thành viên nhà đền. Đã có nhiều năm tham gia hành lễ tại đền thác Bờ, bà Nguyễn Thị Ngọc cho biết: "Quan trọng nhất khi làm việc tại đền là phải có cái tâm sáng. Chúng tôi có trên chục người chuyên viết sớ thuê, bán cành vàng, lá ngọc, giải lá số... tại đền. Tuy nhiên, tất cả đều quan niệm rằng, đây là công việc tích đức, làm việc thiện để lại phúc cho thế hệ sau. Chính vì vậy, giữ gìn hình ảnh tôn nghiêm nơi đền là ý thức, nhiệm vụ hàng đầu của mỗi thành viên". Thực vậy, công tác tổ chức lễ hội tại tour du lịch đền thác Bờ năm nay đã có khởi sắc. Theo quan sát của PV, trong ngày 12/2 không hề có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, hành nghề mê tín dị đoan tại đền. Đặc biệt, hiện tượng "đổi" hay chính xác hơn là mua tiền lẻ không xuất hiện tại đền như mọi năm.
Tiếp tục xuống thuyền, đi thêm 20 phút nữa, du khách sẽ đến với đền thác Bờ phía hữu ngạn toạ lạc trên sườn đồi Sầm Lông, xóm Đền. Ngoài thờ bà Chúa Thác Bờ, đền hiện nay còn thờ các vị thần, thánh trong tín ngưỡng dân gian người Việt như: Công đồng quan lớn, Ngũ vị Tôn ông; bà chúa Sơn Trang (Động Sơn Trang); Tứ phủ Thánh cô, Tứ phủ Thánh cậu; Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn; Tứ phủ Chầu bà; Tam toà Đức Thánh Mẫu... Cũng như nhiều khách thập phương đến với Đền Thác Bờ, chị Trần Thị Quyên (Phú Cường, Tân Lạc) cho biết: tuy không hoành tráng, đồ sộ như nhiều nơi khác nhưng đền thác Bờ vẫn rất uy nghi và nổi tiếng linh thiêng. Nơi đây có địa thế phong thủy hài hòa và hùng vĩ, sau lưng là núi, trước mặt là sông nước hữu tình, thuyền bè qua lại tạo nên khung cảnh rất nên thơ. Mỗi dịp đầu năm, đây đều là điểm dừng chân của gia đình tôi với hy vọng một năm mới luôn thuận buồm, xuôi gió.
Hành lễ xong, khó ai có thể cưỡng lại sự hấp dẫn của những xiên cá nướng sông Đà vàng ruộm, thơm lừng bày bán phía chân đền. Khi đã ấm lòng và thụ hưởng lộc dâng, chuyến du xuân sẽ tiếp tục với hành trình du lịch lòng hồ sông Đà và mãn nhãn với tiên cảnh trong lòng động Thác Bờ. Cả rừng nhũ đá trong động đua nhau mọc lên, vươn xuống với vô vàn hình thù lạ mắt khiến du khách đến thăm sững sờ, choáng ngợp. Trong động có đặt bàn thờ Quan thế âm Bồ Tát, Phật tổ quan âm và Bác Hồ, bạn cũng có thể thành tâm lễ viếng. Theo ông Hồ Xuân Chữ, Trưởng BQL khu di tích động thác Bờ, trong năm 2014, BQL khu di tích sẽ tiếp tục đầu tư, tôn tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng lãm cảnh đẹp, hành hương lễ bái của nhân dân, tuy nhiên trong quá trình đầu tư sẽ đặc biệt chú ý để không làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp tự nhiên của thắng tích.
Lễ hội đền Bờ diễn ra từ ngày 7 tháng giêng và kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, ngay từ tháng chạp, nơi đây đã tấp nập dòng người đổ về lễ tạ, khiến tàu thuyền đậu kín các bến cảng. Đền Thác Bờ- tuyến du lịch sinh thái-văn hóa-tâm linh hấp dẫn, nhất là khi hồ Hòa Bình đã được đưa vào điểm du lịch trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, đáng tiếc là đến với đền Bờ, du khách chỉ nặng phần lễ, còn phần hội hầu như chưa có hoạt động gì, trong khi các bản mường ven hồ còn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của người Mường, người Dao bản địa.
P.V
(HBĐT) - Hòa Bình, vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông với nền văn hóa thời tiền sử nổi tiếng “Văn hóa Hòa Bình, nơi được coi là cái nôi của nền văn hóa Việt - Mường. Toàn tỉnh hiện có 41 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 25 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, có nhiều lễ hội dân gian truyền thống như lễ hội Khai hạ Mường Bi huyện Tân Lạc, lễ hội đền Bờ huyện Cao Phong và Đà Bắc, lễ hội chùa Tiên huyện Lạc Thủy, lễ hội Xiên Mường huyện Mai Châu, lễ hội Hang Chùa, Đình Xàm huyện Yên Thủy... Các lễ hội đã thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước đến dự.
(HBĐT) - Trong 2 ngày 8-9/2 tại xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu, UBND huyện Mai Châu tổ chức lễ hội Xên Mường lần thứ 5 - năm 2014.
(HBĐT) - Ngày 9/2, thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) tổ chức lễ đón nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và khai hội đền Rem. Dự lễ có đồng chí Bùi Ngọc Lâm, TUV, Giám đốc Sở VH-TT&DL, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lạc Thủy và đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện.
(HBĐT) - Trung tuần tháng 11/2013, Ngày hội VH-TT&DL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XII đã được tổ chức tại tỉnh ta với sự tham gia của 6 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Hòa Bình. Ngày hội được tổ chức luân phiên nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc các tỉnh miền núi Tây Bắc. Tăng cường sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc thông qua các hình thức giao lưu, giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thông qua các hình thức hoạt động VH-TT&DL nhằm tôn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc, góp phần thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
(HBĐT) - Từ lâu, Tết Nguyên đán được xem là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam. Tết là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, Tết cũng là dịp để mỗi người Việt Nam tưởng nhớ đến cội nguồn dân tộc, tri ân tổ tiên, tìm về tình cảm gia đình, tình làng, nghĩa xóm. Trong những ngày này có biết bao phong tục tập quán tốt đẹp, “mừng tuổi” đầu năm cũng là một phong tục như vậy.
(HBĐT) - Xa quê, gặp nhau dù chưa quen nhưng biết cùng quê đều có tình cảm dễ gần thân thương với nhau. Tình đồng hương sao mà thiêng liêng, sâu lắng. Đồng hương trên mảnh đất này có nhiều nhưng mỗi đồng hương có sắc thái riêng, đặc trưng riêng, đều đáng quý, đáng trên trọng và cũng đáng học tập.