Rực rỡ sắc màu các dân tộc Tây Bắc trong đêm khai mạc Ngày hội.
(HBĐT) - Trung tuần tháng 11/2013, Ngày hội VH-TT&DL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XII đã được tổ chức tại tỉnh ta với sự tham gia của 6 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Hòa Bình. Ngày hội được tổ chức luân phiên nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc các tỉnh miền núi Tây Bắc. Tăng cường sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc thông qua các hình thức giao lưu, giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thông qua các hình thức hoạt động VH-TT&DL nhằm tôn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc, góp phần thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
Các sắc màu văn hoá của các dân tộc được thể hiện rực rỡ, lung linh để lại ấn tượng khó quên trong lòng người dân và du khách trong nước, quốc tế. Trong nội dung tổ chức Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Mở đầu là lễ dâng hương tượng đài Bác Hồ trên công trình Thủy điện Hòa Bình có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, đoàn diễn viên, VĐV 6 tỉnh. Các đoàn đã tổ chức diễu hành tuyên truyền về bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc trên các trục đường chính của thành phố Hòa Bình tạo ra không khí hân hoan, chờ đón cho người dân. Nhưng điểm nhấn là đêm khai mạc Ngày hội tổ chức tại Quảng trường Cung văn hóa tỉnh Sân khấu trong đêm khai mạc được trang trí công phu với ánh sáng rực rỡ đèn màu đẹp mắt. Không phụ lòng trông đợi của bà con nhân dân dân các dân tộc các tỉnh trong khu vực, bè bạn trong nước và quốc tế, sau phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội với chương trình nghệ thuật có chủ đề: “Hoà điệu Tây Bắc - thiên nhiên kỳ ảo và hồn người đắm say” gồm 3 chương: Chương I: Đường lên Tây Bắc; Chương II: Hoà điệu kỳ ảo; Chương III: Hoà Bình trong khát vọng mới đã khái quát nên một bức tranh Tây Bắc muôn màu cuộc sống của trên 30 dân tộc anh em trong tiến trình hình thành, xây dựng và phát triển. Trong các màn nghệ thuật đã đan xen nhiều bài hát nổi tiếng về Tây Bắc làm say đắm lòng người như “Đường lên Tây Bắc”, “Tình ca Tây Bắc”, “Lời ru bên vành nôi”, Hoa Đất Mường… Và dưới ánh sáng lung linh của các chùm pháo hoa tầm cao rực rỡ lần đầu tiên được bắn ở tỉnh, vòng xoè đoàn kết, thắt chặt tình anh em các dân tộc vùng Tây Bắc đã khép lại đêm khai mạc đầy ấn tượng.
Trong khuôn khổ Ngày hội đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú như Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các tỉnh Tây Bắc với sự tham gia của trên 200 diễn viên, nghệ nhân của 6 đoàn. Các đoàn đã đem đến Liên hoan nhiều tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, cuộc sống đổi mới, quê hương và con người Tây Bắc. Trong đó có một số tiết mục đã để lại ấn tượng trong lòng người xem như “Hòa Bình đêm hội” của đoàn Hòa Bình, “Hương sắc Sơn La”- đoàn Sơn La, “Về miền hoa ban”- đoàn Điện Biên… Phần thi trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Bắc với sự tham gia của trên 20 thí sinh gồm cả nam và nữ. Các chàng trai, cô gái Tây Bắc đã giới thiệu đến người xem những bộ trang phục truyền thống đẹp sắc màu trên các chất liệu khác nhau của dân tộc mình như: tỉnh Sơn La trình diễn trang phục dân tộc Thái, Kinh; Điện Biên với trang phục dân tộc Thái, Mông; Lai Châu dân tộc Lào, Dao; Yên Bái với trang phục dân tộc Thái, Khơ Mú; Lào Cai trang phục dân tộc Mông, Thái, Kinh và tỉnh Hoà Bình giới thiệu đến bè trang phục dân tộc Mường, Thái, Dao.
Các chàng trai, cô gái Hoà Bình rực rỡ trong phần trình diễn trang phục dân tộc.
Trại trưng bày và trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa là một trong những điểm mới trong khuôn khổ Ngày hội. Đến các gian trưng bày, chúng ta có thể xem các ấn phẩm văn hoá, du lịch của các tỉnh như tranh, ảnh hoạt động giới thiệu quảng bá; một số hiện vật, đồ gia dụng, sản phẩm văn hóa, du lịch, ẩm thực đặc trưng của các địa phương. Đặc biệt, phần trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hoá của 6 tỉnh thể hiện những tinh hoa của nền văn hóa bản địa. Qua đó thấy được quan niệm, nhân sinh quan, nếp sống, lối sống sinh động của của các dân tộc Tây Bắc mang chung ý nghĩa giáo dục truyền thống với ước nguyện cầu trời, cầu đất cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Tại đây, các tỉnh đã trình diễn những nghi thức sinh hoạt văn hoá tiêu biểu như: Lễ hội Xên Mường, xã Mường Và, huyện Sốc Cộc, tỉnh Sơn La; dựng cây đu của dân tộc Hà Nhì, tỉnh Lai Châu; nghi thức tổ chức ăn mừng của người Thái trắng tỉnh Điện Biên; lễ hội cầu mùa, dân tộc Khơ Mú, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; lễ hội Đu Mường Vôi, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình và nghi lễ Zơ chá của dân tộc Mông tỉnh Lào Cai. Để hiểu sâu hơn về văn hóa, cảnh đẹp, thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, người xem có thêm địa chỉ Bảo tàng tỉnh để tham gia vào triển lãm “Các dân tộc vùng Tây Bắc đồng hành cùng sự phát triển của đất nước”, triển lãm ảnh “Sắc màu Tây Bắc” và trưng bày Bảo tàng Hoà Bình. Hai gian triển lãm ảnh Tây Bắc trưng bày 252 bức ảnh đa dạng về sắc màu, thể loại. Trong đó, tập trung giới thiệu những nét văn hoá đặc trưng của cộng đồng 54 dân tộc anh em nói chung và đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói riêng. Đặc biệt, triển lãm còn giới thiệu một số hình ảnh về Bác Hồ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc; những bước phát triển về đời sống, những thành tựu của đồng bào Tây Bắc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Phòng trưng bày “Di sản văn hóa tỉnh Hòa Bình” có hơn 300 tài liệu, hiện vật phản ánh một số đặc trưng trong quá trình lịch sử phát triển và văn hóa của các dân tộc trong tỉnh. Điểm nhấn của triển lãm là phần trưng bày “Di sản văn hóa Mường xưa và nay” giới thiệu những sắc thái văn hóa của dân tộc Mường trong mối hoà quyện với các dân tộc khác trong tỉnh. Phiên chợ vùng cao cũng là một trong những chương trình, sự kiện đặc sắc trong khuôn khổ Ngày hội với quy mô 50 gian hàng của các huyện, thành phố, các doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình. Các sản phẩm tại phiên chợ mang đậm nét văn hóa vùng miền của các địa phương trong tỉnh như: cam, mía Cao Phong, gà đồi Lạc Sơn, lợn cắp nách Đà Bắc, trâu Tân Lạc, nước khoáng Kim Bôi, tỏi tía Mai Châu, rượu cần thành phố Hoà Bình, dê núi Lạc Thủy, gỗ lũa Lương Sơn, mật ong Yên Thủy… và nhiều sản vật khác đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến thăm quan, mua sắm. Bên cạnh đó, Giải thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc có sự tham gia của 299 vận động viên thi đấu ở 6 môn thể thao dân tộc là bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, việt dã, tu lu, tung còn đã tăng thêm tinh thần đoàn kết của 6 tỉnh. Hội thi thuyết minh viên du lịch có chủ đề “Tây Bắc thân thiện và quyến rũ” đã giới thiệu đến khán giả và du khách nhiều điểm du lịch của Hòa Bình và các tỉnh như cảnh sắc huyện vùng cao Mai Châu, bản Mường Giang Mỗ (Hòa Bình); Mộc Châu (Sơn La); Sa Pa (Lào Cai)…Cũng nằm trong chương trình Ngày hội còn có hoạt động giao lưu nghệ thuật các tỉnh Tây Bắc tại các huyện Lương Sơn, Kim Bôi và Tân Lạc. Đoàn Nghệ thuật quần chúng 6 tỉnh và các huyện chủ nhà đã biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc giới thiệu về địa phương mình đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân các dân tộc nơi đến giao lưu.
Các nghệ nhân Hoà Bình trình tấu cồng chiêng trong lễ khai mạc Ngày hội.
Ngày hội VH-TT&DL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XII đã kết thúc nhưng những dư âm của Ngày hội vẫn như còn âm vang trong lòng nhân dân các dân tộc trong vùng cũng như đối với du khách tham gia. Đúng như lời đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ, Trưởng BTC Ngày hội khẳng định trong đêm bế mạc: Trong 3 ngày diễn ra Ngày hội với nhiều hoạt động VH-TT&DL đã thu hút hàng ngàn người trong và ngoài tỉnh về tham gia. Đây là sự hội tụ, tỏa sáng về nét đẹp các giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc, để lại những ấn tượng trong lòng du khách, bạn bè trong nước và ngoài nước về hình ảnh đất nước, con người vùng Tây Bắc. Không khí tưng bừng của Ngày hội đã làm cho không gian thành phố Hòa Bình như chật hẹp lại với nhiều cảm xúc khác nhau, niềm vui khác nhau. Song điểm chung là sự vui tươi- đoàn kết - thắt chặt vòng tay nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc. Đó là kết quả gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc của nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XIII). Ngày hội đã được dư luận xã hội đánh giá cao, nhân dân các dân tộc tin tưởng vào công cuộc đổi mới đất nước mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Hương Lan
(HBĐT) - Sáng 7/2, huyện Lạc Sơn và UBND xã Bình Chân đã tổ chức lễ đón bằng công nhận Đình Cổi là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
(HBĐT) - Ngày 7/2 (mùng 8 âm lịch), lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2014 đã tưng bừng diễn ra tại xã Phong Phú (Tân Lạc). Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện, các xã trong toàn huyện và hàng vạn người dân, du khách trong, ngoài tỉnh đã về dự hội.
(HBĐT) - Là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa Thái, huyện Mai Châu thu hút du khách gần xa không chỉ bởi những nếp nhà sàn truyền thống, nét hoa văn thổ cẩm hay các lễ hội độc đáo mà còn bởi những đệu xòe nhịp nhàng, tinh tế. Ai đã từng đến Mai Châu chắc chắn không bao giờ quên được hình ảnh những chàng trai, cô gái bản Thái tay trong tay cùng du khách muôn phương vui trong vòng xòe...
(HBĐT) - Đi lễ đầu năm từ lâu đã trở thành nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam, nhiều người đến chùa những ngày đầu xuân với mong muốn gửi gắm tấm lòng thành kính đến ông bà, tổ tiên và mong ước một năm mới dồi dào sức khoẻ, gặp nhiều may mắn. Và cũng không ít người đi lễ chùa đầu năm là để được du ngoạn thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân, tìm kiếm giây phút thư thái trong tâm hồn.
(HBĐT) - Đánh giá về phong trào xây dựng làng, KDC văn hoá trong 5 năm qua, đồng chí Hoàng Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn khẳng định: Phong trào đã có những tác động tích cực, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 5,8%, hộ khá, giàu chiếm 93%, số hộ có nhà bền vững đạt trên 94%. Phong trào đã phát huy ý thức chủ động, tích cực của người dân tham gia hưởng ứng, thực hiện các CVĐ, phong trào do Trung ương, tỉnh, huyện phát động. Hàng năm, tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá liên tục tăng, năm 2008 là 75,6%, đến năm 2013 phấn đấu đạt 81%, tỷ lệ KDC, làng đạt văn hoá cũng tăng theo từng năm, năm 2013 ước có 142 làng, khu dân cư đạt văn hoá, chiếm tỷ lệ trên 75%.
(HBĐT) - Đền Bờ thuộc 2 xã Thung Nai (Cao Phong) và Vầy Nưa (Đà Bắc) đã chính thức mở lễ từ chiều ngày 31/1 (mùng 1 Tết) và thường kéo dài hết tháng 3 âm lịch. Phần hành lễ đã được tiến hành trang nghiêm tại 2 đền.