Chùa Khánh, xã Yên Thượng được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân.
(HBĐT) - Cao Phong là vùng đất giàu tiềm năng du lịch với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, những địa điểm từ lâu đã hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế như bản du lịch Giang Mỗ, xã Bình Thanh. Nhưng gần đây, người ta thường nhắc nhiều đến các điểm du lịch tâm linh của huyện như đền Bờ, xã Thung Nai, chùa Quèn Ang, xã Tân Phong và chùa Khánh, xã vùng cao Yên Thượng... Du lịch tâm linh đã và đang hứa hẹn là điểm nhấn của du lịch Cao Phong, góp phần thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của huyện phát triển.
Giới thiệu về điểm du lịch tâm linh chùa Khánh, đồng chí Bùi Minh An, Bí thư Đảng uỷ xã Yên Thượng cho biết: Di tích lịch sử chiến khu Thạch Yên (chùa Khánh) là di tích lịch sử cấp tỉnh có lịch sử khoảng trên 300 năm. Vì xung quanh chùa cũ có 7 cây thông xanh khoảng trên 300 năm tuổi. ở ngôi chùa cũ thời kỳ chống Pháp, bộ đội và du kích chọn chùa Khánh là nơi tập kết, huấn luyện. Năm 1954, bộ đội địa phương và nhân dân du kích xuất phát từ chùa Khánh cùng bộ đội chủ lực giải phóng thị xã Hòa Bình. Do thời gian tàn phá, chùa cũ đã bị hỏng. Được sự quan tâm của UBND tỉnh và UBND huyện, năm 2009, chùa Khánh đã được khôi phục, xây dựng lại khang trang và đẹp đẽ, thuận lợi về giao thông để du khách đến thăm. Vào dịp đầu năm, chùa Khánh là điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương với khoảng 5.000 lượt người đến viếng thăm mỗi năm.
Thuận lợi về giao thông hơn xã Yên Thượng, khu di tích chùa Quèn Ang, xã Tân Phong từ lâu cũng là điểm sinh hoạt tâm linh của nhân dân quanh vùng. Đưa chúng tôi đi thăm chùa Quèn Ang mới được đầu tư xây dựng, đồng chí Bùi Văn Tín, Chủ tịch UBND xã Tân Phong giới thiệu: Nói đến Khu di tích chùa Quèn Ang phải nhắc đến Sự tích “Vườn hoa núi Cối”. Đây là một thiên tình sử đẫm lệ của người Mường, truyện thơ kể về hai đôi trai, gái yêu nhau đó là 2 anh em Khói và Va yêu 2 chị em Thơm và Tiên. Do trắc trở về tình duyên, họ không lấy được nhau và đành chấp nhập cái chết bi thảm (thời kỳ phong kiến hà khắc). Vườn hoa núi Cối đã làm sinh động thêm bản trường ca dân tộc Mường (Đẻ đất, đẻ nước). Chùa Quèn Ang, Vó Viếng (tiếng địa phương) theo sự tích kể lại tại Vó Viếng (Viếng là nồi bằng đồng dùng để đặt chõ lên để đồ xôi) cứ buổi chiều lại nổi lên một cái viếng bằng vàng. Từ đó, nhân dân trong vùng nuôi trâu, trâu lớn, cấy lúa, lúa tốt đời sống con người trở nên sung túc nên đã xây dựng chùa Quèn Ang để thờ viếng. Theo thời gian, chùa đã bị hỏng trên nền chỉ còn lại cây đại to với khoảng 300 năm tuổi và 1 cái chuông chùa bằng đồng cao khoảng 0,8 m, nặng khoảng 85 kg. Chùa Khánh mới hoàn thành đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của bà con trong và ngoài xã. Đây cũng là địa bàn để huyện phục dựng lễ hội khai hạ đầu năm của người Mường. Theo kế hoạch, trong khu vực còn đầu tư xây dựng ngôi chùa 9 tháp với diện tích 400 m2 trên đỉnh núi khu vực có sự tích “Vườn hoa núi Cối”. Đây hứa hẹn sẽ là điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách đến dâng hương trong mối dịp lễ, tết, góp phần vào phát triển KT-XH của xã.
Chị Bùi Yến Minh, cán bộ Phòng VH-TT huyện Cao Phong cho biết: Trên địa bàn huyện, ngoài du lịch sinh thái, hang động nổi bật có du lịch văn hóa tâm linh, du lịch thăm quan các điểm di tích lịch sử. Những năm qua, huyện đã có sự quan tâm, chỉ đạo về phát triển du lịch, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Từng bước đẩy mạnh thu hút đầu tư đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Trong đó phải kể đến việc đầu tư tu bổ, xây dựng đền Bờ, chùa Khánh, chùa Quèn Ang, Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan và gần đây là xây dựng đền thượng bồng lai cô đôi thượng ngàn với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng trong quần thể hang động núi Đầu Rồng. Dự kiến tháng 11/2014, đền sẽ được bàn giao và đưa vào sử dụng. Theo chị Bùi Yến Minh, việc đầu tư xây dựng du lịch sinh thái, hang động kết hợp với tâm linh chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài huyện, góp phần nâng cao số lượng du khách và thu nhập du lịch của huyện. Riêng quý I/2014, huyện đón 31.953 lượt khách đến thăm quan. Trong đó có 31.246 khách trong nước, 707 khách quốc tế. Tổng thu nhập từ du lịch đạt 1,5 tỷ đồng. Trong đó, đền Bờ đón 19.187 khách, khu di tích lịch sử cách mạng chùa Khánh 3.500 khách, chùa Quèn Ang 2.500 khách... Để du lịch tâm linh tiếp tục khẳng định được vai trò, trong thời gian tới, huyện sẽ xây dựng tour thăm quan khu di tích lịch sử văn hóa Cù Chính Lan, đền Bờ, du lịch sinh thái hồ Hòa Bình; tuyến du lịch Tân Phong - Dũng Phong - Yên Lập - Yên Thượng thăm di tích lịch sử văn hóa chùa Quèn Ang, “Vườn hoa núi Cối”, chùa Khánh, du lịch bản Mường xã Yên Thượng, Yên Lập. Cùng với đó sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ.
Hương Lan
(HBĐT) - Cùng với nhiều hoạt động tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới... năm 2013, xã Mông Hoá (Kỳ Sơn) được chọn xây dựng mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới đầu tiên của huyện. Sau 1 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ xã (VSTBPN), hoạt động của mô hình đã giúp người dân nâng cao nhận thức về bạo lực trên cơ sở giới, nguyên nhân và tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, được tiếp cận ít nhất một hoạt động can thiệp, nhờ đó đã giảm tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng.
(HBĐT) - Nghị quyết số 02-NQ/HND của BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (khóa III) về công tác tư tưởng - văn hóa (gọi tắt là NQ02) được triển khai đến nay đã 15 năm (1999 - 2013). Tại tỉnh ta, đồng chí Nguyễn Trường Phong, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Việc triển khai NQ02 được các cấp Hội chú trọng, do đó đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên nông dân, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của HND các cấp.
(HBĐT) - Sáng 21/4, Sở VH-TT&DL tổ chức lễ phát động Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất 21/4, ngày sách và bản quyền thế giới 23/4, khai mạc trưng bày và giới thiệu sách Thư viện tỉnh năm 2014. Tới dự lễ phát động có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh.
(HBĐT) - Thực hiện Thông báo số 202/ĐA-PBP ngày 4/4/2014 của Cục Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng triển khai kế hoạch số 37 về tổ chức đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn Giải phóng miền Nam 30/4, Quốc tế lao động 1/5, sinh nhật Bác 19/5 và 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2014).
(HBĐT) - Mới 7h sáng, đội văn nghệ tổ 15, phường Thái Bình (TPHB) đã có mặt đông đủ để khớp lần cuối chương trình chuẩn bị biểu diễn. Chị Nguyễn Phương Dung, đội trưởng đội văn nghệ tổ 15 chia sẻ: Hôm nay tổ khánh NVH, đội văn nghệ chúng tôi đã chuẩn bị các tiết mục múa, hát đặc sắc nhất để phục vụ bà con. Đội văn nghệ của tổ người già đã hơn 60 tuổi, người trẻ hơn 30 tuổi và có cả các em nhỏ 6-7 tuổi. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ hơn, họ khoác trên mình những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của áo dài, váy Thái, váy Mường khác hẳn với ngày thường.
(HBĐT) - Đồng chí Đặng Thái Sơn, Chủ tịch UBND xã Toàn Sơn (Đà Bắc) chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn xã Toàn Sơn có 46% dân số là dân tộc Dao. Từ xa xưa, dân tộc Dao có nền văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc, phản ánh nhiều lĩnh vực của đời sống.