Cụ Khà Văn Ư, người duy nhất còn lại ở Mai Châu biết làm khèn bè.

Cụ Khà Văn Ư, người duy nhất còn lại ở Mai Châu biết làm khèn bè.

(HBĐT) - Thú thực, tôi không rành lắm về âm nhạc. Với âm nhạc dân tộc thì lại càng không. Vậy mà lạ, tiếng khèn bè réo rắt của ông Khà Văn Ư, xóm Nà Phòn, xã Nà Phòn (Mai Châu) như một chất men say. Cứ dìu dặt, thiết tha đưa hồn người phiêu lãng với núi, với rừng trong màn sương chiều bảng lảng.

 

Khèn bè - một nhạc cụ độc đáo từ lâu đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của đồng bào người Thái ở Mai Châu. Tiếng khèn xuất hiện trong tất các các lễ nghi và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Giai điệu khèn bè theo những ngón tay và hơi thổi trong ánh lửa đêm giữa mùa vàng trĩu hạt; giữa những điệu xòe, tiếng khèn réo rắt cứ say trong điệu múa, say trong ánh lửa đêm bập bùng của những đôi trai gái. Khi đôi má ửng hồng, chẳng biết người con gái say men rượu nồng hay men tình dìu dặt, thiết tha trong tiếng khèn của chàng trai bản. Đôi mắt ấy của người con gái với cái nhìn tha thiết đã gợi nhắc đến quá khứ xa xưa về một câu chuyện tình buồn.

 

Truyền thuyết kể rằng, xưa kia ở một bản nọ, có chàng trai nghèo họ Lò sống nhân hậu và có tài thổi sáo. Mỗi khi chàng đưa cây sáo trúc lên miệng thổi là một âm thanh thật kỳ lạ thoát ra. Chính âm thanh dìu dặt, mê hoặc ấy đã làm xao xuyến biết bao tâm hồn những cô gái khắp 9 bản, 10 mường. Trong số ấy có con gái “rượu” xinh đẹp của Tạo bản. Cô gái yêu chàng tha thiết, chàng trai cũng vậy. Ngày tháng êm đềm cứ yên bình trôi, tình yêu của đôi trai gái ngày càng sâu đậm. Biết chuyện, Tạo bản đã tìm đủ mọi cách để ngăn cấm tình yêu của con gái với chàng trai nghèo họ Lò. Dẫu vậy, họ vẫn cứ là một đôi, lén lút gặp nhau nơi con suối mát lành, nơi chàng trai ngân lên những khúc nhạc yên bình. Biết con gái vẫn còn nặng tình với chàng trai nghèo, Tạo bản đã sắp xếp một đám cưới, gả con gái cho một người giàu có ở bản bên.

 

Không trái được ý cha, ngày ngày ngồi bên khung cửi, cô gái khóc thương cho mối tình còn dang dở. Vào một đêm trăng tròn, cô gái trốn nhà ra ngoài để gặp chàng trai lần cuối. Mắt rưng rưng sóng nước, cô đưa cho chàng một kỷ vật là miếng sáp ong rừng còn hằn in đậm dấu tay cô mỗi khi kéo sợi, dệt vải. Kỷ vật ấy sẽ thay hình bóng cô gái ở bên chàng trai mãi về sau. Nhận kỷ vật của người yêu, chàng trai buồn bã bỏ bản ra đi. Lang thang qua khắp núi rừng, đến một dòng suối nhỏ chàng trai dừng chân nghỉ. Thấy bên suối có nhiều cây nứa tép, chàng chọn chặp lấy từng dóng nứa to, nhỏ khác nhau, miệt mài gọt thành sáo đem thổi. Càng thổi, càng thêm buồn. Chàng lại chặt thêm các dóng nữa, bó cây sáo lạ với nhau, lấy sáp ong người yêu tặng bịt kín các kẽ hở giữa ống sáo, dùng dao vạt chéo hết phần đầu các ống sáo rồi ngồi bên bờ suối thổi. Lạ thay, âm thanh từ thứ nhạc cụ chàng vừa làm phát ra cao, thấp nỉ non như tiếng khóc thầm của người yêu. Tiếng khèn càng thổi, càng làm cho chàng trai buồn nhớ người yêu da diết. Chàng cứ mải mê thổi, thổi mãi cho tới khi lịm đi và không còn tỉnh dậy được nữa. Khi chết, trên tay chàng vẫn ôm chặt cây khèn. Từ đó, câu chuyện về cây khèn của chàng trai họ Lò và tình yêu với người con gái Tạo bản được người Thái ở khắp bản, mường vẫn mãi nhắc đến như một biểu tượng tình yêu bất diệt cho đến tận ngày nay.

 

            

                                       Cùng tấu lên những khúc nhạc vui.

 

 

Mỗi cây khèn bè được tạo bởi 14 ống nứa là 14 âm điệu. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Chẳng vậy mà năm 2011, cụ Khà Văn Ư được huyện mời đứng lớp truyền dạy cách làm khèn cho 24 người trong huyện. Nhưng cho đến nay chỉ duy nhất 1 người làm được. Vuốt ve cây khèn đã bóng láng mồ hôi, cụ Khà Văn Ư chia sẻ: Làm khèn cái quan trọng nhất là ống nứa và lưỡi gà. Ông nứa thì phải chọn những cây bằng nhau, không được mỏng quá cũng không được dày quá và phải là cây nứa bánh tẻ, không được làm bằng những cây non hoặc già quá. Còn lưỡi gà thì có thể làm bằng nhiều chất liệu khác nhau nhưng phải mài thật khéo léo nếu không cây khèn sẽ bị “lệch” âm. Thế nên, với người Thái, người làm khèn là một người thợ tài hoa. Một người mà luôn được bản mường quý trọng. Chính họ đã làm cho cuộc sống nơi núi rừng trở nên vui tươi, sống động. Người làm khèn cũng chính là người thổi khèn hay nhất. Chẳng vậy mà người ta vẫn bảo, tiếng khèn bè chính là cái hồn của người dân bản Thái. Nó trở thành thứ nhạc cụ không thể thiếu trong bất cứ sinh hoạt văn hóa như cưới hỏi, lễ tết hay trong ngày hội đón xuân. Tiếng khèn còn là khúc dạo đầu cho các chàng trai, cô gái Thái đến với nhau. Khi tiếng khèn bè cất lên nó như mở ra cả một thế giới rộng lớn. Thế giới của tình yêu đôi lứa lúc thì da diết sâu lắng, lúc lại ngân nga như tiếng suối reo ghềnh đá, tiếng gió hát qua khắp núi đồi...

 

Đã một lần được nghe tiếng khèn bè réo rắt khi ánh trăng chiếu rọi khắp núi rừng mới thấy đó là những thứ âm thanh làm mê hoặc lòng người. Giữa đêm khuya thanh vắng, lời khèn cất lên những tiếng trầm, tiếng bổng, bỗng như trái tim yêu trở nên lạ như anh bạn thi sỹ người Thái, Lò Cao Nhum từng thổn thức, mải mê với “Lời khèn” vọng lại từ núi rừng xa: “Tiếng khèn gọi trời xanh/ Gió hiu hiu mà liếp nhà em suốt chiều không hở /Lời khèn là hoa là quả /Hoa chỉ cuối mùa, quả chỉ cuối năm /Tiếng khèn hát cầu van / Ngày một ngày hai ngóng sang cửa liếp /Chẳng nguồn mạch đâu, suối còn có khúc /Lời cạn rồi, khèn treo vào đâu?”. Và chúng tôi cũng vậy, cứ mải miết theo “lời khèn” để thấy như “suối hát tình ca”...

 

 

 

                                                                            Mạnh Hùng   

 

 

Các tin khác

Anh Đoàn sở hữu hàng chục con chim hót.
Một tiết mục biểu diễn tại chương trình nghệ thuật Sắc xuân Ất Mùi 2015.
Bản Mường Giang Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) thu hút du khách bởi cảnh sắc tươi đẹp, lưu giữ nét văn hoá truyền thống
Thành phố Hòa Bình lung linh trong ánh đèn.  Ảnh: H.D

Cây mía trong ngày Tết và đám cưới cổ truyền của người Mường

(HBĐT) - Cây mía được trồng bằng ngọn và các đốt. Trong tự nhiên, khi bị đổ, cây rạp xuống đất, trên các đốt sản sinh ra một chồi khác, rễ từ quanh đốt mọc ra, ăn xuống đất, từ đây một cây mía khác lại mọc lên. Ngay cả khi cây đang lớn nếu không chăm sóc, bóc bẹ già, từ các đốt mía lại mọc ra các chồi non đâm ngang ngay trên thân cây mẹ.

Thăm nước bạn Lào - Nơi mạch nguồn tuôn chảy

(HBĐT) - Cuối tháng 11, theo lời mời của Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch nước CHDCND Lào, đoàn công tác của Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam mà thành viên đa phần là các nhà báo đã có một tuần làm việc trên đất nước bạn. Nơi ấy, ấn tượng sâu đậm nhất là văn hóa Lào, tình hữu nghị sâu sắc thủy chung Việt - Lào.

Hội xuân Kỳ Sơn

(HBĐT) - Trong nắng đầu xuân, người dân vùng Mường Kỳ Sơn lại nô nức cùng nhau trẩy hội. Hội xuân Kỳ Sơn hàng năm được tổ chức luân phiên giữa các vùng, xã đã mang đến không khí tươi vui, phấn chấn cho nhân dân hướng đến một năm mới nhiều may mắn, tốt lành.

Lưu giữ phong tục trồng cây nêu ngày Tết

(HBĐT) - Trong câu hát cổ xưa của người Việt gói ghém khá nhiều phong tục dịp Tết cổ truyền: “Thịt muối dưa hành, câu đối đỏ; cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Cây nêu ngày Tết giờ ít thấy ở những chốn thị thành đông đúc nhưng tại nhiều địa phương trong tỉnh như Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, nhân dân các dân tộc Mường, Kinh vẫn lưu giữ phong tục này với ý nghĩa đón mừng năm mới, mừng tổ tiên về với con cháu, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều bất hạnh trong năm cũ và cầu mong một năm mới tốt lành.

Sắc xuân trên bản Mường xóm Ải

(HBĐT) - Bản Mường xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) vui náo nức trong ngày hội mùa xuân. Chúng tôi cảm nhận điều đó khi đi trên con đường bê tông trải rộng, thoáng đãng, thẳng băng tìm về nơi được xem là làng cổ xưa nhất của xứ sở Mường Bi xinh đẹp. Đây là nhịp cầu kiên cố bắc qua con suối hiền hòa chảy róc rách đêm ngày, kia là những chân ruộng mướt xanh màu của lúa, rau, ngô, sắn. Những ngôi nhà sàn còn sót lại theo lối kiến trúc của người Mường cổ nằm yên bình dưới bóng mát của rặng tre và những tán cau. Người già cười ngất ngư xem lũ trẻ trong xóm chạy quanh đụn rơm khô chơi trò đuổi bắt, chị em phụ nữ tập trung ở sân nhà văn hóa múa, hát, đánh cồng chiêng… Tất cả gợi lên nhịp xuân phơi phới trên bản Mường.

Quản lý lễ hội 2015: “Nóng” chuyện tiền lẻ

Kiểm tra ráo riết, phối hợp liên ngành trong việc quản lý lễ hội năm 2015, đặc biệt đối với các hiện tượng gây nhức nhối nhiều năm nay như đặt tiền lẻ, tăng giá dịch vụ… là những việc mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng thực hiện ngay từ trước khi mùa lễ hội bắt đầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục