ông Bùi Thanh Vững cùng vợ ôn lại kỷ niệm về những ngày canh cho giấc ngủ của Bác Hồ.
(HBĐT) - “Vinh quang con đứng bên Người/ Canh cho Bác ngủ ngon giấc...”. Người chiến sĩ tiêu binh đầu tiên bên Lăng Bác Hồ đã không nén được xúc động khi nghe lại những ca từ da diết trong bài hát “Chúng con canh giấc ngủ cho Người”. Bao kỷ niệm từ 40 năm trước về một đơn vị đặc biệt và những giây phút thiêng liêng đầu tiên đứng canh giấc ngủ cho Bác ùa về nguyên vẹn trong ký ức của người con đất Mường Kim Bôi Bùi Thanh Vững.
Đơn vị đặc biệt
Từ nhỏ, chàng trai Bùi Thanh Vững ở xóm Báy, xã Sào Báy (Kim Bôi) đã mong trở thành bộ đội Cụ Hồ. Điều đó đã trở thành hiện thực vào tháng 8/1974, anh được nhập ngũ vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 144, Bộ Tổng tham mưu. Sau khóa huấn luyện, Trung đoàn tổ chức tuyển chọn trong số gần 900 chiến sĩ mới những người đủ tiêu chuẩn vào đơn vị đặc biệt C100. Được chọn vào danh sách đặc biệt, tháng 12/1975, chiến sĩ Vững cùng đồng đội hành quân lên trường huấn luyện tại huyện Tam Nông (Phú Thọ). Anh chia sẻ: Chính thức vào giai đoạn huấn luyện, bài 1 - vác súng đi đều, chúng tôi vốn là con nhà nông nên thấy nhẹ nhàng. Đến bài 2 cầm súng đứng nghiêm mới thấu thế nào là gian khổ vì bài này đòi hỏi cả sức khỏe và ý chí. Mỗi tuần 2 buổi tập, bắt đầu đứng nghiêm 30 phút, sau nâng dần lên 45 phút, 1h, 2h, 4h và kỷ lục là 5h trong tư thế đầu ngay, cổ thẳng, miệng ngậm, cằm thu, ngực nở, bụng thót, khuôn dung tươi tỉnh, mắt hạn chế chớp, không cựa quậy dù bất kỳ lý do gì. Quả thực 20 phút đầu thật đơn giản đối với cánh lính trẻ nhưng sau 30 phút trở đi, đứng nghiêm thực sự là thử thách lớn. Lúc đó đúng mùa hè, dưới cái nắng như đổ lửa, nền sân gạch hầm hập, chân đi dày cosơgin vừa cứng, vừa nặng, phỏng rộp cả da, mặt mũi ai cũng đen nhẻm, chỉ còn chỗ quai mũ là trắng. Thỉnh thoảng bọn kiến lại bò lên đốt rất ngứa nhưng vẫn không được gãi. Khi mặt trời đứng bóng, thỉnh thoảng lại có tiếng rơi bịch của khẩu súng hay người bị ngã. Ngay cả những anh cao 1,78 m, nặng trên 70 kg vẫn bị “đổ”. Một tổ quân y luôn trực sẵn để cấp cứu nhưng không ai bỏ tập. Sau đó, chúng tôi chuyển sang tập theo mô hình xây trên một quả đồi mà mãi sau này mới biết đấy là mô phỏng Lăng Bác Hồ. Tôi vinh dự được chọn vào đội tiêu binh thi hài, đứng gần Bác nhất, một số khác vào đội tiêu binh cửa Lăng. Niềm vinh dự, vui sướng được nhận nhiệm vụ cao cả nên dù lúc này, nghi thức tập khắt khe hơn nhưng khí thế huấn luyện vô cùng sôi nổi. Đến ngày 20/8/1975, C.100 được lệnh hành quân về Hà Nội chính thức nhận nhiệm vụ cao cả.
Vinh quang con đứng bên Người
Ngày 29/8/1975 là ngày khánh thành Lăng Bác, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân được vào viếng và nhìn thấy hình ảnh Bác Hồ. Bùi Thanh Vững vinh dự được chọn là 1 trong 4 chiến sĩ nhận nhiệm vụ ca gác tiêu binh thi hài đầu tiên trong lễ mở cửa Lăng. “Khoảng 20h ngày 28/8/1975, chúng tôi ôm nhau reo lên sung sướng khi đồng chí Trung đội trưởng thông báo tên 4 người được làm nhiệm vụ thiêng liêng nhất. Tôi được đảm nhiệm đứng tiêu binh số 3 bên thi hài Bác. Đêm đó, tôi thấp thỏm vừa mừng, vừa lo, cứ đi vào, đi ra nhìn về hướng Lăng Bác, tâm trạng bồi hồi rồi thời khắc lịch sử đã đến, ngay khi bước chân đến gần thi hài Bác để làm nhiệm vụ, cả 4 người chúng tôi dù đã được rèn luyện tinh thần nhưng vẫn sững lại xúc động bởi lần đầu tiên được nhìn thấy Bác gần như vậy. Không ai bảo ai, tất cả đều bước nhẹ, thật nhẹ để Bác ngủ, giấc ngủ ngàn thu. Dòng người kéo dài đến tận vườn Bách Thảo bắt đầu vào viếng Bác. Ai cũng nghiêm trang đi vòng quanh thi hài Bác. Những tiếng nấc nghẹn ngào, tình cảm thiêng liêng của cán bộ, nhân dân dành cho Bác khiến chúng tôi khóe mắt cũng cay cay, muốn bật khóc. Song, trước nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước giao phó, chúng tôi càng phải kiên trung, vững lòng canh cho giấc ngủ của Người” - ông Bùi Thanh Vững nhớ lại. Có lẽ đó là kỷ niệm xúc động, đặc biệt nhất trong cuộc đời ông. Bởi trong trái tim của người con đất Mường, Bác là tài sản tinh thần dân tộc vô giá của hôm nay và muôn đời sau.
Giờ đây, dù đã xuất ngũ về quê hương nhưng ông luôn tự hào, theo dõi tình hình đơn vị, hướng tình cảm về Quảng trường Ba Đình cả trong suy nghĩ và những giấc mơ vì nơi đó có Bác kính yêu.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Sáng 12/6, BCĐ lập hồ sơ Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình tổ chức họp bàn về Kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cam kết sau khi Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp bằng bảo trợ cho Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Sáng 12/6, tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc thi viết “Người tốt-việc tốt” tỉnh năm 2015 đã họp bàn, triển khai kế hoạch, chuẩn bị cho việc tổ chức trao giải.
(HBĐT) - Hè về, ở các trường học, điểm đông dân cư, Trung tâm văn hoá... của TP Hoà Bình được trưng khá nhiều các tấm biển, tờ rơi quảng cáo bắt mắt: Tuyển sinh các lớp học năng khiếu như “Học kỳ quân đội”, “Bé tập làm lãnh đạo” và một số môn năng khiếu khác. Ngay khi những tấm biển quảng cáo đó được trưng lên, các bậc phụ huynh đăng ký cho con tham gia các lớp học với sự kỳ vọng: con mình sẽ được chăm sóc tốt cả về tinh thần, thể chất để có thể trưởng thành hơn, sẽ có ích cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, có một thực tế đáng nhìn nhận là số trẻ em có lối sống thờ ơ, vô cảm ngày càng tăng và đã đem lại sự phiền lòng cho không ít bậc cha mẹ.
(HBĐT) - Bộ VH-TT&DL vừa ban hành Công văn số 1923 về việc tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch.
(HBĐT) - Công an tỉnh vừa ra mắt cuốn sách Người gieo mầm thiện. Cuốn sách là hoạt động thiết thực nằm trong chuỗi nội dung hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống lực lượng CAND và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ, do Thiếu tướng Bùi Đức Sòn, Giám đốc Công an tỉnh và các cộng sự chỉ đạo nội dung.
(HBĐT) - Quê tôi có nhiều hương thơm đặc biệt lắm. Tôi thực khó tưởng tượng được đó lại là những mùi hương thấm sâu vào máu thịt, vào tâm hồn con người.