Lãnh đạo các cơ quan báo Đảng khu vực trung du, miền núi phía Bắc

 thăm di tích lán Nà Nưa.

Lãnh đạo các cơ quan báo Đảng khu vực trung du, miền núi phía Bắc thăm di tích lán Nà Nưa.

(HBĐT) - Tháng Tám lịch sử, cùng với triệu triệu trái tim trên mọi miền Tổ quốc, tôi hướng sự quan tâm đặc biệt đến sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào và cũng là kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Tân Trào - Tuyên Quang những ngày này thật rực rỡ, trang trọng và căng tràn hào khí của hồn thiêng sông núi. Những hình ảnh đẹp đó cứ mãi khắc sâu trong tâm trí, hối thúc con tim, khối óc và đôi chân tôi về lại nơi khởi nguồn cách mạng này.

 

Đã từng đọc, từng nghe trong sử sách về những ngày tháng đầy gian khổ của Bác Hồ ở nơi núi rừng Việt Bắc, nhưng chúng tôi vẫn không kìm được nước mắt khi nghe hướng dẫn viên Trương Mỹ  Duyên giới thiệu về lán Nà Nưa với chất giọng nhẹ nhàng, trầm bổng, đong đầy cảm xúc. Rời Pác Bó - Cao Bằng về với Tân Trào, Bác Hồ ở lại 1 tuần trong làng với nhân dân, sau đó để đảm bảo bí mật và tiện cho công việc Bác chuyển lên ở trong ngôi lán này. Căn lán đơn sơ, cột được làm bằng cây chôn xuống đất, rui, mè bằng tre, nứa, mái lợp lá gồi. Lán được ngăn thành 2 nửa: một bên là chỗ Bác ngồi làm việc có đặt chiếc máy chữ, sách, báo và một vài vật dụng đơn sơ khác, còn một bên Bác dành làm chỗ nghỉ. Hồi ấy, nơi đây rừng âm u, rậm rạp. Thức đêm nhiều, lần hồi với những bữa ăn đạm bạc chủ yếu là rau với măng rừng lại luôn phải chống chọi với muỗi, vắt, Bác đã bị mệt nặng. Những cơn sốt triền miên khiến Bác lả người, hốc hác. Thế nhưng, cứ gượng dậy được là Bác lại làm việc và bàn việc cách mạng. Thể trạng yếu ớt nhưng Bác đã dặn lại đồng chí Võ Nguyên Giáp những câu chắc nịch:  Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập. Tại căn lán này, Bác đã khởi thảo nhiều văn kiện, Chỉ thị, đưa ra nhiều chủ trương, kế hoạch cho kháng chiến. Cũng tại đây, Bác Hồ đã triệu tập hội nghị cán bộ ngày 4/6/1945, quyết định thống nhất chiến khu thành Khu giải phóng; thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng. 

 

Chúng tôi tới thăm lại Đình Tân Trào, nơi các đại biểu từ khắp mọi miền đất nước về họp Quốc dân Đại hội ngày 16/8/1945 mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gọi là “Hội nghị Diên Hồng” của cách mạng. Tại cuộc họp này đã thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách của Việt Minh, cử ra ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; đình Hồng Thái, nơi dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi từ Pác Bó (Cao Bằng) về căn cứ địa cách mạng ở Tân Trào - được chọn làm trạm giao liên và huấn luyện quân sự trong suốt thời kỳ kháng chiến.

 

Chuyến đi lần này còn có đông đảo anh, chị em đồng nghiệp đến từ Cao Bằng, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên. Trong số họ có người đã trở lại đây lần thứ tư, nhưng những cảm xúc vẫn nguyên vẹn như lần đầu được đặt chân tới. Mỗi địa danh, di tích ở đây đều là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược cùng tư duy sáng tạo và hành động kịp thời của Đảng ta, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

 

 

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang) luôn là điểm đến của đông đảo du khách.

 

Thực hiện xong nghi lễ dâng hương tại di tích Đình Tân Trào, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang Vũ Thị Bé cởi mở: Về với Tân Trào nói riêng và Tuyên Quang nói chung là hành trình về nguồn. Mong rằng với cuộc hội ngộ này, các anh, chị, những người đồng nghiệp sẽ dành những giây phút lắng đọng để cảm nhận những đổi thay trên quê hương cách mạng, hun đúc thêm lòng tự hào dân tộc. Qua đó lưu giữ những cảm xúc đẹp để truyền tải thành những bài viết hay về lịch sử, truyền thống cách mạng mà Tân Trào - Tuyên Quang là một trong những điểm khởi nguồn. 

 

Tân Trào hiện sở hữu gần 200 di tích, với 19 di tích được Bộ VH-TT &DL công nhận là di tích lịch sử quốc gia, 30 di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, lại nằm trong vùng rừng đặc dụng có nhiều thảm thực vật quý hiếm. Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào không chỉ là “địa chỉ đỏ” nuôi dưỡng tinh thần cách mạng cho thế hệ hôm nay mà còn có đầy đủ tiềm năng để phát triển loại hình du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái. Với thế mạnh này, nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đã triển khai nhiều biện pháp để kích cầu du lịch có hiệu quả. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân Tân Trào đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM, tạo diện mạo mới cho vùng quê vốn rất nhiều khó khăn trước đây. Tân Trào trở thành xã NTM đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang.

 

Sẽ không trọn vẹn nếu chưa được đứng chân dưới tầm nhìn của Bác, thắp nén hương thơm thành kính, báo công với Bác những việc đã làm. Vì vậy, khi rời Khu di tích lịch sử - văn hóa Tân Trào, vệt nắng đã chói chang nơi đỉnh đầu, các thành viên trong đoàn vẫn hăm hở quay trở về thành phố để được viếng thăm Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Và tất nhiên không chỉ là được thăm quan, ghi lại những khuôn hình đẹp bên công trình bề thế, mà là để được đứng trước anh linh của Người (bên Nhà tưởng niệm Bác Hồ), hứa với Bác sẽ luôn giữ cho “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” để  xứng đáng là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng. Cuộc hành trình ngắn ngủi nhưng thật nhiều ý nghĩa cho việc trau dồi đạo đức cách mạng, ôn lại truyền thống lịch sử để củng cố thêm niềm tự hào dân tộc.

 

 

 

                                                                       Lam Nguyệt

 

Các tin khác

Chị Nguyễn Thị Thủy, tổ giao thông – cây xanh – Công ty CP đô thị Hòa Bình chăm sóc những bồn hoa rực rỡ trang hoàng đường phố ngày xuân.
Loại cây Tứ Quý được bán nhiều ở khu vực Trung tâm thương mại bờ trái sông Đà
Lá dong tạo nên sự phong phú của phiên chợ Bưng, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) ngày giáp Tết.
Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, UBND thành phố, cơ quan báo chí tỉnh nhà tham quan phòng trưng bày báo xuân.

9 huyện, thành phố tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa

(HBĐT) - Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhân dịp đón Tết cổ truyền, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; thi đua lao động - sản xuất hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2016, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Làng hoa Trung Minh rộn rã vào xuân

(HBĐT) - Làng hoa Trung Minh những ngày cận Tết đẹp rực rỡ, nông dân tấp nập vun xới, chăm hoa. Người bán buôn tìm đến Trung Minh đặt hàng, người dân sành hoa cũng đến để ngắm và lựa chọn những nhành hoa mà mình yêu thích. Trung Minh từ lâu đã trở thành làng hoa xuân. Hoa được trồng trên ruộng nước, ven đất bãi, trước cửa nhà.

Tập trung lãnh đạo việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hoá Mo Mường

(HBĐT) - Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hoá Mo Mường trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 08- CT/TU ngày 20/01/2016 về vấn đề này. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ:

Chợ Tết Pà Cò

(HBĐT) - Chợ Pà Cò - chợ của đồng bào 2 xã người Mông thuộc huyện vùng cao Mai Châu. Khi Tết của người Mông chỉ còn tính từng ngày, chúng tôi háo hức chọn thời điểm diễn ra phiên chợ Tết để được sống trong không khí náo nhiệt và tìm đến nét văn hóa riêng có, độc đáo của bà con nơi đây.

Cao Phong - rộn ràng lời ca từ thôn, bản

(HBĐT) - Đã thành thông lệ, mỗi khi tết đến xuân về, khắp các thôn, xóm, KDC của huyện Cao Phong đâu đâu cũng thấy không khí sôi nổi, háo hức tập luyện chuẩn bị các tiết mục văn nghệ đặc sắc để biểu diễn phục vụ bà con nhân dân trong những ngày xuân mới. Ông Bùi Ngọc Thuận, Chủ nhiệm CLB văn hóa dân gian xóm Bưng 1, xã Thu Phong cho biết: CLB văn hóa dân gian được thành lập với mong muốn là nơi tập trung và có sân chơi để những người đam mê nhạc cụ dân tộc, ca hát các làn điệu dân ca Mường được cùng tập luyện, sáng tác và biểu diễn đến đông đảo người dân trong vùng.

Âm vang tiếng chiêng trong hội sắc bùa

(HBĐT) - Chiêng là một dạng nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của người Mường Hòa Bình. Chiêng Mường có phương thức trình tấu, trình diễn âm nhạc hết sức phong phú, đa dạng. Chiêng sử dụng gọi mẹ khi đứa trẻ khát sữa, trong lễ cưới hỏi, chiêng trong lễ hội, săn bắt thú rừng, lễ mừng nhà mới, chiêng sử dụng trong tế thần, tang lễ và trong hội sắc bùa đầu năm. Những ngày đầu xuân, chúng tôi đi sâu tìm hiểu cái hay, cái đẹp của chiêng Mường trong hội sắc bùa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục